Được biết đến với tay nghề làm giò bột ngon nức tiếng, vợ chồng anh Võ Văn Phấn ở thôn Vinh Thái, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh) luôn được khách hàng tin cậy. Đặc biệt, món ăn này còn được xuất ra các tỉnh trong nước.
Video: Cặp vợ chồng hơn 30 năm làm nghề gói giò bột ngày tết
Giò bột là món ăn truyền thống xuất hiện từ rất lâu đời khắp các vùng quê ở huyện Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh, nhưng khách hàng tin dùng nhất vẫn là giò bột ở Cẩm Bình, đặc biệt là giò bột “Hòa Phấn”.
Để làm ra một con giò bột đúng vị phải trải qua nhiều công đoạn, từ chọn thịt, sơ chế nguyên liệu, tẩm ướp gia vị đến xay thịt, đóng gói, luộc… đều phải rất công phu và tỉ mẩn. Thịt sau khi được xay nhuyễn sẽ được trộn đều với bột gạo và tẩm ướp với các loại gia vị như: Tỏi, hạt tiêu, nước mắm nguyên chất… Món giò bột được làm từ thịt và bột gạo trắng dân dã, mộc mạc, thấm đượm hồn quê này đã gắn bó với nhiều người dân nơi đây.
Hơn 30 năm “đều tay” bên những con giò bột, anh Võ Văn Phấn cho biết: “Món giò bột nhìn có vẻ đơn giản, dễ làm nhưng cũng mất 8 tiếng cho tất cả các công đoạn. Thời điểm hiện tại, do số lượng đơn hàng gấp 3 lần so với ngày thường nên vợ chồng anh thường phải bắt đầu công việc từ lúc 3 giờ sáng…”.
“Để giò chất lượng, đảm bảo an toàn, thịt phải tươi. Đây là yếu tố tiên quyết để quyết định chất lượng và hương vị của giò. Thịt phải được lọc bỏ gân, mỡ, chỉ lấy nạc; nước mắm để ướp phải là loại ngon, giàu đạm… Có như vậy thì miếng giò mới có độ đàn hồi nhất định và hương vị đặc trưng…” – anh Phấn chia sẻ.
Riêng công đoạn gói đòi hỏi người thợ phải gói đều tay để cây giò tròn, chắc chắn. Chị Nguyễn Thị Hòa (vợ anh Phấn) cho hay: “Để gói được giò, người thợ không thể thiếu lá chuối – thứ làm nên “thương hiệu” đặc trưng của giò bột. Vì thế, người thợ phải biết cách gói lá chuối làm sao để lá bó sát vào khoanh giò, mới có được màu xanh vàng như tấm áo lụa bao quanh. Tuy nhiên, không nên bó quá chặt để thịt có độ chín “nở” nhất định và vị thơm ngon đậm đà”.
Thời điểm giáp tết, mỗi ngày vợ chồng anh Phấn làm từ 300 – 400 cây giò. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, vợ chồng anh phải thuê thêm 10 nhân công. Giò ngon chứa đựng nhiều yếu tố: Chất lượng nguyên liệu đầu vào như thịt lợn, gia vị, bí quyết xay thịt và ngay cả tấm lá chuối dùng để gói, cách buộc giò cũng quyết định đến chất lượng sản phẩm.
Theo chị Hòa, trong tất cả các công đoạn thì luộc giò là bước quan trọng nhất. Để giò chín đều, không bị mềm quá, đòi hỏi người làm phải căn đúng thời gian. Thời gian luộc giò mất gần 6 tiếng, nếu luộc lâu quá sẽ khiến giò bị căng, dẫn đến bung lá và làm mất hương vị khiến người ăn dễ bị ngán. Hiện tại, do giá thịt lợn tăng mạnh nên mỗi cây giò có giá 150.000 đồng, tăng 50.000 nghìn so với thời điểm trước đó.
Điều đáng nói là dù vào mùa cao điểm sản xuất, sức tiêu thụ tăng cao nhưng theo anh Phấn, để giữ chân khách hàng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được vợ chồng anh thực hiện nghiêm ngặt.
Văn Chung – Ngân Giang
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!