Thông tin tổng quan về cây Lan Trúc Ngọc và cách chăm sóc

Lan Trúc ngọc là loài lan đa thân thuộc chi lan Hoàng Thảo, chúng sống phụ sinh trên vách đá nên thường gọi là Thạch Lan. Là loài cây dễ trồng, sinh trưởng nhanh và có tính thẩm mỹ cao, thích hợp với mọi không gian diện tích, có thể dùng để lai tạo với nhiều loài lan khác.

I. Giới thiệu về cây Lan Trúc Ngọc

  • Tên thường gọi: Cây lan Trúc ngọc
  • Tên gọi khác: Hoàng Thảo Trúc Ngọc, Lan Sekikoku
  • Tên khoa học: Dendrobium moniliforme.
  • Họ thực vật: Họ Phong lan (Orchidaceae)
  • Nơi sống: Cây lan trúc ngọc thường sống phụ sinh trên đá ẩm mát hoặc trên thân cây.
  • Nguồn gốc, xuất xứ: Châu Á
  • Tuổi thọ: Sống lâu năm
  • Phân bố: Cây mọc nhiều trong các cánh rừng lá rộng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước khu vực Đông Nam Á ở độ cao từ 1000 – 1500m so với mực nước biển. Tại Việt Nam chúng mọc nhiều ở Lào Cai (Sa Pa), Nghệ An, Hòa Bình..

II. Đặc điểm của cây Lan Trúc Ngọc

  • Hình dáng bên ngoài: Lan Trúc Ngọc là loài lan đa thân mọc thành khóm to, dày đặc thân cây chỉ bé bằng ngón tay út của người trưởng thành hoặc to hơn một chút nếu chăm sóc tốt. Trên thân phân chia thành nhiều đốt như đốt tre màu xanh lục hoặc trắng xám. Các đốt thân cây dài tầm 6- 10cm.
  • Kích thước: Thân cao trung bình từ 30-50cm hoặc cao hơn, chiều dài mỗi đốt thân từ 5-10cm.
  • Lá: Lá của cây lan trúc ngọc hình mũi mác nhọn màu xanh bóng, chiều dài từ 5-7cm, bề rộng lá chỉ khoảng 1-2cm.
  • Hoa: Hoa lan trúc ngọc mọc thành từng chùm, mỗi chùm có từ 2- 5 bông màu trắng. Có một số loài hoa cũng có màu trắng tinh khiết nhưng có một chấm đen nhỏ ở cựa. Khi nở tỏa mùi hương rất thơm, thường ra hoa vào tháng 5-6, độ bền của hoa cũng khá lâu gần 1 tháng.

III. Tác dụng của cây Lan Trúc Ngọc

Cây lan Trúc ngọc có hình dáng thân mảnh khảnh, hoa trắng tinh khiết rất thích hợp để trang trí nội thất. Nhất là những nơi có không gian nhỏ hẹp, ẩm thấp, tối tăm để giúp căn phòng thêm sáng sủa và tươi mới hơn.

Ngoài ra, có thể trang trí ngoại thất nhà ở như tiền sảnh, hành lang, ban công hoặc trang trí tiểu cảnh sân vườn cũng rất hợp lý, dễ phối màu với các loài hoa khác.

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Lan Trúc Ngọc

1. Cách trồng cây

Nếu là loài chuẩn Lan rừng Trúc Ngọc thường rất khó thuần bởi cây ưa sống ở môi trường mát mẻ. Nên khi đến môi trường sống mới có điều kiện ngoại cảnh khác biệt thì sự sinh trưởng của nó cũng khác hơn so với môi trường tự nhiên của nó.

Những người trồng lan có kinh nghiệm thường có cách riêng để tập cho cây thích nghi tốt với môi trường mới. Sau đây là những chia sẻ về cách trồng và chăm sóc để có một chậu lan đẹp như ý.

  • Chọn giống và cách ươm

Chọn những khóm lan trúc ngọc khỏe mạnh, thân mập mạp, lá còn xanh tốt, không sâu bệnh để ươm giống. Dùng kéo cắt tỉa cắt tận gốc những thân cây được chọn làm giống, rồi cắt thành từng đoạn sao cho mỗi đoạn có từ 1 – 3 đốt, chỉ lấy phần gốc thân, đoạn ngọn thường non rễ ra kém.

Có thể dùng giỏ, chậu để ươm, đặt nằm mầm cây để rễ ra từ các đốt thân đó. Khi ươm phải ngâm thuốc khử trùng rồi để ráo sau đó nhúng qua một lần thuốc kích rễ rồi mới ươm.

Hoặc cũng có thể cắt tận gốc và rễ của cây bánh tẻ rồi cắt đi ½ thân rồi ươm thẳng đứng thân.

  • Giá thể trồng lan Trúc ngọc

Lan Trúc ngọc cũng được trồng bằng các loại giá thể giống như các loại lan khác như: vỏ thông, gỗ, lũa, dớn, xơ dừa chặt miếng và không thể thiếu xốp nhẹ. Tất cả phải được xử lý bằng chất khử khuẩn rồi mới ươm hoặc trồng.

  • Cách trồng lan trúc ngọc

Sau khi cây giống ươm đã khỏe mạnh, đủ thời gian cũng như chuẩn bị đầy đủ giá thể ta tiến hành trồng luôn. Để cây lan trúc ngọc sinh trưởng tốt và ra hoa đẹp, người trồng lan cũng cần phải tuân theo một số nguyên tắc trồng cơ bản như sau:

Xử lý giống cây lần nữa bằng cách xịt thuốc nấm có tác dụng sát khuẩn rồi để khô ráo 20 – 30 phút mới trồng.

Cắt tỉa và loại bỏ phần rễ quá dài hoặc bị thối, lá dập úa khi ở giai đoạn ươm giống.

Nhấc mầm lan Trúc Ngọc vào giá thể mới và treo nơi mát mẻ.

2. Cách chăm sóc cây

  • Nước tưới

Mùa hè và mùa đông khô hanh cần bổ sung đầy đủ nước cho cây lan trúc ngọc, tưới phun sương phun nhẹ nhàng lên thân cây theo định kỳ mỗi ngày ít nhất 1 lần, tối đa 2 lần. Nước vo gạo cũng là loại nước khá tốt cho cây, nếu trưng cây trong nhà nên tận dụng loại nước này để tưới.

  • Nhiệt độ và độ ẩm

Cây lan trúc ngọc thường ưa ẩm mát nên để cây ở nhiệt độ khoảng 20 – 30C là hợp lý, độ ẩm khoảng 60 – 70%. Lượng ánh sáng thích hợp là từ 50 – 60%, vào mùa khô thì hạn chế tưới nước và bón phân để cây phân hóa mầm hoa nếu không cây chỉ tập chung phát triển phần thân lá mà không chịu ra hoa.

  • Phân bón

Ngoài nước tưới thì phân bón là thứ không thể thiếu cho cây trúc ngọc, có thể dùng phân bón dạng lỏng hoặc bột pha như: Đầu Trâu 20 – 20 – 20 và một số loại phân bón dành cho cây lan. Khi bón phân cần pha loãng phân với tỉ lệ ½ thìa cà phê phân trong 2 lít nước.

Ngoài ra, còn có các loại phân NPK chậm tan, phân trùn quế… rắc lên mặt xung quanh rễ cây để khi tưới nước, phân tan từ từ cho cây hấp thụ dần.

Phun phòng thuốc diệt sâu bệnh, tẩy nấm mốc cho cây lan trúc ngọc theo chu kì mỗi tháng một lần.

  • Phòng trừ sâu bệnh

Thường xuyên theo dõi khu vực trồng lan trúc ngọc, vệ sinh sạch sẽ xung quanh giá thể hoặc xung quanh vườn lan. Cây cần được thay chậu nếu từ 2 – 3 năm tuổi khi khóm đã to và già, nên thay và cắt tỉa vào mùa xuân.

Khi được phát hiện có cây bị bệnh cần loại bỏ ngay cây bị bệnh và cắt tỉa cho cả khóm tránh lây lan mầm bệnh cho cả vườn. Mang giỏ cây trúc ngọc đến nơi thoáng mát, rộng rãi rồi phun thuốc rửa cây sau đó mới phun thuốc trừ bệnh.

Để có một giỏ lan trúc ngọc thật là ưng ý, hoa nở đồng loạt thì đòi hỏi người trồng lan phải hiểu tường tận về đặc tính sinh trưởng của cây và phải kiên trì trong suốt quá trình trồng và chăm sóc, không phải cứ trồng là cây sẽ ra hoa.