Dấu ấn nhà 90 Thợ Nhuộm – Nhịp sống Hà Nội

(HNMCT) – Ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là nơi Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng – đồng chí Trần Phú đã ở và hoạt động từ tháng 5 đến tháng 9-1930 với nhiệm vụ quan trọng là khởi thảo bản Luận cương chính trị – một văn kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Cách mạng Việt Nam. Ngày nay, di tích 90 Thợ Nhuộm là “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Vị Tổng Bí thư trẻ tuổi ưu tú

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1-5-1904 tại thôn An Thổ (xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), nguyên quán ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đồng chí xuất thân trong một gia đình Nho học, thân phụ là ông Trần Văn Phổ, một viên quan tri huyện ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) và là một nhà nho chí khí. Sớm mồ côi bố mẹ từ nhỏ, đồng chí Trần Phú học giỏi, tốt nghiệp Trường Quốc học Huế và trở thành thầy giáo. Tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của các tầng lớp nhân dân lao động, Trần Phú sớm có tư tưởng làm cách mạng để giải phóng dân tộc và những người dân bị áp bức. Năm 1925, đồng chí là một trong những người lãnh đạo của Hội Phục Việt – một tổ chức của những người yêu nước ở Vinh.

Bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú là khi gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, được tham dự lớp huấn luyện do Người trực tiếp giảng dạy tại Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, đồng chí Trần Phú được kết nạp vào Cộng sản Đoàn, một tổ chức nòng cốt của Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Tháng 4-1930, Trần Phú được Quốc tế Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử về nước hoạt động. Đến tháng 7-1930, đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng và được giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị. Tại Hà Nội, đồng chí Trần Phú hoạt động bí mật ở nhiều nơi như nhà số 47 Trần Nhân Tông, số 4 Hàng Rươi, 16 Cầu Gỗ và cuối cùng là nhà số 90 Thợ Nhuộm. Đây là ngôi biệt thự 4 tầng của gia đình viên thanh tra Sở Tài chính Trung ương (thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương) người Pháp tên là Duot Bertheur, nằm tại ngã tư giao giữa phố Jauréguiberry và phố Rue Jean Soler (nay là phố Quang Trung và Thợ Nhuộm). Ngôi nhà có hàng rào và cổng sắt kiên cố. Sau hàng rào sắt là hàng râm bụt cao, dày khiến ngôi nhà càng kín đáo hơn. Trước khi chọn ngôi nhà này làm cơ sở hoạt động bí mật của đồng chí Trần Phú, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời đã cử đồng chí Tạ Văn Bân và đồng chí Trịnh Đình Cửu đến đây xin làm việc để điều tra kỹ về cơ sở. Được bác bồi Hai Dung, một người yêu nước nhiệt tình giúp đỡ, đồng chí Bân giả là người làm bếp, đồng chí Trần Phú vào vai anh giáo Năm còn đồng chí Cửu đóng vai người từ quê lên kiếm việc làm.

Trong vai thầy giáo, lại có phong cách bình dân và là người nhà đồng chí Bân và bác Hai Dung nên đồng chí Trần Phú được những người làm công trong nhà ưu ái dành riêng cho một căn buồng nhỏ dưới tầng hầm với diện tích khoảng 6m2, chỉ vừa đủ kê một bộ phản và một tủ gỗ. Tại đây diễn ra nhiều cuộc họp bí mật của các đồng chí trong Trung ương lâm thời như Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Lan, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Thế Rục… Nhiều đêm họp xong, các đồng chí thường ngủ ngay trên bàn hoặc ở hành lang, lối vào buồng đồng chí Trần Phú.

Tháng 10-1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) do đồng chí Trần Phú chủ trì, đã thông qua Luận cương chính trị, đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương và đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư. Tháng 4-1931, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại nhà số 66 đường Champagne (Sài Gòn, nay là thành phố Hồ Chí Minh). Kẻ địch dùng mọi thủ đoạn hòng lấy thông tin nhưng chúng đều thất bại trước tinh thần gang thép của đồng chí Trần Phú. Do bị tra tấn dã man cùng với bệnh cũ tái phát, ngày 6-9-1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Chợ Quán khi mới 27 tuổi. Trước lúc hy sinh, đồng chí còn nhắn gửi các đồng chí ở lại: “Hãy giữ vững tinh thần chiến đấu”.

“Địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống

Những năm qua, ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm đã được ngành Văn hóa Thủ đô bảo tồn, gìn giữ, tu sửa theo đúng hiện trạng ban đầu. Nơi đây hiện là trụ sở làm việc của Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội, tầng hầm là phòng lưu niệm về nơi đồng chí Trần Phú viết bản dự thảo Luận cương chính trị. Phòng lưu niệm này có diện tích trưng bày khoảng 45m2, trong đó có căn phòng rộng 6m2 nơi đồng chí Trần Phú từng ở và làm việc. Phía ngoài sân, giữa một không gian thoáng đãng ngập tràn màu xanh của cây cối là bức tượng bán thân bằng đồng của đồng chí Trần Phú.

Là “nhân chứng” của các sự kiện lịch sử, ngôi nhà 90 phố Thợ Nhuộm đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Theo ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội, ngôi nhà 90 Thợ Nhuộm là một trong những di tích cách mạng quan trọng của Thủ đô. Nơi đây thường xuyên đón khách đến nghiên cứu, tham quan, học tập, đặc biệt là vào các dịp kỷ niệm, những ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước. Cùng với đó là các hoạt động giáo dục truyền thống, lễ báo công, lễ kết nạp Đội, Đoàn, Đảng của các trường học, cơ quan và các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn thành phố… Cô giáo Phạm Vũ Hồng Vân (Trường Tiểu học Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm) xúc động chia sẻ: “Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Hồng Hà đều tự hào khi đến tham quan, học tập truyền thống tại ngôi nhà 90 phố Thợ Nhuộm. Chúng tôi đã được tìm hiểu quá trình sống, chiến đấu, cống hiến của đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Chúng tôi nguyện sống, học tập, rèn luyện và cống hiến để xứng đáng với niềm tin yêu và sự hy sinh lớn lao của Đảng, Bác Hồ và các đồng chí đi trước…”.

Trong không khí mùa xuân Canh Tý vui tươi và cũng là dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020), Ban quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội đã hoàn thành trưng bày chuyên đề “Những hoạt động của đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng tại ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm”. Trưng bày gồm 67 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, tranh vẽ, sơ đồ giới thiệu về thân thế, sự nghiệp và những cống hiến của đồng chí Trần Phú đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Hoạt động này nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; củng cố niềm tin, niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam vào sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.