Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đều chịu tác động của hoàn lưu khí quyển khu vực gió mùa Đông Nam Á, tức là chịu tác động của khối không khí xuất phát từ các trung tâm khí áp hoạt động theo mùa và trung tâm khí áp hoạt động quanh năm. Về mùa đông (từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau), không khí lạnh từ trung tâm khí áp cao lạnh cực đới của lục địa châu Á (Xibia) thổi tới vùng áp thấp lục địa châu Úc dưới dạng những đợt gió mùa Đông Bắc mang không khí lạnh cực đới tràn xuống Thừa Thiên Huế. Trong quá trình di chuyển xuống phía Nam không khí khô lạnh cực đới bị biến tính mạnh, được sưởi ấm một ít và ẩm hơn. Khi gió mùa Đông Bắc về nhiệt độ giảm đột ngột, nhiệt độ trung bình ngày giảm trung bình từ 3-6°C, cá biệt có đợt giảm 10-12°C, đồng thời có sự gia tăng lượng mây và mưa. Trong mùa đông, ngoài gió mùa Đông Bắc, Thừa Thiên Huế còn chịu ảnh hưởng của gió tín phong Đông Bắc nóng ẩm (mậu dịch phong) bắt nguồn từ trung tâm áp cao cận nhiệt đới Thái Bình Dương hoặc từ trung tâm áp cao phụ biển Đông Trung Hoa thổi vào. Mậu dịch phong nóng ẩm khi tiếp xúc mặt đệm lạnh trở nên ổn định, mang lại thời tiết dễ chịu, có khi gây ra mưa phùn, sương mù vào lúc sáng sớm. Người Huế gọi những ngày có thời tiết như vậy là ngày “nồm”.<?xml:namespace prefix = o ns = “urn:schemas-microsoft-com:office:office” />
Vào mùa hè, lãnh thổ Thừa Thiên Huế nằm trong phạm vi ảnh hưởng của trung tâm khí áp thấp lục địa hút gió châu Á (Iran). Cũng trong thời gian này những khối không khí từ trung tâm áp cao lục địa châu Úc, trung tâm áp cao Bắc Ấn Độ Dương di chuyển đến khu vực áp thấp lục địa hút gió châu Á tạo nên gió mùa mùa hè Tây Nam hướng vào lãnh thổ nước ta. Tuy vậy, vào thời kỳ đầu mùa hè (tháng 4-6) khi trục của áp thấp xích đạo còn ở vĩ độ thấp thì khối không khí từ trung tâm áp cao Bắc Ấn Độ Dương (vịnh Bengan) thổi sang là chủ yếu. Không khí nhiệt đới biển Bắc Ấn Độ Dương xâm nhập vào nước ta từ phía Tây. Do tác động hiệu ứng “phơn” khi xuống núi không khí trở nên khô, nóng trên lãnh thổ sườn phía Đông dãy Trường Sơn và do đó dân Huế gọi là gió “Lào” hay “Nam bạo”.
Vào giữa và cuối mùa hè (tháng 7-9) còn có khối không khí nóng, ẩm và bất ổn định Nam Thái Bình Dương đi lên. Đó là luồng không khí tồn tại ở rìa Nam dải áp thấp xích đạo hoặc dải hội tụ nhiệt đới (vùng hội tụ tín phong Bắc bán cầu và gió mùa mùa hè). Khi gió mùa hè Tây Nam cực thịnh (tháng 7-8) dải hội tụ nhiệt đới bị dịch chuyển lên phía Bắc (từ 20° vĩ Bắc trở lên). So với không khí đến từ vịnh Bengan, không khí xích đạo mát, ẩm hơn nhiều và là nguồn cung cấp ẩm mùa hè. Các nhiễu động không khí mùa hè như hội tụ nhiệt đới, áp thấp nhiệt đới, bão… thường mang lại thời tiết xấu, bất lợi, nhưng mang lại một lượng mưa đáng kể trong thời kỳ này.
Tham gia tranh chấp với gió mùa hè Tây Nam có tín phong Đông Bắc phát sinh từ rìa phía Nam trung tâm áp cao cận nhiệt đới Thái Bình Dương. Mỗi khi gió mùa hè Tây Nam suy yếu, lưỡi áp cao cận nhiệt đới lại lấn sâu về phía Tây dưới dạng gió Đông, Đông Nam, mang theo không khí nhiệt đới biển vào Thừa Thiên Huế, nhất là vào tháng 8, 9 khi mà gió mùa hè Tây Nam bị đẩy lùi về phía Nam. Nhờ thừa hưởng không khí nhiệt đới biển thời tiết trở nên mát mẻ, thường gây ra mưa rào và dông vào khoảng nửa đêm về sáng.
Đến lúc chuyển tiếp hè sang đông (tháng 9 – 11) thường phát sinh hiện tượng giao hội gió mùa Đông Bắc với các nhiễu động nhiệt đới (hội tụ nhiệt đới, áp thấp nhiệt đới, bão) đang hoạt động ở Trung và Nam Biển Đông và khi gặp núi cao chắn gió sẽ có mưa lớn như đã xảy ra lâu nay.
Từ những dẫn liệu trên, rõ ràng khí hậu Việt Nam cũng như khí hậu Thừa Thiên Huế đều chịu tác động phức tạp của hoàn lưu khí quyển khu vực gió mùa Đông Nam Á. Tuy nhiên do sự khác nhau về vị trí địa lý, đặc điểm địa hình mà ảnh hưởng của các trung tâm khí áp tại các tỉnh nằm ở phía Bắc cũng như phía Nam cũng không hoàn toàn giống nhau. Khí hậu miền Bắc cơ bản thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh hơn, trong khi đó khí hậu miền Nam mang tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với nền nhiệt độ cao và mùa mưa khác biệt mùa khô. Còn Thừa Thiên Huế là vùng chuyển tiếp giữa hai miền khí hậu Nam – Bắc đó.
Theo Địa chí Thừa Thiên Huế – Phần Tự nhiên
(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội – năm 2005)
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!