Sụn tăng trưởng – &quotĐòn bẫy&quot cho phát triển chiều cao của trẻ

Sụn tăng trưởng là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Vậy sụn tăng trưởng là gì? Vai trò của sụn tăng trưởng trong việc tăng chiều cao của trẻ em như thế nào?

Sụn tăng trưởng, tăng chiều cao

Sụn tăng trưởng góp phần rất lớn đến việc phát triển chiều cao của trẻ nhỏ

Sụn tăng trưởng là gì?

Sụn tăng trưởng là một cấu trúc sụn nằm gần đầu của nhiều xương như xương dài, xương ống ngắn của bàn tay, bàn chân và các đốt sống của trẻ em. Các đĩa sụn tăng trưởng này chỉ xuất hiện trong thời kỳ phát triển và sẽ biến mất khi quá trình dậy thì hoàn tất.

Vai trò của sụn tăng trưởng

Trẻ cao lớn hơn do xương dài ra. Sự kéo dài xương này xảy ra ở đĩa tăng trưởng. Đĩa sụn được chia thành ba vùng chính: các tế bào chưa trưởng thành nằm về phía đầu xương được gọi là vùng mầm, các tế bào sụn trưởng thành hơn nằm ở vùng tăng sinh và các tế bào sụn lớn nằm ở vùng phì đại. Sự tăng sinh và biệt hóa của các tế bào cũng như sự hình thành xương tiếp theo trong đĩa sụn tăng trưởng được kiểm soát và điều tiết bởi các yếu tố nội tiết như hormone tăng trưởng, yếu tố tăng trưởng giống insulin I, glucocorticoid, hormone tuyến giáp, estrogen, androgen, vitamin D, leptin…

sụ tăng trưởng, sự dài ra của xương

Trẻ có thể cao lớn hơn là nhờ sự dài ra của xương

Tốc độ tăng trưởng qua các giai đoạn trưởng thành của trẻ

Tốc độ tăng trưởng của trẻ tăng nhanh chóng ở giai đoạn sơ sinh, giảm dần trong thời thơ ấu và tăng nhanh trở lại ở tuổi vị thành niên, sau đó lại suy giảm và chấm dứt ở tuổi trưởng thành.

Trong thời kỳ thai nhi, em bé phát triển rất nhanh trong bụng mẹ, từ khi thai được 12 tuần cho đến khi đủ tháng, chiều dài tăng từ khoảng 6cm đến xấp xỉ 50 cm. Tuy nhiên, sau sinh, tốc độ tăng trưởng giảm nhanh chóng, giảm dần trong giai đoạn sơ sinh và thời thơ ấu. Đến thời điểm trước khi bắt đầu dậy thì, trẻ chỉ cao lên được khoảng 5cm/năm.

Tuy nhiên, bước vào tuổi dậy thì, các tuyến sinh dục tăng sản xuất các steroid sinh dục, gây tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng của trẻ. Estrogen góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển bằng cách kích thích tuyến yên tiết ra hormone tăng trưởng. Androgen từ các tuyến thượng thận hoặc tuyến sinh dục, cũng góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng ở tuổi dậy thì. Ngoài ra, estrogen cũng làm tăng tốc độ trưởng thành của đĩa sụn tăng trưởng.

Vì vậy, ở trẻ dậy thì sớm, estrogen không chỉ gây ra tăng trưởng nhanh, mà còn làm tăng tốc độ cốt hóa của sụn tăng trưởng (phản ánh qua tuổi xương) và gây ngừng tăng trưởng sớm, làm giảm chiều cao của trẻ.

Thời điểm sụn tăng trưởng đóng lại

Thông thường, các sụn tăng trưởng của bé gái đóng lại khi khoảng 14-15 tuổi, còn các bé trai đóng vào khoảng gần 16-17 tuổi. Điều này xảy ra sớm hơn hoặc muộn hơn ở từng người. Ngoài ra, các đĩa sụn tăng trưởng ở những xương khác nhau cũng đóng vào những thời điểm khác nhau.

Ở trẻ em, để biết được mức độ trưởng thành của đĩa sụn tăng trưởng có thể đánh giá gián tiếp từ phim chụp X-quang bàn tay trái và cổ tay. Trên phim X-quang, tuổi xương của trẻ được xác định bằng cách quan sát mức độ sụn đã được chuyển hóa thành xương. Tuổi xương trên X-quang là 1 dấu hiệu cho thấy mức độ trưởng thành của sụn tăng trưởng, giúp dự đoán khả năng tăng trưởng còn lại và dự đoán chiều cao khi trưởng thành.

Tập luyện giúp sụn tăng trưởng phát triển nhưng cần thận trọng

Tập thể dục thường xuyên có nhiều lợi ích như tăng cường cơ bắp và xương, duy trì trọng lượng hợp lý và thúc đẩy sản xuất hormone tăng trưởng, đặc biệt kích thích sụn tăng trưởng phát triển, giúp trẻ cao lên.

Tuy nhiên, nếu luyện tập sai phương pháp có thể gây nên chấn thương sụn tăng trưởng, với khoảng 15% trẻ em bị gãy xương liên quan đến thể thao. Tỷ lệ tổn thương đĩa sụn tăng trưởng phổ biến nhất là ở trẻ em từ 10 đến 16 tuổi. Nếu chấn thương đĩa sụn tăng trưởng, khả năng có thể dẫn đến sự cốt hóa sớm của đĩa sụn tăng trưởng và cản trở xương dài ra.

luyện tập sai, gây chấn thương sụn tăng trưởng

Luyện tập sai phương pháp có thể gây chấn thương sụn tăng trưởng

Các chuyên gia cho biết, chấn thương đĩa sụn tăng trưởng có liên quan đến các hoạt động thể chất không đúng cách, làm ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của các vận động viên trẻ trong nhiều môn thể thao (bóng chày, chạy đường dài, bóng rổ, bóng đá, thể dục dụng cụ, bóng bầu dục, quần vợt,…).

Tuy nhiên, nếu xem chơi thể thao như một hoạt động giải trí thì hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy là có hại cho trẻ em. Do đó, ở giai đoạn tăng trưởng và phát triển, trẻ cần được gợi ý về mức độ, cường độ tập thể dục phù hợp. Khuyến cáo rằng trẻ em, đặc biệt là thanh thiếu niên không nên thực hiện các bài tập như plyometrics hoặc nâng tạ nặng. Nên tập luyện với trọng tải rất nhẹ, sử dụng nhiều bài tập, hoạt động khác nhau kết hợp trong quá trình tập để tránh các động tác lặp đi lặp lại quá mức có thể dẫn đến chấn thương. Cần nhấn mạnh vào chất lượng tập luyện hơn là khối lượng tập luyện.

Để có tác động tích cực đồng thời đảm bảo an toàn, hạn chế gây tác hại xấu đến sụn tăng trưởng thì khi tập thể dục cần xây dựng chế độ tập hợp lý, đặc biệt là với đối tượng đang trong giai đoạn tăng trưởng ở tuổi dậy thì. Vì vậy, trẻ em luyện tập thể thao cần có sự hướng dẫn của các huấn luyện viên hiểu rõ về các đặc điểm tăng trưởng và phát triển của trẻ em, thanh thiếu niên cũng như cách phòng tránh và chăm sóc chấn thương.

Trên đây là một số thông tin cần thiết về vai trò của sụn tăng trưởng đối với phát triển chiều cao của trẻ. Cùng với chế độ luyện tập đúng cách, cha mẹ cũng nên kết hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học, hiệu quả để tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển chiều cao và vóc dáng tối ưu. Hãy đưa trẻ đến Nutrihome để được các chuyên gia tư vấn chuyên sâu hơn.

Y học Vận động – Nutrihome