Suy thận không được uống thuốc Nam

Việt Nam hiện đang có khoảng 6,73% dân số bị suy thận, tương đương hơn 6 triệu người. Tuy nhiên, điều đáng nói là ở nông thôn, nhiều bệnh nhân tự điều trị bằng thuốc Nam, thuốc Bắc hoặc “bồi bổ” bằng các thảo dược quý. Điều này không chỉ khiến cho bệnh nặng thêm mà còn nguy hại đến tính mạng.

Bỗng dưng… suy thận

Gương mặt tái xám, cánh tay đầy các “hố” kim tiêm, lên sẹo như những quả táo, khó ai có thể nhìn ra tuổi trẻ trên gương mặt Nguyễn Đắc Công. Công cho biết anh mới 27 tuổi, quê ở Sơn Tây (Hà Nội). Hơn 1 năm trước bỗng nhiên Công liên tục buồn nôn, chán ăn, cơ thể cũng suy nhược, mệt mỏi. Cứ tưởng chỉ bị viêm dạ dày, ai dè, các xét nghiệp trả kết quả khiến Công và gia đình choáng váng: “Suy thận mãn độ 3B”. Từ đó, mỗi tuần 3 lần, Công đến khoa Thận nhân tạo lọc máu.

“Em có bảo hiểm chi trả phần lớn nhưng sức khỏe cũng suy sụp, không đi làm được. Chỉ quanh quẩn ở nhà giúp đỡ bố mẹ việc vặt rồi chờ đến ngày đi lọc máu” – Công buồn bã.

Tiến sĩ -bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng – Trưởng khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận nhưng ở Việt Nam đa số là do các bệnh chuyển hóa dẫn đến chức năng của thận bị suy giảm như đái tháo đường, gout, huyết áp cao. Bác sĩ Dũng cho biết, hiện độ tuổi trung bình của bệnh nhân suy thận khoảng 45-47 tuổi và ngày càng tăng cao, theo xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên cũng có không ít bệnh nhân trẻ tuổi bị suy thận mãn mà nguyên nhân do viêm bể thận, viêm thận kẽ hoặc bị bệnh thận bẩm sinh.

Con gái chị Hoàng Thị Thành (Nghệ An) sinh năm 2002, rất khỏe mạnh, thông minh. Nhưng đến năm 10 tuổi bỗng dưng cháu liên tục sốt cao, đau khớp, mắt mờ, miệng nổi ban, gầy rộc từ 26kg xuống còn 19kg. Đưa con lên khám ở Bệnh viện Nhi T.Ư, chị Thành điếng người khi bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh thận Lupus, phải điều trị lâu dài.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hương – Trưởng khoa Thận – lọc máu (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, viêm thận Lupus phải dùng thuốc kéo dài. Nhiều gia đình mệt mỏi, khó khăn về kinh tế nên thường bỏ thuốc hoặc không tuân thủ điều trị dẫn đến bệnh chuyển biến nặng, suy thận cấp độ cao hơn, tính mạng bị đe dọa.

Không tự ý điều trị

Bác sĩ Dũng chia sẻ, nhiều bệnh nhân suy thận ở nông thôn đã tự ý điều trị bệnh hoặc muốn nâng cao sức khỏe bằng cách uống thuốc Bắc, rượu ngâm thảo dược. Điều này dẫn đến ứ đọng kali trong cơ thể, gây rối loạn nhịp tim, bệnh nhân có thể tử vong nếu cấp cứu không kịp.

Theo bác sĩ Dũng, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 8.000 người suy thận mới. Điều tra trước đó cho thấy khoảng 6,73% dân số bị suy thận (tương đương hơn 6 triệu người). Suy thận có 5 cấp độ, ở cấp độ 1-2 có thể dùng thuốc để duy trì, mức độ 3-4 phải lọc máu, còn mức độ 5 phải ghép thận nếu không sẽ tử vong.

PGS-TS Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bệnh nhân bị bệnh thận không nên nản chí, suy sụp. Hầu hết các chi phí điều trị đã được bảo hiểm y tế chi trả, nếu tuân thủ chế độ điều trị thì nhiều bệnh nhân thậm chí bị suy thận độ 3B, phải chạy thận nhân tạo vẫn sống có ích 15-20 năm.