Hướng Dẫn Cách Đan Len Chi Tiết Nhất, Đơn Giản Cho Người Mới Bắt Đầu | Leflair&039s LifeStyle Blog

Đan len là sở thích thú vị đang được nhiều người theo đuổi, vừa mang tính giải trí, vừa có thể tạo nên nhiều món đồ độc lạ. Đồng thời giúp não bộ phát huy khả năng sáng tạo tốt hơn. Với những ai mới bắt đầu, việc thực hiện sẽ có phần hơi khó khăn do bao gồm nhiều bước đa dạng, đòi hỏi tính kiên nhẫn và tỉ mỉ cao. Tuy nhiên, chỉ cần bạn tập trung nắm rõ kỹ thuật cơ bản, cách đan len chắc chắn sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều. Cùng Leflair tham khảo ngay một số hướng dẫn chi tiết để tạo nên thật nhiều những sản phẩm thú vị và độc đáo bạn nhé!

Xem thêm: Cách Trồng Sen Đá “Từ A Đến Z” Cho Người Mới Bắt Đầu Chuẩn Nhất

Dụng cụ móc len cho người mới bắt đầu

Móc len là bộ môn thủ công độc đáo với rất nhiều kỹ thuật nâng cao. Vì vậy, việc chuẩn bị bộ dụng cụ đầy đủ là điều thực sự cần thiết. Dưới đây là một số vật dụng cơ bản và quan trọng nhất bạn cần có:

Len sợi

Đây chắc chắn là nguyên liệu chính không thể thiếu đối với bộ môn này. Vì vậy, việc lựa chọn sợi len cũng vô cùng quan trọng:

  • Loại len: Sợi len trên thị trường hiện nay rất đa dạng, thường được làm từ nhiều loại chất liệu khác nhau như nilon, nhựa, acrylic, lông cừu, lụa, cotton,… Tuỳ theo mục đích sử dụng và yêu cầu của từng sản phẩm mà bạn cần cân nhắc lựa chọn sao cho hợp lý.
  • Độ dày, mỏng của len: Bạn tham khảo thông tin này ở phần mô tả được in trên bao bì sản phẩm. Ở Việt Nam hiện nay, loại len phổ biến nhất là Lace số 0, Light số 3 và Medium số 4.

Kim móc

Kim móc trong bộ môn thủ công này cũng rất đa dạng. Tuy nhiên, với những ai mới bắt đầu học cách đan len, bạn nên tập trung chuẩn bị các loại cơ bản như sau:

  • Kim móc một đầu: Kim móc một đầu gồm nhiều loại khác nhau, được phân biệt bằng các số đánh sẵn phía trên đầu. Đối với từng loại len, từng sản phẩm, bạn nên tham khảo để lựa chọn sao cho phù hợp nhất. Nếu vô tình sử dụng kim đầu to, bề mặt thành phẩm sẽ có lỗ hổng lớn gây mất thẩm mỹ và ngược lại. Với những ai mới tập đan len lần đầu, tốt nhất là dùng kim móc một đầu số 3 hoặc 4.
  • Kim móc hai đầu: Loại kim này có một đầu to, một đầu nhỏ tương ứng với hai số trên cùng một cây, thường dùng cho những ai đã có kinh nghiệm đan len thuần thục.
  • Kim móc Tunisian: Thiết kế như kim móc một đầu nhưng dài hơn, thường dùng để đan móc len theo kỹ thuật Tunisian.

Xem thêm: 5 Ý Tưởng Sáng Tạo Tái Chế Chai Nhựa Thành Chậu Hoa Handmade Siêu Đẹp

Thước đo

Đây chắc chắn là dụng cụ không thể thiếu nếu bạn muốn học cách đan len. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên ưu tiên loại thước đo tự động rút lại sau khi dùng để sử dụng tiện lợi hơn.

Kéo

Kéo luôn luôn phải sẵn sàng trong túi đồ của những người đam mê nghệ thuật móc len. Dụng cụ này giúp bạn cắt bỏ các phần len thừa để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh nhất.

Xem thêm: Top 6 Kiểu Khăn Len Nữ Đẹp Nhất & Cách Phối Đồ Với Khăn Len

Bộ đánh dấu mũi

Dụng cụ có thiết kế hình dạng chữ C, kim băng,… được sử dụng để đánh dấu mũi móc. Đây chắc chắn sẽ là trợ thủ đắc lực cho những ai mới bắt đầu làm quen với kỹ thuật đan len, giúp bạn thao tác tiện lợi và dễ dàng hơn.

Xem thêm: Cách Kẹp Tóc Ngọc Trai Hàn Quốc Cực Kỳ Sang Trọng, Hot Trend 2022

Dụng cụ đếm hàng

Dụng cụ đếm hàng được sử dụng để giúp quá trình thực hành đan len trở nên thuận tiện hơn. Vì thế bạn nên trang bị ngay để không phải mất quá nhiều thời gian khi học.

Kim may

Kim may rất cần thiết đối với quá trình đan len, đặc biệt là đan các sản phẩm gồm nhiều chi tiết. Công dụng chính là gắn nối các bộ phận lại với nhau để tạo ra một thành phẩm hoàn chỉnh.

Cách đan len: Đan mũi gầy

  • Bước 1: Bạn cầm que đan có nút trượt bằng tay phải, vắt sợi len dài hơn qua lòng bàn tay trái rồi vòng ra đằng sau. Từ đoạn này, sợi ngắn sẽ không cần dùng đến nữa nên có thể cầm hoặc thả buông tuỳ ý.
  • Bước 2: Luồn que đan xuống phía dưới sợi len rồi vắt qua lòng bàn tay trái. Tại đây, bạn rút tay ra khỏi sợi len để tạo thành một vòng mới.
  • Bước 3: Kéo sợi len để khít vào que đan. Đến đây, mũi gầy đầu tiên đã hoàn thành, bạn cứ tiếp tục lặp lại các thao tác cho đến khi đạt được số lượng như mong muốn.

Với cách đan len này, bạn nên để tất cả các mũi cùng xoay lên phía trên, tránh để xoắn quanh que đan, gây rối. Ngoài ra, việc kéo sợi len quá mạnh cũng là điều không nên vì sẽ khiến quá trình thực hiện thêm khó khăn.

Cách móc len, thắt nút

  • Bước 1: Bạn cuốn đầu sợi len thành một vòng, để đầu len dài nằm dưới đầu ngắn.
  • Bước 2: Vòng sợi len ngắn xuống bên dưới vòng tròn vừa tạo.
  • Bước 3: Dùng sợi len ngắn kéo qua vòng.
  • Bước 4: Cầm hai sợi len kéo chặt tay để tạo thành một nút rồi tiếp tục đưa que đan đi xuyên qua nút vừa tạo.
  • Bước 5: Dùng tay kéo nhẹ để nút khít vào que đan.

Cách đan len: Đan thành hàng

Cách đan len này đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và khó khăn hơn. Các bước hướng dẫn cụ thể như sau:

  • Bước 1: Cầm que đan trống ở tay phải, có mũi ở tay trái, đồng thời cuốn sợi len quanh ngón giữa tay phải để tránh bị rối.
  • Bước 2: Đâm xuyên que đan phải vào mũi đầu tiên của que đan trái từ trên xuống dưới.
  • Bước 3: Giữ sợi len dài ở dưới các que đan
  • Bước 4: Nhìn vào vị trí giữa hai que đan, tìm vị trí hai lỗ trống được ngăn cách bởi sợi len ở giữa. Lúc này, bạn hãy rút que bên phải xuống sao cho phần đầu có thể đâm qua lỗ trống bên trái.
  • Bước 5: Đâm que bên phải xuyên qua lỗ trống bên trái.
  • Bước 6: Kéo mũi đan cũ ra khỏi que bằng cách giữ tay vào mũi đan đầu tiên trên que bên trái. Rồi đưa que ngược lại cùng với mũi đan đó đi lên và tụt nó ra khỏi đầu que trái.
  • Bước 7: Lặp lại các thao tác trên cho đến khi bạn đan hết các mũi trên que bên trái.
  • Bước 8: Chuyển que có các mũi đan ở tay phải sang tay trái và cầm que đan trống ở tay phải.
  • Bước 9: Đan từng hàng một và đừng quên đổi que sau khi hoàn thành mỗi hàng.

Cách đan len: Đan mũi chiết

  • Bước 1: Đan hai mũi len như bình thường, sau đó đâm que đan trái vào mũi đầu tiên trên que phải.
  • Bước 2: Kéo mũi đan đầu tiên đi vòng qua mũi thứ hai, đồng thời rút que đan trái.
  • Bước 3: Tiếp đan thêm một mũi và lặp lại tất cả các thao tác trên cho đến khi chỉ còn lại một mũi duy nhất trên que phải.
  • Bước 4: Rút que đan ra khỏi mũi cuối cùng, đồng thời giữ tay để tránh bị tuột, gây rối.
  • Bước 5: Cắt sợi len, chừa lại khoảng 15cm và tiến hành luồn đầu sợi vừa cắt đi qua mũi đan cuối cùng rối kéo chặt.

Cách đan len: Mũi xuống (Knit Stitch)

Cách đan len mũi xuống còn được gọi là kỹ thuật kiểu Anh. Các bước thực hiện khá đơn giản:

  • Bước 1: Đặt các sợi len kiềm theo chiều các ngón tay trên bàn tay phải (sử dụng các ngón tay để tạo lực căng cho len).
  • Bước 2: Đâm que đan ở tay bên phải vào mũi đầu tiên theo chiều từ trên xuống dưới.
  • Bước 3: Vòng sợi len qua đầu que đan bên phải theo chiều từ dưới lên.
  • Bước 4: Móc sợi len vòng qua mũi đan đầu tiên bên que trái bằng que phải.
  • Bước 5: Tuột mũi đan đầu tiên ra khỏi que đan bên trái.

Cách đan len: Mũi lên (Purl Stitch)

  • Bước 1: Đâm que đan phải vào mũi đầu tiên trên que trái theo chiều từ dưới lên, sao cho vị trí sợi len nằm ngay phía trước hai que.
  • Bước 2: Vòng sợi len đi qua đầu que đan phải theo chiều từ dưới lên.
  • Bước 3: Móc sợi len vừa vòng đi qua khỏi mũi đan thứ nhất trên que đan bên trái.
  • Bước 4: Tuột mũi đan đầu tiên trên que trái ra khỏi que đan và thao tác lại các bước cho đến khi đạt được kết quả ưng ý.

Đan kết thúc sản phẩm (Chiết sản phẩm)

  • Bước 1: Giữ kim khâu bằng tay trái, kim rỗng bằng tay phải.
  • Bước 2: Đan 2 mũi khâu đầu tiên như bình thường bình thường.
  • Bước 3: Chèn kim trái theo hướng từ trên xuống dưới và đi vào vòng lặp khâu đầu tiên trên kim phải.
  • Bước 4: Dùng kim trái kéo khâu qua khâu thứ hai và thả đúng tại vị trí của kim.

Trên đây là tổng hợp các dụng cụ cơ bản và hướng dẫn một số cách đan len quan trọng dành cho người mới bắt đầu. Hy vọng với những chia sẻ chi tiết này, bạn đã có thể dễ dàng làm quen với bộ môn thủ công mới. Để cập nhật thêm thật nhiều thông tin, mẹo vặt hữu ích về đời sống hàng ngày, mời bạn ghé ngay blog Leflair hoặc truy cập Leflair.com để mua sắm các sản phẩm hàng hiệu, giá tốt.