Lục Tự Đại Minh: Chân ngôn cốt lõi của vạn pháp – Tinh Tấn Magazine

Bài HUYỀN TRÍ

I. CHÂN NGÔN SÁNG TỎ SOI RỌI THẾ GIAN

Auṃ/Om maṇi padme hūm

Đó là “Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn” theo âm ngữ Phạn [Sanskrit](*). Có vài cách đọc bằng Việt ngữ dựa vào âm thanh đó, hơi khác nhau đôi chút:

– Án ma ni pát mê hùm(**).

– Án ma ni bát di hồng.

– Án ma ni pết nạp minh hồng.

(*) Các chuyên từ Phật học và danh hiệu có kèm theo Phạn ngữ (và đôi khi có Anh ngữ) cho tiện việc tra cứu.

(**) Trong bài viết này sẽ dùng chữ “Om mani padme hum” theo Phạn âm, hầu tiện giải thích và theo dõi, phù hợp tính cách đa văn hóa của Lục Tự Chân Ngôn.

Còn gọi là “Lục Tự Thần Chú” hay “Lục Tự Đà La Ni”, nghĩa là: Chân ngôn sáu chữ sáng tỏ diệu kỳ. Tuy chữ Chú, Thần Chú, hay Mật Chú phổ thông, nhưng không đầy đủ nghĩa bằng chữ Chân Ngôn hay Đà La Ni [Dhãrani] tức là: lời chân lý của Phật, trong đó có chứa tính cách minh, sáng tỏ, sáng suốt.

Lục Tự Đại Minh là Chân Ngôn sáu chữ vô cùng sáng tỏ siêu diệu, tương quan đặc biệt với đức Quán Thế Âm [Avalokitesvara], vị Bồ Tát đã ban chú này cho nhân loại, mà chính Thần Chú này mang danh hiệu, và bản chất đại từ bi đại trí tuệ của ngài.

  • Chân ngôn “cốt lõi” của vạn pháp

Theo kinh điển Đại Thừa, chính đức Quán Thế Âm đã cúng dường lên đức Phật Thích Ca chân ngôn Lục Tự Đại Minh này, và đức Phật trở lại giao phó cho ngài Phật sự cao quý là cứu giúp tất cả chúng sanh thoát khỏi các khổ nạn trên con đường tiến đến giác ngộ.

Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương [Mahãyãna Avalokitesvara-guṇa-karandavyũha Sũtra – The Basket’s Display] là kinh Phật thuyết giảng về Lục Tự Đại Minh trong tương quan với đức Quán Thế Âm. Kinh này xác nhận Lục Tự Đại Minh phù hợp với tất cả các Pháp Phật, và vô cùng vi diệu, cứu độ và giải thoát chúng sanh trên khắp thế gian không phân biệt, bằng sự sáng suốt giác ngộ tự thân.

Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh xem Lục Tự Đại Minh như “cốt lõi” [pith] tức làtinh túy cô đọng của toàn bộ “tám vạn bốn ngàn Pháp môn.”Thế nên Lục Tự Đại Minh có mang danh hiệu khác là “hạt lúa của Đại Thừa” [rice seed] và việc trì tụng chú này có lợi lạc ngang với việc tụng niệm rất nhiều kinh chú khác nhau. Trong kinh có giải thích rõ sự trọng yếu đó (sẽ lần lượt trình bày trong các chương kế tiếp).

Ngoài kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương, thần chú Om Mani Padme Hum còn xuất hiện trong bài Quán Âm Linh Cảm Chân Ngôn, Nghi Thức Bộ Chú, và trong Bộ Chú Mani Kabum của Phật giáo Tây tạng về đức Quán Thế Âm [Mani Kabum: Prophecies and Teachings of Great Compassion]. Trong các nghi thức tụng niệm lễ lạc trong tự viện hay tại gia đều có ghi câu thần chú này.

Tuy Lục Tự này được truyền bá rất rộng rãi trong nhân gian nhưng đa số người tụng mới chỉ biết tới như một câu chú chuyên trừ tà ma, giải nạn chướng, trị liệu bệnh tật mà ít ai được biết tới tính chất vi diệu bí mật và đầy năng lượng của Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn, có khả năng phi thường giúp người tu đắc đạo.

  • Ngữ, nghĩa & âm thanh, tác dụng

Giải thích theo ngữ nghĩa hay tự nghĩa về sáu chữ trên như sau. Chú tự đầu tiên là Aum/Om là một chú tự thiêng liêng của nhiều tôn giáo khác nhau ở Ấn độ. Chú tự Mani có nghĩa là “bảo châu” hay “hạt, chuỗi”; Padme là liên hoa hay hoa sen là loài hoa thiêng liêng Đông phương; và Hum là biểu tượng tinh thần giác ngộ. Nghĩa trực tiếp giản lược là: Om, ngọc quý trong hoa sen, Hum. Chân ngôn là ngôn ngữ âm thanh thiêng liêng mang tính cách của sự độ trì thiêng liêng, thường không giảng nghĩa. Nhưng đặc biệt chân ngôn của Quán Thế Âm luôn chứa đựng ý nghĩa vi diệu của cả trí tuệ lẫn từ bi hầu trợ lực cho người tu tập phát huy năng lực. Chẳng hạn, “ngọc quý” [Mani] ở đây biểu hiện cho Bồ Đề Tâm [Bodhicitta], “hoa sen” [Padme] chỉ tâm thức trong sáng, ý nghĩa là Bồ Đề nở trong tâm trong sáng. Càng tìm hiểu các giảng giải sâu rộng hơn về những ý nghĩa trong Lục Tự sẽ thấy sự siêu diệu bất khả tư nghì của pháp môn này, vừa cứu độ người, vừa chỉ dẫn cách duy nhất để thoát khổ chính là đắc trí tuệ sáng tỏ (Đại Minh).

Do sự linh thiêng của Lục Tự Đại Minh, hơn hai ngàn năm qua, và từ rất lâu trước đó, người ta đã trì tụng những chữ này. Hai chữ linh thiêng là Aum/Om và Hūṃ/Hum vốn xuất hiện rất lâu không thể nghĩ bàn. Đó là những âm thanh của vũ trụ, của thiêng liêng, có thể đã hiện hữu từ thuở hồng hoang. Nhưng khi các linh tự đó được trao tặng cho loài người thì đã trở thành âm thanh của tâm Đại Từ Bi cứu độ chúng sanh thoát khỏi mê đồ.

  • Sự hiện diện khắp nơi trên thế giới

Khởi đi từ Ấn độ, qua kinh điển Phật, và phần nào qua sự sùng bái các Đại Thần Chú Om/Aum và Hum/Hũm/Hung vốn có sẵn nền tảng tại Ấn Độ qua Ấn giáo, Lục Tự Đại Minh theo thời gian đã lan truyền sang các quốc gia lân cận, dần dà tạo ảnh hưởng hầu hết khu vực Á Châu từ thời cổ.

Khoảng đầu thế kỷ 10, Đại Sư A Tỳ Sa [Atisha] từ Ấn độ sang chấn hưng nền Phật giáo Tây Tạng, tổng hợp Đại, Tiểu và Mật Thừa, tạo thành phái Ca Đương [Kadampa], đưa pháp tu tập Lục Tự Chân Ngôn làm căn bản cho Phật giáo Tây Tạng hiện hành. Từ đó, Tây Tạng đặc biệt tôn trọng Lục Tự Đại Minh, như là thần chú hàng đầu đối với các tu sĩ hay cư sĩ trong bất cứ nghi thức hay tu tập tôn giáo. Họ trì tụng, lễ bái, vẽ viết, làm cờ xí, chạm trỗ trên chuông, bất cứ nơi nào, và ngay cả làm cảnh trí cây cỏ, khắc trên vách tường, đá tảng gọi là Đá Mani, vẽ những tự vĩ đại trên sườn đồi… Nơi nào mà người Tạng định cư đều có hình ảnh biểu tượng của Lục Tự, trông như là một cõi Tịnh Thổ Lục Tự, với đức Quán Thế Âm là vị Chủ tể.

Sự giao tiếp giữa Tây Tạng với Trung Quốc và Mông Cổ, đã đưa tín ngưỡng Lục Tự này vào các xứ láng giềng, đặc biệt là trong tu tập Kim Cang Thừa và Thiền Tông. Ngay cả Lão giáo Trung Hoa cũng áp dụng Lục Tự. Phật giáo Trung Quốc tuy có sắc thái Đại Thừa riêng biệt với Thiền Tông và Tịnh Độ, nhưng vẫn hấp thụ Lục Tự Chân Ngôn của đức Quán Thế Âm, vị Bồ Tát cứu độ được yêu quý nhất. Lục Tự Đại Minh được đưa vào các nghi thức lễ lạc, trong các quy chế tôn giáo Trung hoa. Sau đó, lan dần ra các xứ Á Đông.

Ngày nay, với sự giao lưu và thông tin điện tử toàn cầu, hầu như khắp nơi trên thế giới ít nhiều đều có âm thanh, hình ảnh, năng lượng và công đức của Lục Tự Đại Minh. Người tin tưởng và người tu tập có thể đọc tụng theo chánh âm Phạn ngữ, hay đọc theo phiên âm địa phương. Dưới đây là một số các cách đọc Lục Tự theo âm sắc địa phương.

Sanskrit: Oṃ Maṇi Padme Hūṃ

Việt ngữ: Án ma ni bát mê hồng

Trung Hoa: Ǎn má ní bā mī hōng

Tây Tạng Pinyin: Om Mani Bêmê Hum

Mông Cổ: Oëm ma ni bad mei qung

Hàn ngữ: Om Mani Banme Hum

Nhật ngữ: Ōmu Mani Padomē Fūmu

Thái: ‘Phags pa: ʼom ma ni pad me hung

Khalkha: Um mani badme khumBuryat: Om maani badme khum

Hindi: Om mani padme hum

Bengali: Om Monipôdde hum

Ngoài ra còn nhiều cách tụng đọc khác nhau qua các ngôn ngữ Mã Lai, Miến Điện, Nepal, Phi Luật Tân, các thổ ngữ Ấn Độ Sinhala, Telugu, Tangut, Old Uyghur, Jurchen, Tamil, Kannada…

Người Tây Phương ở Âu Châu, Mỹ Châu cũng bắt đầu biết đến Lục Tự Đại Minh theo đà phát triển của Phật giáo, đặc biệt là Kim Cang Thừa và Thiền Tông trên các đất nước này, do ảnh hưởng của các cuộc di dân toàn cầu vì lý do chính trị hay tôn giáo. Người Tây Phương trì tụng bằng nguyên bản chữ Phạn Oṃ Maṇi Padme Hūṃ.

Vì sao có được sự tín ngưỡng lớn lao vượt thời gian và không gian đến thế?

Câu trả lời rất đơn giản: linh nghiệm & trí tuệ.

Trí tuệ không chỉ trong ý nghĩa sâu xa và hàm chứa đủ các pháp, mà còn trong sự cực kỳ đơn giản và hữu hiệu. Đơn giản và hữu hiệu là bản chất cứu độ của Ân Trên ban cho thế gian. Nhưng phải dùng tâm mà đọc tụng thì mới nắm bắt. Nhờ nắm bắt và y theo trí tuệ đó, hành giả tu tập tinh tấn và nhận kết quả ngay: đó là sự linh nghiệm. Chính sự linh nghiệm tích lũy qua thời gian và không gian đã phát huy sự tín ngưỡng riêng và gia tăng tầm ảnh hưởng của Lục Tự Đại Minh trên thế giới.

II. XUẤT XỨ

A. KINH ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM BẢO VƯƠNG

Kinh Trang Nghiêm Bảo Vương [Avalokitesvara-guṇa-karandavyũha Sũtra – The Basket’s Display], cũng gọi (theo Anh ngữ) là kinh Bảo Tạng Diễn Giải, gồm bốn quyển, nội dung trình bày về sức uy thần hóa hiện của Bồ Tát Quán Tự Tại và công đức của sáu chữ Đại Minh Đà La Ni Án (Om) Ma (Ma) Ni (Ni) Bát (Pad) Di (Me) Hồng (Hum). Nguyên bản tiếng Phạn đã được ấn hành ở Calcutta (Ấn độ) vào năm 1873. Bản dịch Tây Tạng, theo truyền thuyết, khoảng thế kỷ IV, V tây lịch, vua nước Tây Tạng được nghe kinh này từ trong hư không, về sau mới sai đại thần đến Nepal thỉnh bản kinh tiếng Phạn về nước và dịch ra Tạng ngữ. Bản dịch Trung Hoa có vào khoảng thế kỷ 11-12, do Sa Môn Thần Thiên Tức Tai dịch chữ Phạn ra chữ Hán. Bản dịch Việt văn do Sa Môn Thích Viên Đức thực hiện năm 1973.

Đây là kinh thuyết về đức Quán Thế Âm Bồ tát và Lục Tự Đại Minh, do Đức Phật Thích Ca cho biết rõ về xuất xứ của Lục Tự Đại Minh.

  • Xuất xứ của Đại Minh Chân Ngôn

Trong kinh ghi chép: Có một lần, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang an trụ tại tự viện Cấp Cô Độc [Anathapindika], gần thành Xá Vệ [Shravasti] cùng Tăng đoàn, ngài giới thiệu vị Bồ Tát phi thường Quán Tự Tại và Lục Tự Chân Ngôn với tập hội.

Khi đó Bồ Tát Trừ Cái Chướng [Sarvanivaranaviskambhim] thỉnh cầu đức Phật ban cho giáo lý Lục Tự Chân Ngôn này. Sau đó đức Phật thuyết về đức Quán Tự Tại đã ban cho thần chú.

Tương truyền vô lượng kiếp về trước có một ngàn thái tử phát tâm Bồ Đề nguyện thành Phật. Một vị nguyện thành Phật Thích Ca mà ta đã biết; nhưng Quán Tự Tại thì nguyện sẽ không đạt thành Chánh Giác khi mà tất cả ngàn thái tử chưa thành. Với tâm đại bi vô biên, ngài còn nguyện giải thoát tất cả chúng sanh ra khỏi khổ sinh tử luân hồi trong lục đạo. Trước mười phương chư Phật, ngài phát nguyện: “Nguyện cho con cứu giúp được tất cả hữu tình, và nếu có khi nào con mệt mỏi trong công việc lớn lao này thì nguyện cho thân con tan thành một ngàn mảnh.”

Đầu tiên, ngài xuống cõi địa ngục, tiến lên dần đến cõi ngạ quỷ, cho đến các cõi trời. Từ đấy ngài tình cờ nhìn xuống và trông thấy: hỡi ơi, mặc dù ngài đã cứu vô số chúng sanh thoát khỏi địa ngục, vẫn còn có vô số khác đang sa vào. Điều này làm cho ngài đau buồn vô tận, trong một lúc ngài gần mất tất cả niềm tin vào lời nguyện vĩ đại mà ngài đã phát, và thân thể ngài liền nổ tung thành ngàn mảnh.

Trong cơn tuyệt vọng, ngài kêu cứu tất cả chư Phật. Những vị này từ mười phương thế giới đều bay đến như mưa tuyết để tiếp cứu. Với thần lực nhiệm mầu, chư Phật làm cho ngài hiện toàn thân trở lại, và từ đấy Quán Tự Tại có mười một cái đầu, một ngàn cánh tay, trên mỗi lòng tay có một con mắt. Ý nghĩa rằng sự phối hợp giữa trí tuệ và phương tiện thiện xảo là dấu hiệu của đại bi chân thực. Trong hình thức này, ngài còn sáng chói rực rỡ, và có nhiều năng lực hơn trước để cứu giúp tất cả chúng sanh. Tâm đại bi của ngài khi ấy còn mãnh liệt hơn nữa, và ngài lại phát lời nguyện này trước chư Phật: “Con nguyện không thành Chánh Giác khi tất cả chúng sanh chưa thành.”

Theo kinh điển Đại Thừa, chính Quán Tự Tại Bồ Tát đã trao cho đức Phật câu thần chú, và đức Phật trở lại giao phó cho ngài công tác cao quý đặc biệt là cứu giúp tất cả chúng sanh tiến đến giác ngộ. Vào lúc ấy, chư thiên tung hoa xuống ca ngợi, quả đất chấn động, và không trung vang lên âm thanh OM MANI PADME HUM.

  • Sự vi diệu của Lục Tự Đại Minh

SựTrong kinh Trang Nghiêm Bảo Vương, quyển ba, đức Phật dạy Trừ Cái Chướng Bồ Tát về sự vi diệu của Lục Tự Đại Minh như sau:

“Sáu chữ Đại Minh Đà Ra Ni này khó được gặp gỡ, nếu có người nào được sáu chữ Đại Minh Vương đây, thì người đó tham, sân, si, độc không thể nhiễm ô. Nếu đeo mang trì giữ nơi thân, người đó cũng không nhiễm trước bịnh ba độc. Chơn ngôn này vô lượng tương ưng, với các Như Lai mà còn khó biết, huống gì Bồ Tát làm thế nào biết được. Đây là chỗ bổn tâm vi diệu của Quán Tự Tại Bồ Tát.

“Sáu chữ Đại Minh Đà Ra Ni đó là bổn tâm vi diệu của Quán Tự Tại Đại Bồ Tát. Nếu biết vi diệu bổn tâm ấy tức biết giải thoát. Sáu chữ Đại Minh Đà Ra Ni này vô lượng tương ưng Như Lai mà còn khó biết huống gì là Bồ Tát làm thế nào mà biết được chỗ bổn tâm vi diệu của ngài Quán Tự Tại Đại Bồ Tát? Tôi đi trải qua các quốc độ khác cũng không biết sáu chữ Đại Minh Đà Ra Ni này. Nếu có người thường thọ trì sáu chữ Đại Minh Đà Ra Ni thì khi trì tụng có chín mươi chín hằng hà sa số chư Như Lai nhóm hội, có vô số Bồ Tát nhiều như vi trần nhóm hội cùng các Thánh Chúng Thiên Tử ở ba mươi hai cõi trời cũng đều nhóm hội. (…) Trong lỗ chân lông ngài Quán Tự Tại Đại Bồ Tát có trăm ức Như Lai an trụ và khen ngợi người trì tụng ấy: Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Ngươi hãy được Như Ý Ma Ni Bảo, bảy đời dòng họ của người đều sẽ đều được giải thoát.”

Sau đó đức Phật Thích Ca Mâu Ni ban giáo lý: “Đây là thần chú lợi lạc nhất. Ngay cả ta cũng đã phát nguyện này trước tất cả một triệu đức Phật và sau đó nhận lãnh giáo lý này từ đức Phật A Di Đà.”

B. MẬT TẠNG BẢO ĐIỂN MANI KAMBUM:Thuyết & hành về Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm

Maṇi Kambum: Thuyết & hành về Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm [Tạng ngữ: Ma ṇi bka’ ‘bum] [Anh ngữ: Mani Kabum: Prophecies and Teachings of Great Compassion] là một đại bảo tạng kinh luận tổng hợp của Kim Cang Thừa Mật Tông, bao gồm từ kinh giảng, nghi thức, và huyền sử. Xuất hiện vào thế kỷ 7, Bảo Tạng này được xem như một kho tàng ẩn mật. Đến khoảng giữa thế kỷ 12 mới được khám phá các lợi lạc và truyền bá đến giờ.

Nội dung của Bảo Điển tập trung vào Bồ Tát Quán Thế Âm, các huyền thoại và các pháp môn do ngài truyền dạy. Đức Quán Thế Âm đề cập ở đây dưới nhiều dạng: nam thần, thập nhất diện thiên thủ thiên nhãn. Bài chân ngôn ngài truyền lại chính là Lục Tự Đại Minh, do đức Phật A Di Đà ủy thác.

  • Sự xuất hiện của Bồ tát Liên Hoa Sanh

Câu chuyện chính về Quán Thế Âm trong Bảo Điển diễn ra trong cõi Tịnh Độ Liên Hoa [Padmawati], do một vị Chuyển Luân Thánh Vương tên là Zangpochog trị vì. Vua muốn có một hoàng nam, và thực hiện nhiều lễ cúng dường Tam Bảo dâng hoa sen để cầu xin.

Một lần, có một hoa sen khổng lồ sắp nở trong hồ. Vua cùng đoàn quần thần mang lễ vật đến hồ. Họ chứng kiến cảnh đóa sen khổng lồ đang nở. Giữa những cánh hoa là một thiếu niên khoảng mười sáu tuổi, thân người trắng sáng rực ánh linh quang với gần trọn đủ các hảo tướng của một vị Phật. Ngài kêu lên: “Ta cảm thấy thương xót tất cả chúng sanh đang chịu quá nhiều đau khổ!”

Vua và quần thần kính cẩn cúng dường, lễ lạy, và thỉnh mời ngài về cung điện. Do sự đản sinh trong hoa sen kỳ diệu này, ngài được tặng danh hiệu “Liên Hoa Sanh” [Padmasambhava], tức Đản Sanh Trong Hoa Sen, hay Tinh Túy Của Hoa Sen. Vua tham khảo ý kiến đạo sư của người là đức Phật A Di Đà [Amitabha] về chuyện lạ này. Đức Phật cho biết, thiếu niên xuất chúng này mang đầy đủ Phật tánh, nhất là tâm Đại Bồ Đề [Maha-Bodhicitta] của Phật. Danh hiệu của ngài là Quán Thế Âm, và ngài giáng thế hầu đáp ứng sự mong cầu của tất cả chúng sanh, bao la như không gian.

  • Sứ mạng Quán Thế Âm và sự hiển lộ của Lục Phật trong sáu cõi

Vào ngày trăng tròn, Vua thực hiện lễ cúng dường Tam Bảo và đức Quán Thế Âm thật trọng thể. Đức Quán Thế Âm phát khởi tâm đại bi, và từ đôi mắt ngài những giọt lệ tuôn rơi. Ngài chí tâm cúng dường, lễ lạy và cầu xin thập phương chư Phật chỉ dạy cho ngài phương thức tạo lợi lạc cho toàn chúng sanh. Chư Phật đồng thanh đáp: “Nếu muốn làm lợi lạc toàn chúng sanh, Ông phải được thúc đẩy bởi tâm đại từ đại bi. Đừng sao nhãng trong việc này. Đừng thối chuyển.”

Ngài lại hỏi: “Làm thế nào con có thể phát triển tâm đại từ đại bi?”

Đức Phật A Di Đà hiện thân để chỉ dạy cho đức Quán Thế Âm pháp môn tu hành, và ban quán đảnh cho ngài để hoàn thành sứ mạng. Quán Thế Âm phát đại nguyện: “Từ mỗi lỗ chân lông của tôi, cầu mong tôi hiển lộ chư Phật và Bồ Tát phù hợp với mọi nhu cầu của tất cả chúng sanh. Với những hiển lộ này, cầu mong tôi giải thoát tất cả chúng sanh không loại trừ ai. Nếu tôi chấp ngã, cầu xin đầu tôi vỡ thành từng mảnh.”

Đức Phật A Di Đà tán thán ngài: “Lành thay! Chư Phật ba đời mười phương và ta cũng từng triển khai tánh giác ngộ như Ông; đã phát nguyện như vậy; và đã đắc quả Giác ngộ. Ta sẽ hộ trì cho Ông.” Đức Phật A Di Đà ban phước cho đại nguyện của ngài và gia hộ cho ngài.

Sau đó đức Quán Thế Âm phóng ra sáu nguồn ánh sáng từ thân ngài tới sáu cõi chúng sanh. Mỗi ánh sáng hiển lộ như một đức Phật. Nhờ đó vô số chúng sanh đã được giải thoát.

  • Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm và Lục Tự Chân Ngôn

Sau một thời gian hoằng hóa, đức Quán Thế Âm nghĩ ngài đã làm vơi bớt một số chúng sanh đau khổ đáng kể. Từ núi Tu Di, ngài quán chiếu bằng mắt trí tuệ, và ngài thất vọng khi nhận ra rằng số lượng chúng sanh khổ não không suy giảm. Ngài phóng hào quang ba lần tới sáu cõi hầu giải thoát tất cả chúng sanh. Khi kiểm soát một lần nữa, ngài lại thất vọng. Quá tuyệt vọng, ngài nghĩ: “Đúng như Như Lai đã dạy: không gian vô tận; chúng sanh cũng bao la vô tận như vậy. Ta đã giải thoát quá nhiều chúng sanh; tuy thế số lượng đó không hề suy giảm. Luân sanh [Samsara] quả thật vô cùng tận. Ta phải tự giải thoát chính mình.”

Với tư tưởng thối thất này, ngài làm gãy đổ giới nguyện Bồ Tát. Đầu ngài vỡ ra thành một trăm mảnh. Lòng tràn trề ân hận, ngài kêu cầu đức Phật A Di Đà và tất cả chư Phật: “Con đã không hoàn thành mục đích của con và của tất cả chúng sanh, xin cứu giúp con.”

Đức Phật A Di Đà xuất hiện, thâu thập một trăm mảnh sọ vỡ và biến chúng thành mười một cái đầu. Ngài ban phước cho mười đầu có vẻ mặt an bình và một đầu có vẻ phẫn nộ để chế ngự những kẻ không thể điều phục bằng phương tiện an bình.

Sau đó đức Phật A Di Đà giảng dạy: “Sanh tử không có lúc khởi đầu. Sanh tử cũng không có lúc chấm dứt. Ông phải làm lợi lạc chúng sanh cho tới khi sanh tử chấm dứt.”

Đức Phật A Di Đà truyền thêm cho ngài: “Nếu Ông muốn làm vơi nỗi khổ của sáu cõi, Ông phải truyền bá Lục Tự Chân Ngôn ‘OM MANI PADME HUM’. Thần chú này sẽ làm ngưng dứt luân hồi và phiền não của chúng sanh trong sáu cõi đầu thai. Mỗi một âm sẽ triệt tiêu nhân và duyên tái sanh ở một trong sáu cõi tương ứng. ‘OM’ sẽ triệt tiêu nhân duyên sanh vào cõi trời. ‘MA’ sẽ triệt tiêu duyên sanh vào cõi bán thần. ‘NI’ sẽ triệt tiêu duyên sanh vào cõi người. ‘PAD’ sẽ triệt tiêu nghiệp sanh vào cõi súc sinh. ‘ME’ sẽ triệt tiêu nghiệp sanh vào cõi ngạ quỷ. ‘HUM’ sẽ triệt tiêu nghiệp sanh trong cõi địa ngục. Ông phải cam kết, bảo vệ, trì tụng và thâm nhập thần chú này. Thần chú sẽ làm sáu cõi trống không.”

ĐứcPhật A Di Đà đã hiển thị sáu âm của Thần Chú “Om Mani Padme Hum” dưới hình thức ánh sáng từ Phổ Đà Sơn [Potala] tới nhân giới. Ngài truyền dạy đức Quán Thế Âm đi tới đó để giải thoát tất cả chúng sanh. Để báo trước sự xuất hiện của đức Quán Thế Âm, toàn thể thế giới ngập đầy những dấu hiệu kỳ diệu và hào quang rạng ngời vượt xa ánh sáng của mặt trời và mặt trăng.

C. LỤC TỰ ĐẠI MINH CHÍNH LÀ BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

Các câu chú thường mang tên các vị Phật, Bồ tát, hoặc Thần thánh. Đơn giản như câu niệm hồng danh các ngài: Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát… Nhưng cũng có các câu chú mang danh hiệu Phật, Bồ Tát một cách tiềm ẩn hơn, với ý nghĩa riêng về hạnh độ của vị đó. Chẳng hạn, Om Mani Padme Hum chính là hồng danh của đức Quán Thế Âm và đức tánh của ngài.

Từ quan điểm chân ngã tuyệt đối, Phật và Bồ Tát vốn không có tên, nhưng trong phạm trù ý nghĩa tương đối, mỗi vị có (các) tên gọi riêng tùy vào cứu cánh và duyên hợp. Những tên này là biểu tượng của tâm từ bi, thanh tịnh, hay năng lượng cùng các đại nguyện của các ngài làm lợi ích cho chúng sanh.

Trên bình diện tương đối, thần chú đồng nhất với vị thánh; cả hai trở thành một thực tại duy nhất, hay là nhất thể. Như thế, một người có thể tập trung niệm chú mà không cần thiết phải hình dung quán tưởng đến vị thánh, mà sự niệm chú vẫn có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu ở trình độ có khả năng quán tưởng thì lợi lạc gia tăng. Bằng cách niệm danh hiệu của các ngài, sự thanh tịnh cứu độ này được truyền đến ta. Bằng cách niệm và quán tưởng đức hạnh của vị thánh, người quán tưởng sẽ nhận được phẩm chất thiêng liêng thanh tịnh của vị thánh ấy.

  • Niệm Lục Tự Đại Minh là trì Danh và Hạnh Quán Thế Âm Bồ Tát

Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn Om Mani Padme Hum là một trong những câu thần chú tiếng Phạn linh nghiệm và phổ biến nhất. Thần chú thường mang cứu cánh kêu cầu sự độ trì đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Tuy nhiên, thần chú cũng chính là hồng danh và đức độ của ngài Quán Thế Âm.

Mỗi âm trong sáu âm của Lục Tự Chân Ngôn có thể được giải thích phù hợp với bản chất và hạnh nguyện của ngài. Cách dịch Hán Việt thường dùng của thần chú là: Om: quy mạng; Mani: ngọc như ý; Padme: hoa sen; Hum: tự ngã thành tựu. Cách dịch này nghiêng về phần hành trì, có nghĩa quy mạng cho Tam Bảo và tu tập để tự thành tựu đạt ngọc quý trong hoa sen. Một cách dịch khác tách hai chữ linh tự đầu Om và cuối Hum, sẽ là: Om – ngọc quý trong hoa sen – Hum [Om, to the Jewel in the Lotus, Hum]. Chữ “ngọc quý trong hoa sen” đây chính là hồng danh và đại nguyện-đại bi-đại tuệ của Bồ tát Quán Tự Tại hay Quán Thế Âm. Như trong biểu tượng của truyền thuyết, ngài là vị Bồ tát xuất hiện trong hoa sen, và ngài tinh khôi, toàn hảo, sáng rỡ, tuyệt vời, toàn năng như viên bảo châu như ý, đáp ứng mọi kêu cầu của chúng sanh khổ não. “Ngọc quý” chính là biểu hiện cho Bồ Đề Tâm giác ngộ, “hoa sen” chỉ cái tâm của con người chứa đựng hạt giống Bồ Đề, biểu tượng cho tâm giác ngộ nảy nở trong tâm địa đài sen thanh sạch của hàng Bồ Tát. Đây chính là tâm đại từ đại bi vô lượng, không ngằn mé, muốn đạt Niết Bàn chỉ vì lợi ích của chúng sanh. Một cách khác, thần chú này là chân tâm của đức Quán Thế Âm, không hề tách rời với nguồn năng lượng từ bi trí tuệ của ngài.

  • Sự cứu độ của Bồ tát

Thần chú thường được tôn kính như các linh tự, chữ thiêng liêng, do đó ít khi được giải thích cặn kẽ. Tuy nhiên, đức Quán Thế Âm là vị Bồ Tát đại từ bi đại trí tuệ, không có một linh tự nào ngài ban cho lại không chứa đựng bảo châu từ bi và trí tuệ. Người tu tùy trình độ mà thâm nhập và tiếp nhận các ngọc vô giá đó. Nếu không hiểu cặn kẽ cũng không sao, dùng cái tâm tha thiết và tập trung cũng có thể cảm ứng được tâm từ bi của ngài.

Sự cứu độ của Bồ tát vốn không phân biệt hạng chúng sanh vì tính chất bình đẳng tánh trí của các ngài. Phân biệt hay không là do chính nơi chúng sanh đó. Nói rõ hơn, do nghiệp lực và sự tu tập chuyển hóa tự thân của cá nhân đó.

Sự cứu độ có thể nhận được dưới nhiều dạng thức. Dạng thường thấy là do ngõ âm thanh. Thần chú có những âm thanh thiêng liêng đặc biệt và những tác dụng năng lượng bí ẩn. Kim cang thừa trình bày biểu đồ về hiệu ứng và tương quan của các âm thanh này qua với các cõi và các trình tự tu tập tiến hóa (sẽ được trình bày trong phần Ý Nghĩa kế tiếp). Một thí dụ, sáu âm tiết [syllable] của thần chú này được xem là tương ưng với sáu cõi tái sanh của dục giới. Như vậy, người niệm chú có thể thoát khỏi sáu nẻo luân sanh, hay tam đồ lục đạo [three courses and six realms]. Lục đạo là sáu đường tái sanh dưới các dạng chúng sanh do luân hồi.

Chân ngôn hay thần chú là biểu hiện của âm thanh bắt nguồn từ sự rỗng không. Đó là âm thanh chân thật của khoảng trống không. Theo thiền học, nếu đi vào nguồn các khái niệm về chân lý tuyệt đối và trạng thái chân như rỗng không, không có hiện hữu nào âm thanh hay thần chú nào. Âm thanh và thần chú, như tất cả những dạng biểu thị khác, đều ở vị thế của cõi tương đối xuất hiện từ sự rỗng không tuyệt đối. Trong cảnh tương đối, mặc dù âm thanh tự chính nó không có thực thể, nó vẫn có năng lực để chỉ định, đặt tên, và hoạt động trong tâm thức.

Có vô số cách giải thích một thần chú, tùy theo ước nguyện, trình tự tu học và mục tiêu cứu cánh của hành giả. Cách giải thích đơn giản, dễ ghi nhận, mà không thiếu phần hiệu quả, là thần chú Lục Tự này chỉ là tên của Bồ Tát Quán Thế Âm được đặt ở giữa hai âm thanh thiêng liêng của chân tánh, OM và HUM.

– Om tượng trưng cho thân các vị Phật trong chân không, các thần chú đều bắt đầu từ âm này;- Mani có nghĩa là châu báu trong ý nghĩa tâm linh vi diệu, bảo châu trong thực tướng chính là “trí tuệ Bát nhã”;

– Padme chỉ cho hoa sen, tượng trưng cho “chân tâm” thanh tịnh, thuần khiết và từ bi;- Hum tượng trưng cho tâm thức giác ngộ của tất cả các vị Phật, vẫn thường là câu cuối trong các thần chú.

Khi niệm chú Om Mani Padme Hum, thật ra đang liên tục lặp lại tên Quán Thế Âm; đồng thời nhắc đến các hạnh độ của ngài. Đó là thanh khiết, từ bi, và trí tuệ cao quý như bảo châu của Quán Thế Âm trong nguồn ánh sáng của tất cả các vị Phật và Bồ Tát. Cách nhìn này toàn bộ hơn, phát huy được tâm thức thanh tịnh, từ bi của hành giả, và đưa đến sự tỉnh thức trí tuệ giác ngộ giải thoát.

III. Ý NGHĨA & DIỆU DỤNG CỦA CHÂN NGÔN

Lục Tự Chân Ngôn là hiển lộ của ngôn ngữ và năng lực trí tuệ của tất cả chư Phật, qua Quán Thế Âm Bồ Tát. Đó là một phương tiện để bảo vệ tâm khỏi những niệm tưởng mê lầm, chặt đứt vô minh và khai mở trí tuệ. Chân ngôn vừa giúp gia tăng vô lượng sự ban phước, cứu giúp và làm dịu bớt khổ đau; lại khiến ta có thể đạt được an bình, qua sự khai tâm mở trí của tự thân.

Mỗi một chú tự (hay chủng tử trong thần chú) đều có liên hệ đến các vị Phật và Bồ Tát tương ưng, các cõi, các pháp môn, và năng lượng hóa giải ác trược và tăng cường sức mạnh tu tập thiền định tạo lợi ích trong đời này, và sẽ tiếp tục trong nhiều đời tương lai.

Lúc chết, sẽ không sanh vào ba đọa xứ mà vãng sanh về Tịnh Độ Tây Phương hay trong chính cõi Tịnh Độ Phổ Đà của đức Quán Thế Âm, nơi đó, sẽ tu tập dần dần đạt đến Phật quả.

A. Ý NGHĨA LINH TỰ ‘OM’

Trong Lục Tự có hai Linh Tự, tức là âm tiết thiêng liêng tối thượng. Đó là “Om” và “Hum.” Hai linh tự này xuất hiện khắp nơi, trong nhiều tôn giáo tín ngưỡng, từ phụng tự, tu tập, đến lịch sử, truyền thuyết.

Như trên có đề cập, Aum/Om tượng trưng cho thân các vị Phật trong chân không, các thần chú đều bắt đầu từ âm này; Hum tượng trưng cho tâm thức giác ngộ của tất cả các vị Phật, vẫn thường là âm cuối trong các thần chú. Khác với Hum, Om có thể đứng một mình vẫn đầy uy lực. Dưới đây là lược khảo về năng lượng không thể nghĩ bàn của linh tự “Om.”

Om là một phần của biểu tượng được tìm thấy trong bản thảo thời cổ đại và trung cổ, trong các ngôi chùa, tu viện và các địa điểm tâm linh trong Ấn Độ giáo, Phật giáo và Kỳ Na giáo. Các biểu tượng có ý nghĩa tinh thần trong tất cả pháp Ấn Độ, nhưng ý nghĩa của Om thay đổi theo các trường phái khác nhau trong cùng một đạo giáo và trong các đạo giáo khác nhau.

Trong Ấn giáonói chung, Om là một trong những biểu tượng tâm linh quan trọng nhất, đề cập đến Atman (linh hồn, bản ngã bên trong) và Brahman (thực tế cuối cùng, toàn bộ vũ trụ, sự thật, thần linh, tinh thần tối cao, nguyên tắc của vũ trụ, tri thức). Linh tự này thường được tìm thấy ở đầu và cuối chương trong kinh Vệ Đà, Áo Nghĩa Thư, và các kinh sách của Ấn giáo. Tóm tắt, Om là tổng thể của âm thanh, sự sống, và tâm thức. Om thường được xem như là âm thanh của vũ trụ, âm thanh của thần bí, hay sự xác nhận tính chất linh thiêng bất kỳ ở đâu hay trong sinh hoạt nào. Đây là chú tự thiêng liêng được đọc riêng trước, và khi đọc các kinh sách linh điển, trong lễ cầu nguyện cúng dường và các buổi tụng kinh, trong các nghi thức [sanskara] tập tục dân gian, và đôi khi trong các hoạt động thiền định và tâm linh.

Âm thanh Om có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm linh và ngay cả sinh hoạt dân gian theo Ấn giáo, và cả Hồi giáo, Phật giáo, và Lão giáo. Từ kinh điển, đến thi ca, âm nhạc, nghệ thuật, văn hóa… Đó là âm thanh của cõi vô biên, của hư không, là tri kiến vô giới hạn, là tinh hoa của hơi thở, đời sống, tất cả những gì hiện hữu, và tất cả những ai được đắc chân cứu cánh giải thoát.

Om là kim chỉ nam cho tín ngưỡng và văn hóa Vệ Đà, mang tính cách thiêng liêng trí tuệ, lẫn thơ mộng trử tình. Tất cả những gì có âm thanh, trong thế giới Vệ Đà, đều có màu sắc chữ Om. Ngay các nốt thanh nhạc đều là các âm sắc của Om (Oum, Aum, Ovā Ovā Ovā Um, vân vân) từ đó mà tạo tác.

Linh tự Om đưa đến nhiều ý tưởng trừu tượng trong Áo Nghĩa Thư sơ khai. Các kinh văn này có chủ thuyết dùng Om như “công cụ thiền định”, giải nghĩa là khi thiền thì linh tự này sẽ nằm trong tâm khảm của hành giả, theo các cấp độ từ “giả tạo và vô nghĩa” lên dần đến “ý niệm tối thượng, đó là nguyên do của Vũ Trụ, tinh túy của Sự Sống, Thượng Đế, Linh Hồn, và Tri Thức Tự Thân.”

Trong Phậtgiáo, linh tự Om xuất hiện trong các trường phái sanh sau đẻ muộn, như Kim Cang Thừa Phật giáo Tây Tạng, vốn chịu ảnh hưởng của Ấn giáo [Hinduism] và Du Già Mật Tông [Yoga Tantra]. Trong Kim Cang Thừa Trung hoa, Om được viết theo lối âm Nho, là chữ pinyin “ǎn” hay “wēng.” Việt nam dịch âm thành chữ “án” hay thường đọc theo chữ Phạn là “om.”

Trong Kim Cang Thừa Tây tạng, Om thường được trì tụng với các chân ngôn hay thần chú. Chân ngôn thông dụng nhất chính là “Om mani padme hum”, Lục Tự Đại Minh của vị Bồ Tát Từ Bi Quán Thế Âm. Chân ngôn này thường đi theo cùng dạng Quan Âm bốn tay [Shadakshari], hay Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại [Avalokiteśvara sahasra-bhūja-locana]. Trong Mật Tông cũng có pháp trì tụng theo từng âm tiết hay chủng tử [bija mantra], và khi đó “Aum” được xem như là thánh thân thiêng liêng của Phật Giáo Mật Tông.

Trong dạng thức này, theo đức Đạt Lai Lạt Ma 14 thuyết giảng, chữ Aum do ba chữ thanh tịnh kết thành “A, U, M.” Ba chữ này tiêu biểu cho thân khẩu ý bất tịnh của hành giả trong đời sống thường chưa giác ngộ; chúng cũng tượng trưng cho thân khẩu ý tuyệt đối thanh tịnh của vị Phật.”

B. Ý NGHĨA CÁC CHÚ TỰ

Chân ngôn “Om Mani Padme Hum”là hiện thân tất cả năng lực từ bi, trí tuệ và công hạnh của đức Quán Thế Âm tôn quý, hiện thân bi mẫn của tất cả chư Phật. Đối với một số hành giả tu tập, cảm thụ được âm thanh và ý nghĩa của thần chú này, thật không thể nghĩ bàn. Bồ Tát đã phát nguyện và tích tập vô lượng công đức, trí tuệ và phương tiện thiện xảo để cứu giúp toàn chúng sanh. Thế nên, bất cứ ai có niềm tin chân thành và sâu xa ở ngài và nỗ lực trong việc thực hành pháp môn, sẽ phát ra năng lượng hay âm thanh (của tâm) và đức Quan Thế Âm có thể cảm nhận được để cứu độ giải thoát khỏi phiền não.

Pháp môn này có ý nghĩa trong chú tự (hay chủng tử) không, hay chỉ là âm thanh thiêng liêng? Nhiều vị tu tập đắc pháp đã tìm thấy những bài học từ mỗi chú tự này và truyền thụ lại cho hậu sanh. Dưới đây là Bảng Lược Kê từng chú tự, về các ý nghĩa, đặc điểm, các cõi tương ưng và khả năng tịnh hóa, các pháp môn tương quan, cùng sự liên hệ đến các vị Phật và cõi Tịnh Độ của ngài.

* Chú tự OM”:

– OM có màu trắng, biểu thị cho Thiên giới;

– OM liên hệ đến Bảo Sanh Phật [Ratnasambhava];

– OM đóng cánh cửa luân hồi trong cõi trời.

– OM thanh tịnh hóa bản thân;

– OM lời cầu nguyện hướng về thân thể của các vị Phật;

– OM liên hệ đến Bố Thí Ba La Mật (hay hạnh độ);

– OM liên hệ đến trí tuệ thanh thản, an bình.

* Chú tự “MA”:

– MA có màu xanh, biểu thị cho Tu La đạo;

– MA liên hệ đến Bất Không Thành Tựu Phật [Amaghasiddi];

– MA đóng cánh cửa cõi thần, A Tu La;

– MA thanh tịnh hóa lời nói;

– MA lời cầu nguyện hướng về lời nói của các vị Phật;

– MA liên hệ đến Trì Giới Ba La Mật;

– MA liên hệ đến trí tuệ hoạt động.

* Chú tự “NI”:

– NI có màu vàng, biểu thị cho Nhân Gian giới;

– NI liên hệ đến Kim Cương Trì [Vajradhara] và Phổ Hiền Bồ Tát;

– NI, đóng cánh cửa cõi người;

– NI thanh tịnh hóa tâm thức;

– NI lời cầu nguyện hướng về tâm thức các vị Phật;

– NI liên hệ đến Nhẫn Nhục Ba La Mật;

– NI liên hệ đến trí tuệ tự tái sanh.

* Chú tự “PAD”:

– PAD có màu xanh lục, biểu thị cho Súc Sanh đạo;

– PAD liên hệ đến Tỳ Lô Xá Na Phật [Vairocana];

– PAD, đóng cánh cửa cõi súc sanh;

– PAD thanh tịnh hóa những cảm xúc mâu thuẫn;

– PAD lời cầu nguyện hướng về những phẩm chất của các vị Phật;

– PAD liên hệ đến Tinh Tấn Ba La Mật;

– PAD liên hệ đến trí tuệ pháp giới.

* Chú tự “ME”:

– ME có màu hồng, biểu thị cho Ngạ Quỷ đạo;

– ME liên hệ đến A Di Đà Phật [Amitabha];

– ME đóng cánh cửa cõi ngạ quỷ;

– ME thanh tịnh hóa điều kiện ẩn tàng;

– ME lời cầu nguyện hướng về hoạt động của các vị Phật;

– ME liên hệ đến Thiền Định Ba La Mật;

– ME liên hệ đến trí tuệ phân biệt.

* Chú tự “HUM”:

– HUM có màu đen huyền, biểu thị cho Địa Ngục đạo;

– HUM, liên hệ đến A Súc Bệ Phật [Akshobya];

– HUM đóng cánh cửa cõi địa ngục.

– HUM thanh tịnh hóa tấm màn che phủ trí tuệ.

– HUM lời cầu nguyện sự thanh tịnh thân, khẩu, ý, phẩm hạnh, và năng lượng Phật.

– HUM liên hệ đến Trí Tuệ Ba La Mật;

– HUM liên hệ đến trí tuệ như gương.

Như vậy, việc trì tụng chân ngôn không chỉ lợi ích nhỏ hẹp cho bản thân hành giả, mà tất cả năng lượng và công hạnh vô hạn của sáu chữ chủng tử Đại Minh Vương Chân Ngôn này chấn động sáu cõi chúng sanh, từ tận cùng của cõi luân hồi phiền não giải thoát chúng sanh thoát khỏi đau khổ, sợ hãi. Hành giả nên trì tụng Chân Ngôn này càng lâu càng tốt trong các thời khóa tu.

C. CÔNG ĐỨC DIỆU DỤNG

Tìm hiểu ý nghĩa của chân ngôn Lục Tự Đại Minh đồng lúc cho thấy các công đức và ích lợi thù thắng hàm chứa trong từng chú tự. Các công đức này vi diệu phi thường không thể nghĩ bàn. Trong kinh Trang Nghiêm Bảo Vương, có nhắc đến lời Phật dạy rằng, ngài đã dùng thần lực có thể đếm hết được số giọt nước mưa trong mười hai năm, nhưng công đức lợi ích của người trì niệm câu chân ngôn Lục Tự thì đức Phật không thể đếm hết được.

Các công đức bao gồm từ việc độ trì cứu khổ ban vui, cho đến việc tu tập thành tựu, và khi mãn phần tránh khỏi sa vào các đường ác đạo. Đối với bệnh khổ, hình phạt, những sợ hãi chết bất đắc kỳ tử nếu trì niệm Lục Tự Chân Ngôn đều được tiêu trừ, thọ mạng tăng trưởng, phúc đức gia tăng, của cải sung mãn, khiến lúc lâm chung không đọa ác đạo, được sinh cõi nhân thiên, được gặp Phật Pháp và về cõi Tịnh Độ. Công đức của Lục Tự Chân Ngôn thật vô lượng và ngay cả chư Phật trong ba thời cũng không thể mô tả hết.

“Ta được dạy rằng có thể tính đếm được vô lượng cát sông Hằng và những giọt nước của đại dương nhưng công đức của việc trì tụng Lục Tự Chân Ngôn thì không thể đo lường được.”

“Lục Tự Chân Ngôn là hiển lộ của ngôn ngữ và năng lực trí tuệ của tất cả chư Phật. Nó tịnh hóa tri giác bất tịnh của ta về âm thanh. Nó cũng là một phương tiện để bảo vệ tâm ta khỏi những niệm tưởng mê lầm. Nó chặt đứt vô minh và khai mở trí tuệ của ta. Nó làm tăng trưởng vô lượng sự ban phước và khiến ta có thể đạt được an bình. Thần chú này có thể cứu giúp và làm nguôi dịu hàng trăm và hàng ngàn khổ đau và khốn khó của chúng sanh.”

“Sáu chữ Đại Minh Đà La Ni đó là Bản Tâm vi diệu của Quán Tự Tại Bồ Tát. Nếu biết Bản Tâm vi diệu ấy, tức là biết Giải Thoát! Lục tự thần chú đã giúp đức Quán Tự Tại được chứng đắc.”

Trong kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương đã ghi nhận năng lực cứu độ vi diệu và công đức hóa độ chúng sanh trong sáu nẻo luân hồi của đức Quán Thế Âm; đồng thời khẳng định mọi công đức thần thông mà ngài có được đều nhờ thần chú Lục Tự Đại Minh Om Mani Padme Hum.

Đức Phật lại gia bị các chỉ dạy của ngài về các trường hợp cá biệt có thể thọ nhận lợi lạc qua việc trì tụng chân ngôn, như sau:

“Nếu có thiện nam tín nữ nào hay y Pháp, niệm sáu chữ Đại Minh Đà La Ni này thì người đó sẽ được biện tài vô ngại, được trí tuệ thanh tịnh, được đại từ bi. Người đó ngày ngày được viên mãn công đức của sáu pháp Ba La Mật. Người đó được Trời Chuyển Luân Thánh Vương quán đỉnh. Khi người ấy nói, hơi từ trong miệng phát ra chạm đến thân ai thì người được chạm ấy phát khởi tâm lành xa lìa tâm sân độc, sẽ được địa vị Bất Thối Chuyển của Bồ Tát và mau chóng chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề.

“Nếu người đeo giữ sáu chữ này và thọ trì, lấy tay chạm đến thân người khác thì người được rờ chạm ấy mau được Bồ Tát vị. Nếu kẻ nam, người nữ, con trai, con gái cho đến dị loại hữu tình khác thấy được người đeo và thọ trì ấy thì tất cả mau được Bồ Tát vị. Người như thế vĩnh viễn không còn chịu khổ: sanh lão bệnh tử, ái biệt ly, cầu bất đắc… mà được sự niệm tụng tương ương không thể nghĩ bàn. Nay như thật mà nói lên sáu chữ Đại Minh Đà La Ni vậy!”

Đức Phật lại bảo rằng: “Nếu có người biên chép sáu chữ Đại Minh Đà La Ni này thì đồng với chép 84,000 Pháp Tạng. Nếu có người lấy vàng báu cõi Trời tạo hình tượng Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác, số như vi trần, làm như vậy rồi, nói một ngày khánh lễ tán dương cúng dường, chỗ thu hoạch quả báo không bằng đã được quả Công Đức biên chép một chữ trong sáu chữ Đại Minh Đà la ni ấy, đã khéo an trụ nơi Đạo Giải Thoát không thể nghĩ bàn.”

Kinh Mật Tạng Bảo Điển lại cho rằng: “Chẳng phải dùng miệng xướng lên Minh Chú này thì mới có công đức. Nếu kẻ nào đeo chú này trên thân, hoặc cột vào tay, hoặc chôn trong da thịt thì cũng tạo được nhân chủng giải thoát khỏi sinh tử.”

IV. CÁCH TRÌ NIỆM TU TẬP

A. MỘT CỨU CÁNH, HAI TRUYỀN THUYẾT, BA NGUYÊN LÝ TU TẬP

Bồ Tát Thế Thân [Vasubandhu] (316-396), Tổ Sư thứ 21 Thiền Tông Ấn Độ, vào thế kỷ 4 dương lịch, tu thành tựu Tiểu Thừa nhưng sau chuyển sang Đại Thừa, trở thành đại trí giả, soạn nhiều kinh luận Đại Thừa, Duy Thức, Câu Xá nổi tiếng quán thông.

Ngài là một trí giả, luận sư xuất sắc của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ [Sarvāstivādin] và Duy Thức Tông [Vijñānavādin]. Ngài là em của Vô Trước [Asaṅga], người sáng lập phái Duy Thức. Vô Trước là người đã khuyến dụ Thế Thân theo Đại Thừa.

Sinh trưởng trong một gia đình Bà La Môn, ngài thụ giới cụ túc sớm. Lúc đầu, Sư học giáo lý Phật Giáo Nguyên Thủy, tu học nhiều nơi tại Thiên Trước (Ấn độ cổ), và soạn bộ A Tì Đạt Ma Câu Xá Luận [Abhidharmakośa]. Sau đó, Sư đi du phương và danh tiếng của Sư là một nhà biện luận xuất chúng vang dội. Khi gặp lại Vô Trước và nghe giảng giải giáo lý Đại Thừa, Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ, bắt đầu say mê nghiên cứu Đại Thừa và viết luận về kinh điển hệ này. Đặc biệt là kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa. Sư biên soạn nhiều bài luận, trong đó Sư hệ thống hóa tư tưởng “Duy Thức” được lập nên bởi Vô Trước.

Sư được triều đình mời đến giảng dạy và trở thành vị quốc sư, khuyến khích vương triều làm những việc thiện như xây dựng bệnh viện, trường học và nhà ở công cộng. Sau đó một thời gian, Sư cũng hoằng hóa tại viện Na Lan Đà. Sư dạy kinh pháp phối hợp Đại Tiểu Thừa, nhưng vẫn thường hay du phương và tùy cơ giáo hóa theo hạnh Khất Sĩ của đức Phật.

Được vinh danh là một vị Bồ Tát quán thông và dung hợp được cả hai pháp lý Đại và Tiểu Thừa, ngài đã từng dạy: “Thật là điên rồ, nếu chỉ cố nắm bắt lấy chữ nghĩa mà lại bỏ qua chủ đích của chúng!”

Câu chuyện thứ nhì, hoàn toàn ngược lại với cuộc đời vinh quang của vị Tổ Sư đại trí tuệ, là truyền thuyết về bà lão mù chữ niệm Lục Tự Đại Minh chí tâm chí thành đến đỗi “Những hạt đậu biết nhảy” khi nghe niệm thần chú.

Một bà lão sống cô độc, lại quê mùa dốt chữ, đi hành hương được một người truyền cho câu thần chú “Án Ma Ni Bát Di Hồng.” Trên đường về nhà bà lẩm bẩm cố học thuộc lòng, nhưng đã nhớ lộn cách phát âm trở thành “Án Ma Ni Bát Di Xanh.” Bà bày hai cái chén, một đầy đậu và một không. Mỗi khi đọc xong một câu thần chú, bà nhặt một hạt đậu từ trong chén đầy bỏ sang cái chén không, đến khi cái chén không đã chứa đầy đậu thì bà làm ngược trở lại. Bà lão đã không ngừng nghỉ, thành tâm tụng niệm suốt ba mươi năm. Lòng thành kính của bà đã ứng hiện, sau này cứ một câu thần chú vừa phát ra thì một hạt đậu tự động nhảy sang cái chén bên cạnh. Bà lão thấy những hạt đậu tự động biết bay thì biết rằng sự tu hành đã đúng đường, bà càng phấn khởi tụng niệm hăng say hơn.

Một hôm, một vị cao tăng từ Tây Tạng vân du qua đó, khi đi ngang qua chiếc lều tranh, thấy có ánh hào quang tỏa ra rực rỡ. Sư vội ghé vào thăm hỏi. Thấy vị cao tăng đến thăm, bà lão vui mừng quỳ xuống đảnh lễ, miệng vẫn cứ tiếp tục lẩm bẩm Án Ma Ni Bát Di Xanh. Sư ngạc nhiên không hiểu ánh hào quang rực rỡ kia phát xuất từ nơi đâu, hỏi thăm và được bà cho biết đã sống cô độc và tụng chú suốt ba mươi năm. Sư tiếc nuối: “Bà lão đã đọc sai câu thần chú đó rồi, phải phát âm là Án Ma Ni Bát Di Hồng mới đúng.” Bà lão giờ mới biết là đã đọc sai câu thần chú hơn ba mươi năm, vô cùng phiền muộn và hứa sẽ đọc lại.

Sau đó, Sư từ giã bà lão, tiếp tục lên đường. Bà lão lại tiếp tục tụng niệm, lần này với câu thần chú mới Án Ma Ni Bát Di Hồng. Thế nhưng tâm tư bà còn hỗn độn mất tập trung. Mỗi câu thần chú của bà không còn làm cho những hạt đậu hứng khởi nhảy nhót nữa.

Sư đi được một đỗi xa, quay đầu nhìn lại thì thấy căn nhà của bà lão không còn hào quang chói sáng. Sư giật mình và nghĩ ra chính ông đã làm hại Phật tử này không còn tập trung tâm tưởng như trước. Sư vội vã quay lại túp lều tranh và nói với bà lão: “Thật ra câu thần chú của bà tụng mới là đúng. Tôi muốn thử xem lòng thành kính của bà đối với Tam Bảo như thế nào thôi. Từ nay về sau bà cứ tiếp tục tụng niệm y như cũ là đúng rồi.”

Sau khi Sư ra đi, bà lão lại tiếp tục tụng chú. Mỗi một câu Án Ma Ni Bát Di Xanh được niệm ra thì tâm bà vô cùng hoan hỉ, và một hạt đậu tự động nhảy sang cái chén bên cạnh. Sư lên đến đỉnh núi và nhìn trở lại thì thấy hào quang hào quang phát ra từ túp lều tranh của bà lão sáng rực một góc trời!

Hai truyền thuyết, hai thái cực, biểu thị cho cùng một cứu cánh muốn giải thoát, đã tiêu biểu cho ba nguyên lý tu trì chân ngôn giúp phát huy được lợi ích cho sự tu tập hành trì của nhiều trình độ hành giả khác nhau. Đó là:

  1. Chân ngôn (văn) là lời Phật, mỗi chữ, hay gọi là chú tự luôn hàm chứa ý nghĩa thiêng liêng siêu diệu, và trí tuệ thâm áo. Người tu học phải cố gắng hiểu nghĩa (tư) lời dạy của Ân Trên sâu xa khôn tận, giúp đạt được bản nguyện hay nguyện cầu chân thật, và giúp khai hóa trí tuệ thế gian. Nhưng hiểu rồi thì buông, đừng bám vào văn tự mà phải trụ ở hành trì (tu) thì mới đắc quả.
  2. Chân ngôn có những âm thanh riêng biệt và những tác dụng bí ẩn chứa đựng trong âm thanh đó; âm thanh này có chứa đựng ánh sáng trí tuệ và năng lượng. Hành giả thiền định cần lắng nghe âm thanh trong tâm mình tương ưng với vũ trụ bên ngoài, cho đến khi hội nhập chân tánh. Đây là sự tu tập toàn diện, bằng cả thân, tâm và ý: thân thiền, tâm định, và ý quán thông.
  3. Chân ngôn đến từ chư Phật, bậc từ bi hỉ xả, yêu thương và bình đẳng. Điều kiện thiết yếu khi trì tụng chân ngôn là chân tâm và sự triệt để tập trung hay “nhất tâm” của người trì tụng hầu có thể tạo thành năng lượng, hội họp với năng lượng bên trên, từ đó nhận được các lợi lạc khôn lường.

Bồ tát đại trí tuệ Thế Thân, không chỉ dạy thế gian bằng thuyết pháp và luận lý, mà bằng cả cuộc đời tu học và hoằng hóa, viên thông và kết hợp cả tiểu lẫn đại thừa, gồm trọn cả văn tư tu lẫn thân tâm ý. Một câu nhắc nhở của ngài, “đừng cố nắm bắt lấy chữ nghĩa mà lại bỏ qua chủ đích của chúng” đã phá hai lề kiến chấp, và dạy mọi hành giả hai pháp lý thứ nhất và thứ nhì, về sự tu tập toàn diện.

Bà lão mù chữ (trong truyền thuyết) là biểu tượng cho những người tu có tâm địa đơn thuần, không biết gì hơn là dùng trọn cái tâm chân thành mà kiên trì tụng bất kể ngày tháng và bên ngoài. Cái tâm vô cùng tha thiết đó sau cùng phát ra năng lực, đến đỗi thấu được tầng trên và rồi chan hòa ánh sáng.

B. CÁCH THỰC HÀNH TRÌ TỤNG THẦN CHÚ LỤC TỰ

Việc trì hành thần chú “OM MANI PAD ME HUM” có một số phương cách khác nhau tùy theo mục tiêu và cứu cánh của hành giả. Trong các nghi thức lễ lạc của Phật giáo Đại Thừa nói chung, đều có tụng câu chú này. Tuy Đại Thừa Bắc Tông nghiêng về Lục Tự Di Đà, cứu cánh được vãng sanh, vẫn có nhiều hành giả nhận lợi lạc từ chú Đại Minh và hành trì cả hai Lục Tự thần chú này, trong cùng cứu cánh. Vạn sự tùy duyên, việc trì niệm thần chú của chư Phật nói chung theo ba nguyên lý đề cập ở trên. Dưới đây là một số các phương pháp thông dụng có thể thực hiện được trong đời sống hằng ngày của bất kỳ trình độ hành giả nào.

  • Niệm chú đếm hạt châu

Còn gọi là lần tràng hạt hay sổ châu. Thường đi chung với điều tức hay kiểm soát hơi thở. Người tân tu theo phương pháp này dễ thực hiện và ghi nhớ. Mang theo xâu chuỗi hạt bên mình, tự hứa nguyện là sẽ tụng bao nhiêu chuỗi trong thời khoảng nào. Cứ mỗi lần tụng (đọc lên hay đọc thầm) một câu “Om Mani Padme Hum” lại lần một hạt, cho đến hết chuỗi (108 hạt). Pháp này giúp tập trung tư tưởng, và tạo tập quán niệm chú. Có tác dụng ít hay nhiều tùy vào nguyện lực, sự chú tâm và tinh tấn của hành giả.

  • Niệm chú theo hơi thở

Pháp này có thể làm mọi lúc mọi nơi, vì chỉ tập trung vào hơi thở. Tuy nhiên vì không có phương tiện bên ngoài (như tràng hạt) nhắc nhở, nên hành giả phải quyết chí tự tập trung bản thân niệm chú. Việc trì chú nương theo hơi thở là một trong những cách tuy đơn giản vì chỉ dùng chính hơi thở ra vào của chính mình, nhưng lại hữu hiệu, vì lúc nào cũng có thể thực hành. Tuy nhiên, lúc mới tập hành giả cần có đức tin và sự tập trung để làm chủ tâm mình nhớ niệm chú theo nhịp thở.

Hành giả chỉ đọc (thầm) thần chú theo hơi thở như sau: Khi hít vào (phình bụng) – đọc: “om mani”; Khi thở ra (xẹp bụng) – đọc: “pad me hum.”

Nếu thực hành được điều này, cả ngày không lúc nào tâm rời khỏi câu thần chú, tất sẽ luôn được sức mạnh thần chú bảo vệ.

  • Tập trung tụng niệm thần chú

Đây là cách hoàn toàn tập trung thân khẩu ý vào việc trì chú. Có thể thực hiện riêng một mình hay trong các tự viện cùng các Phật tử khác.Trong các buổi lễ đạo hàng chục, hàng trăm, ngàn người cùng tập trung niệm chú nghe đầy uy lực.

Khi trì chú thì cần tập trung tâm ý vào thần chú mới có thể phát huy tối đa tác dụng. Niệm thành tiếng, và tập trung tự lắng nghe lại chính âm thanh trì chú mà mình, sẽ dễ phát huy năng lượng. Dùng tràng hạt thì tay trái lần tràng hạt, khi đó sự tập trung của cũng tăng lên và sức mạnh câu thần chú cũng được tăng lên nhiều lần.

Sau mỗi buổi thực hành cá nhân hay tập thể, đều cần hồi hướng công đứccho tất cả chúng sanh đều trọn thành Phật đạo. Trong việc tu tập, bất cứ đọc tụng kinh sách nào đều cần phải hồi hướng công đức thì mới xem như viên mãn. Không thể giữ những công đức ấy cho riêng mình, vì lòng ích kỷ quy ngã là đi ngược lại nguyên tắc từ bi hỉ xả và vô ngã của Phật đạo, và công đức ấy sẽ khó tồn tại.

  • Thiền Quán Lục Tự Đại Minh

Đây là Mật Pháp Thiền Quán Âm, vận dụng tinh hoa của Lục Tự Đại Minh thần chú đưa vào tâm để tạo thành năng lượng tâm vi diệu. Pháp môn phi thường này cần có Minh Sư chỉ dẫn và theo dõi. Dưới đây chỉ là vài nguyên lý cơ bản của pháp môn.

Danh hiệu “Quán Thế Âm” tượng trưng cho cái nghe ngược về bên trong tâm ý. Thông thường, ý nghĩa là Bồ Tát quán sát, lắng nghe âm thanh kêu khổ của thế gian để khởi tâm đại từ đại bi cứu khổ chúng sanh. Trong pháp tu, Quán Thế Âm còn có ý nghĩa là cách quán sát âm thanh thế gian qua năm tầng lớp, dần đi đến Phật Thừa.

Đầu tiên, hành giả quán sát âm thanh giả, tập lắng tâm thật tịnh tiến dần đến điểm lặng yên tột cùng. Thí dụ trụ tâm chặt vào câu niệm “Om Mani Padme Hum.” Bậc thứ nhì đó là tập quán sát thực âm, âm thanh thực tế của cuộc sống. Trụ tâm vào âm thanh này thì âm thanh này biến thành mã khóa và nó có tác dụng cột chặt tâm để vào định. Kế tiếp là quán sát âm thanh vi tế hơn gọi là diệu âm. Diệu âm có nghĩa là không phải nghe âm thanh bằng lỗ tai, mà nó là cái hiểu biết qua sự nghe, gọi là nhĩ thức. Bạn nghe một âm thanh não vận động, tư duy tạo ra một ý niệm về âm thanh này gọi là cái biết của sự nghe, gọi là nhĩ thức. Nếu thực sự tu đến mức độ này thì sáu căn sẽ hợp nhất. Không những nghe bằng tai, mà còn nghe bằng mắt, nghe bằng mũi, nghe bằng lưỡi, nghe qua xúc giác của đụng chạm sờ mó. Nếu không trụ vào các căn mà trụ vào cái biết của căn khi đối diện với lục trần thì nhĩ thức cũng như các thức khác. Cái biết sau khi nghe cũng như cái biết sau khi thấy, không khác gì nhau. Bởi vậy gọi là quán sát âm thanh ở thể diệu âm. Nếu đã thực chứng diệu âm tiến lên quán sát âm thanh của Đà La Ni hay thần chú của Chư Phật, là âm thanh không nội dung, hay âm thanh vô ngã. Nhập vào biển âm thanh này, âm thanh chỉ là tác nhân, khiến năng lượng giác ngộ hiển thị thành Phật lực, khiến trí tuệ phát triển thành tự nhiên trí. Giai đoạn chót, âm thanh thứ năm, dạng âm thanh tối thượng, nếu thực chứng sẽ đạt Bát Nhã Ba La Mật Đa, đó là âm thanh cõi lặng yên, âm thanh không tiếng động. Âm thanh không tiếng động là ý nghĩ trong đầu, đó là cảnh biến diệt của nội tâm, là chứng nhân cho trạng thái vận động của não bộ. Tâm không có ý niệm không có âm thanh nào thì biết nó không có âm thanh nào, âm thanh nào khởi lên có đặc tính của âm thanh ấy. Sự nhận biết, chứng kiến trạng thái biến dịch của tâm qua kỹ thuật lắng nghe âm thanh của tâm thức chính là sự cảm nhận, gọi là âm thanh cõi lặng yên. Chân không, chân tâm chính là pháp giới này. Nghe được âm thanh của chân tâm thì tượng trưng cho Bồ Tát Quán Thế Âm nghe tiếng kêu khổ của thế gian.

Bồ Tát Quán Thế Âm đã tuyên thuyết Lục Tự Đại Minh “Om Mani Padme Hum.” Gọi là Đại Minh tất công năng là phải giúp cực kỳ sáng suốt, sự sáng suốt này đến từ ngã âm thanh, từ giả âm, đến thực âm, diệu âm, đà la ni vô ngã âm, rồi âm thanh cõi lặng yên, của chân không. Đây là pháp môn cực kỳ thiện xảo vi diệu. Thần chú “Om Mani Padme Hum” có công năng giúp đạt được sự việc ấy. Đây chính là chân lý của sự tán thán từ Đức Phật về thần chú này: “Đây là thần chú lợi lạc nhất. Ngay cả ta cũng đã phát nguyện này trước tất cả một triệu đức Phật và sau đó nhận lãnh giáo lý này từ đức Phật A Di Đà.”

BẠT

Khi biết thời gian mình sắp từ giã nhân gian và nhập Vô Dư Niết Bàn, đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni đã gửi gấm chúng sanh vô minh phiền não cho đức Phật A Di Đà, vị Phật Vô Lượng Quang Vô Lượng Từ Bi. Phật Di Đà đã trao truyền cho nhân loại hai pháp Lục Tự: Lục Tự Di ĐàLục Tự Đại Minh. Rồi Đức Phật A Di Đà đã ủy thác cho Bồ Tát Đại Từ Bi Quán Thế Âm truyền bá hai pháp môn Lục Tự này hầu cứu độ chúng sanh.

Trong thời Mạt Pháp, hai pháp Lục Tự này vô cùng thích hợp với căn cơ và nhân duyên của chúng sanh. Ai có duyên gắn bó với pháp nào thì tu tập theo pháp đó. Vấn đề chỉ còn là hành giả phải nhiếp tâm trọn vẹn tu hành thì kết quả sẽ có cơ giải thoát hiển hiện.

Phật tử trong thời hiện đại tâm tư rất chao đảo tán loạn trước vô vàn giả cảnh. Việc trì niệm hai Pháp Lục Tự: “OM MANI PADME HUM” hay “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” sẽ giúp ta không bị quá phân tâm vào đời thường, còn nhớ về Phật Pháp, tích lũy công đức tu hành, giảm thiểu tai nạn rủi ro, giải trừ bớt nghiệp chướng trược lậu, và sáng tỏ hơn trên con đường Đạo.

Nam Mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo,Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Phật,Nam Mô A Di Đà Phật,Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát,Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát.