Đạo Tin lành và ý nghĩa riêng của tên gọi Tin lành

Tên gọi của mỗi tôn giáo đều mang một ý nghĩa riêng, có khi nó liên quan đến một địa danh, một nhân vật sáng lập, một điển tích lịch sử hay mỗi xu hướng giáo lý, thần học. Cũng có khi tên gọi của một tôn giáo xác định mối quan hệ mang tính lịch sử… Tên gọi của đạo Tin lành, có một ý nghĩa riêng và chỉ rõ mối quan hệ giữa đạo Tin lành với các tôn giáo trong Kitô giáo.

Vào đầu Công nguyên, ở vùng Trung Cận Đông thuộc vùng đất của đế quốc La Mã xuất hiện một tôn giáo mới thờ Đấng Cứu thế – ngôi hai Thiên Chúa, tiếng Hy Lạp là Jésus Christ. Danh xưng Jésus Christ dịch qua tiếng Việt là Giê-su Ki-ri-xi-tô, gọi tắt là Giêsu Kitô; chữ Jesus dịch qua âm Hán là Gia tô; chữ Christ là Cơ đốc.

Như vậy, đạo thờ Đấng Cứu thế có những tên gọi theo cách dịch khác nhau: đạo Kitô, đạo Giatô, đạo Cơ đốc. Từ tôn giáo địa phương thế kỷ IV, đạo Kitô trở thành tôn giáo của đế quốc La Mã rộng lớn và thường được gọi là Catholic. Thực ra, tên gọi Catholic có từ rất sớm để chỉ những cộng đồng Kitô giáo ban đầu và nó có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp: Katholikos có nghĩa là chung (General), là thông thường (Common) hay toàn bộ (Universal). Sau này, khi Kitô giáo phân rẽ thành Công giáo Rôma, Chính thống giáo, Tin lành, Anh giáo thì trong nhiều trường hợp Catholic (Công giáo) vẫn chỉ toàn bộ truyền thống Kitô giáo.

Ở Việt Nam, Catholic gọi là Công giáo, có một thời kỳ người Việt Nam gọi Công giáo là Thiên Chúa giáo. Gọi như vậy không đúng vì cả Chính thống giáo, Tin lành, Anh giáo đều thờ Thiên Chúa. Thấy thế, có người bổ sung thêm từ Rôma và gọi là đạo Thiên Chúa hệ Rôma. Cách gọi này có vẻ rõ hơn nhưng xem ra cũng không chuẩn xác, nên đã trở lại tên gọi chính thức của nó là: đạo Công giáo.

Đến thế kỷ XI, cụ thể là năm 1054, Ki-tô giáo diễn ra cuộc đại phân liệt lần thức nhất, một bên theo văn hóa Hy Lạp, một bên theo văn hóa La tinh, gọi là phân liệt Đông – Tây, hình thành tôn giáo mới ở phương Đông: Chính thống giáo (Orthodoxism). Tên gọi này biểu lộ quan điểm (Dox) thẳng thắn và đúng đắn (Ortho) của một “giáo thuyết về niềm tin chân thật”. Đôi khi người ta gọi Chính thống giáo là Kitô giáo phương Đông. Thậm chí trong một số văn cảnh, người ta dùng các từ Đông phương, Hy Lạp, Constantinople để chỉ Chính thống giáo, các từ: Tây phương, La tinh, Rôma để chỉ Công giáo.

Thế kỷ XVI, cuộc đại phân liệt lần thứ hai diễn ra trong Công giáo, hình thành một tôn giáo mới – đạo Tin lành. Cuộc đại phân liệt lần thứ hai thực chất là cuộc cải cách tôn giáo, cho nên trong nhiều trường hợp người ta còn gọi đạo Tin lành là “đạo Cải cách” (Reformism). Đạo Tin lành truyền vào Việt Nam đầu thế kỷ XX, ở miền Bắc được gọi theo cách của người Trung Quốc là “đạo Thệ phản”, ở miền Trung gọi là “đạo Giatô”, ở miền Nam gọi là “đạo Huê Kỳ”.

Đầu những năm 20, 30 của thế kỷ XX, giáo sĩ Cadman người Canada thuộc Hội Truyền giáo Cơ đốc – CMA, cùng với văn sĩ Phan Khôi dịch Kinh thánh ra tiếng Việt, hai ông không dịch Phúc âm (Evangelical) là “Tin mừng” như đạo Công giáo, mà dịch là “Tin lành”. Cách gọi Phúc âm là Tin lành của những người theo đạo Cải cách (Thệ phản) dần dần thành thói quen và nhất là nó phân biệt được với đạo Công giáo nên người ta gọi luôn đạo Cải cách là đạo Tin lành cho đến ngày nay.

Xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) có hơn 3.000 người Ê Đê theo đạo Tin lành với phương châm “Phụng sự Chúa Trời, phục sự dân tộc”. Trong ảnh: Thiếu nữ Ê Đê hát thánh ca tại nhà thờ Ea Tul. Ảnh: Thông Thiện

Cùng thời gian với việc ra đời đạo Tin lành, xuất hiện một trào lưu cải cách theo cách riêng ở nước Anh hình thành Anh giáo – Angelicalsm. Như vậy, Kitô giáo hay Cơ đốc giáo bao gồm: Công giáo (Catholic), Chính thống giáo (Orthodoxsm), Tin lành (Protestantism), Anh giáo (Angelicalism), hay nói cách khác, đạo Tin lành là “anh em” cùng một gốc với đạo Công giáo, đạo Chính thống và Anh giáo.

Hoàn cảnh và điều kiện ra đời đạo Tin Lành

Đạo Tin lành ra đời ở châu Âu vào thế kỷ thế XVI có nguồn gốc chính trị, xã hội sâu xa. Trước hết là sự xuất hiện của giai cấp tư sản với những yêu cầu mới về chính trị, xã hội, tư tưởng tôn giáo. Trong điều kiện thời Trung cổ, Giáo hội Công giáo và giai cấp phong kiến có quan hệ chặt chẽ với nhau, đạo Công giáo trở thành chỗ dựa tư tưởng cho chế độ phong kiến, Giáo hội Công giáo bị chính trị hóa trở thành thế lực phong kiến, giai cấp tư sản đã thực hiện cuộc cải cách đạo Công giáo để “tháo bỏ hào quang tôn giáo” của giai cấp phong kiến, để thu hẹp dần lực lượng và ảnh hưởng của giai cấp phong kiến, trước khi tiến hành cuộc cách mạng xã hội – cách mạng tư sản để lật đổ chế độ phong kiến.

Đạo Tin lành ra đời thể hiện sự khủng hoảng nghiêm trọng về vai trò ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo do những tham vọng quyền lực trần thế và sự sa sút về đạo đức của hàng giáo phẩm, nhất là sau cuộc “lưu đày Babylon” (1387-1417). Cùng với sự khủng hoảng, uy tín ảnh hưởng của Giáo hội là sự bế tắc của nền thần học Kinh viện (hình thành từ thế kỷ XII) – cơ sở quyền lực của Giáo hội Công giáo.

Sinh hoạt tôn giáo của đồng bào theo đạo Tin lành thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) tại Gia Lai. Ảnh: noichinh.vn

Đạo Tin lành ra đời xét về mặt văn hóa, tư tưởng được thúc đẩy bằng phong trào Văn hóa phục hưng – chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu thế kỷ XV, XVI. Với chủ trương đề cao con người, đề cao nhân tính, nhân quyền đối lại việc đề cao thần tính, thần quyền, đề cao tự do cá nhân, dân chủ và sự hưởng lạc, đối lại sự kìm hãm dục vọng và sự ràng buộc của chế độ phong kiến và luật lệ Công giáo, đề cao lòng yêu nước cụ thể đối lại đề cao lòng yêu Thiên Chúa và một nước Chúa chung chung diệu vợi… Văn hóa phục hưng – chủ nghĩa nhân văn đã tạo ra chiều kích mới về văn hóa, tư tưởng, cách nhìn mới về con người và tôn giáo, làm cơ sở cho việc nảy nở và tiếp thu những tư tưởng cải cách tôn giáo.

Đạo Tin lành ra đời là sự kế thừa, tiếp nối các phong trào chống lại quyền lực Giáo hoàng và Giáo triều Rôma từ nhiều thế kỷ trước, mà tiêu biểu là một số phong trào từ thế kỷ XII trở đi, như: phong trào Albigeois (thế kỷ XII) ở Pháp, phong trào Waldensians (thế kỷ XII) ở Pháp, phong trào John Wycilff (thế kỷ XIV) ở Anh, phong trào Jerome Savararola (thế kỷ XV) ở Ý…

Nguyên nhân trực tiếp hay đúng hơn là nguyên cớ của cuộc cải cách là đời sống sa hoa hưởng lạc của hàng giáo phẩm trong giáo triều Rôma và nhất là việc giáo hoàng Leon X ra lệnh ban ơn toàn xá cho những ai dâng cúng tiền của cho Giáo hội bằng cách cho bán “bùa xá tội”. Những người đề xướng và lãnh đạo cuộc cải cách không phải ai khác là những giáo sĩ Công giáo: linh mục, tiến sĩ Thần học Martin Luther (1483 – 1546), linh mục Thomas Munzer (1490 – 1525), linh mục Jean Calvin (1509 – 1564), linh mục Ubric Zwinghi (1484 – 1531)…

Phong trào cải cách tôn giáo nổ ra đầu tiên ở Đức vào tháng 11 năm 1517 bằng việc Martin Luther công bố 95 luận đề chống lại chức vụ giáo hoàng, giáo quyền Rôma và việc bán “bùa xá tội”. Từ nước Đức, phong trào lan sang các nước Pháp, Thụy Sĩ, Anh, Scốtlen, Ai-rơ-len, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy… để đến giữa thế kỷ XVII, sau cuộc chiến tranh ba mươi năm (1618 – 1648) bất phân thắng bại, gây nhiều tổn thất, cả châu Âu và giáo triều Rôma chấp nhận những người cải cách và từ đó hình thành một tôn giáo mới tách ra khỏi đạo Công giáo – đạo Tin lành.

(Còn nữa)