Quy tắc chính tả i và y – Cách viết “y” dài, “i” ngắn trong tiếng Việt

Quy tắc chính tả i và y. Tiếng Việt là ngôn ngữ phong phú, được dung hòa, tổng hợp và hấp thụ những thành tựu từ nhiều nguồn ngôn ngữ trên thế giới. Vốn từ ngữ phong phú trong Tiếng Việt được bồi đắp, đổi mới và sáng tạo qua thời gian bằng cách sử dụng từ ngữ Hán-Việt, sáng tạo từ ngôn ngữ của địa phương và các nước khác, ví dụ như: phim, tivi, tía, ba, má… Chính vì thế mà câu nói nổi tiếng: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” vẫn được nhiều người lấy ra trêu đùa nhau và cũng là để khẳng định sự phong phú vô cùng của ngôn ngữ nước nhà.

Tuy nhiên, sự dồi dào, phong phú của tiếng Việt cùng các quy tắc sử dụng từ ngữ đúng chính tả lại nhiều khi khiến cho người viết bối rối, dù là người gốc Việt. Đặc biệt là là quy tắc phân biệt “i” ngắn và “y” dài. Đâu là cách viết đúng, phân biệt như thế nào cho đúng quy tắc? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây cùng HoaTieu.vn.

1. Quy tắc chính tả phân biệt i và y

1.1. Quy tắc phân biệt i ngắn và y dài

Quy tắc chính tả phân biệt i và y
Quy tắc chính tả phân biệt i và y

Căn cứ Quyết định số 240 (không xác định thời hạn) quy định về viết chữ “i” hay “y” sau các phụ âm h, k, l, m, s, t trong những âm tiết không có phụ âm cuối. Theo đó, tất cả đều viết “i” ngắn trừ y đứng một mình, y đứng đầu từ và y trong vần “uy”.

Căn cứ Điều 9 Quyết định 1989/QĐ-BGDĐT 2018 quy định về cách viết âm i sau phụ âm đầu trong các âm tiết không có âm đệm và âm cuối như sau:

Qua những quy định trên, có thể tổng hợp quy tắc chính tả phân biệt “i” ngắn và “y” dài như sau:

– Nếu đứng một mình thì viết y (y tế, ý nghĩ).

– Nếu đứng sau âm đệm u thì viết y (suy nghĩ, quy định).

– Nếu nguyên âm đôi iê đứng đầu tiếng thì viết y (yên ả, yêu thương).

– Nếu là vị trí đầu tiếng (không có âm đệm) thì viết i (im lặng, in ấn).

– Nếu là vị trí cuối tiếng (trừ uy, ay, ây) thì viết i (chui lủi, hoa nhài).

– Nếu trường hợp dùng được cả i và y mà không đổi nghĩa thì sẽ dùng i.

1.2. Có chấp nhận cả 2 cách viết “i” và “y”?

Những quy tắc phân biệt được đề cập tại phần 1 nhằm tạo ra sự thống nhất trong chương trình giáo dục phổ cập cho các em học sinh từ lớp 1 cách viết đúng chính tả, ngữ pháp. Đồng thời, những quy định này còn có hiệu lực bắt buộc sử dụng trong các văn bản pháp lý.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mà cụ thể ở đây là văn viết bình thường, ta có thể sử dụng cả 2 cách viết “i” và “y”.

Nguyên nhân là cả “i” và “y” đều là nguyên âm nên khi nó đứng cuối chữ thì y (dài) hay i (ngắn) đều được chấp nhận như nhau. Người ta khi đọc thấy các chữ: lí luận, kĩ thuật, nước Mĩ, Hoa Kì…. khác với cách viết “truyền thống” lý luận, kỹ thuật, nước Mỹ, Hoa Kỳ và cho rằng một trong hai cách viết là sai hoặc có sự đổi mới, thay thế cách viết y và i ở đây.

Tuy nhiên, trên thực tế cả “y” hay “i” trong trường hợp này đều có cùng giá trị sử dụng như nhau, chỉ khác là do cảm nhận riêng của người đọc quen với cách dùng nào mà thôi. Ví dụ các từ như:

– Hi sinh/ hy sinh

– Kỉ niệm/ kỷ niệm

– Lí do/ lý do

– Li kì/ ly kỳ…

Những từ này thì đều có nghĩa như nhau, không có lỗi sai chính tả ở đây. Tuy nhiên âm “i” vẫn được ưu tiên hơn. Tức là ta nên chọn sử dụng hi sinh, kỉ niệm, lí do, li kì… thay vì hy sinh, kỷ niệm, lý do, ly kỳ…

2. Hệ quả của việc tranh cãi cách dùng i và y

Cách viết "i" và "y" hiện nay vẫn gây nhiều tranh cãi.
Cách viết “i” và “y” hiện nay vẫn gây nhiều tranh cãi.

Cách viết “i” và “y” vẫn gây nhiều tranh cãi lâu nay.

2.1. Quy Nhơn hay Qui Nhơn?

Ví dụ như địa danh Quy Nhơn hay Qui Nhơn?

Trong các cuốn từ điển thế kỉ trước, ta hay thấy từ Qui Nhơn được sử dụng và xuất hiện nhiều hơn.

Tuy nhiên, từ thế kỉ 20 trở đi, tiếng Việt được định hình với những quy chuẩn chính xác, thống nhất. Theo quy tắc viết chính tả cơ bản đã đề cập tại phần 1: “Nếu đứng sau âm đệm u thì viết y (suy nghĩ, quy định)” thì cách viết từ Quy Nhơn sử dụng âm “y” dài là chính xác.

Nhưng trên thực tế, một số bộ phận vẫn chưa nắm rõ quy tắc phân biệt trên nên vẫn còn tranh cãi nhau.

Tại khá nhiều văn bản pháp lý nhà nước có những cách viết khác nhau như:

– Quyết định số 124/2004 ngày 8-7-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam, tỉnh Bình Định có đơn vị hành chính cấp huyện là Qui Nhơn, trong khi trước đó các văn bản khác của Nhà nước ghi là Quy Nhơn.

– Quyết định số 124/2004 xử lý không nhất quán: có 39 trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong 21 tỉnh thành được viết với y dài (Quy, Quý, Quỳ), trong khi chỉ 11 trường hợp ở 8 tỉnh thành viết i (Qui, Quí). Có khi sự không nhất quán đó thể hiện ngay trong cùng một tỉnh: ở tỉnh Tuyên Quang có xã Đồng Quý nhưng lại có xã Quí Quân; ở tỉnh Thanh Hóa có các xã Cẩm Quý, Hoằng Quỳ, Hoằng Quý, Hóa Quỳ, Xuân Quỳ nhưng lại có xã Quí Lộc. Huyện đảo Phú Quí của tỉnh Bình Thuận cũng thuộc trường hợp trên, trong khi các văn bản hành chính của tỉnh này, cổng thông tin của huyện và tỉnh đều viết huyện Phú Quý.

Việc sử dụng cách viết khác nhau này gây ra sự khó khăn, nhầm lẫn trong việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn cuộc sống.

2.2. Liệt sỹ y dài hay i ngắn?

Căn cứ Quyết định số 240 (không xác định thời hạn) quy định về viết chữ “i” hay “y” sau các phụ âm h, k, l, m, s, t trong những âm tiết không có phụ âm cuối. Theo đó, tất cả đều viết “i” ngắn trừ y đứng một mình, y đứng đầu từ và y trong vần “uy”.

Như vậy cách viết đúng là Liệt sĩ.

Tuy nhiên trong trường hợp này, dù dùng y dài hay i ngắn thì nghĩa của từ Liệt sĩ cũng không hề thay đổi. Vì vậy, có thể sử dụng cả y dài và i ngắn để viết từ này. Tuy nhiên, i ngắn vẫn được ưu tiên sử dụng hơn.

2.3. Qui định hay quy định?

Theo nguyên tắc chính tả thì: Nếu đứng sau âm đệm u thì viết y dài.

Do đó cách viết đúng là Quy định.

Trong các văn bản hành chính đúng chuẩn cũng sử dụng từ Quy định thay vì Qui định.

Qua ví dụ trên, có thể thấy, việc quy định quy tắc viết chính là sự tiến bộ của ngành ngôn ngữ học nói riêng và tiếng Việt nói chung. Tuy nhiên, cách sử dụng trên thực tế vẫn gây nhiều tranh cãi bởi thói quen sử dụng từ ngữ của các thế hệ trước cũng như từng địa phương là khác nhau.

Hy vọng qua bài viết về Quy tắc chính tả phân biệt i ngắn và y dài, quý bạn đọc có thêm những kiến thức bổ ích về ngôn ngữ tiếng Việt của nước ta. Nếu vẫn phân vẫn không biết nên sử dụng i ngắn hay y dài, các bạn tham khảo lại nội dung quy định chính tả được đề cập tại bài viết và các ví dụ cụ thể trên đây nhé.

Mời bạn đọc tham khảo bài viết có liên quan tại mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

  • Quyết định 1989/QĐ-BGDĐT 2018 quy định chính tả chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông
  • Bài tập điền ch hay tr lớp 2
  • Dai dẳng hay dai giẳng, từ nào đúng chính tả?