Có nên hợp pháp hóa quyền an tử hay không

Những năm gần đây, quyền con người luôn là quyền cơ bản không chỉ được chú trọng tại hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới mà còn ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.Quyền con người được pháp luật bảo vệ bao gồm: quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Ở Việt Nam, công dân được tự do làm những điều mà pháp luật không cấm; tuy nhiên, quyền được chọn một cái chết không đau đớn cho những bệnh nhân ung thư là vấn đề đang rất bỏ ngỏ trong xã hội hiện nay. Mặc dù đã từng được đề cập trong dự thảo Luật nhưng vấn đề này cho đến nay vẫn vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Nên chấp nhận những bệnh nhân bị bệnh nan y được quyền chọn cái chết không đau đớn?

Quan điểm thứ nhất cho rằng “nên chấp nhận những bệnh nhân bị bệnh nan y được quyền chọn cái chết không đau đớn”. Bởi lẽ, công dân có quyền được mưu cầu hạnh phúc mà con người chỉ hạnh phúc khi được sống như một người bình thường. Đằng này những bệnh nhân bị bệnh nan y hằng ngày phải chịu những cơn đau về thể xác do bệnh tật mang lại và rất đau đớn khi phải trải qua nhiều đợt xạ trị, hóa trị; họ cảm thấy mình đang là gánh nặng cho gia đình, họ bị trầm cảm vì phải chứng kiến bản thân mình dần xấu đi bởi căn bệnh quái ác, họ bất lực trước cuộc sống. Vì vậy, họ chọn cái chết không đau đớn để giải thoát cho bản thân và gia đình.

Nhiều trường hợp lợi dụng việc hợp pháp hóa quyền được chết để buôn bán nội tạng bất hợp pháp hoặc để trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ của mình

Quan điểm thứ hai không phủ nhận những tổn thương về thể xác và tinh thần mà căn bệnh nan y mang lại cho người bệnh nhưng cũng không chấp nhận quyền chọn cái chết không đau đớn. Bởi lẽ, mỗi người sinh ra đều là sự kì diệu của tạo hóa, nếu họ chết đi thì những người thân của họ sẽ rất đau khổ, đặc biệt là đấng sinh thành của họ. Bên cạnh đó, sẽ có một số cá nhân lợi dụng nó để thực hiện hành vi trái pháp luật; trên thế giới đã có không ít trường hợp lợi dụng việc hợp pháp hóa quyền được chết để buôn bán nội tạng bất hợp pháp hoặc để trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Do vậy, để xác định đâu là ý chí tự nguyện của họ là vấn đề nan giải; bên cạnh đó, người thực hiện việc tiêm thuốc có khả năng cao sẽ bị ám ảnh về sau.

Mỗi người chỉ có một cuộc đời và khao khát được sống luôn là mong muốn mãnh liệt nhất với bất kỳ ai. Tuy nhiên, nếu sống mà mỗi ngày phải vật vả, đau đớn bởi bệnh tật thì một số người sẽ nghĩ đến cái chết. Đứng ở mỗi góc độ khác nhau sẽ có những luồng ý kiến khác nhau về quyết định liên quan trực tiếp đến mạng sống của mình. Tuy vậy, những bệnh nhân bị bệnh nan y hoàn toàn có thể trông đợi vào những “phép màu” mà cuộc sống sẽ mang lại với trình độ y tế của nước ta hiện nay và với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trong tương lai không xa.

Thay vì nghĩ đến cái chết khi bế tắc, những bệnh nhân bị bệnh nan y có thể tìm đến bạn bè và người thân để tìm động lực sống tiếp. Tình cảm yêu thương sẽ trở thành sức mạnh giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn và tìm được quyết định đúng đắn nhất.