Hẳn bạn sẽ ngỡ ngàng trước dáng vẻ đặc biệt vừa đáng yêu, vừa đáng sợ của các loài sinh vật biển: mực mỏ heo, sứa velella…
Khi nghĩ tới biển cả, chúng ta thường hình dung ra các sinh vật như những cá voi, cá heo hay những loài động vật bình thường khác. Tuy nhiên, đại dương bao la ẩn chứa rất nhiều điều kỳ thú mà chúng ta chưa khám phá hết được.
Bên cạnh những sinh vật đẹp đẽ đến mê hồn cũng tồn tại những loài vật có hình thù đáng sợ. Mỗi loài mang nhiều đặc điểm riêng biệt khiến cho biển cả luôn là đề tài thu hút các nhà sinh vật học cũng như các nhà thám hiểm lưu tâm.
Dưới đây là một số những sinh vật biển mà rất có thể bạn chưa từng được biết tới.
1. Mực mỏ heo
Mực mỏ heo là một loài mực nhỏ thuộc giống Helicocranchia, sống gần bề mặt đại dương ở độ sâu từ 100 – 200m. Kích thước trung bình của một chú mực mỏ heo trưởng thành khoảng 100mm.
Cơ thể chúng được cấu tạo từ một chiếc phễu lớn với những chiếc vây có chức năng như mái chèo nhỏ. Ngoài ra, phía trên mắt loài mực này còn có các xúc tu nhỏ trong giống như những lọn tóc.
Những chú mực đã trưởng thành trong quan hệ tình dục sẽ bị mất một vài xúc tu và chuyển dần sang màu đỏ. Trong chiếc phễu lớn của nó – hay chính là phần thân có chứa một miếng đệm giống như sống lưng.
Ba nhú trồi lên chính là các cơ quan nội tạng. Bên cạnh đó, mực mỏ heo còn có cơ quan phát sáng nằm sau đôi mắt to, giúp di chuyển thuận lợi trong điều kiện tối như hũ nút.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tìm hiểu kỹ hơn về loài mực có hình dạng đáng yêu này. Điều đặc biệt nhất khiến mực mỏ heo khác so với những loài mực khác đó là chúng bơi khi cơ thể đang lộn ngược.
2. Pyura chilensis
Pyura chilensis là loài động vật biển có vỏ được tìm ra bởi Juan Ignacio Molina vào năm 1782. Chúng thuộc lớp Ascidiacea – loài sinh vật không xương sống và không di chuyển được.
P.chilensis khoác lên mình một lớp vỏ dày cấu tạo bởi xenlulo – một kết cấu ma trận phân tử vững chắc giúp cho chúng có thể gắn nội tạng của mình vào bề mặt bên trong.
Nhưng không chỉ có lớp vỏ thô cứng, phần bên trong của lớp áo giáp này còn được đệm lót bằng một lớp biểu bì và những múi cơ. Phần chính của P.chilensis nằm ở phía trong cùng.
P.chilensis thường được tìm thấy ở các bãi đất nhô lên khi thuỷ triều xuống tại Chile và Peru. Cơ thể chúng có 2 ống xi-phông kết nối với môi trường biển bên ngoài, một để hít vào và một để thở ra.
Chúng hấp thụ thức ăn bằng cách hít nước vào, lọc ra các vi tảo có thể ăn được thông qua lối họng có chứa chất nhày, sau đó thở lại nước ra biển bằng ống xi-phông còn lại.
P. chilensis sinh ra đã là con đực sau đó ở tuổi dậy thì sẽ trở thành lưỡng tính và sinh sản bằng cách ném những “đám mây tinh trùng và trứng” thả trôi vào vùng nước xung quanh.
Nếu sự va chạm giữa trứng và tinh trùng thành công, nòng nọc sẽ xuất hiện và cuối cùng “định cư” vào trong một tảng đá nào đó để phát triển thành con trưởng thành.
Máu của P.chilensis rất tinh khiết nhưng chứa nồng độ rất cao nguyên tố hóa học bí ẩn và hiếm có tên gọi là vanadi. Nồng độ này có thể gấp 10 triệu lần so với mức được tìm thấy trong nước biển.
Tuy nhiên, câu hỏi tại sao và làm thế nào loài động vật này có thể tích luỹ một khối lượng lớn vanadi đến thế vẫn chưa có nhà khoa học nào giải thích được.
Trên các bãi biển của Chile, P. chilensis bị đánh bắt rất nhiều và trở thành một loại thức ăn chủ yếu. Ngư dân thường dùng cưa tay cắt P.chilensis thành các lát mỏng, sau đó dùng ngón tay tách lấy phần thịt ra khỏi vỏ. Thịt của chúng có thể bán tươi sống hoặc đóng hộp để xuất khẩu.
3. Sứa velella
Sứa velella (tên khoa học là Velella Velella) là một chi của thủy tức, sống trôi nổi trên bề mặt đại dương. Chúng còn có tên khác như “chiếc bè trên biển”, “cánh buồm nhỏ”…
Một velella trưởng thành có độ dài không quá 7cm, cơ thể thường có màu xanh đậm, trong suốt giống như chiếc giấy bóng kính với cánh buồm cứng nhỏ ở phía trên giúp nó đón gió và di chuyển trên mặt biển.
Sứa Velella là loài vật ăn thịt. Chúng săn sinh vật phù du bằng những xúc tu chứa chất độc. Mặc dù những chất độc này có thể làm hại đến con mồi nhưng hầu như không ảnh hưởng đến con người bởi chúng không thể đi qua da.
Velella Velella sinh sống tại vùng nước ấm và ôn đới ở tất cả các đại dương trên toàn thế giới. Nó không bao giờ chạm hoặc thậm chí là đến gần đáy đại dương, giai đoạn duy nhất Velella chìm hẳn xuống nước là giai đoạn ấu trùng mà thôi.
4. Giun cây thông giáng sinh (Christmas tree worm)
Loài giun này có tên khoa học là Spirobranchus giganteus, phân bố rộng rãi khắp các đại dương nhiệt đới trên thế giới, từ vùng biển Caribbean cho đến Ấn Độ – Thái Bình Dương. Chúng thường được tìm thấy khi “cắm đầu” vào các rạn san hô lớn dưới đáy biển.
Đúng như cái tên, điểm đặc biệt dễ nhận thấy nhất của loài giun này đó là hai “chiếc vương miện” giống như 2 cây thông Giáng sinh. Những cây thông này có nhiệm vụ vận chuyển bất cứ sinh vật nào mắc kẹt trong đó vào… miệng con giun.
Ngoài ra, đây còn là cơ quan hô hấp của chúng, làm việc giống như “mang”. Giống như các loài giun khác, Spirobranchus giganteus có cơ thể hình ống, viền xung quanh bao phủ nhiều lông và các chi rất nhỏ giúp chúng có thể di chuyển được trên rạn san hô.
Tuy nhiên, con giun này rất ít vận động, có nghĩa là một khi đã tìm được địa điểm ưa thích, nó sẽ không di chuyển nhiều nữa. Khi bị giật mình, những cây thông giáng sinh này cũng có thể nhanh chóng rút vào hốc của các rạn san hô để lẩn tránh mối nguy hiểm.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!