ÔN TẬP TỤC NGỮ 7 (23-3 đến 28-3) | THCS Khai Quang

ÔN TẬP TỤC NGỮ 7

1.Khái niệm tục ngữ:

-Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn lưu truyền trong dân gian, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt như : tự nhiên, lao động sản xuất, con người, xã hội…

– Về hình thức: mỗi câu tục ngữ là một câu nói diễn đạt một ý hoàn chỉnh. Câu tục ngữ có đặc điểm là ngắn gọn, hàm súc, bền vững về kết cấu “ Một câu tục ngữ còn ngắn hơn cả mũi con chim”- Tục ngữ dân gian Nga, “ Tục ngữ có bao nhiêu là ý nghĩa, bao nhiêu là hiện tượng phong phú… và tất cả bao nhiêu thứ đó được trồng trên một diện tích ngôn ngữ nhỏ hẹp làm sao”- Ô dê rốp, “ Những lời nói trần trụi không phải là tục ngữ”- Tục ngữ Nga.

– Về nội dung tư tưởng: tục ngữ thể hiện những kinh nghiện của nhân dân về mọi mặt.

– Nói đến tục ngữ phải chú ý đến cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen là nghĩa trực tiếp, gắn với sự việc và hiện tượng ban đầu. Nghĩa bóng là nghĩa gián tiếp, nghĩa ẩn dụ, biểu trưng.

– Về sử dụng: tục ngữ được nhân dân vận dụng vào mọi khía cạnh của đời sống, nó giúp nhân dân có được kinh nghiệm để nhìn nhận ứng xử, thực hành vào đời sống; trong ngôn ngữ tục ngữ làm đẹp, làm sâu sắc thêm lời nói.

– Tri thức trong tục ngữ là kinh nghiệm nên không phải lúc nào cũng đúng; thậm chí có những kinh nghiệm đã lạc hậu.

  1. Phân biệt tục ngữ với thành ngữ và ca dao:

a, Phân biệt tục ngữ với thành ngữ:

– Giống nhau:

Tục ngữ và thành ngữ đều là những đơn vị đã có sẵn trong ngôn ngữ và lời nói, đều dùng hình ảnh để diễn đạt, dùng cái đơn nhất để nói cái chung và đều được sử dụng ở nhiều hoàn cảnh khác nhau trong đời sống.

Khác nhau:

Thành ngữ thường là những đơn vị tương đương như từ, mang hình thức cụm từ cố định còn tục ngữ là câu hoàn chỉnh.

Thành ngữ có chức năng định danh- gọi tên sự vật, gọi tên tính chất, trạng thái hay hành động của sự vật hiện tượng còn tục ngữ diễn đật trọn vẹn một phán đoán hay kết luận, một lời khuyên.

Do đó, một đơn vị thành ngữ chưa thể coi là một văn bản trong khi mỗi câu tục ngữ được xem như một văn bản đặc biệt, một tổng thể thi ca nhỏ nhất- R. Gia cốp xơn

b, Phân biệt tục ngữ với ca dao:

– Giống nhau:

Đều là những sáng tác dân gian

– Khác nhau:

+ Tục ngữ là câu nói còn ca dao là lời thơ và thường là lời thơ của những bài dân ca. +Tục ngữ thiên về lí trí, ca dao thiên về trữ tình.

+ Tục ngữ diễn đạt kình nghiệm, ca dao biểu hiện thế giới nội tâm của con người.

*Chú ý: có những trường hợp rất khó phân biệt, nên coi đây là hiện tượng trung gian.

3.Các chủ đề chính của tục ngữ:

GV giới thiệu theo cuốn Tục ngữ, ca dao Việt Nam:

-Tục ngữ về thiên nhiên, thời tiết

-Tục ngữ về lao động sản xuất

-Tục ngữ về con người với các mối quan hệ

-Tục ngữ về kinh nghiệm ứng xử

-Tục ngữ về quan hệ làng xóm láng giềng…

II.Nội dung các bài tục ngữ về thiên nhiên, thời tiết

(1) Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng

Ngày tháng mười chưa cười đã tối.

– Nghĩa là tháng năm đêm ngắn, tháng mười ngày ngắn. Suy ra tháng năm ngày dài, tháng mười đêm dài.

– Cơ sở thực tiễn là dựa trên quan sát, trải nghiệm thực tế.

– Áp dụng kinh nghiệm này, người ta chú ý phân bố thời gian biểu làm việc cho phù hợp. Chú ý khẩn trương khi làm việc, bố trí giấc ngủ hợp lí,…

– Câu tục ngữ giúp con người có ý thức về thời gian làm việc theo mùa vụ.

(2)Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa.

– Nghĩa là khi trời nhiều (dày) sao sẽ nắng, khi trời không có hoặc ít (vắng) sao thì mưa.

– Đây là kinh nghiệm để đoán mưa nắng, liên quan trực tiếp đến công việc sản xuất nông nghiệp và mùa màng. Do ít mây nên nhìn thấy nhiều sao, nhiều mây nên nhìn thấy ít sao.

– Nhìn sao có thể đoán trước được thời tiết để sắp xếp công việc.

(3) Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ.

– Nghĩa là khi có ráng mỡ gà, sẽ có mưa bão lớn. Vì vậy phải chú ý chống bão cho nhà cửa.

– Câu tục ngữ nhắc nhở ý thức phòng chống bão lụt.

(4) Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt.

– Vào tháng bảy, nếu thấy kiến di chuyển (bò) thì khả năng sắp có mưa lớn và lụt lội xảy ra.

– Kiến là loại côn trùng nhạy cảm. Khi sắp có mưa lụt, chúng thường di chuyển tổ lên chỗ cao, vì vậy chúng bò ra khỏi tổ. (Trước trận mưa rào, Trần Đăng Khoa quan sát thấy: kiến/ hành quân/ đầy đường.)

– Câu tục ngữ được đúc kết từ quan sát thực tế, nó nhắc nhở về ý thức phòng chống bão lụt, loại thiên tai thường gặp ở nước ta.

(5) Tấc đất tấc vàng

– Đất được coi quý ngang vàng.

– Đất thường tính bằng đơn vị mẫu, sào, thước (diện tích). Tính tấc là muốn tính đơn vị nhỏ nhất (diện tích hay thể tích). Vàng là kim loại tính đếm bằng chỉ, bằng cây (dùng cân tiểu li để cân đong). Đất quý ngang vàng (Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu).

– Đất quý như vàng vì đất nuôi sống con người, tiềm năng của đất là vô hạn, khai thác mãi không bao giờ vơi cạn.

– Người ta sử dụng câu tục ngữ này để đề cao giá trị của đất, phê phán việc lãng phí đất (bỏ ruộng hoang, sử dụng đất không hiệu quả).

(6) Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền.

– Câu này nói về giá trị kinh tế khi khai thác ao, vườn, ruộng. Cũng có thể nói về sự công phu, khó khăn của việc khai thác các giá trị kinh tế ở các nơi đó. Ruộng thì phổ biến, chỉ để cấy lúa hay trồng cây lương thực, hoa màu. Vườn thì trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ. Ao thả cá, thả rau muống,… Kĩ thuật canh tác rất khác nhau. Người xưa đã tổng kết về giá trị kinh tế, cũng có thể kèm theo đó là độ khó của kĩ thuật.

– Áp dụng câu tục ngữ để khai thác tốt điều kiện tự nhiên, làm ra nhiều của cải vật chất.

(7) Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.( về nhà)

– Câu tục ngữ nói về vai trò của các yếu tố trong sản xuất nông nghiệp (trồng lúa nước) của nhân dân ta.

– Yếu tố nước phải là yếu tố quan trọng hàng đầu, nếu bị úng, hay bị hạn, mùa vụ có thể bị thất thu hoàn toàn. Sau đó là vai trò quan trọng của phân bón. Yếu tố cần cù, tích cực chỉ đóng vai trò thứ ba. Giống đóng vai trò thứ tư. Tuy nhiên, nếu ba yếu tố trên ngang nhau, ai có giống tốt, giống mới thì người đó sẽ thu hoạch được nhiều hơn.

– Câu tục ngữ nhắc nhở người làm ruộng phải đầu tư vào tất cả các khâu, nhưng cũng phải chú ý ưu tiên, không tràn lan, nhất là khi khả năng đầu tư có hạn.

(8) Nhất thì, nhì thục.

– Câu tục ngữ nêu vai trò của thời vụ (kịp thời) là hàng đầu. Sau đó mới là yếu tố làm đất kĩ, cẩn thận. Thời vụ liên quan đến thời tiết, nắng mưa. Nếu sớm quá, muộn quá, cây trồng sẽ bị ảnh hưởng và có khi không cho sản phẩm.

– Câu tục ngữ nhắc nhở vấn đề thời vụ và việc chuẩn bị đất kĩ trong canh tác.

BÀI TẬP

Câu 1: Tục ngữ là một thể loại của bộ phận văn học nào ?

A. Văn học dân gian.

B. Văn học viết

C. Văn học thời kì kháng chiến chống Pháp

D. Văn học thời kì kháng chiến chống Mĩ.

Câu 2: Em hiểu thế nào là tục ngữ ?

A. Là những câu nói ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh.

B. Là những câu nói thể hiện kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt.

C. Là một thể loại văn học dân gian

D. Cả ba ý trên.

Câu 3: Câu nào sau đây không phải là tục ngữ ?

A. Khoai đất lạ, mạ đất quen

B. Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa

C. Một nắng hai sương

D. Thứ nhất cày ải, thứ nhì vãi phân

Câu 4: Nhận xét nào sau đây giúp phân biệt rõ nhất tục ngữ và ca dao ?

A. Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, còn ca dao, câu đơn giản nhất cũng phải là một cặp lục bát (6/8).

B. Tục ngữ nói đến kinh nghiệm lao động sản xuất còn ca dao nói đến tư tưởng tình cảm của con người.

C. Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, ổn định, thiên về lí trí, nhằm nêu lên những nhận xét khách quan còn ca dao là thơ trữ tình, thiên về tình cảm, nhằm phô diễn nội tâm con người.

D. Cả A, B, C đều sai.

Câu 5: Câu “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa. Bay cao thì nắng bay vừa thì râm” thuộc thể loại văn học dân gian nào ?

A. Thành ngữ. B. Tục ngữ C. Ca dao D. Vè

Câu 6: Nội dung những câu tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất nói về điều gì ?

A. Các hiện tượng thuộc về quy luật tự nhiên

B. Công việc lao động sản xuất của nhà nông.

C. Mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người

D. Những kinh nghiệm quý báu của nhân dân lao động trong việc quan sát các hiện tượng tự nhiên và trong lao động sản xuất.

Câu 7: Những kinh nghiệm được đúc kết trong các câu tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất có ý nghĩa gì ?

A. Là bài học dân gian về khí tượng, là hành trang, “túi khôn” của nhân dân lao động, giúp cho họ chủ động dự đoán thời tiết và nâng cao năng xuất lao động

B. Giúp nhân dân lao động chủ động đoán biết được cuộc sống và tượng lai của mình.

C. Giúp nhân dân lao động có một cuộc sống vui vẻ, nhàn hạ và sung sướng hơn.

D. Giúp nhân dân lao động sống lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống và công việc của mình.

Câu 8: Em hiểu câu tục ngữ “Tấc đất tấc vàng” như thế nào ?

A. Đề cao, khẳng định sự quý giá của đất đai.

B. Cuộc sống và công việc của người nông dân gắn với đất đai đồng ruộng, đất sản sinh ra của cải, lương thực nuôi sống con người, bởi vậy đối với họ, tấc đất quý như vàng.

C. Nói lên lòng yêu quý, trân trọng từng tấc đất của những người sống nhờ đất.

D. Cả ba ý trên.

Câu 9: Các câu tục ngữ trong bài học Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất nói riêng và tục ngữ nói chung nên được hiểu theo nghĩa nào ?

A. nghĩa đen.

B. Nghĩa bóng

C. Cả A và B đều đúng

D. Cả A, B và C đều sai

Câu 10: Những câu tục ngữ đồng nghĩa là những câu tục ngữ như thế nào?

A. Có ý nghĩa gần giống nhau

B. Có ý nghĩa trái ngược nhau

C. Có ý nghĩa hoàn toàn giống nhau

D. Có ý nghĩa mâu thuẫn với nhau.

Câu 11: Câu tục ngữ nào trong các câu sau đồng nghĩa với câu

“Thâm đông, hồng tây, dựng mây. Ai ơi ở lại ba ngày hãy đi ?

A. Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa.

B. Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt

C. Trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa

D. Mống đông, vồng tây, chẳng mưa dây cũng bão giật

Câu 12: Những câu tục ngữ trái nghĩa là những câu có ý nghĩa như thế nào với nhau ?

A. Hoàn toàn trái ngược nhau

B. Bổ sung ý nghĩa cho nhau

C. Hoàn toàn giống nhau

D. Mâu thuẫn với nhau

Câu 13: Câu nào trái nghĩa với câu tục ngữ “Rét tháng ba bà già chết cóng”?

A. Tháng ba mưa đám, tháng tám mưa cơn.

B. Bao giờ cho đến tháng ba,

Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn.

C. Mưa tháng ba hoa đất

Mưa tháng tư hư đất.

D. Bao giờ cho đến tháng ba

Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng.

Câu 14: Trường hợp nào cần bị phê phán trong việc sử dụng câu tục ngữ “Tấc đất, tấc vàng” ?

A. Phê phán hiện tượng lãng phí đất

B. Đề cao giá trị của đất ở một vùng đất được ưu đãi về thời tiết, địa hình nên dễ trồng trọt, làm ăn.

C. Cổ vũ mọi người khai thác các nguồn lợi từ đất một cách bừa bãi

D. Kêu gọi mọi người hãy tiết kiệm và bảo vệ đất.

Câu 15: Theo em, các câu tục ngữ có cách nói “thứ nhất, thứ nhì …” được dùng để nhấn mạnh thứ tự các yếu tố được coi là quan trọng đúng hay sai?

A. Đúng. B. Sai

Câu 16: Dòng nào không phải là đặc điểm về hình thức của câu tục ngữ ?

A. Ngắn gọn.

B. Thường có vần, nhất là vần chân

C. Các vế thường đối xứng nhau cả về hình thức và nội dung

D. Lập luận chặt chẽ giàu hình ảnh.

ÔN TẬP TỤC NGỮ VỀ CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI

( 1) Một mặt người bằng mười mặt của.

->Nhân hoá – Tạo điểm nhấn sinh động về từ ngữ và nhịp điệu.

So sánh, đối lập – K.định sự quí giá của người so với của.

Một mặt người là cách nói hoán dụ dùng bộ phận để chỉ toàn thể. của là của cải v.chất, mười mặt của ý nói đến số của cải rất nhiều.

– Phê phán những trường hợp coi của hơn người hay an ủi động viên những trường hợp “của đi thay người”).

– Câu tục ngữ nói về triết lí sống của n.dân ta là đặt con người lên trên mọi thứ của cải. Ngoài ra nó còn p/ánh 1 hiện thực là người xưa ước mong có nhiều con cháu để tăng cường sức LĐ.

( 2) Cái răng cái tóc là góc con người.

– Góc tức là 1 phần của vẻ đẹp. So với toàn bộ con người thì răng và tóc chỉ là những chi tiết rất nhỏ, nhưng chính những chi tiết nhỏ nhất ấy lại làm nên vẻ đẹp con người.

– Khuyên nhủ, nhắc nhở con người phải biết giữ gìn răng, tóc cho sạch đẹp và thể hiện cách nhìn nhận, đánh giá, bình phẩm con người của nhân dân ta.

( 3) Đói cho sạch, rách cho thơm.

– Đói-rách là cách nói k/quát về cuộc sống khổ cực, thiếu thốn; sạch-thơm là chỉ phẩm giá trong sáng tốt đẹp mà con người cần phải giữ gìn.

– Nghĩa đen: dù đói vẫn phải ăn uống sạch sẽ, dù rách vẫn phải ăn mặc sạch sẽ, thơm tho.

– Nghĩa bóng: dù nghèo khổ thiếu thốn vẫn phải sống trong sạch, không vì nghèo khổ mà làm điều xấu xa, tội lỗi.

( 4) Học ăn, học nói, học gói, học mở.

->Điệp từ – Vừa nêu cụ thể những điều cần thiết mà con người phải học, vừa nhấn mạnh tầm quan trong của việc học.

=>Phải học hỏi từ cái nhỏ cho đến cái lớn.

(5) Không thầy đố mày làm nên.

->Không có thầy dạy bảo sẽ không làm được việc gì thành công.

=>K.định vai trò và công ơn của thầy.

(6) Học thầy không tày học bạn.

->Phải tích cực chủ động học hỏi ở bạn bè.

=>Đề cao vai trò và ý nghĩa của việc học bạn.

* Ý nghĩa cũa 2 câu tục ngữ:

Hai câu tục ngữ trên nói về 2 v.đề khác nhau: 1 câu nhấn mạnh vai trò của người thầy, 1 câu nói về tầm q.trong của việc học bạn. Để cạnh nhau mới đầu tưởng mâu thuẫn nhưng thực ra chúng bổ sung ý nghĩa cho nhau để hoàn chỉnh q.niệm đúng đắn của người xưa: trong h.tập vai trò của thầy và bạn đều hết sức q.trong

( 7) Thương người như thể thương thân.

-Thương người: tình thương dành cho người khác; thương thân: tình thương dành cho bản thân

->Nhấn mạnh đối tượng cần sự đồng cảm, thương yêu.

=>Hãy cư xử với nhau bằng lòng nhân ái và đức vị tha.

(8): Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

– Quả là hoa quả; cây là cây trồng sinh ra hoa quả; kẻ trồng cây là người trồng trọt, chăm sóc cây để cây ra hoa kết trái.

– Nghĩa đen: hoa quả ta dùng đều do công sức người trồng mà có, đó là điều nên ghi nhớ.

Nghĩa bóng: Khi được hưởng thụ thành quả thì ta phải nhớ đến công ơn của người đã gây dựng nên thành quả đó.

-Thể hiện tình cảm của con cháu đối với ông bà, cha mẹ hoặc tình cảm của học trò đối với thầy cô giáo. Cao hơn nữa là lòng biết ơn của nhân dân đối với các anh hùng liệt sĩ đã c.đấu hi sinh dể bảo vệ đất nước

( 9) Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

=>Chia rẽ thì yếu, đoàn kết thì mạnh; 1 người không thể làm nên việc lớn, nhiều

người hợp sức lại sẽ giải quyết được những k.khăn trở ngại dù là to lớn.

BÀI TẬP:

Câu 1: Đối tượng phản ánh của tục ngữ về con người và xã hội là gì ?

A. Là các quy luật của tự nhiên

B. Là quá trình lao động, sinh hoạt và sản xuất của con người.

C. Là con người với các mối quan hệ và những phẩm chất, lối sống cần phải có.

D. Là thế giới tình cảm phong phú của con người.

Câu 2: Tục ngữ về con người và xã hội được hiểu theo những nghĩa nào ?

A. Cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

B. Chỉ hiểu theo nghĩa đen.

C. Chỉ hiểu theo nghĩa bóng.

D. Cả A,B,C đều sai.

Câu 3: Đặc điểm nổi bật về hình thức của tục ngữ về con người và xã hội là gì ?

A. Diễn đạt bằng hình ảnh so sánh

B. Diễn đạt bằng hình ảnh ẩn dụ

C. Từ và câu có nhiều nghĩa.

D. Cả 3 ý trên.

Câu 4: Nội dung của hai câu tục ngữ “ Không thầy đố mày làm nên” và “ Học thầy không tày học bạn” có mối quan hệ như thế nào ?

A. Hoàn toàn trái ngược nhau

B. Bổ sung ý nghĩa cho nhau

C. Hoàn toàn giống nhau

D. Gần nghĩa với nhau

Câu 5: Trong các câu tục ngữ sau, câu nào có ý nghĩa giống với câu “ Đói cho sạch, rách cho thơm” ?

A. Đói ăn vụng, túng làm càn.

B. ăn trông nồi, ngồi trông hướng.

C. ăn phải nhai, nói phải nghĩ

D. Giấy rách phải giữ lấy lề.

Câu 6: Trong các câu tục ngữ sau, câu nào có ý nghĩa trái ngược với câu “ Uống nước nhớ nguồn”?

A. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

B. Uống nước nhớ kẻ đào giếng

C. Ăn cháo đá bát

D. Vô ơn bội nghĩa.

Câu 7: Nội dung nào không có trong nghĩa của câu tục ngữ “ Học thầy không tày học bạn” ?

A. Đề cao ý nghĩa, vai trò của việc học bạn

B. Khuyến khích mở rộng phạm vi và đối tượng học hỏi

C. Không coi học bạn quan trọng hơn học thầy

D. Không coi trọng việc học thầy hơn học bạn.

Câu 8: Câu tục ngữ “ăn quả nhớ kẻ trồng cây ” dùng cách diễn đạt nào ?

A. Bằng biện pháp so sánh

B. Bằng biện pháp ẩn dụ

C. Bằng biện pháp chơi chữ

D. Bằng biện pháp nhân hoá.

Câu 9: ý nghĩa nào đúng nhất có trong câu tục ngữ “ Không thầy đố mày làm nên”?

A. Ý nghĩa khuyên nhủ

B. Ý nghĩa phê phán

C. Ý nghĩa thách đố

D. Ý nghĩa ca ngợi

Câu 10: Trường hợp nào cần bị phê phán trong việc sử dụng câu tục ngữ “Một mặt người bằng mười mặt của” ?

A. Phê phán những trường hợp coi trọng của cải hơn con người

B. An ủi, động viên những trường hợp mà nhân dân ta cho là “của đi thay người”

C. Nói về tư tưởng đạo lí, triết lí sống của nhân dân ta: đặt con người lên trên mọi thứ của cải

D. Khuyến khích việc sinh đẻ nhiều con.

Câu 11: Câu tục ngữ “ Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụ lại nên hòn núi cao” khẳng định sức mạnh của sự đoàn kết. Đúng hay sai ?

A. Đúng B. Sai

Câu 12: Nối nội dung ở cột A với nội dung ở cột B để được một nhận định đúng.

A

B

Dưới hình thức nhận xét, khuyên nhủ, tục ngữ về con người và xã hội truyền đạt rất nhiều bài học bổ ích về cách

1. nhìn nhận các quan hệ giữa con người với giới tự nhiên

2. nhìn nhận giá trị con người, trong cách học, cách sống và cách ứng xử hằng ngày.

3. nhận biết các hiện tượng thời tiết.

4. khai thác tốt điều kiện, hoàn cảnh tự nhiên để tạo ra của cải vật chất.

Câu 13: Em hãy nêu suy nghĩ về một câu tục ngữ mà em yêu thích. ( ít nhất 15 dòng)

Câu 14: Em hãy sưu tầm 5 câu tục ngữ nói về địa phương em.