Trong nền kinh tế thị trường, vốn là yếu tố và là tiền đề cần thiết cho việc hình thành và phát triển hoạt động kinh doanh cho một doanh nghiệp, vì để biến những ý tưởng và kế hoạch kinh doanh thành hiện thực, doanh nghiệp phải có vốn hình thành nên những tài sản cần thiết cho hoạt động của mình. Vốn có thể huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Nguồn vốn của doanh nghiệp phản ánh nguồn gốc của vốn mà doanh nghiệp huy động sử dụng cho các hoạt động của doanh nghiệp. Như vậy, nguồn vốn là nguồn hình thành nên tài sản của doanh nghiệp.
Phân loại nguồn vốn của doanh nghiệp
Doanh nghiệp có thể lựa chọn các nguồn vốn khác nhau để tài trợ cho nhu cầu vốn của mình. Để lựa chọn hình thức huy động vốn phù hợp, doanh nghiệp cần phân loại nguồn vốn.
1. Căn cứ vào quan hệ sở hữu vốn
Theo tiêu thức này, nguồn vốn được hình thành từ 2 nguồn: Vốn chủ sở hữu và Nợ phải trả.
– Vốn chủ sở hữu: Là phần vốn thuộc quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp, bao gồm số vốn chủ sở hữu bỏ ra và phần bổ sung từ kết quả kinh doanh. Vốn chủ sở hữu tại một thời điểm được xác định như sau:
Vốn chủ sở hữu = Giá trị tổng tài sản – Nợ phải trả
– Nợ phải trả thể hiện bằng tiền những nghĩa vụ mà doanh nghiệp có trách nhiệm phải thanh toán cho các tác nhân kinh tế khác như: Nợ vay, các khoản phải trả cho người bán, cho Nhà nước, cho người lao động trong doanh nghiệp…
Phân loại theo quan hệ sở hữu vốn giúp doanh nghiệp xác định được cấu trúc vốn tối ưu phù hợp với đặc điểm ngành nghề kinh doanh và điều kiện cụ thể của doanh nghiệp.
>>> Xem thêm: Khái niệm doanh nghiệp và phân loại doanh nghiệp
2. Căn cứ vào thời gian huy động và sử dụng vốn
Theo tiêu thức này, nguồn vốn được chia ra thành nguồn vốn thường xuyên và nguồn vốn tạm thời.
– Nguồn vốn tạm thời là các nguồn vốn có tính chất ngắn hạn (dưới 1 năm) doanh nghiệp có thể sử dụng để đáp ứng các yêu cầu có tính chất tạm thời phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nguồn vốn tạm thời thường gồm vay ngắn hạn ngân hàng và các tổ chức tín dụng, các khoản nợ ngắn hạn khác.
– Nguồn vốn thường xuyên là tổng thể các nguồn vốn có tính chất ổn định mà doanh nghiệp có thể sử dụng vào hoạt động kinh doanh. Nguồn vốn này thường được sử dụng để mua sắm, hình thành TSCĐ và một bộ phận TSLĐ thường xuyên cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nguồn vốn thường xuyên tại một thời điểm được xác định:
Nguồn vốn thường xuyên = Vốn chủ sở hữu + Nợ dài hạn
Trên cơ sở xác định nguồn vốn thường xuyên còn có thể xác định nguồn vốn lưu động thường xuyên của doanh nghiệp.
Nguồn vốn lưu động thường xuyên là nguồn vốn ổn định, có tính chất dài hạn để hình thành hay tài trợ cho TSLĐ thường xuyên cần thiết trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (có thể tài trợ một phần hay toàn bộ).
Tại một thời điểm, nguồn vốn lưu động thường xuyên được xác định:
Nguồn vốn lưu động thường xuyên = Tài sản lưu động – Nợ ngắn hạn
Nguồn vốn lưu động thường xuyên tạo ra mức độ an toàn cho doanh nghiệp trong kinh doanh, vì doanh nghiệp dùng nguồn vốn dài hạn để tài trợ cho TSLĐ.
Cách phân loại nguồn vốn theo thời gian huy động giúp doanh nghiệp huy động những nguồn vốn có thời gian phù hợp với thời gian sử dụng các yếu tố cần thiết cho kinh doanh, tổ chức nguồn vốn đảm bảo phù hợp với cơ cấu tài sản để có thể lựa chọn mô hình nguồn tài trợ thích hợp cho doanh nghiệp.
3. Dựa vào phạm vi huy động vốn
Theo tiêu thức này, nguồn vốn của doanh nghiệp được chia thành nguồn vốn bên trong và nguồn vốn bên ngoài.
– Nguồn vốn bên trong: Là nguồn vốn có thể huy động được vào đầu tư từ chính hoạt động của bản thân doanh nghiệp tạo ra. Nguồn vốn bên trong thể hiện khả năng tự tài trợ của doanh nghiệp. Nguồn vốn bên trong gồm: Lợi nhuận giữ lại tái đầu tư, các quỹ trích lập từ lợi nhuận.
– Nguồn vốn bên ngoài: Là nguồn vốn doanh nghiệp có thể huy động từ bên ngoài doanh nghiệp để phục vụ sản xuất kinh doanh. Một số nguồn vốn bên ngoài chủ yếu mà doanh nghiệp có thể huy động gồm: Vay người thân, vay NHTM và các tổ chức tài chính khác, gọi góp vốn liên doanh liên kết, tín dụng thương mại của nhà cung cấp, thuê tài sản.
Cách phân loại theo phạm vi huy động vốn giúp doanh nghiệp thấy được khả năng tự tài trợ và khả năng huy động vốn từ bên ngoài của doanh nghiệp, từ đó có thể chủ động trong việc lựa chọn nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu tài trợ của doanh nghiệp.
Khái niệm nguồn vốn của doanh nghiệp
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!