Ung thư khẩu cái cứng: triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị – YouMed

Ung thư khẩu cái cứng chiếm 1,3% ung thư vòm miệng. Bệnh gặp chủ yếu ở nam trên 60 tuổi. Ở nước ta ung thư khẩu cái cứng chiếm 6,2% ung thư vòm miệng với tỉ lệ nam : nữ = 1,5 : 1.

Ung thư khẩu cái cứng là gì?

Khẩu cái cứng là gì?

Có 2 loại khẩu cái:

  • Khẩu cái cứng có xương ở phía trước miệng
  • khẩu cái mềm có cân và cơ ở phía sau miệng.

Khẩu cái cứng cứng là một phần của khoang miệng nhưng khẩu cái mềm là một phần của hầu họng.

  • Khẩu cái cứng là vách ngăn giữa khoang miệng và khoang mũi. Nếu có một lỗ hở trong khẩu cái có thể tạo ra một lối đi cho khối u di căn vào khoang mũi. Bởi vì các dây thần kinh và mạch máu có thể đi qua lỗ này.
  • Khẩu cái mềm đóng đường mũi trong quá trình nuốt để thức ăn không vào mũi. Nó cũng góp phần trong phát âm.

Như thế nào là ung thư khẩu cái cứng

Ung thư khẩu cái có hai loại – ung thư khẩu cái cứng và ung thư khẩu cái mềm.

Ung thư khẩu cái cứng bắt đầu từ phần xương trên vòm miệng. Ung thư khẩu cái mềm bắt đầu từ các tế bào khẩu cái mềm, ở phần trên của miệng, ngay sau răng. khác với như ung thư ung thư khẩu cái mềm, ung thư khẩu cái cứng là một loại ung thư đầu cổ.

Ung thư bắt đầu khi các tế bào tạo nên phần xương của khẩu cái phát triển mất kiểm soát và hình thành các tổn thương hoặc khối u. Khối u phát triển ở đó có xu hướng lan vào khoang mũi khi chúng trở nên nặng hơn.

Sử dụng thuốc lá và uống rượu có thể làm tăng cơ hội phát triển ung thư khẩu cái cứng. Bệnh thường được phát hiện khi khám nha sĩ định kỳ.

Nguyên nhân ung thư khẩu cái cứng

Khi một bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, họ thường tự hỏi nguyên nhân là gì. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này. Hiện tại, vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư khẩu cái cứng. Nghiên cứu cho thấy, nó có thể là sự kết hợp của di truyền và các yếu tố môi trường. Ngoài ra, dưới đây là một vài yếu tố được biết đến làm tăng nguy cơ phát triển ung thư khẩu cái cứng.

  • Thuốc lá. Đây là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất đối với ung thư khẩu cái cứng. Việc sử dụng thuốc lá điếu, xì gà, về cơ bản làm tăng nguy cơ phát triển ung thư khẩu cái cứng.
  • Rượu. Uống quá nhiều rượu cho thấy mối liên hệ chặt chẽ với sự khởi phát của bệnh ung thư tế bào vảy ở miệng. Hơn nữa, hút thuốc và uống rượu nhiều làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư này.
  • Trầu cau. Hạt của cây cau thường được người dân Đông Nam Á nhai và được biết là có thể gây ung thư vòm họng cứng.
  • Sử dụng cần sa
  • Vệ sinh răng miệng không thường xuyên
  • Mắc vi rút u nhú (HPV)
  • Dinh dưỡng kém
  • Yếu tố di truyền
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính của bệnh ung thư khẩu cái
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính của bệnh ung thư khẩu cái

Triệu chứng ung thư khẩu cái cứng

Không giống với các ung thư vùng đầu cổ khác, bệnh nhân có thể tự nhận thấy được những bất thường. Triệu chứng phổ biến nhất là vết loét trên vòm miệng. Khi khối u phát triển, vết loét có thể chảy máu. Một số triệu chứng khác của bệnh bao gồm:

  • Hơi thở có mùi
  • Răng bị lung lay hoặc đau quanh răng
  • Tiếng nói bị thay đổi
  • Khó khăn khi nuốt
  • Khó cử động hàm
  • Xuất hiện một khối u ở cổ

Trong vài trường hợp, dấu hiệu đầu tiên có thể là một khối u ở cổ. Điều này có nghĩa là khối u đã di căn đến các hạch bạch huyết ở cổ. Tuy nhiên ung thư khẩu cái cứng thường được phát hiện là dạng nguyên phát trong khoang miêng.

Điều quan trọng là một bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều triệu chứng trên nhưng không phải là ung thư khẩu cái cứng. Một số bệnh cũng có những triệu chứng tương tự. Do đó, cần thăm khám bác sĩ ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ.

Vết loét không lành trong miệng có thể là dấu hiệu ung thư khẩu cái cứng
Vết loét không lành trong miệng có thể là dấu hiệu ung thư khẩu cái

Chẩn đoán ung thư khẩu cái cứng

Nếu ung thư được chẩn đoán sớm, việc điều trị có cơ hội thành công cao hơn. Chẩn đoán ung thư khẩu cái cứng dựa vào hai khía cạnh lâm sàng và cận lâm sàng.

  • Lâm sàng

Tổn thương loét kéo dài hơn 2 tuần. Đặc biệt là không có dấu hiệu khỏi. Ngoài ra còn có chảy máu tự nhiên, nốt sần, u cục trong miệng.

  • Cân lâm sàng

Kiểm tra khẩu cái và sinh thiết

Bác sĩ kiểm tra khoang miệng bằng một chiếc gương hoặc một ống soi nhỏ, linh hoạt.

Một mẫu mô có thể được lấy ở bất kỳ khu vực bất thường nào. Sau đó, nhà nghiên cứu bệnh học sẽ kiểm tra mẫu dưới kính hiển vi. Phương pháp này gọi là sinh thiết.

Sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ (FNA). Bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim mỏng chọc hút tế bào ung thư trong khoang miệng. Các tế bào được hút vào một ống tiêm và sau đó được kiểm tra dưới kính hiển vi. Phương pháp này xác định xem khối u có phải là ung thư hay không.

ung thư khẩu cái cứng
Bác sĩ kiểm tra khẩu cái của bệnh nhân

Xét nghiệm hình ảnh

X quang

  • Chụp X-quang để thăm dò xem khối u đã di căn đến phổi chưa
  • Chụp X-quang chỉnh hình (Panorex) là chụp X-quang toàn cảnh của hàm trên và hàm dưới. Nó cho thấy một cái nhìn từ tai này sang tai khác và nó giúp xác định xem một khối u đã phát triển vào xương hàm hay chưa.

CT (chụp vi tính cắt lớp)

CT cho một loạt các hình ảnh chi tiết, với các góc độ khác nhau, của các khu vực bên trong miệng và cổ.

Hệ thống gồm:

  • Một máy tính được liên kết với máy X-quang.
  • Thuốc nhuộm. Thuốc có thể được tiêm vào tĩnh mạch hoặc nuốt vào trong một viên thuốc để giúp làm nổi bật các cơ quan hoặc mô phim.

MRI (chụp cộng hưởng từ)

  • Một chiếc máy sử dụng nam châm, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra những bức ảnh chi tiết về các khu vực bên trong miệng và cổ. Thủ tục này còn được gọi là chụp cộng hưởng từ hạt nhân.

Một số xét nghiệm hình ảnh khác

  • Hiện nay PET-CT là kỹ thuật mới có giá trị ữong chấn đoán và kiểm soát ung thư miệng hàm mặt.
  • Siêu âm để phát hiện di căn xa của ung thư di căn vào gan.

Điều trị ung thư khẩu cái cứng

Mục tiêu của việc điều trị ung thư vòm họng cứng là:

  • Chữa khỏi bệnh ung thư
  • Giữ gìn vẻ ngoài và các chức năng của miệng
  • Ngăn ngừa ung thư tái phát

Một số phương pháp điều trị

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị ưa thích cho bệnh ung thư khẩu cái cứng. Phẫu thuật sẽ cắt bỏ khối u và có thể cả phần xương xung quanh.

Nếu khối u nhỏ, vùng cắt bỏ có thể được khâu lại sau khi phẫu thuật. Nếu khối u lớn, vùng bị cắt bỏ không thể khâu lại và cần phải thiết đặt thêm một bộ phận giả để che lỗ hở ở vòm miệng. Bộ phận đó gần giống như một răng giả.

Nếu ung thư di căn đến các hạch bạch huyết ở cổ, các hạch này có thể cần phải được loại bỏ.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp dùng tia xạ để ngăn chặn các tế bào ung thư phân chia. Đồng thời nó cũng làm chậm sự phát triển của khối u. Xạ trị cũng tiêu diệt các tế bào ung thư và có thể thu nhỏ hoặc loại bỏ các khối u.

Xạ trị điều biến cường độ cho phép sử dụng liều bức xạ ít nhưng hiệu quả. Ngoài ra ưu điểm của nó còn là tác dụng phụ hơn so với các kỹ thuật xạ trị thông thường. Xạ trị thường điều trị từ 5 đến 6 tuần liên tục

Hóa trị

Tùy vào nguyên nhân mắc bệnh, hóa trị có thể được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị cùng với xạ trị thay thế cho phẫu thuật
  • Sau khi phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư quay trở lại
  • Để làm chậm sự phát triển của khối u và kiểm soát các triệu chứng khi ung thư không thể chữa khỏi (điều trị giảm nhẹ)

Hóa – xạ trị

Đây là phương pháp kết hợp giữa xạ trị và hóa trị. Xạ trị được sử dụng một mình hoặc với hóa trị. Đây là phương pháp điều trị chính cho các bệnh ung thư mức độ trung bình hoặc ung thư tiến triển. Mục đích là nhằm bảo tồn chức năng của khẩu mềm.

Trên đây là tổng quan những gì bạn nên biết về ung thư khẩu cái cứng. Tuy là bệnh hiếm gặp nhưng không phải là không có. Triệu chứng của bệnh có thể do tự người bệnh phát hiện. Tuy nhiên nó vẫn không phải điển hình. Do đó, khi có bất kỳ nghi ngờ gì về các vấn đề trong khoang miệng, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.