Giá Trị Cốt Lõi Của Bản Thân – Chìa Khóa Của Cuộc Sống Ý Nghĩa

Nếu như phải lựa chọn 5 giá trị cốt lõi của bản thân, tôi sẽ chọn: yêu thương, thấu cảm, tối giản, phát triển, trung thực. Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là nếu như phải lựa chọn giữa một công việc đầu tắt mặt tối không có thời gian dành cho gia đình, tôi sẽ chọn gia đình. Nếu như phải bắt buộc phải nói ra những suy nghĩ của mình, tôi sẽ chọn trung thực.

Khi cần phải lựa chọn giữa một ngôi nhà to rộng với một ngôi nhà vừa đủ cho cuộc sống gia đình mình, tôi sẽ chọn ngôi nhà thứ hai. Nếu như phải lựa chọn giữa tiếp tục một công việc không có khả năng phát triển và bước ra ngoài vùng an toàn để thay đổi bản thân, học nhiều điều bổ ích và có nhiều trải nghiệm sống, tôi sẽ chọn bước ra, dù có thể không dễ dàng hơn những lựa chọn ban đầu.

Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi giá trị cốt lõi của bản thân là gì và đi tìm câu trả lời cho nó?

“Giá trị cốt lõi của bản thân” là gì?

Có thể nói rằng giá trị cốt lõi của bản thân là những thứ định nghĩa con người bạn, cho biết điều gì có ý nghĩa đối với bản thân bạn, định hướng cho những quyết định và hành động trong cuộc sống của bạn. Tôi nghĩ rằng giá trị là thứ giúp phân biệt bạn với những người khác. Bởi mỗi một người sẽ có cho mình những giá trị khác nhau.

Có người yêu thích việc phát triển bản thân, người khác lại ưu tiên cuộc sống ổn định về tài chính. Người thì ưu tiên sức khỏe, người lại quan trọng cống hiến hết mình. Dù là gì đi chăng nữa, giá trị cốt lõi của bản thân sẽ giúp bạn biết mình nên đầu tư thời gian, sức lực, tài nguyên vào đâu và như thế nào.

Một khi cuộc sống và công việc của bạn không phù hợp với hệ giá trị của bạn, bạn sẽ cảm thấy không thoải mái và hạnh phúc. Ví dụ như trường hợp của tôi. Khi tìm kiếm một việc làm, tôi chỉ để ý đến mô tả sơ qua về vị trí công việc và mức lương, hầu như tôi không bao giờ dám hỏi những điều tôi thực sự quan tâm như thời gian hay cách thức làm việc. Tôi sợ họ nghĩ rằng tôi là người không biết cống hiến cho công việc.

Tuy nhiên, tôi cũng rất muốn có có một công việc có thời gian linh hoạt khi còn phải nuôi con nhỏ, hay có thể toàn tâm toàn ý cho gia đình để lại công việc phía sau cánh cửa khi đã về nhà. Chính vì đi làm nhưng lúc nào cũng không hoàn toàn thoải mái về công việc, tôi luôn nhấp nhổm không yên. Tôi lại tìm kiếm cơ hội để chuyển sang một công việc khác mà tôi nghĩ là tốt hơn (nhưng lại không phù hợp hơn).

Do đó, khi biết được giá trị cốt lõi của bản thân, bạn sẽ có những quyết định đúng đắn phù hợp cho riêng mình. Nhờ vậy mà có một cuộc sống có ý nghĩa hơn. Khi tìm thấy hệ giá trị của mình, tôi đã bắt đầu hành trình dấn thân vào công việc viết lách tự do với nhiều niềm vui và ý nghĩa mà không tiền bạc hay bất kỳ điều gì có thể so sánh được.

Làm sao để biết giá trị cốt lõi nào đại diện cho bạn?

Rất nhiều người trong chúng ta lầm tưởng về những giá trị của mình. Họ tưởng rằng những giá trị họ mong muốn trong suy nghĩ chính là những giá trị đại diện cho bản thân mình. Hoàn toàn không phải.

Bạn sẽ tìm được những giá trị cốt lõi của bản thân thông qua hành trình khám phá chính mình. Nếu như có được một người tư vấn chuyên nghiệp hỗ trợ bạn trong quá trình khám phá này, có thể bạn sẽ nhanh chóng nhận ra hơn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tự nhận ra miễn là bạn luôn chân thật, kiên trì và quyết đoán khi thực hiện những bước sau đây.

Bước 1: Nhìn lại bản thân

Khi muốn tìm ra những giá trị của bản thân, tôi đã thực sự ngồi xuống, nghĩ lại về tất cả sự việc trong quá khứ. Tôi nhớ lại những quyết định tôi đã đưa ra, sai lầm tôi từng mắc phải, hoặc thành công tôi có. Tôi ghi chép lại hoàn cảnh, nguyên nhân, lý do, hoặc tất cả những điều tôi nghĩ một cách ngắn gọn vào nhật ký.

Ví dụ, tôi từng nhận lời làm việc cho một công ty, nhưng sau một thời gian ngắn, tôi đã xin nghỉ việc. Vì công việc này đòi hỏi làm việc thường xuyên 12, 13 tiếng một ngày. Tôi sẵn sàng làm thêm giờ, nhưng với tần suất quá thường xuyên như vậy (6/7 ngày), tôi không đáp ứng được. Tôi nhận thấy mình không có thời gian cho bản thân, tái tạo năng lượng và học hỏi những điều mới, vì luôn mệt mỏi. Có lẽ, tôi là người quan tâm đến cân bằng cuộc sống, phát triển của bản thân? Chính những điều này đã ảnh hưởng đến quyết định nghỉ việc của tôi?

Tips: Câu hỏi gợi ý

Bạn có thể sử dụng những câu hỏi dưới đây để định hướng cho quá trình của mình:

  • Nếu không phải lo lắng gì về tiền bạc hay những vấn đề khó khăn bạn gặp phải trong thực tế, bạn sẽ làm gì?
  • Khi bạn đọc tin tức hay các mẩu chuyện, thể loại nào thường có tác động tích cực lên bạn?
  • Bạn tự hào nhất về điều gì?
  • Khoảnh khắc nào khiến bạn hạnh phúc nhất?
  • Thành công/Thất bại lớn nhất của bạn?
  • Khi nào bạn sợ hãi nhất?
  • Điều gì làm bạn xấu hổ?
  • Với bạn điều gì là quan trọng nhất?

Khi hỏi mình những câu hỏi này, hãy nhớ rõ về hoàn cảnh xảy ra sự việc, bạn đã làm gì, quyết định như thế nào, kết quả là gì và bạn đã học được điều gì. Từ đó bạn sẽ có một cái nhìn bao quát hơn về chính bản thân mình.

Bước 2: Tìm câu trả lời từ những người bạn thân nhất

Gần đây, tôi gửi email cho một vài người bạn thân cũ. Chúng tôi chia sẻ về cuộc sống, công việc, và những chuyện riêng tư. Tôi cũng hỏi các bạn suy nghĩ, cảm nhận thế nào về con người tôi. Hầu như ai cũng nhận xét tôi là người thật thà, tình cảm và biết quan tâm đến người khác. Vậy có thể nào tình yêu, sự thành thật, hay biết quan tâm là những giá trị bản thân của tôi?

Bạn cũng có thể hỏi ý kiến những người xung quanh mình xem họ nghĩ gì về mình. Có thể bạn sẽ nhận được câu trả lời bất ngờ từ họ. Hãy để dành những câu trả lời này như một sự tham khảo để tiếp tục chọn ra cho mình những giá trị phù hợp nhất với bản thân bạn. Bạn nên xem xét kỹ lưỡng tránh để những ý kiến của người khác tác động quá lớn đến phán đoán của bạn.

Bước 3: Tham khảo danh sách giá trị và chọn ra giá trị phù hợp nhất

Tôi tập hợp một danh sách gồm gần năm trăm giá trị cốt lõi. Bạn có thể sử dụng danh sách này kết hợp với những phân tích, kết luận có được từ hai bước trên để lựa chọn ra cho mình 20 giá trị phù hợp nhất.

Sau đó, hãy rút ngắn xuống còn 10 giá trị.

Xem lại một lần nữa, và rút ngắn xuống còn 5 giá trị.

Cuối cùng, hãy xếp nó theo thứ tự ưu tiên của bản thân.

Như đã nói ở trên, dưới đây là danh sách gồm 5 giá trị cốt lõi của bản thân tôi trong năm nay:

Phát triển

Tôi quan tâm đến việc phát triển bản thân, học hỏi điều mới mẻ và áp dụng chúng vào cuộc sống mỗi ngày. Tôi hiểu rằng nếu không thể tạo ra thay đổi tích cực lên bản thân, không đơn giản là bạn đang đứng yên tại chỗ, mà thực chất là đang tụt lại phía sau.

Trung thực

Tôi luôn chọn trung thực làm một trong những tính cách của mình. Tôi tin điều này sẽ giúp tôi có được những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống.

Yêu thương

Mỗi khi quyết định làm việc gì, tôi luôn luôn nghĩ đến gia đình đầu tiên. Tôi cân nhắc lợi ích và khó khăn có thể mang lại cho các thành viên trong gia đình trước khi đưa ra những quyết định của bản thân mình. Ngoài ra, tôi cũng dành thời gian cho những người bạn bè có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của tôi. Trao đi yêu thương cũng là cách giúp tôi cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống.

Tối giản

Tôi yêu sự tối giản. Với tôi, tối giản là tập trung vào những điều quan trọng, hay giá trị cốt lõi của bản thân, lược bỏ những điều làm cho bạn không hạnh phúc. Tối giản là một trong những nguyên tắc giúp tôi đưa ra những lựa chọn cho cuộc sống của mình.

Thấu cảm

Tôi từng là một người hay cáu gắt, không biết lắng nghe, chỉ quan tâm đến những gì mình nói. Đến khi có con, tôi bắt đầu học cách lắng nghe và thấu hiểu con cũng như tất cả mọi người trong cuộc sống.

Những giá trị của bạn có thể sẽ thay đổi theo thời gian. Từng giai đoạn của cuộc đời bạn sẽ có những ưu tiên riêng cho mình, nên sẽ có những giá trị cốt lõi khác nhau với vị trí thứ tự ưu tiên không giống nhau. Vì vậy, nhìn lại và cập nhật những giá trị của mình sau một khoảng thời gian là một điều cần làm. Hãy coi như đây là khoảng thời gian “me time” để bạn tận hưởng hành trình phản tư thú vị của bản thân mình.

Tìm ra giá trị cốt lõi của bản thân giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về chính mình. Từ đó, có được định hướng tốt hơn trong tương lai. Có lẽ, bạn cũng sẽ trở nên tự tin hơn với những gì sắp đến. Hy vọng rằng, bài viết này có thể giúp các bạn (dù chỉ một phần trăm thôi) tìm ra những giá trị riêng cho mình để kiến tạo cuộc sống hạnh phúc và tràn đầy ý nghĩa của riêng mình.

Stay true to yourself!