Bài mồi câu rô đồng – Thợ Câu Cá

Câu cá rô đồng

Cá rô đồng ( có nơi gọi là rô gai, rô lóc, rô mề ) từ xưa đã rất quen thuộc với mỗi người dân quê Việt Nam. Rô ta khác hẳn với rô phi, đây là loài cá ngon, thịt thơm chắc, có thể dễ dàng chế biến thành nhiều món ăn ngon hấp dẫn ( bún cá rô đồng, chả cá rô…). Thay vì ra chợ mua mớ cá rô đồng, thì các cần thủ vừa có thể thoả sức đam mê câu cá, vừa có thể mang về một mớ cá ngon miễn phí cho gia đình. Cách làm mồi câu cá rô ta không quá phức tạp, người câu lâu năm truyền lại cho người mới câu kinh nghiệm câu cá rô đồng.

Cá rô đồng hay ăn gì?

Trước khi ra mồi câu rô, cần thủ cần nắm được đặc tính sinh học và sở thích ăn uống của loài rô ta ở trong tự nhiên. Đây là loài cá nước ngọt, sống chủ yếu ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm. Cá rô đồng hoạt động mạnh ở các tỉnh miền Nam và miền Bắc nước ta.Hàm răng sắc, chắc và khá nhọn, có đủ hai dãy răng hai hàm, răng giữa lớn hơn hai bên, nên loài này ăn rất nhiều, ăn tạp: ăn tôm tép nhỏ, rễ bèo thối…Cá rô có vây dọc sống lưng sắc nhọn, vây ở mang tai cũng rất sắc, khi bắt cá rất dễ bị đánh vây chảy máu. Cá rô có cơ quan hô hấp phụ nằm trên mang, hít được khí trời nên có thể sống dai nhiều giờ trên cạn. Môi trường sống chủ yếu của cá rô trong tự nhiên khá đa dạng: ao tù, mương, ruộng nước, hồ nước, cửa sông..

Thức ăn chủ yếu của cá rô đồng đơn giản là tôm, cá nhỏ, tép, động vật không xương sống, giun, dế, côn trùng bay, châu chấu…nên khi làm môi câu chú ý mùi đặc trưng là thối và tanh.

Kinh nghiệm câu cá rô đồng

Chuẩn bị cần câu: chọn cần dẻo, độ cứng tầm 3H là được, cần cứng quá khi giựt cá dễ bị đứt toét miệng, tuột cá. Lưỡi câu: chọn loại lưỡi bé vừa, số 7,8 dòng lưỡi SODE, số 5,6 dòng lưỡi CHINU. Nếu chọn lưỡi to quá, mồi câu cũng phải to, cá rô miệng bé, cắn 1 lần mồi to xong là chúng không ăn nữa…Cước: chọn cước nhỏ số 1.5 – 2.0 là được. Phao, chì, hạt chặn : phao phải nhỏ vừa, to quá cá sợ chạy mất dép đấy. Thường ở quê vẫn hay lấy lông gà làm phao khá tiện dụng.

Chọn điểm câu rô đồng: Cá rô đồng có một đặc tính là hay ngoi lên mặt nước để thở rồi lại lặn xuống. Trong khoảng thời gian lặn hụp đó, sẽ tạo ra bọt nước kèm tiếng động nhỏ và chuyển động của làn nước. Rô đi càng đông, bọt nước ( tăm cá ) càng nhiều… thích hợp để thả mồi câu. Nói chung là ưu tiên chỗ nhiều bèo, rau muống, nước chảy nhẹ ( đầu cống mương nước ). Thời gian thích hợp để đi câu: 7-9h sáng mùa hè mát; 16-18h chiều , mùa xuân và mùa thu câu cả ngày, mùa đông: 11-14h câu trưa ấm.

Làm mồi câu rô ta

Mồi cám: cám cá ăn ( cám viên con cò ), cám gạo rang, tép ( tôm nhỏ ), cơm trắng . Trộn lẫn, giã nhỏ, nhàu kỹ rồi mang đi câu. Mồi côn trùng: trứng kiến, dế mèn (nhỏ ), nhộng ong, nhộng tằm, giun…. Thính câu rô: trộn đều mắm tôm lẫn mẻ với cám gạo rang vàng , ủ kín 3h trước khi câu. Thính trộn lẫn bùn rồi ném xuống vị trí muốn thả cần.

Cần thủ mới lưu ý khi câu: câu rìa bờ cỏ thì thả mồi trên mặt nước ( câu nhấp, cắn giựt luôn như câu cá cờ ). Câu ngâm gần chạm đáy, chỉnh phao sao cho mồi chạm đáy, nên đặt chì cách luỡi câu 5cm ( dùng hạt chặn để cố định chì ).

Như vậy các bạn câu đã xem qua những chia sẻ về làm thế nào để câu cá rô đồng. Chúc các bạn có một buổi thu hoạch mong đợi, mang về nhà những món ngon từ cá rô đồng nhé.