Kẻ sĩ thời Tam Quốc – Báo Công an Nhân dân điện tử

Qua những bộ tiểu thuyết dã sử như Tam Quốc chí, Tam Quốc diễn nghĩa, hậu thế có thể thấy được diện mạo, tính cách của các kẻ sĩ rất đa dạng, sinh động. Mỗi người một vẻ, một tài trí, một thân phận, một kết cục khác nhau và thuộc các tập đoàn phong kiến khác nhau, song tựu trung đều thể hiện một chân lý muôn thuở đó là kẻ sĩ (giới trí thức) bao giờ cũng có một vị trí quan trọng trong mỗi quốc gia. Với suy nghĩ ấy, tác giả bài viết này xin điểm qua một số trong vô vàn những kẻ sĩ thời đó.

Trước hết là Vương Doãn, quan tư đồ Hán. Giữa lúc nhà Hán suy yếu, Đổng Trác chuyên quyền át vua, biết bao quan lại, danh sĩ mũ cao áo dài, nhiều đời ăn lộc nhà Hán đều ngậm miệng, quỳ gối bó tay, thì nổi lên một mình ông. Thâm trầm và cơ mưu, Vương Doãn đã biết sử dụng mỹ nhân kế, mang gia nhân Điêu Thuyền mồi chài, ly gián cha – con nuôi Đổng Trác – Lã Bố và kết quả mỹ mãn, dẹp trừ được loạn thần Đổng Trác. Song tiếc thay, Vương Doãn vẫn là người hẹp hòi, không biết dùng người hiền, “bỏ rường mối, dứt điển cố”, nên rốt cuộc chết bởi tay giặc Thôi, Dĩ, bỏ mất cơ hội ngàn vàng chấn hưng nhà Hán.

Trần Cung tài trí hơn người, dám vứt bỏ chức quyền huyện lệnh chạy theo Tào Tháo sau khi nghe Tào bộc lộ trí nguyện hưng phục nhà Hán. Nhưng rồi, trước tâm địa “thà ta phụ người, quyết không để người phụ ta” của Tào thì ông lại bỏ Tào mà đi phò Lã Bố – một kẻ vũ dũng vô mưu, tính cách tráo trở, bất nhân bất nghĩa. Chống lại Tào Tháo bất thành, bị Tào bắt, lại nhất nhất giơ đầu chịu chết, không hàng. Xét về mọi mặt, Tào Tháo hơn Lã Bố nhiều phần, vậy tại sao Trần Cung lại đi phò Lã Bố? Trần Cung khinh ghét Tào thật lòng, song cũng có thể vì sai lầm nhất thời bỏ Tào theo Lã Bố nên sau này nửa khí khái nửa cố chấp, chết chứ không hàng Tào. Giả dụ, Trần Cung phò Tào thì biết đâu, với tài trí của mình, ông có thể giúp nhà Ngụy sớm bình định Trung Nguyên cũng nên. Xét cho cùng, Trần Cung là kẻ thảm bại bởi tính cố chấp của mình.

Đến Nễ Hành, người luôn miệng tự nhận là hiểu mọi lẽ ở đời nhưng nào giúp được ai. Chỉ là kẻ khoa trương đại ngôn, lý thuyết suông, lo giữ cái danh hão của mình đến nỗi phí cả thân, thế nên mới bị Tào Tháo mượn tay một kẻ thất phu là Hoàng Tổ chém đầu. Thật là một người ngu trung, đại điên rồ, không có thực lực, hư danh, uổng mạng một đời đèn sách mà thôi…

Còn Chu Du và Bàng Thống thì sao? Cả hai con người này đều được xem là bậc kỳ tài thiên hạ thời ấy. Một người được so ngang với Khổng Minh và một người từng đấu trí ngang ngửa với Khổng Minh. Song, cả hai đều có chung tính hẹp hòi, đố kỵ (với Khổng Minh), để rồi sau đó, Chu Du thì hộc máu, uất ức mà chết, còn Bàng Thống thì bị trúng tên, bỏ mạng nơi gò Lạc Phượng bởi một kẻ vô danh dưới tầm. Thật đáng tiếc thay, tính hẹp hòi đã lấn át trí tuệ! Cùng tài cao, trí lớn nhưng cả hai đều đứt gánh giữa đường…

Dương Tu, kẻ tùng sự của Tào Tháo, có thể được xem là người hay chữ nhất thời bấy giờ. Thế nhưng, tinh anh lại không biến thành sự thâm trầm, cơ mưu mà phát tiết hết ra đầu lưỡi thì cũng uổng. Là kẻ dưới trướng mà lại luôn tỏ ra khôn hơn, biết tận ruột gan của chủ, thậm chí đôi lúc còn xem thường chủ, thì hỏi rằng liệu chủ nào dung cơ chứ? Vậy nên, Tào Tháo mới mượn cái lõi “kê cân” (gân gà) mà giết đi. Đó cũng là lẽ thường tình. Chỉ tiếc nỗi, Dương Tu chết sớm, thiên hạ và hậu thế thiệt thòi không được hưởng tinh hoa chữ nghĩa của ông mà thôi!…

Từ Thứ, được xem là một trong số ít bậc tài ba, lỗi lạc thuở đó. Long đong già nửa đời người mới tìm được chúa mà thờ (Lưu Bị). Ngặt vì chữ “hiếu”, vả lại bản thân xét việc chưa tinh, nhẹ dạ, cả tin đến nỗi mắc mưu Tào Tháo, phải bỏ chủ mà về với kẻ thù của chủ. Khi biết việc rồi thì không đủ độ gian hùng mà phò Tào lập nên công danh sự nghiệp, lại cũng không đủ gan quay lại với Lưu Bị để dẹp Tào – kẻ đã lừa mình, gián tiếp gây ra cái chết của thân mẫu mình. Cứ dùng dằng hai chữ “hiếu, trung” nên đành xếp tài, ôm hận mà chết già trong thời buổi loạn ly. Phải chăng thế là ngu hiếu? Tài trí mà thiếu quyết đoán, khư khư ôm lấy cái nhỏ hòng giữ tiếng mọi bề thì cũng thành kẻ vô dụng cả.

Bị mang danh “bạch diện thư sinh”, thân “trói gà không nổi”, Lục Tốn – kẻ đã từng bày mưu giúp Tôn Quyền đoạt lại Kinh Châu từ tay Quan Công, song dưới con mắt danh sĩ, tướng tá Đông Ngô cũng chỉ có vậy. Phải đến khi vận mệnh Đông Ngô ở vào cái thế “ngàn cân treo sợi tóc” trước cuộc tấn công báo thù của Thục chủ Lưu Bị, Lục Tốn mới được người ta biết tới. Không phụ lòng tin của chủ, Lục Tốn thực sự trở thành “cái cột chống trời” của Đông Ngô, đại phá quân Thục và sau đó làm cho Tào Tháo cùng đám quan quân nhà Ngụy, phải gờm. Xem ra thì tài cán và vai trò của Lục Tốn không nhỏ trong cái thế chân vạc Ngụy – Thục – Ngô. Trớ trêu thay, người như thế mà không qua nổi bãi đá vô tri – trận đồ bát quái của Khổng Minh. Thế mới biết, trí tuệ con người vô hạn mà cũng hữu hạn thay!…

Bây giờ mới xin nói đến Tư Mã Ý. Về tài cán, vị mưu sĩ họ Tư Mã này nào kém cạnh ai. Song lúc Tào Tháo còn sống, với dàn mưu sĩ tài ba như Quách Gia, Tuân Úc, Tuân Du, Giả Hủ, Trình Dục… thì mưu kế của Ý không mấy dùng. Ý lép vế hay là sự khôn ngoan ẩn mình chờ thời? Có lẽ cả hai. Đến tài trí, cơ mưu như Tào Tháo cũng không thể ngờ được đám con cháu mình sau này lại tàn lụi dưới tay họ Tư Mã.

Quả là đến cuối đời mình, lúc tuổi đã cao, còn thời cuộc suy vi, khi mà “Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông, Sóng vùi dập hết anh hùng…”, Tư Mã Ý mới nổi lên thành một nhà thao lược tài ba, đến Khổng Minh cũng phải nể phục, dùng kế ly gián để Ngụy chủ đuổi Ý về vườn. Song, thời thế, tài trí và cả sự may mắn đã giúp cho cha con Ý và dòng họ Tư Mã lần lượt dẹp cả ba nhà Ngụy – Thục – Ngô, thống nhất thiên hạ, lập ra nhà Tấn.

Cuối cùng là Khổng Minh – Gia Cát Lượng. Thoạt tiên, người ta ngỡ Khổng Minh chẳng tham vọng gì với lối sống ẩn dật và thú tiêu dao của ông. Nhưng chỉ cần để ý một chút đời tư của ông (việc Khổng Minh nghe tiếng liền tìm đến cầu hôn con gái Hoàng Thừa Ngạn – một người đàn bà ngoại hình xấu, song giỏi thiên văn, tường địa lý, tinh thông thao lược) thì đủ thấy trí lực và tham vọng của ông. Sống ẩn dật vì nhất thời chưa tìm được chủ. Tào Tháo tuy hơn cả nhưng ông không phò vì sợ mang tiếng là giúp kẻ thoán nghịch. Còn Tôn Quyền và Lưu Bị thì đều không thực tài. Khổng Minh xuống núi chẳng qua là cảm cái ơn “tam cố thảo lư” theo kiểu biết đến ta, cầu cạnh ta thì ta không nỡ phụ.

Giúp Lưu Bị – kẻ đan chiếu bán dép, lấy được Tây Xuyên, lập ra nhà Thục Hán, hình thành thế chân vạc, tài và công của ông chẳng lớn lắm sao! Chỉ lạ một điều, khi còn chưa ra khỏi lều tranh, ông đã biết “thiên hạ chia ba”, thế nhưng sau này ông vẫn “lục xuất kỳ sơn” cố sức đánh Ngụy. Mâu thuẫn thời đại, mâu thuẫn trong con người ông, hay tham vọng lấn át trí tuệ? Qua lời than trước lúc mất: “Từ nay ta không còn được ra trận nữa. Trời xanh thăm thẳm, hận này biết bao giờ nguôi!”, cho ta thấy ông đã bất lực trước tham vọng của chính mình và trước thiên cơ!…

Kẻ sĩ thời Tam Quốc có đến ngàn vạn, nói bao nhiêu cho xuể. Nhân gian xưa nay cũng tốn bao giấy mực để bình. Dăm câu ba điều theo thiên kiến mình gọi là chút chuyện phiếm lúc trà dư tửu hậu mà thôi!..