Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch…) là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam, cùng với văn hóa Tết Âm lịch của rất nhiều nước trong khu vực Đông Á.
Nhưng những ai đã từng học qua tiếng Anh và có bạn bè nước ngoài hẳn đã bao phen vò đầu bứt tóc, vì không biết phải gọi Tết bằng gì để cho người nước ngoài dễ hiểu.
Nếu chỉ gọi “Tết” thì bản thân những người chỉ biết tiếng Anh sẽ không hiểu nghĩa. Nhưng dùng Chinese New Year – Tết của người Trung Quốc – thì cũng không đúng. Đơn giản là vì dù có chịu ảnh hưởng nhất định, nhưng Tết của chúng ta có nhiều điểm rất khác với tết cổ truyền của Trung Quốc.
Vì sao “Chinese New Year” là cách nói được rất nhiều người biết đến?
Không thể phủ định rằng phong tục tết cổ truyền Trung Quốc gần như là gốc rễ lâu đời nhất của tục mừng năm mới theo lịch trăng. Phong tục này có nguồn gốc qua rất nhiều thế kỷ rồi.
Trong quá khứ, ngày này được dùng để thờ phụng thần linh và tổ tiên, nhưng dần dà đã trở thành một ngày lễ quan trọng bậc nhất trong văn hóa Trung Quốc. Đồng thời, nó gây ảnh hưởng to lớn đến thói quen và tập tục ăn mừng năm mới của những khu vực lân cận.
Một trong những giả thuyết nữa khiến cho cái tên “Chinese New Year” (春节) đặc biệt phổ biến là vì lợi thế về dân số và kinh tế của Trung Quốc. Có thể nói, mỗi người dân Trung Quốc cũng giống như hình thức “marketing sống” cho văn hóa của chính đất nước này. Dân số càng đông, kích cỡ của thị trường càng lớn, thì văn hóa của nước đấy càng có tính đại chúng.
Theo lời của đại sứ Trung Quốc ở Anh – Liu Xiaoming: “Văn hóa Trung Quốc đang dần được chấp nhận rộng rãi ở nước ngoài, cũng là minh chứng cho sự quan tâm ngày càng tăng cao của người dân nước ngoài đối với Trung Quốc.”
Điều này cho thấy có một phần không nhỏ biết đến ngày Tết cổ truyền của Trung Quốc dưới cái tên “Chinese New Year”.
Thế nhưng Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất ăn Tết không theo dương lịch đâu.
Lễ Tết mỗi nơi mỗi vẻ, chẳng đâu giống nhau
Không chỉ có Việt Nam, những nước như Hàn, Nhật, Malaysia… cũng có những phiên bản lễ mừng năm mới của họ, với những phong tục và cách ăn mừng rất khác biệt.
Ở Nhật, họ có Shōgatsu (正月). Tuy từ năm 1873, ngày này đã chính thức được dời theo ngày 1 tháng 1 của Dương lịch, rất nhiều sự kiện năm mới vẫn được tổ chức theo lịch âm.
Vào dịp năm mới này, người Nhật thường ăn những món rất đặc biệt, gọi là osechi-ryōri, hay được viết ngắn gọn là osechi. Ngoài ra, còn có rất nhiều phong tục hay ho khác, như làm bánh gạo (mochi), việc các đền thờ đều đồng loạt gõ chuông 108 lần vào ngày 31 tháng 12.
Hàn Quốc có lễ mừng năm mới theo lịch âm mang tên Seollal (ngoài ra còn có tên là Hangul, Wondan, Wonil hoặc Shinwon), cũng được tổ chức cùng ngày với ngày Tết Nguyên Đán. Vào ngày này, trẻ con chúc tết và cúi chào người lớn trong trang phục Hanbok truyền thống.
Còn ngay tại Việt Nam, chúng ta cũng có những món riêng chỉ dùng trong ngày Tết như bánh chưng, bánh tét. Ngoài ra, sự hiện diện của cây mai vàng ở miền Trung và miền Nam cũng đem lại cái hồn rất Việt và không “đụng hàng” cho ngày Tết Nguyên Đán.
Có thể thấy rằng năm mới ở mỗi nước là mỗi vẻ. Và có lẽ, khi mô tả một dịp vui thế này, chúng ta cần phải cẩn trọng hơn trong việc sử dụng cách gọi tên nó, để mọi văn hóa đều cảm thấy được đón chào chăng?
Lunar New Year nên là cách gọi chuẩn hơn cả
Với mức độ phong phú và đa dạng của phong tục mừng năm mới như thế này, có thể nói việc sử dụng danh từ “Chinese New Year” khó lòng truyền tải được hết cái hay của văn hóa mừng năm mới.
Tuy nhiên, việc sử dụng những từ của riêng ngôn ngữ địa phương đó, như trong trường hợp của “Tết” trong tiếng Việt, hay “shōgatsu” của Nhật và “seollal” của Hàn Quốc có thể gây không ít khó khăn cho các nước nói tiếng Anh. Chúng ta cần một danh từ trung tính và phổ quát hơn để truyền tải ý nghĩa theo cách đơn giản nhất và dễ hiểu nhất.
Vì lý do như vậy, việc sử dụng một từ như “Lunar New Year” quả thực là một lựa chọn không tồi. “Lunar” ở đây sẽ mang tính trung lập, vì chỉ nêu bật lên bản chất của ngày mừng lễ này (là việc sử dụng lịch Mặt trăng), và có thể phân biệt rất rạch ròi với ngày tết dương lịch ở các nước phương Tây (theo lịch Mặt trời), đồng thời cũng không khiến cho cư dân của những quốc gia ăn Tết theo Âm lịch cảm thấy xa lạ.
*Bài viết là ý kiến quan điểm của tác giả sau khi tham khảo, nghiên cứu nhiều nguồn.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!