Xóa bỏ tục chèo đò đám ma

Tham gia diễn xướng “chèo đò” có nhân vật ông lái đò (ông sãi), phường bát âm phụ họa đàn nhạc, hát đế, nói đế. Ông sãi thường hóa trang đầu râu, tóc bạc, mặc quần áo màu đỏ, nẹp áo viền vàng; có nơi chít khăn, quần nửa trắng, nửa đen, mặt mũi vẽ như hề chèo. Đạo cụ là một mái chèo ngắn, được cắt làm đôi rồi ráp lại bằng bản lề và chốt để diễn cảnh mái chèo bị gãy. Đặc biệt là không thể thiếu cái mâm hay cái thuyền nhỏ để đựng tiền của người xem chèo đò.

Giáo đầu màn chèo đò, ông sãi ra hát xưng danh, giao lưu với những người dự tang lễ. Tiếp theo, bằng những điệu hát văn, hát chèo, câu nói, động tác hài hước, ông sãi gọi người thân trong gia đình ra giúp “cụ vong” (người chết) chuẩn bị hành trang “đi Tây Trúc”. Lần lượt các con, cháu, chắt, họ hàng gần xa…, người “lo” chăn, chiếu, người “sắm” giày, mũ, quần áo, thậm chí cả ti-vi, tủ lạnh, điện thoại… rồi hàng xóm láng giềng đến “chào”… Dùng dằng, bịn rịn, giận dỗi cả tiếng đồng hồ, “cụ vong” mới lên được đò để rời bến. Đi được một đoạn thì “cụ vong” lại muốn thăm các danh lam, thắng cảnh Đền Hùng, Tam Thanh, Chùa Hương, Thủ đô Hà Nội, có khi vào tận miền Nam… Mỗi nơi “cụ vong” ghé thăm thì con cháu lại “biếu” tiền mua vé tham quan, hương hoa, dầu đèn. Nếu thấy ít người bỏ tiền vào mâm, ông sãi lại diễn cảnh đò gặp sóng to, gió lớn, gãy mái chèo hoặc mắc cạn, hô hào con cháu, bà con ra “cứu hộ”…

Ảnh IT

Cứ thế, ông sãi và phường bát âm, kẻ tung người hứng, tạo sự hoạt náo khiến người xem và con cháu người chết nhiều lúc cũng phải phì cười. Sau khoảng 2 giờ, hoặc thấy không còn ai bỏ tiền nữa, ông sãi gọi con cháu “cụ vong” ra thắp hương, “mừng” cụ đến Tây Trúc an toàn. Hai tay cầm thẻ hương, ông sãi quỳ trước hương án, hát mấy câu kết rồi bưng mâm tiền đầy hụ ra dồn vào tay đẫy…

Không biết mỗi đám tang, phường bát âm thu được bao nhiêu, nhưng ngoài khoản thuê trọn gói mỗi đám 2 – 3 triệu đồng, thì tiền “thướng” (người đến viếng “thưởng” cho thợ kèn) và tiền thu từ màn chèo đò là không hề nhỏ. Tuy phần lớn chỉ là tiền lẻ 1, 2, 5 nghìn đồng, nhưng cũng không ít tờ 10, 20 nghìn đồng, thành ra số tiền “phụ thu” có khi còn lớn hơn số tiền hợp đồng nhạc hiếu trọn gói.

Nhiều người dân đi xem chèo đò đám ma phàn nàn, cánh thợ kèn vòi tiền công khai, lộ liễu quá. Có ông đến giúp nấu nướng cho nhà đám, khi bị ông sãi gọi ra bỏ tiền bực mình nói: “Bọn này dã man thật, gọi không sót một ai, đến mấy thằng “nhọ đít” cũng không tha”. Có vị là con người quá cố thì phàn nàn: “Họ hàng, khách khứa ở xa về, chẳng lẽ lại để họ bỏ tiền túi ra cho thợ kèn. Cứ đưa mỗi người mấy chục mà đổi hơn 500 nghìn đồng tiền lẻ cũng hết sạch”.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều người lại cho rằng “Trẻ làm ma, già làm hội”, lấy việc này làm thước đo “đẳng cấp” của nhà mình. “Gà tức nhau tiếng gáy”, nhà khác lại bảo “nhà ấy còn làm được, chẳng lẽ nhà mình lại thua”. Có cụ 70, 80 tuổi cứ ao ước, khi nằm xuống được con cháu tổ chức hát chèo đò… Còn cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương thì thừa nhận, việc chèo đò thu tiền trong đám tang là một biến tướng, một hủ tục cần xóa bỏ. Tuy nhiên, đến nay nó vẫn tồn tại một cách công khai, có nơi còn coi đó là một nét văn hóa truyền thống (!?)

Thiết nghĩ, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, làng văn hóa, thực hiện việc tang văn minh tiết kiệm, các địa phương cần tuyên truyền, vận động Nhân dân và có biện pháp xóa bỏ tập tục này. Đặc biệt, các cấp Hội Người cao tuổi cần đi tiên phong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đưa việc bãi bỏ tục chèo đò đám ma vào các hương ước, quy ước về nếp sống văn hóa ở địa phương, đồng thời tích cực vận động hội viên gương mẫu thực hiện.