Định Cục Tính và an Vòng Tràng Sinh trong Tử Vi

Trong Tử Vi, để lập cục ta tìm vị trí cung Mệnh và Thiên Can năm sinh để xác định một lá số thuộc về Cục gì ví dụ tuổi Bính mệnh lập tại Dậu là Hoả Lục Cục, từ Cục thì mới xác định được vị trí sao Tử Vi mà lập thành 2 vòng Âm Dương Lưỡng Diệu.

Có năm loại Cục là Thủy Nhị Cục, Mộc Tam Cục, Kim Tứ Cục, Thổ Ngũ Cục và Hoả Lục Cục. Tuy nhiện, ngũ hành này vẫn chưa nói lên thuộc tính của nó là dương hay âm, mà vật thì luôn mang tính âm dương, vậy tại sao Ngũ Hành của Cục từ trước đến nay trong các sách Tử Vi vẫn chưa định tính Âm Dương cho Cục mà chỉ căn cứ vào Âm Dương của Mênh như Âm Nam Dương Nữ hay Dương Nam Âm Nữ để tính Thuận Lý hay Nghịch Lý và an vòng Tràng Sinh, trong khi đó Mệnh là Mệnh mà Cục là Cục làm sao gán ghép được.

Trong một lá số thường tương quan mệnh cục chỉ được ghi đơn giản là Mệnh sinh Cục, Cục khắc Mệnh hay Mệnh Cục bình hoà.

Cục về bản chất là ngũ hành của cung mệnh trong Tử Vi, vì vậy người xưa nói Cục là Môi Trường của Mệnh.

Về phương diện khoa học thì Cục chính là ngũ hành nạp âm của tháng trong năm mà cung Mệnh đặt tại đó (1).

Năm có 60 hoa giáp từ Giáp Tí đến Quý Hợi chia ra thành 30 dạng Ngũ Hành Nạp Âm, mỗi dạng Ngũ Hành Nạp Âm chia ra làm âm và dương.

Ví dụ: Giáp Tí, Ất Sữu có Ngũ Hành Nạp Âm là Hải Trung Kim, và Giáp Tí thuộc Dương còn Ất Sửu thuộc Âm.

Tương quan điểm số (1) sẽ được minh hoạ bằng ví dụ sau đây:

Tuổi Bính (Dương nam) cung Mệnh ở Thân có cục là: Hỏa Lục Cục.

Bằng phép tính Ngũ Hộ Độn ta biết rằng năm Bính thì tháng giêng là Canh Dần, tháng 02 Tân Mão, tháng 03 Nhâm Thìn…đến tháng 07 là Bính Thân, tháng 08 là Đinh Dậu….

Tra lại Ngũ Hành Nạp Âm của Bính Thân và Đinh Dậu ta thấy cả hai đều là Sơn Hạ Hoả mà Bính Thân là dương còn Đinh Dậu là Âm.

Các bạn có thể làm ví dụ tương tự để kiểm tra Ngũ Hành cục của mình.

Qua ví dụ trên ta thấy một Cục cho ta biết đến ít nhất 02 yếu tố: Ngũ Hành và Âm Dương, mà trong Tử Vi hiện nay chỉ sử dụng Ngũ Hành của Cục mà chưa dùng đến yếu tố Âm Dương. Trong khi đó cả Âm Dương và Ngũ Hành đều quan trọng như nhau và thiết yếu như nhau trong Tử Vi.

Định Tính Cho Cục

Như vậy, một Cục để bao gồm 04 yếu tố: Âm Dương, Ngũ Hành, Tính Chất Ngũ Hành và Độ Số

Ví dụ: Tuổi Bính Hoả Lục Cục mệnh tại Dậu thì:

1-Âm Dương: Căn cứ vào địa chi cung Mệnh mà xác định được Cục đó là Âm hay Dương. Ví dụ: Tuổi Bính mệnh lập tại Dậu là Cục Dương.

2-Ngũ Hành: Thuộc Hoả

3-Tính Chất Ngũ Hành: Sơn Hạ Hoả là Lửa dưới núi

4-Độ Số: Hỏa Lục Cục nên có độ số là 06

Phân Loại Cục Theo Âm Dương và Ngũ Hành Nạp Âm của Cục

1-Dương Thủy Nhị Cục

2-Âm Thủy Nhị Cục

3-Dương Mộc Tam Cục

4-Âm Mộc Tam Cục

5-Dương Kim Tứ Cục

6-Âm Kim Tứ Cục

7-Dương Thổ Ngũ Cục

8-Âm Thổ Ngũ Cục

9-Dương Hỏa Lục Cục

10-Âm Hoả Lục Cục

Tính Cục Nhanh Theo Tháng Cung Mệnh

Qua ví dụ trên, ta thấy rằng bản chất của Cục chỉ là Ngũ Hành Nạp Âm của tháng mà cung Mệnh đặt tại đó trong năm ta sinh ra. Cho nên, ta chỉ cần tính ra tháng trong năm mà cung Mệnh ta đặt tại đó có Ngũ Hành Nạp Âm là gì, vậy là xong, chẳng cần phải nhớ dài dòng bài ca quyết “Tòng Thiên Can Tầm Cục Ca” (Hiện nay cũng ít người biết chữ Hán, nên bài ca quyết này cũng không dùng được bao nhiêu) là:

Giáp Kỷ giang đăng giá bích ngân

Ất Canh yên cảnh tích mai tân

Bính Tân đề liễu ba ngân trúc

Đinh Nhâm mai tiễn chước hải trần….

Theo cách tính xưa thì đòi hỏi người nghiên cứu Tử Vi phải biết chữ Hán, còn theo cách nhanh sau đây thì chúng ta chỉ cần biết Ngũ Hành Nạp Âm của cung Mệnh theo tháng sinh là có thể tính ra được Cục rồi.

Ví dụ, tuổi Mậu Tuất sinh ngày 01 tháng 04 âm lịch giờ Ngọ.

Tính nhanh:

-Từ cung tháng sinh tính thuận theo giờ sinh đến cung nào ngưng tại cung đó, cung đó là cung Mệnh. Sinh tháng 04 là tháng Tỵ, từ cung Tỵ tính là giờ Tí thuận đến giờ sinh Ngọ là cung Hợi. Như vậy cung Mệnh là cung Hợi.

-Tính ra tháng Hợi năm Mậu Tuất có Thiên Can là gì (Tham khảo bài viết của Caytre: Kiến Thức Căn Bản Các Khoa Phương Đông: Tính Can Chi Tháng Giờ, Tiết Khí, cũng nằm trong mục này). Năm Mậu thì tháng giêng là Giáp Dần tính dần dần đến tháng Hợi là Quý Hợi.

-Quý Hợi có Ngũ Hành Nạp Âm là Đại Hải Thủy, như vậy cung Mệnh là Đại Hải Thủy. Cho nên, Cục của lá số Mậu Tuất này sẽ là Thủy Nhị Cục.

-Cả Nhâm Tuất và Quý Hợi đều là Đại Hải Thủy, mà Quý Hợi là Âm cho nên Thủy Nhị Cục này là Âm Thủy Nhị Cục có độ số là 02.

Như vậy không cần nhớ bài ca quyết xưa, chúng ta cũng có thể tính ra Cục bằng cách thức đơn giản hơn.

An Vòng Tràng Sinh theo Âm Dương của Cục

Vì Tử Vi xưa nay không xác định tính Âm Dương cho Cục nên khi tính vòng Tràng Sinh (Caytre theo cách khởi vòng Tràng Sinh tại Tứ Sinh thuận nghịch theo âm dương), tiền nhân xưa sử dụng tuổi của đương số để khởi thuận hay nghịch vòng Tràng Sinh, ví dụ nếu Hoả Lục Cục tuổi Dương Nam Âm Nữ thì khởi Tràng Sinh theo chiều Thuận, còn tuổi Âm Nam Dương Nữ thì khởi Tràng Sinh theo chiều Nghịch.

Điểm bất hợp lý ở đây là đã dựa vào ngũ hành của Cục để xác định sẽ khởi vòng Tràng Sinh tại đâu? Dần, Thân, Tỵ hay Hợi? Mà cũng phải dựa vào Âm Dương của Cục để xác định vòng Tràng Sinh đó khởi Thuận hay Nghịch. Chứ tại sao lại mang Tuổi Âm hay Dương vào đó để xác định chiều của vòng Tràng Sinh, vì sẽ thiếu điều kiện về tính nhất quán của khoa học trong khi tính Âm Dương của Cục đã có sẳng rồi.

Cho nên Caytre đề nghị chúng ta cùng suy ngẫm về điều đó, trong khi chờ một đáp án chung, Caytre phác thảo lại việc khởi vòng Tràng Sinh theo Âm Dương và Ngũ Hành của Cục, bằng phương pháp phân tích tỉ giảo.

Khởi Vòng Tràng Sinh theo Ngũ Hành Cục và Âm Dương của Tuổi (Cách truyền thống)

Cách của Thái Thứ Lang (Tử Vi Đẩu Số Tân Biên)

-Kim Tứ Cục an Tràng Sinh tại cung Tỵ

-Mộc Tam Cục an Tràng Sinh tại cung Hợi

-Hoả Lục Cục an Tràng Sinh tại cung Dần

-Thủy Nhị Cục và Thổ Ngũ Cục an Tràng Sinh tại cung Thân

Sau khi an sao Tràng Sinh xong thì Dương Nam-Âm Nữ theo chiều Thuận, Âm Nam Dương Nữ theo chiều Nghịch mà an lần luợt 11 sao còn lại của vòng Tràng Sinh.

Cách của Hà Lạc Dã Phu (Tử Vi Áo Bí)

-Dương Nam Âm Nữ, Mộc Tam Cục an Tràng Sinh tại Hợi cung Thuận khởi

-Dương Nam Âm Nữ, Kim Tứ Cục an Tràng Sinh tại Tỵ cung Thuận khởi

-Dương Nam Âm Nữ, Hỏa Lục Cục an Tràng Sinh tại Dần cung Thuận khởi

-Dương Nam Âm Nữ, Thủy Nhị Cục và Thổ Ngũ Cục an Tràng Sinh tại Thân cung Thuận khởi

-Âm Nam Dương Nữ, Mộc Tam Cục an Tràng Sinh tại Mão cung, nghịch khởi.

-Âm Nam Dương Nữ, Kim Tứ Cục an Tràng Sinh tại Dậu cung, nghịch khởi.

-Âm Nam Dương Nữ, Hỏa Lục Cục an Tràng Sinh tại Ngọ cung, nghịch khởi.

-Âm Nam Dương Nữ, Thủy Nhị Cục và Thổ Ngũ Cục an Tràng Sinh tại Tý cung, nghịch khởi.

So Sánh Hai Cách Trên

-Cụ Thái Thứ Lang xem trọng vai trò của Cục hơn nên cụ đã trình bày thứ tự an Vòng Tràng Sinh theo cách đặt Ngũ Hành Cục trước rồi mới trình bày đến Âm Dương Tính. Cụ lấy sao Tràng Sinh để kiểm điểm vòng Tràng Sinh.

-Cụ Hà Lạc Dã Phu ngay từ đầu đã xác định Âm Dương Tính cho một vòng Tràng Sinh, cho nên cụ phân chia ra hai cách khởi vòng Tràng Sinh tại Tứ Sinh hay Tứ Chính tùy theo tuổi Âm Dương theo nguyên lý Dương Tử Âm Sinh. Cụ dùng sao Mộ để kiểm điểm vòng Tràng Sinh.

-Cách của cụ Thái Thứ Lang có khoa học hơn của cụ Hà Lạc vì cụ đặt ngay trọng tâm của vòng Tràng Sinh là dựa vào Cục. Cụ cũng thận trọng hơn khi xét Âm Dương tính sau Ngũ Hành Tính.

-Cách của cụ Hà Lạc dựa vào Âm Dương tính và nguyên lý “Âm Tử Dương Sinh, Dương Tử Âm Sinh” để khởi vòng Tràng Sinh và cho ra hệ quả đương nhiên là phải khởi vòng Tràng Sinh từ Tứ Sinh hoặc Tứ Chính. Nguyên lý này sử dụng rộng rải để tính vòng Tràng Sinh của Thiên Can, nhưng hành Thổ phải đi chung với hành Hỏa chứ không phải hành Thủy. Trong khi đó Cục là Hậu Thiên chứ không phải Tiên Thiên, ở thể Tiên Thiên thì Ngũ Hành đang sinh nên Hỏa sinh ra Thổ, ở thể Hậu Thiên thì Ngũ Hành đã thành hình hài nên Thủy Thổ lẫn vào nhau lấy sự tương khắc mà tiến hoá (Nước chứa trong đất và đất chứa trong nước). Ngũ hành Cục là Ngũ Hành Nạp Âm, có đủ cha mẹ (Can Chi) nên là thể Hậu Thiên.

-Hai cách xác định trên đều dựa vào Tuổi mà Khởi Thuận hay Nghịch, nhưng cách của cụ Thái Thứ Lang thận trọng đặt vai trò của Cục lên đầu gợi ý cho hậu thế suy nghĩ thêm. Nhưng vẫn chưa chứng minh được tính nhất quán về Âm Dương và Ngũ Hành của vòng Tràng Sinh. Theo cách đó thì vòng Tràng Sinh sẽ có Ngũ Hành theo Cục và có Âm Dương theo tuổi, và như vậy là thiếu nhất quán.

Khởi Vòng Tràng Sinh theo Âm Dương Ngũ Hành của Cục (Đề nghị của Caytre)

-Căn cứ vào Ngũ Hành Cục để xác định điểm khởi vòng Tràng Sinh là Dần Thân Tỵ Hợi giống cụ Thái Thứ Lang.

-Mỗi Cục sẽ phân định rõ Âm Dương Tính căn cứ vào Âm Dương của cung Mệnh, sẽ có: Dương Thủy Nhị Cục, Âm Thủy Nhị Cục, Dương Mộc Tam Cục, Âm Mộc Tam Cục, Dương Kim Tứ Cục, Âm Kim Tứ Cục, Dương Thổ Ngũ Cục, Âm Thổ Ngũ Cục, Dương Hoả Lục Cục, Âm Hoả Lục Cục. Dựa vào Âm Dương Tính này mà khởi vòng Tràng Sinh Thuận hay Nghịch. Như vậy ta sẽ có cách an vòng Tràng Sinh như sau:

-Dương Mộc Tam Cục an Tràng Sinh tại Hợi thuận khởi

-Âm Mộc Tam Cục an Tràng Sinh tại Hợi nghịch khởi

-Dương Kim Tứ Cục an Tràng Sinh tại Tỵ thuận khởi

-Âm Kim Tứ Cục an Tràng Sinh tại Tỵ nghịch khởi

-Dương Hoả Lục Cục an Tràng Sinh tại Dần thuận khởi

-Âm Hoả Lục Cục an Tràng Sinh tại Dần nghịch khởi

-Dương Thủy Nhị Cục và Dương Thổ Ngũ Cục an Tràng Sinh tại Thân thuận khởi

-Âm Thủy Nhị Cục và Âm Thổ Ngũ Cục an Tràng Sinh tại Thân nghịch khởi

Tài Liệu Tham Khảo:

1-Hà Lạc Dã Phu Việt Viêm Tử (1972), Tử Vi Áo Bí Biện Chứng Học, Thống Nhất Tổng Phát Hành, Sài Gòn.

2- Vân Đằng Thái Thứ Lang (1956), Tử Vi Đẩu Số Tân Biên, Tín Đức Thư Xã, Sài Gòn.

(Dẫn theo blog Trần Nhật Thành)