Đường dành cho người tiểu đường: liều lượng, cách sử dụng đúng

Để giảm bớt nỗi lo tăng đường huyết và thỏa mãn cơn thèm ăn ngọt, nhiều công ty đã sản xuất ra các loại đường dành cho người tiểu đường. Vậy đường dành cho người tiểu đường có thật sự tốt, người tiểu đường nên sử dụng không, có thể dùng bao nhiều đường một ngày?

đường cho người tiểu đường

Đường cho người tiểu đường là gì?

Đường cho người tiểu đường còn gọi là các chất thay thế đường (chất tạo ngọt nhân tạo) có vị ngọt và không làm tăng lượng đường trong máu, giúp người bệnh kiểm soát carbohydrate và glucose trong máu dễ dàng hơn. Chất tạo ngọt nhân tạo được chia thành 2 loại: chất tạo ngọt có giá trị dinh dưỡng và chất tạo ngọt không có giá trị dinh dưỡng hoặc “ít calo”.

  • Chất tạo ngọt có dinh dưỡng thường được rao bán trên thị trường dành cho người tiểu đường là Polyols. Là một loại carbohydrate thay thế cho đường, có tên gọi thu gọn của “Polyhydric alcohol” nhóm rượu đa phân tử, còn được gọi là “sugar alcohol” đường rượu. Polyols có vị ngọt nhẹ, nó được trộn với các loại đường khác nhau để có vị ngọt như ý như: (1)
    • Erythritol.
    • Isomalt.
    • Maltitol.
    • Mannitol.
    • Sorbitol.
    • Xylitol.

Chúng có thể được sản xuất tự nhiên hoặc nhân tạo. Polyols chứa carbohydrate và calo nhưng lượng calo nhỏ và ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu hơn so với đường sucrose (đường thường). Hầu hết Polyols có nguồn gốc từ tự nhiên trong các thực phẩm như rau, trái cây, nấm, rượu, nước tương…

  • Chất tạo ngọt nhân tạo còn được gọi là chất thay thế đường, chất làm ngọt ít calo hoặc chất làm ngọt không dinh dưỡng. Chúng cung cấp vị ngọt của đường, và ngọt hơn gấp nhiều lần. Do đó, chỉ cần một lượng nhỏ chất làm ngọt nhân tạo đã làm cho món ăn có vị ngọt nhiều. Đây là lý do vì sao thực phẩm được làm bằng chất làm ngọt nhân tạo có chứa ít calo hơn thực phẩm được làm bằng đường tự nhiên. Chất tạo ngọt không dinh dưỡng hay ít calo bao gồm:
    • Aspartame.
    • Saccharin.
    • Sucralose.
    • Acesulfame kali (Acesulfame – K).
    • Cyclamate.
    • Neotame.
    • Stevia.

Một số sản phẩm được tạo ra từ sự kết hợp của 2 chất tạo ngọt nhân tạo.

Lợi ích của đường nhân tạo đối với người bệnh tiểu đường

Có rất nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn y khoa về việc sử dụng chất làm ngọt nhân tạo ở người tiểu đường. Người bệnh cần đặt câu hỏi về mức độ an toàn khi sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo trong kế hoạch ăn uống dài hạn, ngay cả khi có sự đảm bảo an toàn. Một số lợi ích của chất ngọt nhân tạo khiến nhiều người bệnh tiểu đường yêu thích như:

  • Giảm lượng calo và carbohydrate khi ăn đồ ngọt, thỏa mãn được cơn thèm ngọt, giảm nguy cơ sâu răng và tăng cân so với đồ ngọt có đường tự nhiên.
  • Chất tạo ngọt nhân tạo có dinh dưỡng cung cấp trung bình 2kcal/g vì chúng không được tiêu hóa và hấp thụ hoàn toàn. Trong khi đường dinh dưỡng bình thường như sucrose, fructose, mật ong, trái cây… cung cấp 4kcal/g.

Các chất tạo ngọt nhân tạo không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các chất làm ngọt có chứa ít hơn 20 calo và 5 gram carbohydrate, chúng không được tính là calo hay carbohydrate trong trao đổi chất. Dù vậy, các thành phần khác có trong chất làm ngọt nhân tạo vẫn có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, thay thế thực phẩm và đồ uống có được làm từ chất ngọt nhân tạo không có lợi như nhiều người nghĩ. Đặc biệt với người tiêu thụ lượng lớn thực phẩm có chất ngọt nhân tạo. Với rượu đường Polyols bao gồm mannitol, sorbitol và xylitol có thể làm tăng lượng đường trong máu. Với một số người, đường Polyols có thể gây tiêu chảy.

Các loại đường dành cho người tiểu đường

Qua quá trình xem xét, thông qua nhiều xét nghiệm nghiên cứu về độc tính, khả năng gây ung thư, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của chất tạo ngọt nhân tạo mà Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) mới cấp phép cho 6 loại đường nhân tạo sau: (2)

  • Aspartame: được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1965 và nhận được chấp thuận của FDA năm 1981. Aspartame ngọt hơn khoảng 180 đến 200 lần so với đường ăn thông thường. Nó chứa cùng một lượng calo với sucrose (4 kcal/g). Do có vị ngọt cao hơn nhiều so với sucrose nên lượng aspartame tối thiểu cần thiết để tạo ra vị ngọt cho một sản phẩm là rất ít, do vậy hàm lượng năng lượng có trong thực phẩm là không đáng kể. Mức sử dụng an toàn là 50mg/kg/ngày.
    • Khi ăn, aspartame bị phân hủy hoàn toàn thành 2 axit amin và metanol với số lượng rất nhỏ. Ví dụ nước ép cà chua thường cung cấp lượng metanol nhiều hơn khoảng 4-6 lần so với đồ uống có đường aspartame.
    • Sau đó methanol được chuyển hóa thành formaldehyde trong gan, được cơ thể chuyển đổi thành axit fomic nhanh chóng và bài tiết dưới dạng không đổi qua nước tiểu hoặc bị phân hủy thành carbon dioxide và nước.
    • Tuy nhiên aspartame không hoàn toàn vô hại, trong nó có chứa axit amin phenylalanin nên cần có nhãn cảnh báo đối với người mắc chứng rối loạn di truyền hiếm gặp phenylketonuria (PKU). Bởi vì những người bị PKU không thể chuyển hóa axit amin phenylalanine có trong aspartame.
  • Saccharin: ngọt gấp 300 đến 500 lần so với đường thường, được phát hiện đầu tiên vào năm 1878, có lịch sử sử dụng lâu nhất trong số tất cả các chất ngọt nhân tạo. Bởi vì nó được chuyển hóa và bài tiết ở dưới dạng không đổi và được xem là đường nhân tạo không có calo. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều đường sẽ gây các vấn đề nguy hiểm đến sức khỏe. Mức an toàn sử dụng là 15mg/kg/ngày.
    • Năm 1972, nó bị xóa khỏi danh sách GRAS (phụ gia thực phẩm được công nhận là an toàn), do có một nghiên cứu ở Canada chứng minh saccharin có liên quan đến ung thư bàng quang ở chuột. Tuy nhiên vào năm 2000, báo cáo về các chất ung thư của Chương trình độc chất quốc gia Hoa Kỳ đã loại bỏ saccharin khỏi danh sách các chất gây ung thư ở người.
  • Sucralose: ngọt gấp 600 lần so với đường thường, được FDA chấp thuận vào năm 1998 để sử dụng trong 15 loại thực phẩm và đồ uống. Sucralose được tạo ra từ một phân tử sacaroza. Cơ thể không nhận ra sucralose là một carbohydrate, nó được bài bài tiết dưới dạng không đổi qua nước tiểu hoặc phân. Mức an toàn khi sử dụng đường sucralose là 5mg/kg/ngày.
  • Stevia: còn gọi là cỏ ngọt, một loại cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ được sử dụng trên khắp thế giới để làm ngọt thực phẩm và đồ uống. Có độ ngọt gấp 250 – 300 lần so với đường tự nhiên. Một số chất làm ngọt Stevia có thêm chất tạo phồng để tạo ngon miệng và giảm dư vị. Vào năm 2008 Stevia được đưa vào GRAS. Liều lượng cho phép sử dụng là 7,9 mg/kg/ngày.
  • Acesulfame-kali (Ace-K): được phê duyệt vào năm 1988 để sử dụng trong các chế biến thực phẩm như một chất làm ngọt. Ace-K thường được pha trộn với các chất làm ngọt khác như một thành phần trong thực phẩm và đồ uống có lượng calo thấp. Ace-K không được chuyển hóa hoặc lưu trữ trong cơ thể, mà được hấp thu nhanh chóng và bài tiết qua thận dưới dạng không thay đổi.
  • Neotame: chỉ được sử dụng trong sản xuất thực phẩm và không có sẵn để bán trực tiếp cho người dùng. Tương tự như aspartame, neotame là dẫn xuất của axit amin axit aspartic và phenylalanin. Neotame rất ngọt, sức ngọt gấp 7.000 – 8.000 lần so với đường sucrose. Để làm ngọt thực phẩm chỉ cần một lượng rất nhỏ neotame nên lượng phenylalanin có trong thực phẩm không đáng kể. Do vậy, neotame trong thực phẩm không được dán nhãn cảnh báo cho người bệnh PKU.

Những lưu ý khi sử dụng đường ăn kiêng cho người bị đái tháo đường

Thực phẩm và đồ uống có chứa đường dành cho người đái tháo đường (chất ngọt nhân tạo) chẳng hạn như bánh kẹo, nước ngọt… gây tranh cãi.

Các chất tạo ngọt có độ ngọt cao hơn gấp trăm đến vài nghìn lần so với đường tự nhiên, điều này khiến nhiều người bệnh tăng cảm giác thèm đồ ngọt hơn. Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ (AHA) và Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) đã đưa ra khuyến cáo cho người bệnh đái tháo đường thận trọng khi sử dụng chất làm ngọt nhân tạo thay cho đường tự nhiên.

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi de Koning et al vào năm 2011, về so sánh sự phát triển của bệnh đái tháo đường type 2 với việc tiêu thụ đồ uống có chất ngọt nhân tạo và đồ uống có đường tự nhiên. Bài kiểm tra cho những người tham gia uống nước có chất làm ngọt nhân tạo và đường tự nhiên. Sau khi kiểm tra cho thấy, người uống thực phẩm có cung cấp chất ngọt nhân tạo có nồng độ insulin trong máu cao hơn. Kết luận cho thấy sử dụng nhiều chất làm ngọt nhân tạo làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2. Sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo trong thời gian dài gây kháng insulin, khiến khả năng giữ lượng đường trong máu của cơ thể ở mức ổn định khó khăn hơn.

Đường dành cho người tiểu đường không hoàn toàn tốt. Việc sử sử dụng chất làm ngọt nhân tạo sẽ khiến người bệnh tăng cơ thèm ngọt thường xuyên hơn. Nếu lạm dụng nhiều trong thời gian dài làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin. Do đó người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, nếu thèm ngọt có thể ăn trái cây vừa bằng 1 nắm tay.