Nếu bạn là người hay để ý đến các giải đấu Rubik thường niên hoặc xem những người chơi chuyên nghiệp trên Youtube, họ chỉ cần dùng một ngón tay để đẩy lớp U qua lại, hoặc hai ngón tay để thực hiện một động tác kép U2. Trông thật ảo diệu phải không nào? Và đó chính là Finger Trick – thứ mà H2 Rubik sẽ đề cập trong bài viết này.
(nguồn ảnh: J Perm)
Finger Trick là một trong những kỹ thuật nâng cao, được coi là quan trọng nhất của Speedcubing, hay nói đơn giản rằng – đã là một Cuber, bạn buộc phải học Finger Trick. Đối với người chỉ muốn học Rubik cho biết mà không quan tâm tới việc giải nhanh, họ có thể mua một khối lập phương từ nhãn hiệu Rubik’s hay một loại Rubik “đểu” ngoài chợ.
Ngược lại, nếu bạn là một người chơi vì tốc độ, hãy tập luyện Finger Trick và cố gắng mua cho mình một chiếc Speedcube phù hợp nhé.
Finger Trick là gì?
Finger Trick (dịch ra là thủ thuật ngón tay) là một kỹ thuật liên quan đến việc sử dụng các ngón tay một cách khéo léo để xoay rubik nhanh hơn, mượt mà hơn.
Mục đích là để giảm số lần “cầm lại” (mỗi lần xoay bạn thường thả ngón tay ra để đổi động tác) và để làm đồng thời nhiều bước xoay (có nghĩa là 2 move được thực hiện cùng một lúc, rút ngắn thời gian thực hiện). Càng ít lần cầm lại, các bước xoay càng đồng thời thì công thức sẽ được thực hiện càng nhanh.
– Finger Trick cũng ảnh hưởng phần nào đến công thức được sử dụng khi giải rubik. Ví dụ như trong một số trường hợp công thức, có thể nó không hẳn là ít move nhất nhưng lại thực hiện được Finger Trick một cách dễ dàng.
– Thủ thuật này cũng là lý do khiến việc cắt góc được coi là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá khối Rubik tốt. Bởi cắt góc giúp xoay đồng thời các move dễ dàng hơn. Sự kết hợp phổ biến nhất trong Finger Trick là các mặt R, U và F.
– Bạn cũng có thể áp dụng Finger Trick cho Big Cube theo cách tương tự.
Nên dùng Rubik gì để luyện Finger Trick?
Finger Trick chuẩn hay không nó phụ thuộc phần lớn vào ý thức tập luyện của bạn. Bạn có thể dùng bất cứ loại Rubik nào để luyện cũng được. Nhưng tôi khuyên bạn nên dùng những Cube có độ cắt góc kém như YJ Guanlong, Shengshou Legend, Rubik chợ,… hoặc xiết chặt ốc để hạn chế khả năng cắt góc. Tại sao phải làm như vậy?
Đối với những người mới chơi, các bạn thường rất hay xoay “lố”. Ví dụ với động tác U bạn chỉ cần xoay 45 độ nhưng lại hay quá lên 50-60 độ. Và để khắc phục tình trạng này, bạn buộc phải cắt góc. Vô hình chung, nó tạo cho bạn thói quen xoay ẩu và không được chính xác cho lắm. Do đó, hãy hạn chế khả năng cắt góc của Cube, cố gắng xoay thật vừa vặn, không hơn không kém.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng Big Cube để luyện tập Finger Trick. Với các layer mỏng hơn rất nhiều so với 3×3, nó sẽ giúp bạn luyện cả cách cầm nắm sao cho chuẩn, sao cho không vướng tay hay làm xê dịch các layer khác. Thêm nữa là nó đáp ứng được tiêu chí cắt góc kém, các Big Cube thường chỉ cắt được khoảng 20 độ mà thôi.
Dùng Big Cube để luyện Finger Trick cũng là ý tưởng hay
Finger Trick Rubik 3×3 cơ bản
Trong phần này, H2 Rubik sẽ giới thiệu cho bạn 3 động tác Finger Trick cơ bản nhất (xin phép mượn ảnh của J Perm).
U – Mặt trên
Để thực hiện động tác xoay U, hãy sử dụng ngón trỏ để đẩy lớp trên cùng theo hướng bạn muốn. Ngón trỏ trái cho U’ và ngón trỏ phải cho U, trong khi giữ các ngón tay khác không chạm vào lớp trên cùng.
R – Mặt phải
Bạn giữ mặt R bằng tay phải, với ngón cái nằm ở mặt D (hoặc F) và ba ngón tay tiếp theo (ngoại trừ ngón út) nằm ở mặt trên U (hoặc B). Sau đó giữ phần còn lại của khối Rubik bằng tay trái và xoay cổ tay phải để thực hiện động tác R hoặc R2.
Nếu muốn xoay R’, bạn làm tương tự nhưng xoay với chiều ngược lại.
L – Mặt trái
Để thực hiện động tác xoay L, làm tương tự như R nhưng ngược lại.
Finger Trick Rubik 3×3 tầm trung
Những động tác này sẽ khó hơn một chút và cần nhiều thời gian để tập luyện hơn, nhưng cơ bản vẫn là dễ.
F – Mặt trước
Xoay F cần cầm chắc chắn hơn một chút, nếu không bạn sẽ rất dễ đẩy hai tầng cùng lúc.
Cách 1
- Tay trái: ngón cái nằm ở viên trung tâm của mặt trước F, ngón trỏ đặt ở mặt trên U, ngón út đặt ở mặt dưới D và 2 ngón còn lại giữ ở mặt sau B.
- Tay phải: khác với tay trái dùng để giữ và cố định Cube, tay phải sẽ thực hiện động tác xoay F. Bạn sẽ đặt ngón giữa và ngón áp út ở mặt trên U, ngón út ở mặt sau B, ngón cái đặt vào Layer giữa S-slice. Còn ngón trỏ sẽ có nhiệm vụ “gẩy” F và ngón cái sẽ gẩy F’.
Cách 2
- Tay trái: cầm tương tự cách 1.
- Tay phải: quan trọng nhất là bạn phải đặt ngón áp út vào Layer giữa S-slice. Các ngón còn lại cầm sao cho chắc chắn là được.
B – Mặt sau
Không có cách nào dễ dàng để thực hiện động tác xoay B, hầu hết các Cuber thường lật khối Rubik sao cho mặt B trở thành U (động tác này gọi là x’). Rất may là bạn sẽ hiếm khi gặp B trong các công thức có sẵn.
D – Mặt dưới
Động tác này sẽ mất nhiều thời gian để thành thạo. Đầu tiên bạn hãy giữ Cube từ tầng 2 và tầng 3 bằng ngón cái ở mặt trước F và hai ngón tay tiếp theo ở mặt sau B, để lại ngón áp út và ngón út “lơ lửng” phía sau khối Rubik. Tiếp theo, sử dụng ngón áp út để gẩy D theo hướng bạn muốn. Ngón tay trái cho D và ngón tay phải cho D’.
#Lưu ý: giống như B, động tác xoay D không mấy thường xuyên so với R, L và U.
M – Lớp giữa (M-slice)
Finger Trick M là động tác gây tranh cãi nhất bởi các Cuber. Lý do là độ dài ngón tay mỗi người lại khác nhau trong khi M là layer cách xa các đầu ngón tay nhất. Do đó, cách xoay M kiểu này có thể hợp với bạn nhưng cách kia thì lại không.
Tôi – người viết bài này cảm thấy Finger Trick M bằng ngón trỏ tay trái là thoải mái nhất, nhưng anh chàng J Perm thì lại không thấy vậy, anh ta đặt ngón giữa tay phải ở mặt dưới D và gẩy một cách ngon lành.
Finger Trick Rubik 3×3 nâng cao
Những động tác nâng cao này sẽ tốn kha khá thời gian luyện tập của bạn. Nhưng bù lại, khi bạn biết gài chúng vào công thức sẽ làm giảm động tác thừa cũng như regrip rất nhiều đấy.
U2 – Xoay mặt trên hai lần
Động tác Double Flick có lẽ là một trong những trick quan trọng nhất mà nhiều cuber vẫn chưa tự “trang bị” cho mình. Mẹo này không chỉ giúp bạn cải thiện tốc độ khi thực hiện thuật toán, F2L, mà còn có thể giảm thời gian trung bình của bạn đi cả giây. Điển hình và dùng nhiều nhất là động tác U2 – Xoay mặt trên hai lần cùng một lúc.
Việc cầm nắm giống hệt như Finger Trick U cơ bản, chỉ có điều là sau khi đẩy tầng trên bằng ngón trỏ, ngay lập tức sử dụng ngón giữa để đẩy thêm một lần nữa.
D2 – Xoay mặt dưới hai lần
D2 Flick có thể dùng chỉ với một tay mà không cần tay còn lại kia cố định. Tuy nhiên nó lại là một trong các Finger Trick gây gượng tay nhất khi học. Bạn có thể thực hiện nó theo trình tự từ ngón áp út đến ngón tay, hoặc ngược lại.
Nếu bạn là người chơi OH (one hand = chơi một tay), hoặc thường xuyên thực hiện các cú búng R2 thì chắc đã quá quen với động tác này rồi.
M2 – Xoay lớp giữa hai lần
Nếu bạn muốn H-perm và Z-perm của mình nhanh hơn, bạn cần phải biết cách búng M2 bằng ngón áp út + ngón giữa. Nếu bạn đã học Roux thì chắc hẳn bạn phải biết làm động tác này, vì nếu không, Roux của bạn là dở tệ.
U – Mặt trên
Cách 1
Tay trái bạn giữ sao cho vừa cố định được khối, vừa không làm vướng tầng trên U. Còn tay phải quan trọng nhất là ngón cái đặt chính vào tâm tầng trên. Cách này rất ít khi dùng đến.
Cách 2
Nếu bạn là người chơi OH thì bạn chắc đã biết đến động tác này rồi. Số lần phải dùng động tác này là không nhiều nhưng nó có thể giúp bạn tăng tốc giải các thuật toán đáng kể.
Cách dùng khá đơn giản, bạn dùng lực ngón tay cái dẩy thẳng vào tầng trên từ mặt F.
👉 Tổng kết: nên nhớ rằng đây chỉ là lý thuyết, việc bạn xoay như nào nó còn tùy thuộc vào hoàn cảnh nữa. Cho nên hãy cố gắng vận dụng linh hoạt nhất có thể, với một công thức bạn có thể thử nhiều cách Finger Trick khác nhau để tìm ra cái nào phù hợp cho mình.
Cách tập Finger Trick
Thực hành nhuần nhuyễn đống này và áp dụng vào trong công thức (nếu được), cho đến khi nó trở thành phản xạ tay của bạn. Lưu ý rằng đây chỉ là một phần nhỏ combo trong Finger Trick nhưng chúng rất hay xuất hiện trong các công thức có sẵn.
Combo Cách cầm (1) R U R’ Ngón cái tay phải đặt ở mặt dưới D, 3 ngón tiếp theo đặt ở mặt trên U. => Sau khi đẩy R lập tức dùng ngón trỏ tay phải để gẩy U. (2) R U’ R’ Cách cầm tương tự combo 1 nhưng ngón trỏ không chạm vào mặt trên U. => Sau khi đẩy R lập tức dùng ngón trỏ tay trái để gẩy U’. (3) R’ U R Ngón cái tay phải đặt ở mặt trên U, 3 ngón tiếp theo đặt ở mặt dưới D. (4) R’ U’ R Cách cầm tương tự combo 3 nhưng xoay U’ bằng ngón trỏ trái. (5) R U2 R’
Ngón cái tay phải đặt ở mặt dưới D, 3 ngón tay tiếp theo đặt ở mặt trên U. => Sau khi đẩy R lập tức dùng ngón trỏ (trái hoặc phải) gẩy U (3 ngón tay đã thả ra, không còn giữ vào bề mặt Cube nữa) và dùng ngón giữa để gẩy U lần 2 ngay sau đó.
# Nếu làm nhanh động tác U2 như trên bạn sẽ thấy nó rất mượt mà.
(6) R’ F R U’ Ngón cái tay phải đặt ở mặt trước F, 3 ngón tay tiếp theo đặt ở mặt sau B. => Sau khi đẩy R’, ngón trỏ của bạn đang ở vị trí thuận lợi, hãy ngay lập tức đẩy F xuống. (7) R U R’ U’ (Sexy Move) Cách cầm tương tự combo 1 (8) F R U R’ U’ F’ Combo dài các bạn tự áp dụng theo các combo ngắn ở trên nhé. (9) R U R’ U R U2 R’ (Sune Move) (10) R U2 R’ U’ R U’ R’ (Anti-Sune Move)
Một số lời khuyên khi luyện Finger Trick
– Finger Trick là một kỹ năng chỉ có thể thành thạo bằng thực hành, cho nên hãy luyện tập thường xuyên. Sau khi đã nhuần nhuyễn cách cầm và đống combo tôi đã nêu rõ ở trên, hãy áp dụng ngay vào các bộ công thức.
– Chủ động chỉnh sửa động tác ngay từ đầu. Một khi động tác xoay trở thành thói quen thì rất khó để sửa, cho nên hay cố gắng căn chỉnh lại cho đúng chuẩn.
– Những mục đã nói ở trên chắc chắn là không đủ vì bị hạn chế bởi câu chữ. Bởi vậy hãy cố gắng học theo người khác. Xem các video trên Youtube là cách tốt nhất để bạn có thể hình dung rõ nét hơn về Finger Trick.
– Nếu đã học theo công thức của bất kỳ phương pháp tiên tiến nào, bạn sẽ thấy các combo này thường được để trong dấu ngoặc tròn ( ) hoặc ngoặc vuông [ ]. Đây là ký hiệu giúp chúng ta nhận biết được đâu là lúc có thể áp dụng Finger Trick.
– Luyện Finger Trick bằng Cube có khả năng cắt góc kém nhưng sau khi học xong hãy tự thưởng cho mình bằng một chiếc Rubik tốt. Như tôi đã nói ở trên, khả năng cắt góc giúp Finger Trick nhanh hơn rất nhiều.
#Nếu có thắc mắc xin vui lòng để lại Comment hoặc nhắn tin cho chúng tôi tại đây – Facebook H2 Rubik.
Cảm ơn bạn đã đọc
>>> Đặt mua Rubik dành cho đấu giải ngay tại đây – Rubik đấu giải WCA.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!