Hồi hướng là gì? Người niệm Phật chớ quên phần hồi hướng công đức

Hồi hướng có nghĩa là gom về, tức là một phương pháp đem công đức niệm Phật, niệm kinh gom về việc cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới!

1. Hồi hướng là gì?

Hồi hướng là hành động chuyển về, trao đến, nhận về và trao đến. Hồi hướng là đem các công đức niệm Phật, tụng kinh, trì chú, trợ niệm,…. do chính mình đã tu (nếu không hồi hướng, thì nhờ vào những công đức ấy, sẽ chỉ được hưởng các thứ phước báo trời người) xoay cái nhân được hưởng phước báo trời người do công đức đã làm ấy gom về sự vãng sinh Tây Phương Cực Lạc thế giới để làm cái quả siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, cho đến rốt ráo thành Phật trong tương lai. Hồi hướng chẳng phải chỉ nhằm hưởng phước trời – người mà thôi!

(Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam giảng: Hồi hướng có nghĩa là gom về, tức là một phương pháp đem công đức niệm Phật, niệm kinh gom về một nơi. Gom về nơi nào? Gom về việc cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới!

Từ điển Phật học Huệ Quang: Hồi hướng là dùng thiện căn công đức tu hành của mình để hướng về mục đích hoặc tự làm lợi ích cho chính mình hoặc làm lợi ích cho chúng sanh khác).

Dùng một chữ Hồi nhằm thể hiện ý “quyết định, chẳng thuận theo thói tình thế gian”. Dùng một chữ Hướng nhằm thể hiện ý “quyết định mong mỏi phương cách xuất thế”. Đó gọi là “hồi nhân hướng quả, hồi sự hướng lý, hồi tự hướng tha”.

Công đức đã làm là cái nhân kết thành quả báo trong cõi trời – người, xoay cái nhân ấy lại để hướng về quả Niết Bàn. Công đức đã làm là chuyện sanh – diệt; xoay nó lại để hướng đến diệu lý Thật Tướng bất sanh bất diệt.

Công đức đã làm vốn thuộc tự hành, xoay nó lại để hướng về hết thảy chúng sanh trong pháp giới. Đấy chính là danh từ nhằm thể hiện ý nghĩa phát nguyện lập thệ, quyết định hướng đến.

2. Niệm Phật là gì?

Chữ niệm có nghĩa là nhớ, suy nghĩ, chữ Phật lại có nghĩa là giác. Như vậy, niệm Phật tức là chúng ta luôn luôn nhớ, nghĩ đến Phật hay nói rộng hơn là chúng ta luôn sống trong tỉnh thức và có chánh niệm trong mọi hành động.

Khi tâm ta bị chi phối bởi những tạp niệm thì ta sẽ dùng tiếng niệm Phật để lấn áp đi những dòng suy nghĩ tạp niệm ở trong lòng và có thể đặt tâm mình vào trong xâu chuỗi mà khi ta đang hành trì.

Lúc này, tiếng niệm Phật sẽ dần dần đi vào nội tâm ta và bản thân mình cần phải xóa bỏ đi những uế trược, phiền não trong lòng, từ đó ta có thể gạn lọc và chuyển đổi tâm của ta từ cái ác trở thành thiện, từ tạp niệm chi phối đưa đến sự thanh tịnh và giống với cảnh giới của chư Phật.

Đọc thêm: Niệm Phật là gì? Ý nghĩa và lợi ích của việc niệm Phật

3. Người niệm Phật chớ quên phần hồi hướng

Ngay trong sinh hoạt thường ngày, với tất cả những điều thiện nhỏ nhặt và các thiện căn như tụng kinh, lễ bái… đều đem những công đức ấy hồi hướng vãng sanh.

Như thế thì hết thảy hạnh môn đều thành trợ hạnh cho Tịnh Độ, như gom các hạt vi trần thành đất, tụ các dòng nước thành biển, rộng lớn sâu thẳm, ai có thể cùng tột được! Nhưng phải phát Bồ Đề tâm, thệ nguyện độ sanh, hồi hướng tất cả công đức tu trì cho khắp pháp giới chúng sanh, bốn ân, ba cõi.

Giống như đổ dầu vào lửa, như mạ gặp mưa; đã kết pháp duyên sâu xa cùng hết thảy chúng sanh lại còn có thể mau thành tựu hạnh Đại Thừa thù thắng cho chính mình. Nếu không biết nghĩa này thì là kiến giải tự lợi của phàm phu, Nhị Thừa; dẫu tu diệu hạnh này, chỉ cảm được quả hèn kém.

Bất luận tụng kinh nào, trì chú nào, cũng đều phải niệm Phật bao nhiêu tiếng đó rồi hồi hướng thì mới hợp với tông chỉ tu Tịnh nghiệp.

Niệm Phật chớ nên bỏ hồi hướng. Hồi hướng chính là tín nguyện được phát ra từ miệng, nhưng chỉ nên hồi hướng sau khi xong khóa tối, và sau khi niệm Phật, tụng kinh trong ngày xong. Nên niệm Phật từ sáng đến tối không gián đoạn, trong tâm chỉ có ý niệm nguyện được vãng sanh chính là “thường thời hồi hướng” (luôn luôn hồi hướng).

Hồi hướng phát nguyện tâm nghĩa là đem công đức niệm Phật của chính mình hồi hướng cho hết thảy chúng sanh trong pháp giới đều cùng được vãng sanh Tây Phương.

Nếu có tâm ấy, công đức sẽ vô lượng. Nếu chỉ vì một người mà niệm thì do tâm lượng nhỏ hẹp, công đức cũng nhỏ hẹp!

Ví như thắp một ngọn đèn thì chỉ có ánh sáng của một ngọn đèn. Nếu chịu xoay vần thắp cho những ngọn đèn khác thì ánh sáng của trăm ngàn vạn ức vô lượng vô số ngọn đèn sẽ chẳng thể nào thí dụ được; thế nhưng ánh sáng của ngọn đèn ban đầu cố nhiên chẳng bị hao tổn gì! Người đời chẳng biết nghĩa này, nên chỉ biết tự tư tự lợi, chẳng muốn cho người khác hưởng lợi ích ấy.

Tâm Hướng Phật/TH!