Hướng dẫn cách làm bánh ngải xanh ngon, dễ làm

Tiếp tục là một món ăn đặc sản của Lạng Sơn, bánh ngải xanh là một loại bánh chay dễ ăn, mát và tốt cho sức khỏe. Bánh ngải cứu có cách làm khá đơn giản, vì thế bạn hoàn toàn có thể tự tay làm cho cả nhà thưởng thức. Dưới đây là cách làm bánh ngải xanh ngon mà Nhà Nghỉ Đẹp đã tìm hiểu và muốn chia sẻ đến bạn. Cùng theo dõi nhé!

Bánh ngải làm từ gì?

Bánh ngải là một món ăn đặc sản của người Tày ở Lạng Sơn. Như tên gọi của mình, bánh ngải được làm từ nguyên liệu chính là lá rau ngải cứu, bên cạnh đó là một số nguyên liệu khác như bột nếp, mè đen, đường đỏ, dầu ăn, đậu phộng,..

Tất cả các nguyên liệu này qua bàn tay của người đầu bếp sẽ được làm thành món bánh ngải dẻo thơm, đậm vị lá ngải, vỏ bánh mềm, nhân ngọt, béo ngậy hấp dẫn. Nếu ai đã từng một lần thưởng thức qua món bánh ngải này thì chắc chắn sẽ muốn ăn thêm lần nữa. Và nếu có điều kiện, bạn cũng hoàn toàn có thể tự làm bánh ngải tại nhà, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm lại cũng vừa miệng hơn. Và để giúp bạn thuận lợi hơn thì trong phần tiếp theo của bài viết, Nhà Nghỉ Đẹp sẽ chia sẻ đến bạn hướng dẫn cách làm bánh ngải xanh ngon, cùng xem nhé!

Hướng dẫn cách làm bánh ngải xanh ngon

Dưới đây là công thức làm bánh ngải xanh ngon, dẻo thơm đúng chuẩn Lạng Sơn. Cùng xem cách làm bánh ngải xanh ngon dưới đây để tự làm cho gia đình thưởng thức món đặc sản này nhé.

banh-ngai-cuu(1)

Chuẩn bị nguyên liệu:

Lượng nguyên liệu dưới đây đủ để làm từ 20-25 chiếc bánh ngải cứu tùy vào cách bạn gói bánh. Nếu muốn làm nhiều hơn thì bạn có thể tăng nguyên liệu lên theo tỷ lệ.

  • Lá ngải cứu: 100g
  • Vừng đen rang chín 20g
  • Dầu ăn 2 thìa canh
  • Dừa khô 10g
  • Gạo nếp ngon 150g
  • Đường đỏ 200g
  • Lạc rang 10g
  • Nước tro bếp (Có thể mua hoặc tự làm. Nếu tự làm nên làm nước tro từ tre nứa hoặc vỏ đậu xanh)

Cách làm bánh ngải xanh ngon chi tiết:

banh-ngai-cuu(1)

  1. Lá ngải cứu nhặt lấy phần ngọn non và tươi nhất, đem đi rửa sạch.
  2. Cho ngải cứu đã rửa sạch vào nồi, thêm nước tro bếp, đun từ 2 đến 3 giờ cho ngải cứu nhừ. Sau khi đun xong, đổ ngải cứu ra rổ rửa cho hết nước tro. Việc đun ngải cứu trong nước tro giúp ngải mau nhừ, cho bánh màu sắc cũng đẹp hơn.
  3. Gạo nếp vo sạch, ngâm nước từ 5-8 tiếng. Sau khi ngâm xong thì vo sạch, mang đồ thành xôi dẻo.
  4. Sau khi xôi chín thì xúc ra cối, thêm phần ngải cứu ở bước 2, giã cho hỗn hợp nhuyễn và hòa vào nhau.
  5. Sau khi hỗn hợp đã được giã nhuyễn và hòa vào nhau thì bạn dùng tay chia bột thành các khối dẹt, hình tròn đều nhau.
  6. Vừng đen rang và lạc rang, dừa khô mang trộn vào nhau và giã nhỏ
  7. Đường đỏ cho lên nồi nấu chảy, trút hết hỗn hợp vừng, lạc và dừa khô ở bước 6 vào đảo đều đến khi hỗn hợp quyện vào nhau thì tắt bếp
  8. Chờ hỗn hợp nguội thì chia thành các phần bằng nhau, vê viên tròn nhỏ hơn viên vỏ bánh ở bước 5
  9. Đặt viên nhân bánh vào giữa viên vỏ bánh, nặn cho vỏ bánh dàn đều bao hết phần nhân rồi ấn dẹt. Thoa dầu ăn lên 2 mặt bánh để tạo độ mịn và giúp bánh không bị dính vào nhau.
  10. Bắc nồi hấp lên bếp đến khi nước sôi thì cho bánh vào hấp chín trong 10 phút.
  11. Lấy bánh ra để nguội và thưởng thức

Thành phẩm bánh ngải cứu chín có màu xanh đặc trưng của lá ngải, hương thơm lừng, vỏ bánh mềm, nhân ngọt béo hấp dẫn. Đây chắc chắn sẽ là một món ăn khoái khẩu để chiêu đãi cả nhà đấy.

Bánh ngải để được bao lâu?

banh-ngai-cuu(2)

Vì để có một mẻ bánh ngải ngon yêu cầu cách làm khá phức tạp với nhiều công đoạn chuẩn bị. Vì thế đa phần mọi người hiện nay khi làm bánh ngải đều muốn làm thành một mẻ lớn. Thế nhưng nhiều bánh ngải quá thì không thể ăn hết luôn được. Vậy bánh ngải có thể để được bao lâu? Bảo quản như thế nào?

Về cơ bản, với cách làm thủ công không chất bảo quản như trên thì bánh ngải chỉ có thể ăn được trong 2-3 ngày nhưng ngon nhất vẫn là 1 ngày sau khi hấp. Bánh ngải có thể bảo quản trong tủ lạnh để kéo dài thời gian nhưng mặt bánh sẽ bị se và khô lại làm bánh không còn ngon như trước nữa. Tuy nhiên, nếu bạn có quá nhiều bánh ngải và muốn để ăn dần thì có thể cân nhắc bảo quản nó trong tủ lạnh, trước khi ăn có thể hấp lại bánh và để nguội rồi thưởng thức.

Trên đây là tất cả các thông tin về đặc sản bánh ngải Lạng Sơn cũng như cách làm bánh ngải xanh ngon mà Nhà Nghỉ Đẹp muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng những thông tin trong bài viết này là hữu ích, giúp bạn có thêm một món ăn nữa có thể tự làm để đãi gia đình. Chúc bạn thành công!