Rau sắng nấu món gì ngon? Có tác dụng gì?

Là một loại rau rừng đặc sản của vùng đất Lạng Sơn, rau sắng được khá nhiều người ưa thích và sử dụng làm nguyên liệu cho bữa ăn gia đình. Ngày nay, khi giao thông giữa các địa phương ngày càng thuận lợi, rau sắng cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, cũng chính sự phổ biến này khiến nhiều người được tiếp xúc với đặc sản rau sắng lần đầu tiên và không biết rau sắng là gì, tác dụng cũng như cách chế biến. Hiểu được điều này, trong bài viết dưới đây, Nhà Nghỉ Đẹp sẽ chia sẻ đến bạn tất tần tật các thông tin về rau sắng cũng như việc rau sắng nấu món gì ngon, cùng theo dõi nhé.

Rau sắng là rau gì?

Rau sắng là phần ngọn và lá non của cây sắng, là một loại cây thân gỗ mọc tự nhiên trên núi, xuất hiện nhiều ở khu vực Hà Tây, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn,…. Nhưng nhiều nhất phải kể đến là khu vực Lạng Sơn. Cây sắng còn có một số tên gọi khác như cây mì chính hay rau ngót rừng. Loại cây này thuộc bộ Đàn hương, có vị ngọt tự nhiên với nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Khác với đa phần các loại rau khác thường là cây nhỏ, thân thảo thì rau sắng lại có thân lớn, cao. Một số cây sắng có chiều cao lên tới hàng chục mét với đường kính thân từ 20 – 30cm, muốn lấy rau, người ra sẽ phải trèo lên cây để khai thác.

Thuần tự nhiên, sạch, mất công khai thác, sản lượng thấp khiến giá của rau sắng so với đa phần các loại rau khác đều khá cao. Bên cạnh đó, rau sắng chỉ có vào một số mùa nhất định, thông thường là từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm.

Rau sắng có tác dụng gì?

Như đã đề cập ở trên, bên cạnh vai trò trong ẩm thực thì rau sắng còn có giá trị cao trong dinh dưỡng. Cụ thể đây là một trong những loại rau chứa protit và acid amin cao hơn hẳn các loại rau khác. Bên cạnh đó, rau sắng còn có một số tác dụng như:

rau-sang-nau-mon-gi(1)

  • Chữa dị ứng
  • Chữa đổ mồ hôi trộm
  • Chữa chứng đái dầm ở trẻ em
  • Hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc
  • Chữa sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, đái rắt
  • Giảm cân, điều hòa huyết áp
  • Chữa sót nhau thai

Rau sắng rất giàu đạm nên cũng thường được khuyên dùng thay thế đạm động vật để hạn chế các bệnh như loãng xương, sỏi thận,…

Rau sắng nấu món gì ngon?

Với rất nhiều tác dụng tích cực, việc sử dụng rau sắng để nấu ăn ngày càng được nhiều người ưa thích sử dụng. Thông thường, rau sắng sẽ được dùng để nấu canh như nấu rau ngót, tuy nhiên bên cạnh món canh này thì bạn cũng có thể chế biến rất nhiều món ăn khác nhau nữa. Dưới đây là một số món ngon từ rau sắng mà bạn có thể tham khảo:

Rau sắng nấu thịt

rau-sang-nau-mon-gi(4)

Là món ăn thông dụng và đơn giản nhất, rau sắng nấu thịt có 2 nguyên liệu cơ bản là rau sắng và thịt (thịt có thể là thịt lợn, bò, gà, tôm,…). Cách chế biến như sau:

  • Rau sắng nhặt lấy lá và ngọn non, rửa sạch, để ráo
  • Bắc nồi lên bếp, thêm thịt vào vào sơ qua, nêm chút nước mắm cho thơm rồi đổ một lượng nước đủ ăn vào nồi
  • Đun đến khi nước sôi thì thả rau sắng đã rửa sạch vào, chờ sôi bùng lên, nêm nếm gia vị cho vừa miệng, chờ sôi bùng lên vài lần nữa là có thể tắt bếp.

Thành phầm canh rau sắng nấu thịt là bát canh nóng hổi với lá rau sắng xanh đậm, giòn thơm, nước canh có vị ngọt đặc trưng rất ngon miệng, hấp dẫn.

Rau sắng xào thịt bò

rau-sang-nau-mon-gi(2)

Rau sắng xào thịt bò cũng là một món ăn khá đơn giản từ rau sắng với cách chế biến như sau:

Chuẩn bị nguyên liệu:

  • Rau sắng 1 bó
  • Thịt thăn bò 200g
  • Tỏi
  • Gia vị đường, tiêu, hạt nêm, nước mắm, dầu ăn

Hướng dẫn:

  1. Rau sắng nhặt lá non và ngọn, bỏ lá già, hỏng rồi đem rửa sạch, để ráo
  2. Tỏi đập dập, bóc vỏ, băm nhuyễn. Thịt bò thái miếng vừa ăn, ướp cùng hạt nêm, dầu ăn trong khoảng 30 phút cho ngấm gia vị.
  3. Bắc chảo lên bếp, thêm dầu ăn đun đến nóng thì cho 1/2 lượng tỏi băm vào đảo đều, thêm một chút nước mắm cho dậy mùi rồi trút phần thịt bò đã ướp vào xào nhanh đến chín tới thì tắt bếp, trút thịt ra bát để riêng.
  4. Tiếp theo ta sẽ bật lại bếp để xào phần rau. Thêm một ít dầu ăn vào chảo, bắc lên bếp. Đến khi dầu nóng thì thêm nốt chỗ tỏi còn lại vào chảo, phi thơm rồi cho rau sắng đã rửa sạch vào đảo đều. Nêm gia vị vừa ăn đảo đến khi rau chín tới thì cho thịt bò ở bước 3 vào đảo lại lần nữa, tắt bếp.
  5. Xúc thịt bò xào ra đĩa, rắc thêm tiêu và thưởng thức.

Rau sắng nấu canh cua

Rau sắng nấu canh cua vừa có vị ngọt của cua lại có vị thơm ngon đặc trưng của rau sắng. Món ăn có cách làm như sau:

Nguyên liệu:

  • Rau sắng
  • Cua đồng
  • Gia vị

Cách làm:

  1. Rau sắng nhặt xong rửa sạch, để ráo
  2. Cua đồng mua về bỏ yếm, lấy gạch. Thân cua cho vào cối giã nhuyễn rồi đổ nước vào, lọc bỏ bã chỉ lấy nước.
  3. Bắc nồi lên bếp, đổ nước cua giã vào nồi, thêm một chút muối. Khuấy đều tay đến khi nước sôi thì dừng khuấy, chờ gạch cua nổi lên, giảm nhỏ lửa chờ vài phút rồi vớt hết gạch cua ra đĩa.
  4. Tăng lên lửa lớn đun cho nước sôi lại thì thả rau sắng vào đun sôi lần nữa đến khi rau sắng chín. Nêm gia vị cho vừa ăn rồi thả gạch cua vừa vớt lên bề mặt, tắt bếp, múc canh ra bát.
  5. Canh rau sắng thích hợp ăn với cà rất ngon

Một số chú ý khi ăn rau sắng

Tuy có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng trên thực tế không phải ai cũng ăn được rau sắng. Một số đối tượng không nên sử dụng rau sắng như:

rau-sang-nau-mon-gi(3)

  • Phụ nữ có thai: Nếu để ý phần tác dụng ở trên, bạn có thể thấy, rau sắng có tác dụng hoạt huyết, kích thích co bóp tử cung khá mạnh. Phụ nữ có thai sử dụng rau sắng có thể làm tăng tỷ lệ xảy thai vì thế không nên sử dụng rau sắng trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, sau khi sinh thì rau sắng lại là một trong những loại rau được khuyến khích sử dụng. Vừa bổ sung dinh dưỡng lại vừa giúp cơ thể sản phụ khỏe hơn.
  • Những người có huyết áp thấp: Với tác dụng điều hòa huyết áp, rau sắng thích hợp cho những người có huyết áp cao. Tuy nhiên những người có huyết áp thấp thì không nên ăn quá thường xuyên loại rau này.
  • Những người có đường ruột kém: Rau sắng có hàm lượng chất xơ cao, vì thế ăn rau sắng có thể gây ra hiện tượng tiêu chảy, nhất là những ai có đường ruột kém.

Trên đây là tất cả các thông tin về rau sắng, tác dụng cũng như đáp án của câu hỏi rau sắng nấu món gì ngon. Hy vọng những thông tin trong bài viết này là hữu ích, giúp bạn có thêm nhiều kiến thức về loại rau rừng Lạng Sơn đặc trưng này. Chúc bạn một ngày tốt lành!

Bài viết có thể bạn quan tâm:

  • Cách làm bánh mousse ngon
  • 5 Cách làm bánh chuối tại nhà