Trong khi đó, nhiều kế toán phải kiêm nhiệm công việc cho 2 – 3 trường; thậm chí có trường phải bố trí giáo viên làm công việc tài chính dù không có chuyên môn.
Sơ sót do thiếu
Năm 2007, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Tả Ván (Quản Bạ, Hà Giang) được một biên chế kế toán chuyên trách. Nhưng nhân viên này phải làm kiêm nhiệm kế toán cho trường tiểu học trên cùng địa bàn. Thầy Hiệu trưởng Hoàng Văn Hiếu cho hay: Khu vực này, hầu hết 2 – 3 trường chung một kế toán. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến công tác quản lý nói chung và thực hiện các quyền lợi, nghĩa vụ về tài chính nói riêng.
Thầy Hiếu dẫn giải: Nếu mỗi trường có một kế toán chuyên trách thì các vấn đề liên quan đến tài vụ sẽ thuận lợi hơn nhiều, nhưng do kế toán phải kiêm nhiệm cho 2 trường nên đôi khi các kế hoạch bị chậm tiến độ. Điển hình như việc cấp bù miễn học phí cho học sinh đòi hỏi phải làm nhiều hồ sơ, thủ tục. Tuy nhiên, do kế toán phải “phân thân” nên các thủ tục, hồ sơ đôi khi phải xin gia hạn vì không kịp tiến độ. Hoặc một số khoản thu của nhà trường phải giao cho giáo viên chủ nhiệm. Sau đó, thống nhất một ngày để giáo viên nộp lại cho kế toán làm thủ tục theo quy định của Nhà nước.
“Đây chỉ là việc nhỏ và có thể khắc phục được. Quan trọng là công tác tham mưu lập kế hoạch hoặc dự toán (nếu có) sẽ gặp nhiều khó khăn” – thầy Hiếu phân trần, đồng thời cho biết: Phòng GD&ĐT và nhiều cơ sở giáo dục đề xuất UBND huyện bổ sung cho mỗi trường một kế toán chuyên trách nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Với tình hình này, đề xuất trên sẽ khó thành hiện thực, nhất là đang thực hiện sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế hưởng lương theo ngân sách Nhà nước.
Được thành lập từ năm 2016, Trường THPT Nậm Pồ (Điện Biên) từng có kế toán chuyên trách. Tuy nhiên, đến năm 2019, kế toán xin nghỉ nên từ đó đến nay nhà trường vẫn khuyết vị trí này. Theo thầy Hiệu trưởng Lương Đình Tuấn, kế toán của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT huyện Nậm Pồ (Điện Biên) đang kiêm nhiệm công tác tài chính, kế toán cho nhà trường; trong khi khoảng cách giữa hai trường hơn 4 km. “Cũng vì kế toán làm kiêm nhiệm nên đôi khi xảy ra chuyện nhầm lẫn hoặc sai sót nhỏ. Rất may được phát hiện và điều chỉnh kịp thời trước khi phát hành văn bản”, thầy Tuấn chia sẻ.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường THPT Nậm Pồ, hàng năm khi bước vào năm học, nhà trường tổ chức hội nghị viên chức. Dù đã dự kiến ngày tổ chức nhưng ít khi thực hiện đúng kế hoạch. Có nhiều lý do, trong đó có việc kế toán chưa kịp hoàn thiện các văn bản liên quan đến tài vụ. Hoặc đôi khi có những việc cần có kế toán ngay để tham mưu, giải quyết nhưng lại phải chờ họ di chuyển từ Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT huyện Nậm Pồ (Điện Biên) về nên để mất “thời gian vàng”. Ngoài ra, công tác tham mưu cũng sẽ bị hạn chế.
Có chủ tài khoản phải có kế toán
“Rất bất tiện khi nhà trường không có kế toán chuyên trách” – thầy Tuấn bày tỏ, đồng thời cho hay: Nhiều trường trên địa bàn huyện Nậm Pồ nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung cũng trong tình trạng thiếu nhân viên kế toán chuyên trách. Do đó, các trường gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng chắp vá ở ví trị này. Những trường không có kế toán chuyên trách thường bố trí giáo viên hoặc người khác tạm thời kiêm nhiệm công việc này dù không có chuyên môn.
Theo thầy Tuấn, đáng lẽ kế toán và nhân viên y tế là 2 vị trí không thể thiếu trong mỗi trường học. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, các trường không được bổ sung vị trí này. Do đó, Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT cần báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét và có ý kiến với các địa phương về việc chấp thuận đề nghị của các cơ sở giáo dục được tuyển dụng bổ sung kế toán chuyên trách.
Để giải quyết khó khăn trước mắt, thầy Tuấn đề xuất, có thể tạo điều kiện cho các trường kí hợp đồng nhân viên kế toán theo hình thức khoán việc phù hợp với công việc của nhà trường. Song về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ, phê duyệt biên chế vị trí việc làm và sớm tổ chức thi tuyển nhân viên kế toán cho trường học.
PGS.TS.NGƯT Ngô Thanh Hoàng – Trưởng ban Quản lý khoa học, phụ trách Bộ môn Kế toán công, Học viện Tài chính – trao đổi: Thông thường trường mầm non và trường phổ thông độc lập, không phụ thuộc đơn vị kinh tế nào là một đơn vị kế toán. Theo Luật Kế toán và Luật Ngân sách hiện hành, đơn vị kế toán cần có chủ tài khoản và bộ phận kế toán. Nếu trường nào chưa có thì khó cho quản lý tài chính kế toán, và chưa đảm bảo quy định của luật pháp.
Việc các trường không có kế toán chuyên trách dẫn đến quản lý các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động tài chính kế toán nói riêng khó đảm bảo hiệu quả, hiệu lực. Cần tuyển dụng đủ vị trí việc làm hoặc có thể thuê người làm kế toán từ các đơn vị cung cấp dịch vụ này. Việc tuyển dụng nhân viên kế toán cũng góp phần minh bạch hóa tài chính nhà trường, đảm bảo đủ điều kiện pháp lý để buộc hiệu trưởng thực hiện công khai minh bạch, đặc biệt là lĩnh vực tài chính.
PGS Hoàng cho rằng: Các cơ quan chức năng cần xem xét nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh, quy mô của nhà trường để bố trí số lượng, trình độ kế toán cho phù hợp. Việc thiếu kế toán hoặc 1 kế toán phải kiêm nhiệm cho nhiều trường sẽ không tránh khỏi những sai sót trong lĩnh vực tài chính. Vì thế, không phải tự dưng Luật Kế toán lại quy định, các đơn vị có chủ tài khoản thì phải có kế toán.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!