Không gia đình có thể được xem là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của văn hào người Pháp Hector Malot, được xuất bản năm 1878. Nó kể câu chuyện về chú bé Rémi không cha không mẹ (bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng.) Do số phận đưa đẩy, cậu phải lưu lạc tứ xứ, lăn lộn kiếm sống bằng nhiều nghề và đối mặt với không ít những biến động, tai họa. Có thể nói, cuộc đời Rémi thăng giáng liên tục như một biểu đồ hình sin. Mỗi khi tưởng rằng từ nay em có thể an lành khi tìm được một bến đỗ bình yên, nhưng sau đó tác giả lại khiến tôi nhận ra rằng đó chỉ là một điểm dừng chân, một sự tĩnh lặng trước cơn giông bão.
“Vậy ra tôi chỉ yêu thương và được yêu thương để rồi phải xa lìa một cách phũ phàng, những người tôi cứ muốn sống suốt đời bên cạnh. Không có cách gì để có thể đoàn tụ họ lại được sao?” – Rémi
Mua cuốn tiểu thuyết này cũng khá lâu nhưng tôi chưa đụng tới nó. Mãi cho đến những ngày cuối cùng của năm mới, khi người người nô nức về quê quây quần bên gia đình, tôi mới mang nó ra đọc một mình trong phòng trọ. Thử cường điệu hóa sự cô đơn mình lên chắc cũng chẳng thể sánh bằng sự cô đơn của nhân vật chính Rémi trong tiểu thuyết, khi chú sống thiếu vắng những người thân yêu máu mủ, không phải chỉ một vài ngày mà ròng rã nhiều năm tháng trời. Tình cảm bạn bè giang hồ, chí tình chí cốt thì có thể tìm thấy được trên quãng đường đời, nhưng tình cảm huyết thống gia đình sâu sắc và thiêng liêng thì không thể tìm đâu ra được. Đấy là chưa kể, Rémi còn rơi vào trong những hoàn cảnh cơ hàn cùng cực trong những tháng năm đầu đời. Câu hỏi đặt ra đó là nhân vật Rémi tội nghiệp ấy liệu có bị nghịch cảnh làm cho biến chất, vấy bẩn hay không?
Khi đọc Không gia đình, ngay từ những trang đầu tiên, tôi đã thấy buồn. Buồn vì phải chứng kiến một đứa trẻ ngã vào đoạn trường gian truân khi còn quá nhỏ. Tuổi em là tuổi của hồn nhiên vui đùa, của những ngọt lành ngây dại cần chở che nâng đỡ. Nhưng dòng chảy khắc nghiệt của cuộc đời đã buộc Rémi phải gạt bỏ tất cả những điều đó sang một bên để bước tới sự tôi luyện bỏng rát dành cho một người trưởng thành. Tự chăm sóc lấy bản thân, tự bảo vệ chính mình trước những rình rập hiểm nguy của thế giới, tự kiếm kế sinh nhai nuôi sống xác thân và bầu bạn với nỗi cô đơn. Chú bé Rémi đã ở trong một hoàn cảnh thiếu thốn nặng nề cả về vật chất lẫn tinh thần. Tính mạng của chú thì chỉ chực đứt phăng khỏi sợi chỉ gắn với cuộc đời.
Một đời sống bấp bênh nay đây mai đó không phải dành cho tất cả mọi người. Hầu như ai cũng ưa thích sự an toàn, ổn định, cầu cho mình tìm được một ốc đảo bình yên mà nương tựa. Nhưng Rémi chỉ là một cậu bé. Ngoài sự ngây thơ và lòng nhân hậu thì em chẳng còn gì khác. Kinh nghiệm sống dường như bằng con số 0.
Lúc đầu, tôi có nghĩ rằng tác giả hơi “quá đáng” khi sắp xếp những nghịch cảnh cỡ lớn cho một nhân vật nhỏ tuổi. Vì với chấn động tiêu cực về tâm lý ở tuổi thơ có thể đeo bám và hủy hoại cả một đời người nếu như những dịu êm và ngọt lành không đủ để cân bằng lại. Đôi lúc tưởng tượng ra cảnh Rémi chết thảm ở đâu đó là tôi lại rùng mình. Nhưng khi nhớ ra là chú bé vẫn đang kể chuyện chứng tỏ là em còn sống sót nên tôi lại đọc tiếp… trong hồi hộp.
Có lẽ việc tạo ra môi trường khắc nghiệt, cực đoan như vậy là cơ hội cho tình người được nảy nở. Những lọc lừa, toan tính có thể vẫn ở đó nhưng không có nghĩa nó có thể lấn át được những yêu thương và niềm tin của con người. Rémi sống sót và băng qua những nẻo đường đời không chỉ nhờ vào ý chí và nghị lực sống phi thường của chính mình mà còn nhờ vào những tấm lòng thảo hiền, tinh thần tương thân tương ái của người khác. Cuốn tiểu thuyết mang đậm tính nhân văn, giáo dục cả trẻ em và người lớn về việc sống với nhau như thế nào mới xứng đáng là một con người.
Chưa dừng lại ở đó, cuốn sách còn xây dựng hình ảnh cậu bé Rémi như một tấm gương sáng cho các bạn nhỏ về khả năng sống tự lập. Chính sự “không gia đình” của Rémi là cơ hội cho cậu được học cách tự đứng trên đôi chân của mình và tránh khỏi trường hợp bị gia đình bao bọc, nuông chiều quá mức thành ra yếu ớt, dựa dẫm và hư hỏng. Tất nhiên, đổi lại cho sự trưởng thành đó là cái giá không hề nhỏ – Rémi phải chịu đựng sự cô đơn, buồn tủi hoặc phải đối mặt với khả năng trở thành một con người gỗ đá, chai lỳ, đóng băng cảm xúc.
Lúc đầu tôi chê trách tác giả Hector Malot là để cho một chú bé va vấp trường đời quá sớm, nhưng sau đó tôi lại thầm cảm ơn ông vì đã giữ vẹn nguyên nét hiền hậu, giản dị của Rémi bất chấp những hỗn mang vây bủa. Cách kể chuyện của Rémi (nhân vật “tôi”) khi nói về quãng đường gian truân của mình rất mộc mạc. Một đôi chỗ kể lể diễn đạt dài dòng, thừa thãi khiến tôi thấy không ưng ý lắm. Nhưng ngẫm lại đây là câu chuyện được nhìn qua con mắt của một chú bé thôn quê nên văn phong như vậy là hoàn toàn hợp lý.
Xuyên suốt tác phẩm, không ít những suy ngẫm hay lời thoại triết lý, đúc kết kinh nghiệm sống được thể hiện. Người ta không chỉ được chứng kiến câu chuyện phiêu lưu kỳ thú của một cậu nhóc, mà còn được học những bài học quý giá từ đó. Ví dụ đơn giản như cách nuôi dạy thú cưng hay cách ghi nhớ một câu chuyện bằng hình ảnh.
“Má sinh ra ở Chavanon thì má lại chết ở đấy thôi. Trí óc của má không hề vượt ra quá tầm con mắt của má. Và đối với con mắt của má thì vũ trụ nằm gọn trong cái vành chân trời trông từ trên chóp núi Aodouze.” – Rémi
Chưa dừng lại ở đó, Không gia đình còn truyền đạt một thông điệp rất quan trọng trong sự phát triển của một con người, đó là sự cân bằng giữa giá trị của vật chất và tinh thần. Sự thiếu hụt về một trong hai khía cạnh trên đều khiến con người có thể rơi vào lối sống lệch lạc, biến chất. Khát tiền, đói ăn thì dễ sinh thói ích kỷ tham lam, mưu mô trục lợi, trộm cắp, bán đứng tình thân. Còn khi thiếu tình yêu thương thì dễ sinh ra đau khổ, khắc nghiệt, bạo tàn. Tiền bạc, xác thân giúp chúng ta tồn tại. Còn tình yêu mới giúp chúng ta thật sự sống.
Có một điều đáng chú ý trong cuốn sách này đó là bên cạnh việc đề cao các giá trị tinh thần như lòng nhân ái, sự chăm chỉ, kiên cường, niềm tin và đức kiêm nhường, nó còn tỏ rõ tầm quan trọng của nghệ thuật (sự sáng tạo nghệ thuật) trong việc nâng đỡ tâm hồn con người. Những bài hát, những khúc nhạc, những tiết mục biểu diễn của Rémi cùng ông cụ Vitalis hay những người bạn Mattia, Authur, Lise được miêu tả rất sinh động và trải đều xuyên suốt cuốn tiểu thuyết. Không chỉ tình yêu, mà nghệ thuật là thứ gắn kết con người với nhau và mang lại những phép màu (làm thay biến đổi số phận của một kẻ từ u ám sang những trang vàng tươi sáng.) Chính âm nhạc là một trong những vị cứu tinh giúp cậu bé Rémi vượt lên khỏi những bi lụy để lấy lại sự lạc quan giữa cuộc đời.
Cuốn tiểu thuyết hơn 600 trang này có bố cục được sắp xếp rất khéo léo, vừa kích thích sự tò mò vừa gây bất ngờ, tưởng là dễ đoán được kết cục nhưng không hề. Cùng với sự miêu tả phong phú, đa dạng những địa danh và con người, Không gia đình còn giúp người đọc mở mang tầm mắt và học hỏi được vốn từ vựng phong phú.
Cuối năm 2018, bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết kinh điển này đã được phát hành. Tuy nhiên, ai đã đọc sách rồi mà đi xem phim thì có thể sẽ bị hẫng hụt bởi sự giản lược và biến tấu trong nội dung. Dù sao đây cũng là điều khó có thể tránh khỏi từ xưa đến nay với đa số các tác phẩm điện ảnh được chuyển thể.
8.5/10 là điểm dành cho Không gia đình.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!