Hầu như mọi người đàn ông đều muốn có một giọng nói trầm như Chris Hemsworth hay Benedict Cumberbatch, vì nghe rất nam tính và quyền lực.
Nhưng chỉ một số ít mới được thỏa mong muốn ấy mà thôi, không phải ai sinh ra cũng nói giọng trầm.
Vậy, nếu sở hữu một giọng nói cao, có cách nào để biến giọng nói của mình từ cao xuống trầm hay không?
Trước khi trả lời câu hỏi này, có lẽ chúng ta hiểu xem cơ chế nào quyết định cao độ giọng nói.
Điều gì quyết định cao độ giọng nói?
Tiếng nói của một người được tạo ra nhờ thanh quản, đó là một cơ quan nằm ở cổ, được bao bọc bởi hai mảnh sụn tuyến giáp. Ở nam giới, cơ quan này lớn hơn nữ giới nên tạo thành một phần lồi, thường được gọi là trái táo Adam.
Thanh quản cũng giống như một khung cửa để không khí đi qua, và hai cánh cửa chính là hai dây thanh.
Khi hai dây thanh đóng, không có tiếng nói. Khi hai dây thanh mở, không khí sẽ đi qua và áp lực của nó khiến hai dây thanh rung động, từ đó tạo ra tiếng.
Dây thanh càng mảnh, nhẹ và căng thì rung động càng nhanh, dẫn đến tần số sóng âm lớn, tạo ra giọng nói cao. Dây thanh càng dầy, nặng và chùng thì rung động càng chậm, dẫn đến tần số sóng âm thấp, tạo ra giọng nói trầm.
Ông nào từng tiếp xúc với cây đàn guitar sẽ hiểu rất rõ điều đó: Dây số 6 dầy, nặng thì khi gảy phát ra âm trầm, còn dây số 1 mảnh, nhẹ thì khi gảy phát ra âm cao.
Trẻ em có giọng nói cao hơn người lớn vì dây thanh chưa phát triển nên mảnh và nhẹ. Người già thường có giọng nói trầm vì dây thanh không còn độ căng, chùng xuống.
Nam giới có giọng trầm hơn nữ giới, vì trong quá trình dậy thì, testosterone tác động lên thanh quản, làm cho nó to ra và dây thanh dầy lên.
Chính vì điều này mà một số người cho rằng đàn ông giọng trầm thì “bản lĩnh giường chiếu” hơn hẳn đàn ông giọng cao. Nhưng theo nhiều nghiên cứu, điều này không hoàn toàn chính xác.
Trở lại với vấn đề ban đầu, liệu có cách nào để có một giọng nói trầm hay không?
Ba phương án để có giọng nói trầm
Tất nhiên, mọi vấn đề sớm hay muộn đều sẽ có giải pháp. Chuyện giọng trầm giọng cao cũng không ngoại lệ.
Theo hiểu biết của tôi, anh em có 3 cách để có một giọng nói trầm:
Cách 1: Thực hiện phẫu thuật dây thanh (Thyroplasty). Người ta sẽ cắt bỏ một phần sụn trong thanh quản để làm giảm lực kéo căng dây thanh, khiến dây thanh chùng xuống. Phẫu thuật này khá tốn kém và cũng nhiều rủi ro.
Cách 2: Luyện tập gằn giọng để nói giọng trầm. Đây là cách mà nhiều diễn viên hoặc ca sĩ lựa chọn để thay đổi giọng nói của mình. Tuy nhiên, họ thường có một huấn luyện viên chỉ dẫn cho mình cách làm.
Vì nếu thực hiện một cách bừa bãi, chúng ta có thể gây tổn thương dây thanh, làm hỏng giọng nói. Nên biết là, đến cả những ca sĩ Metal chuyên nghiệp, muốn gào thét trên sân khấu cả đời như vậy, cũng phải học cách gào sao cho đúng.
Cách 3: Thay đổi cách nghĩ của chính mình.
Hãy tự hỏi, liệu cao độ giọng nói có quan trọng đến thế? Hà cớ gì mình phải mặc cảm tự ti chỉ vì nói giọng cao? Bản lĩnh đàn ông thể hiện ở giọng nói hay nhân cách? Nam tính nằm ở giọng nói hay sự tự tin là chính mình?
Cao độ có phải yếu tố duy nhất quyết định một giọng nói hay? Còn cách phát âm nhả chữ, độ vang, khí lực nữa thì sao? Và nếu vậy thì, mình có cần phải tìm cách đổi giọng hay không?
Bằng cách tự đặt cho chính mình hàng loạt những câu hỏi như thế, tôi tin anh em sẽ dần đi đến một cách nhìn khác về giọng nói của chính mình.
Chúng ta có thể không sinh ra với một giọng nói trầm, nhưng chúng ta có thể luyện tập để có một giọng nói rõ ràng, truyền cảm. Và nhất là, chúng ta có thể lựa chọn cách phản ứng với những suy nghĩ của người khác về giọng nói của chính mình.
Nguồn: oxii.vn
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!