Các bước xây dựng kỹ năng thuyết trình thu hút cho sinh viên – Đại học Bách khoa – Tuyển sinh – Chương trình Chất lượng cao – Văn phòng Đào tạo Quốc tế – ĐH Bách Khoa TP.HCM

Hầu hết sinh viên đều đã có ít nhất một lần đứng trước lớp để trình bày nội dung môn học hay nêu lên ý kiến cá nhân. Trong công việc sau này cũng thế, sẽ có lúc bạn cần trình bày ý kiến trước tổ chức và khi đó kỹ năng thuyết trình là điểm mấu chốt giúp bạn thể hiện sự tự tin và thuyết phục người nghe.

KỸ NĂNG THUYẾT TRÌNH CÓ QUAN TRỌNG?

Kỹ năng thuyết trình là một trong những kỹ năng mềm quan trọng, để truyền đạt được thông tin của bạn đến người nghe và thuyết phục họ là một kỹ năng không hề dễ.

Nếu bạn có kỹ năng thuyết trình tốt, điều đó không chỉ làm tăng cơ hội thành công của bản thân mà còn đóng góp nhiều cho thành công cả tập thể như trong học và trong công việc.

Để bài thuyết trình mang lại hiệu quả và hấp dẫn cho nhiều đối tượng khán giả khác nhau, bạn cần phải chuẩn bị kỹ cấu trúc bài thuyết trình, cách thiết kế các slide, tông giọng và ngôn ngữ cơ thể…

Vậy làm thế nào để có được kỹ năng thuyết trình? Dưới đây là 8 tip giúp bạn có một bài thuyết trình hiệu quả và thành công.

8 BƯỚC GIÚP BÀI THUYẾT TRÌNH THUYẾT PHỤC NGƯỜI XEM

1. Xác định chủ đề bài thuyết trình

Trước hết bạn cần xác định rõ chủ đề và thông điệp mà bạn muốn thông báo, truyền tải đến người nghe là gì.

Sau đó thì chuẩn bị nội dung, thông tin cần trình bày, bố cục bài trình chiếu hoặc các dẫn chứng kèm theo. Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu những gì bạn muốn truyền đạt và hướng đến đối tượng là ai? Điều này sẽ giúp bạn xác định thông điệp nào sẽ được đưa vào bài và cách gửi nó đến người nghe một các hiệu quả nhất.

2. Nắm rõ quy tắc 10 – 20 – 30

Bạn đã nghe đến quy tắc 10 – 20 – 30 chưa? Quy tắc này được nhà đầu tư Guy Kawasaki chia sẻ trên blog của ông, nó tập trung vào sự cụ thể và khả năng hiển thị hiệu quả của bản trình bày PowerPoint.

10 trang trình bày

Bằng cách giới hạn trong 10 slide trình bày, bạn sẽ dễ quản lý và quan sát được khán giả của mình đang tiếp thu kiến thức như thế nào. Họ cũng sẽ dễ dàng nắm bắt được các ý chính trong bài thuyết trình của bạn tốt hơn là một bài nói quá dài nhưng có nhiều các nội dung không cần thiết.

20 phút

Bằng cách đề ra thời gian giới hạn trong bài thuyết trình, bạn cần phải lược bớt những chi tiết không cần thiết và tập trung vào những nội dung quan trọng sẽ truyền tải thông điệp của bạn.

Ngay cả khi phiên của bạn được phân bổ nhiều thời gian hơn, bạn cũng nên dành ít nhất 10 phút còn lại cho các cuộc thảo luận, câu hỏi hoặc giao lưu với người nghe. Đây cũng là kỹ năng quản lý thời gian mà bạn cần có cho một bài thuyết trình thành công.

Phông chữ cỡ 30

Tùy thuộc vào kích thước phòng và màn hình, hầu hết khán giả sẽ có thể nhìn thấy văn bản có phông chữ ít nhất là cỡ 30. Khi thiết kế bản trình bày của bạn, hãy nhớ rằng mọi thứ bạn thể hiện phải hiển thị cho mọi người tham dự, đặc biệt là những người ở phía sau.

Tuy nhiên, đây cũng là quy tắc để tham khảo, còn tùy thuộc vào nội dung trình bày, tình huống cụ thể mà bạn có thể linh hoạt, trình bày ngắn gọn và dễ nhìn.

3. Trình bày nội dung một cách khoa học

Để một bài thuyết trình thành công thì cách trình bày bài thuyết trình rất quan trọng. Vì vậy cần chia ra thành các phần nhỏ như: đặt vấn đề, nội dung chính và cuối cùng là kết luận. Không nên bắt đầu bài thuyết trình bằng cách đưa ra giải thích và hàng loạt các dẫn chứng, các số liệu mà quên giới thiệu chủ đề, điều khiến người nghe không hiểu được bạn đang nói về vấn đề gì; cũng không nên trình bày quá nhiều mà không kết luận chốt lại vấn đề. Tránh tình trạng đang nói vấn đề này lại chuyển sang vấn đề khác khiến bài thuyết trình lan man, không tập trung và gây rối cho người nghe.

4. Thiết kế bảng trình chiếu

Để đạt được thành công cho buổi thuyết trình thì bạn không nên bỏ qua bước thiết kế các trang trình chiếu rõ ràng, thu hút người xem.

Ứng dụng Power Point là công cụ được sử dụng phổ biến nhất, giúp người nghe có thể dễ dàng hiểu được những điều mà bạn đang truyền tải thông qua hình ảnh, các video, biểu đồ… Ngoài ra, còn có các ứng dụng khác như LibreOffice Impress, ứng dụng Google Slides, Prezi trực tuyến, PowToon trực tuyến…

Thêm vào đó, để slide trình chiếu sinh động hơn, bạn nên sử dụng thêm các hiệu ứng, kỹ xảo, các template nổi bật, hình ảnh sử dụng chất lượng cao… Nhưng bạn nhớ chọn lọc hình ảnh phù hợp và không nên lạm dụng nhiều hiệu ứng trong cùng 1 slide.

5. Kiểm soát thời gian thuyết trình

Như quy tắc đã được đề cập trước đó, thì thời gian luôn là yếu tố quan trọng khi thuyết trình. Bạn cần phải trau dồi kỹ năng quản lý thời gian và chuẩn bị thật tốt bài thuyết trình. Nếu bạn có 30 phút để trình bày, chỉ nên sử dụng 20 – 25 phút. Kết thúc sớm trước 5 phút để khán giả có thể đặt câu hỏi, nhận xét phần trình của bạn hoặc có thể mời họ gặp bạn sau buổi thuyết trình.

6. Phong thái tự tin

Hầu hết các sinh viên năm nhất vẫn chưa quen với việc thuyết trình nên vẫn còn rụt rè và ngại khi đứng trước đám đông. Vì vậy để có được phong thái tự tin bạn cần rèn luyện bản thân mình bằng cách giao tiếp với các bạn nhiều hơn, chuẩn bị kỹ bài nói của mình trước khi thuyết trình và giữ cho đầu óc được thoải mái nhất có thể trước khi lên thuyết trình.

7. Tận dụng ngôn ngữ cơ thể

Để trở thành một người thuyết trình cuốn hút, nội dung hay là chưa đủ mà bạn còn cần thêm ngôn ngữ cơ thể. Bạn vẫn có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể hiệu quả với một số mẹo nhỏ như nhìn vào trán thay vì nhìn vào mắt người đối diện; giọng nói to nhỏ, cắt nghỉ phù hợp; tránh để tay sau lưng hay chỉ trực diện vào người nghe… và đừng quên nụ cười tươi của bạn.

Ngoài các cử chỉ phi ngôn từ trên thì bạn cũng cần biết rằng trang phục, đầu tóc, mùi hương… cũng cho thấy sự tự tin, chuyên nghiệp và góp phần quan trọng tạo nên sự thành công cho bài thuyết trình của bạn.

8. Giao lưu và chủ động đặt câu hỏi với khán giả

Việc giao lưu và tương tác với khán giả sẽ giúp bạn thoải mái hơn và không bị phụ thuộc quá nhiều vào giấy hay bảng trình chiếu. Hãy đặt thật nhiều câu hỏi mở để tương tác cùng người nghe và cuối cùng bạn là người chốt lại vấn đề. Thuyết trình không đơn thuần đọc và trình bày nội dung ý tưởng của bạn mà nó còn là sự tương tác giữ người nói và người nghe. Việc hỏi khán giả để cùng thảo luận và tìm ra câu trả lời, khán giả được tương tác sẽ hào hứng vào bị hút vào bài nói chuyện của bạn.

THỰC HÀNH KỸ NĂNG THUYẾT TRÌNH Ở ĐÂU?

Đối với sinh viên Bách khoa, ngoài các giờ học nhóm, báo cáo đồ án, tiểu luận thì tham gia các hoạt động của Đoàn, hội, các CLB trường hoặc ngay trong học kỳ Pre-University, các bạn được trang bị/ thực hành thông qua các tiết học Softskill, tổ chức hoạt động Camp, cuộc thi sáng tạo như cuộc thi Innovation, Presentation Contest do trường tổ chức… Đây chính là môi trường thuận lợi nhất để các bạn rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông.

Bài: LINH LÊ