VMOS: Giả lập Android 5.0 đã Root trên máy Android chưa Root (đã fix lỗi)

Dạo quanh Google Play và một số trang web khác, dễ dàng bắt gặp những ứng dụng đặc biệt nhưng điện thoại Android của bạn không thể cài đặt được vì yêu cầu quyền Root. Thế nhưng giờ đây với sự trợ giúp từ ứng dụng giả lập tên là VMOS thì vấn đề trên sẽ không còn khó khăn nữa.

  • Đã bổ sung cách khắc phục lỗi xuất hiện nút Get itKhông tìm thấy mục trên Google Play.

Một trong những lợi thế lớn nhất của hệ điều hành Android là khả năng tùy biến mạnh mẽ, cho phép người dùng tùy ý điều chỉnh thiết bị.

Tuy nhiên để tận dụng hết các ưu điểm đó thiết bị cần trải qua giai đoạn Root – mở quyền truy cập ưu tiên, tương tư như jailbreak với iOS.

Mặc dù hiện nay quá trình Root thiết bị Android đã trở nên dễ dàng hơn (KingRoot) nhưng cũng có nhiều rủi ro xảy ra với nó. Nếu quá trình thực hiện gặp trục trặc, nguy cơ điện thoại của bạn bị biến thành cục gạch là rất lớn.

Chính vì đó mà ý tưởng phát triển các công cụ giả lập Android Root như VMOS đã ra đời. VMOS tạo ra một môi trường Android ảo (giống như không gian thứ hai) để bạn cài đặt bất kỳ ứng dụng đòi quyền truy cập root nào mà môi trường hiện không thể.

Đó mới chỉ là một trong nhiều tính năng tuyệt vời của nó. Và trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn cách sử dụng đồng thời giới thiệu các tính năng còn lại của ứng dụng VMOS nhé.

  • Có thể bạn thích: Hướng dẫn giả lập PC trên điện thoại Android bằng ExaGear

VMOS là gì?

VMOS là một máy ảo cho phép bạn chạy hệ điều hành Android khác ngay trên thiết bị Android chính. Nó cũng tương tự như tính năng Windows Sandbox của máy tính Windows 10 hoặc Android Studio do Google cung cấp cho các nhà phát triển phần mềm.

VMOS chứa toàn bộ hệ thống Android dựa trên phiên bản Android Lollipop (5.1.1). Việc bạn cần làm là cài đặt VMOS cho điện thoại như bao ứng dụng Android khác và trải nghiệm nó mà thôi.

Ưu điểm của công cụ này là bất kỳ hành động nào mà bạn thực hiện sẽ nằm trong môi trường ảo, không hề gây bất kỳ tác động nào đến thiết bị của bạn. Trong trường hợp hiếm nhất, nếu có điều gì đó xảy ra bạn chỉ cần gỡ cài đặt VMOS thì đảm bảo mọi thứ sẽ trở lại bình thường.

1. Yêu cầu cấu hình

Để VMOS hoạt động ổn định không bị giật lag, thiết bị của bạn cần đáp ứng yêu cầu cấu hình như sau:

  • RAM: 3GB trở lên
  • Bộ nhớ trong: Ít nhất 32GB
  • Phiên bản Android: 5.1.1 trở lên

2. Tải về và cài đặt

Bước 1: Truy cập vào liên kết bên dưới để tải về bộ cài ứng dụng VMOS thông qua file APK. Trước đây nó cũng có trên Google Play nhưng hiện tại đã bị gỡ xuống không rõ lý do. Cài đặt cả 2 file bên dưới:

  • VMOS.apk (312MB)

Bước 2: Sau khi cài đặt, trong lần mở đầu tiên vuốt để bỏ qua các tab giới thiệu và bấm nút Enter VMOS.

Bước 3: Bấm nút ON trong popup vừa hiện sau đó cấp quyền Hiển thị trên các ứng dụng khác cho VMOS.

Bước 4: Quay lại với popup mới, chọn vào dòng To authorize rồi cấp các quyền: truy cập vị trí thiết bị, truy cập thư viện và ghi âm.

Bước 5: Quá trình tạo môi trường Android ảo sẽ bắt đầu, bạn cần chờ khoảng 5-10 phút cho chạy đến 100% để hoàn tất. Ngay sau đó giao diện Android ảo đã hiện ra với một số ứng dụng cơ bản: Chrome, Facebook, Google Play, Cài đặt, trình duyệt mặc định… và bạn có thể trải nghiệm rồi đó.

4. Khắc phục lỗi Unlocker

Sau khi quá trình cài đặt hoàn tất, bạn đã có thể vào giao diện Android ảo nhưng xuất hiện thông báo Please download VMOS Unlocker on Google Play kèm nút Get it nhưng khi bấm vào thì được chuyển sang Google Play và nhận được thông báo Không tìm thấy mục nào.

Về nguyên nhân thì VMOS Unlocker là ứng dụng mở khóa mà nhà phát hành yêu cầu chúng ta cài đặt thì mới sử dụng được VMOS. Thế nhưng gần đây VMOS Unlocker đã bị xóa khỏi Google Play khiến chúng ta không thể cài đặt được.

Mặc dù vậy, bạn có thể tự khắc phục rất dễ dàng bằng cách tải file APK của nó để cài đặt qua liên kết bên dưới:

  • VMOS unlocker v2.1.6

Sau khi cài đặt xong, ứng dụng sẽ xuất hiện ở màn hình chính với cái tên Vmos Tool – đây chỉ là ứng dụng máy tính thông thường. Bạn có thể quên nó đi và khởi động lại giả lập Android ảo VMOS là khắc phục được lỗi trên.

Lưu ý: Trong trường hợp không thành công thì là do 2 phiên bản VMOS và VMOS Unlocker không tương khớp với nhau. Bạn nên gỡ cài đặt cả 2 rồi cài đặt lại từ đầu theo bài hướng dẫn này.

3. Kích hoạt Root

Bây giờ sẽ đến phần thú vị nhất của VMOS. Máy ảo được tạo bởi VMOS cũng có thể được Root để chạy bất kỳ ứng dụng yêu cầu quyền Root nào. Điều đặc biệt là thao tác kích hoạt Root trên máy ảo cũng rất đơn giản, không hề gây ảnh hưởng một chút nào đến thiết bị của bạn.

Dưới đây là cách thực hiện:

Bước 1: Từ giao diện màn hình của Android ảo, chọn vào biểu tượng bánh răng để đi đến trung tâm Cài đặt. Tại đây bấm vào mục Root.

Bước 2: Kích hoạt tùy chọn Enabled qua nút gạt bên cạnh. Khi có thông báo “Please keep the front windows for…” hãy giữ nguyên màn hình trong 30 giây.

Bước 3: Sau thời gian trên, sẽ có một pop-up Root hiện lên. Bạn hãy bấm vào mục RESTART NOW để khởi động lại Android ảo.

Như vậy là xong, Android ảo đã được Root thành công, bạn có thể cài đặt mọi ứng dụng yêu cầu quyền Root rồi đó. Ngoài ra bạn cũng có thể kiểm tra máy đã được Root hay chưa thông qua ứng dụng Root checker (Google Play/APK) (cài đặt & sử dụng nó trên Android ảo).

Các tính năng hữu ích khác

1. Sử dụng nhiều tài khoản ứng dụng cùng lúc

VMOS tạo ra một môi trường Android ảo riêng biệt hoàn toàn với thiết bị của bạn, nhờ vậy chúng ta dường như sẽ có 2 hệ điều hành Android trên một điện thoại. Ngoài ra nó còn cung cấp tính năng chép ứng dụng từ Android thực sang Android ảo để sử dụng 2 tài khoản khác nhau.

  • Ví dụ: Bạn có thể dùng thiết bị chính để quản lý tài khoản cá nhân đồng thời quản lý tài liệu công việc bằng VMOS.

VMOS còn có khả năng hiển thị máy ảo dưới dạng cửa sổ popup, từ đó việc sử dụng cả 2 hệ thống Android chính và phụ trở nên thuận tiện hơn.

2. Chép ứng dụng từ Android chính sang Android ảo

Thông qua Google Play và file APK, bạn có thể cài đặt bất kỳ ứng dụng nào cho Android ảo được tạo ra bởi VMOS.

Tuy nhiên nếu trên điện thoại bạn đã cài đặt sẵn chúng thì bạn cũng không cần mất thời gian cài đặt lại trên VMOS. Thay vào đó hãy sử dụng tính năng nhập bất kỳ hoặc tất cả ứng dụng từ thiết bị chính sang Android ảo bằng một chạm.

Dưới đây là hướng dẫn thực hiện:

Bước 1: Từ giao diện chính của Android ảo, vuốt lên để mở ngăn kéo ứng dụng (App Drawer) sau đó tìm chọn ứng dụng File transfer.

Bước 2: Danh sách ứng dụng đã cài đặt trên Android chính sẽ hiển thị dưới mục Installed. Bạn hãy đặt dấu tích vào ứng dụng cần chép và bấm nút Import.

Chờ trong giây lát, thời gian chờ tùy theo số lượng và dung lượng ứng dụng đã chọn. Đến khi hoàn tất, các ứng dụng sẽ xuất hiện ở màn hình chính của Android ảo, bạn chỉ việc mở sử dụng mà thôi.