Nếu xem cả ba bộ phim tiểu sử về Van Gogh, ta sẽ thấy góc nhìn và cách kiến giải của các đạo diễn, đặc biệt là cái chết của ông ở tuổi 37 khác nhau hoàn toàn.
Nếu “Lust for Life” cho rằng ông trầm uất mà tự tử thì hai bộ phim sau ra mắt gần đây (Loving Vincent – 2017 và At Eternity’s Gate – 2018) đều nói rằng ông chết vì bị hai thiếu niên bắn vào bụng do ngộ sát. Đặc biệt là trong “At Eternity’ Gate” của đạo diễn Julian Schnabel. Bộ phim này lấy cảm hứng và kịch tính hóa lý thuyết gây tranh cãi được đưa ra bởi hai nhà viết tiểu sử Van Gogh là Steven Naifeh và Gregory White Smith trong cuốn tiểu sử đồ sộ xuất bản vào năm 2011.
Mới đây, tôi đã nghiền ngẫm cuốn sách dày hơn 1.200 trang khổ lớn này, chưa kể đọc thêm phần phụ lục và tuyển tập 10 bức thư tay (đã được dịch sang tiếng Việt) của Vincent gửi em trai Theo.
Hóa ra, những gì tôi biết về Van Gogh qua ba bộ phim tiểu sử về ông chỉ là một góc rất nhỏ về cuộc đời của danh họa này. Nói cách khác, điện ảnh chỉ tái hiện một phần đời của Van Gogh so với cuốn sách tiểu sử đồ sộ của hai tác giả Steven Naifeh và Gregory White Smith.
Nếu đủ kiên nhẫn để đọc hết, ta sẽ đắm chìm vào cuộc đời của một người họa sĩ bị Chúa chối từ, bị cuộc đời nguyền rủa và vùi dập không thương tiếc. Ta sẽ chìm đắm vào một thế giới nội tâm đầy thương tổn, nhưng đồng thời cũng được khai phóng bởi những tư tưởng sáng tạo của một vĩ nhân chứ không đơn thuần là một họa sĩ. Ta cũng sẽ biết được thêm về triết lý thẩm mỹ của Van Gogh, là cách sử dụng màu sắc cực đoan gây nên những cuộc tranh cãi bất tận với Paul Gauguin, và đặc biệt là cách ông đặt ra những câu hỏi triết học và hiện sinh khi vẽ cảnh thiên nhiên, “không chỉ tái hiện một cảnh quan mà là sự vĩnh cửu đằng sau chúng”. Ta sẽ được biết một cách tường tận nguồn cảm hứng để ông vẽ nên những bức tranh kiệt tác về thiên nhiên và con người như “Đêm đầy sao”, “Đêm đầy sao trên dòng sông Rhone”, “Cánh đồng lúa mì và người thợ gặt”, “Chân dung bác sĩ Gachet”, “Cánh đồng lúa mì cùng bầy quạ”…
Trong bộ phim “At Eternity’s Gate” có một phân đoạn ca tụng về vẻ đẹp thiên nhiên trong tranh của Van Gogh không thể hay hơn:
“Thiên nhiên trong tranh của Van Gogh vừa rất thực tế vừa như siêu nhiên. Thiên nhiên được cường điệu hóa, chúng sinh và vạn vật, bóng râm và ánh sáng, hình dáng và màu sắc – chúng kết hợp và trỗi dậy với một ý chí điên cuồng để cất lên ca khúc bản thể của riêng nó bằng âm sắc cao vút và mãnh liệt nhất. Nó là vật chất của tự nhiên, xoay vần điên cuồng. Nó trở thành cơn ác mộng, màu sắc biến thành ngọn lửa, ánh sáng biến thành sự đau đớn, cuộc sống thành cơn sốt bỏng. Đó là ấn tượng đọng lại trên võng mạc, khi lần đầu tiên xem tác phẩm kỳ lạ, dữ dội và gây sốt của Vincent Van Gogh. Chúng ta còn cách bao xa truyền thống nghệ thuật đẹp đẽ, vĩ đại? Chưa từng có một họa sĩ nào mà nghệ thuật lại hấp dẫn và trực tiếp đến các giác quan như vậy, từ hương thơm mơ hồ nhưng rất thật đến da thịt và chất liệu sơn của anh ấy. Người nghệ sĩ thực thụ và mạnh mẽ này, Vincent van Gogh, vượt lên trên những người còn lại.”
***
Nhưng chưa hết, với một cuốn tiểu sử chân dung đồ sộ cung cấp lượng thông tin khổng lồ và những kiến giải mới mẻ về cuộc đời của Van Gogh, ta sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về cuộc đời trầm luân của một bậc danh họa và những bi/thảm kịch trong gia đình của ông ta.
Và điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả, chính là những bức thư của Van Gogh gửi em trai Theo. Mối quan hệ anh em này đã được nhắc đến nhiều lần, là chủ đề chính trong bộ phim hoạt hình “Loving Vincent” tôi đã nói ở trên. Nhưng chỉ khi đọc hết những lá thư này (trong lần xuất bản này của Omega Plus chỉ tặng kèm 10 bức thư trong số hơn 800 bức thư mà Van Gogh viết cho Theo trong suốt hơn 12 năm), ta sẽ thấy được những suy tư và trăn trở suốt cả cuộc đời ngắn ngủi của ông.
Ở đó, ta sẽ khám phá ra một Van Gogh khác. Một Van Gogh của nhà tư tưởng, triết gia, nhà phê bình nghệ thuật, hay nhà văn xuất chúng. Những lá thư của ông viết cho em trai tuyệt đẹp và có lẽ là một cánh cửa để dẫn dắt chúng ta bước vào thế giới nội tâm đầy phức tạp của ông.
Trong bức thư số 143 (đề ngày 3.4.1878), ông viết những lời ca tụng vẻ đẹp của tình yêu như sau:
“Nếu chúng ta sống ngay thẳng, thì mọi việc đều sẽ ổn. Dù không thể tránh được buồn tủi và thất vọng lớn lao, cũng có thể mắc những sai lầm to lớn, nhưng tốt hơn hết chúng ta nên sống trong tinh thần nhiệt thành, thà mắc sai lầm còn hơn là suy nghĩ hẹp hòi và quá thận trọng.
Hãy yêu càng nhiều càng tốt, vì tình yêu là sức mạnh đích thực. Càng yêu nhiều, người ta càng có khả năng nhiều hơn và làm được nhiều việc hơn. Những điều được làm bởi tình yêu thì luôn tốt đẹp.
Tình yêu là điều tốt đẹp nhất và cao quý nhất trong trái tim con người, nhất là thứ tình đã được thử thách trong cuộc sống như vàng thử lửa. Kẻ có tình yêu thì luôn hạnh phúc và mạnh mẽ. Có lúc cũng ngả nghiêng đấy, nhưng chỉ cần giữ được ngọn lửa thiêng liêng ấy, thì rồi tình yêu sẽ trở lại như thưở ban đầu và sẽ không bao giờ tàn lụi. Chỉ cần kiên định yêu thương một điều thực sự đáng để yêu thương, đừng phung phí tình yêu của mình vào những thứ tầm thường, vô nghĩa, nhu nhược, thì ta sẽ được khai sáng, và sẽ mạnh mẽ hơn”.
Hay trong bức thư số 502 (đề ngày 11.5.1885), ông viết cho Theo mà như trao đổi về nghệ thuật với một người bạn cùng chí hướng:
“Anh chỉ muốn nói với em và tất cả mọi người, rằng khi trưởng thành hơn, em phải thực hành các quy tắc nghệ thuật cơ bản và nghiên cứu lại chúng. Với tư cách là một chuyên gia nghệ thuật, em phải giống như bản thân các họa sỹ – về lý thuyết thậm chí em còn phải giỏi hơn họ – vì em phải tư vấn và nhận xét về các bức tranh từ khi nó còn đang được vẽ, thông thạo một số quy tắc nhất định về phối màu và phối cảnh. Thông cảm cho anh, những gì anh nói là sự thật, nó sẽ có ích cho em nhiều hơn em tưởng, và nó sẽ nâng em lên trên tiêu chuẩn thông thường của các nhà buôn tranh. Rất cần thiết đấy, bởi vì tiêu chuẩn thông thường chính là dưới tiêu chuẩn”.
Lại có những bức thư mà ông bày tỏ nỗi buồn, sự cô đơn và tuyệt vọng của mình trong những năm tháng lang thang và lưu đày trên cõi đời này, như bức thư số 155 (viết tháng 7.1880).
“Vì vậy, thay vì chịu đựng nỗi nhớ nhà, anh đành tự nhủ, đất nước hay quê hương của mình luôn ở khắp mọi nơi. Thay vì hiến mình cho tuyệt vọng, anh đã cố tình để nỗi buồn loang ra xâm chiếm anh, miễn là anh có sức mạnh mà hoạt động. Nói khác đi, anh thích nỗi u sầu mang tới niềm hy vọng, mang tới sự khát khao tìm kiếm hơn là sự u sầu mang tới tuyệt vọng, mụ mẫm khổ đau.
Em thấy đấy, những suy tư này liên tục hành hạ tâm trí anh, khiến anh thấy mình như bị giam cầm bởi nghèo đói, bị loại khỏi đời sống và công việc – những thứ thiết thực để tồn tại ấy luôn nằm ngoài tầm với của anh. Cho nên, anh không thể không sầu muộn, anh thấy mình bị thất lạc ở chính nơi chốn mà anh có thể có được tình bạn cao cả và nghiêm túc, anh cảm thấy nỗi buồn nản khủng khiếp đang gặm nhấm năng lượng tâm hồn mình. Dường như số phận đang dựng lên một rào cản chống lại bản năng xúc cảm của anh, một làn sóng xua đuổi đang nhấn chìm anh. Anh đã từng thốt lên, ‘Chúa ơi, còn bao lần nữa!”.
Tâm hồn anh luôn bập bùng như một ngọn lửa ấm, nhưng không ai buồn đến sưởi. Người ta luôn đi miết không dừng, nên chẳng thể thấy gì ngoài một chút khói phất phơ trên ống khói”.
Nhưng ngay cả khi chìm đắm trong nỗi sầu muộn, tuyệt vọng hay điên loạn ở những năm tháng cuối đời, ta vẫn thấy được khát vọng hướng thượng, vượt lên khỏi những bi kịch đời thường, hay để lại những giá trị vĩnh hằng cho hậu thế, như trong bức thư ông viết cho em trai vào năm 1888.
“Theo yêu quý, đôi khi anh biết rõ những điều anh muốn. Trong cuộc đời và trong cả hội họa, anh có thể bỏ qua không cần Thượng Đế, nhưng một kẻ khổ đau như anh, không thể sống mà không cần tới một điều cao viễn hơn chính anh, cao viễn hơn cuộc sống của anh, đó là quyền năng của sáng tạo. Và nếu bị thất vọng bởi quyền năng của sáng tạo tự nhiên này, người ta sẽ cố gắng tạo ra những suy nghĩ thay vì sự sống, theo cách đó, người ta cũng giống như một phần của nhân loại”.
Trong tranh của anh, anh muốn nói điều gì đó an ủi, như một bản nhạc vậy. Anh muốn vẽ đàn ông hay đàn bà bằng một thứ (không thể diễn tả) của sự vĩnh hằng, thường được thể hiện bởi biểu tượng là vầng hào quang mà ta cố gắng mô tả thông qua nét rạng rỡ và sống động của màu sắc”…
Hoặc đôi khi, đơn giản là ông muốn bày tỏ lòng tri ân và cảm ơn sâu sắc tới người em trai của mình, như trong bức thư số 863 đề ngày 30.4.1890, tức chỉ 3 tháng trước ngày ông qua đời:
“Nếu không có em, anh sẽ là người bất hạnh nhất”.
Trong những bức thư cuối cùng, ta thấy rõ Vincent van Gogh đã đánh mất đức tin vào cuộc sống. Và cho dù lên án tự tử, ông từng nói với Theo rằng, “anh sẽ không đích xác tìm kiếm cái chết, thế nhưng anh sẽ không cố gắng tránh né nếu như nó xảy đến”.
Và nó đã xảy đến, như định mệnh đã “chốt hạ” cuộc đời của người họa sĩ bị lưu đày này.
Nhưng, cái chết của Van Gogh không phải là dấu chấm hết cho bi kịch cuộc đời của người nghệ sĩ vĩ đại này.
Theo, với nỗi dày vò ân hận và sầu đau trong nỗ lực làm bất tử hóa cuộc đời của Van Gogh trong vô vọng, cuối cùng suy nhược hoàn toàn và cũng hóa điên, sống những năm tháng cuối đời trong nhà thương điên và qua đời 5 tháng sau đó.
Vòng xoáy bi thảm chưa dừng lại ở đó. 10 tháng sau cái chết của Theo, cô em gái Lies cũng qua đời sau một cuộc hôn nhân thất bại. Người em trai Cor cũng tự sát và qua đời, hưởng dương chỉ 32 tuổi. Hai năm sau, em gái Wil được gửi vào trại tâm thần và dành phần đời còn lại, trong suốt 40 năm tại bệnh viện tâm thần và đã cố vài lần tự tử bất thành.
Mẹ Van Gogh đón nhận từng cú giáng của số phận xuống đầu bà rồi cũng qua đời vào năm 1907. Năm 1904, Sien Hoornik, người tình và vợ thay thế của Vincent tại Hague, gieo mình xuống một con kênh và chết đuối, hoàn thành lời thề nguyện với Vincent vào năm 1883: “Vâng, em đúng là một con điếm, và kết cục duy nhất cho em là tự dìm mình chết đuối”.
***
Đọc xong những dòng cuối cùng của cuốn tiểu sử này, tôi gần như bải hoải cả người và tự hỏi, “tại sao lại có những cuộc đời, những gia đình lại đắm chìm trong những thảm kịch liên tiếp và cùng cực đến như vậy? Phải chăng, cuộc sống của họ bị Chúa chối từ?
Như lá thư mà Van Gogh viết cho Theo:
“Dường như số phận đang dựng lên một rào cản chống lại bản năng xúc cảm của anh, một làn sóng xua đuổi đang nhấn chìm anh. Anh đã từng thốt lên, ‘Chúa ơi, còn bao lần nữa!’”.
Ảo tưởng cuộc đời có thể tan biến, nhưng những trác tuyệt của Van Gogh, mãi mãi còn nguyên.

Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!