Chết Bất Đắc Kỳ Tử là như thế nào? Thần Thức tái sinh về đâu?

Chết bất đắc kỳ tử là như thế nào, thần thức tái sinh về đâu? Theo quan niệm dân gian, chết bất đắc kỳ tử thường được dùng để ám chỉ cho những cái chết bất thường, đột ngột, được gây nên bởi tai nạn hoặc một cơn bạo bệnh như trụy tim hay đột quỵ. Tuy vậy, nghĩa này đúng nhưng chưa đủ, bởi bất thường hay đột ngột chỉ là nói lên tính cường liệt nhất của bất đắc kỳ tử mà thôi.

Khi chúng ta xuất hiện trên cõi đời này, do nghiệp lực, mỗi người đều có một thọ mạng, thọ mạng này là một con số có kỳ hạn nhất định. Nếu một người chết mà không đúng với kỳ hạn này thì gọi là bất đắc kỳ tử, hay chết phi thời. Mạt pháp ngày nay, con người làm lành thì ít, làm ác thì nhiều khiến phước lộc cùng thọ mạng bị tổn giảm; cho nên phần lớn cái chết đều là bất đắc kỳ tử, cực hiếm người hưởng được hết thọ mạng của mình!

*

“Con người luôn phải đối mặt với hai thứ chết: Chết bất đắc kỳ tử và chết do chấm dứt thọ mạng. Chết bất đắc kỳ tử có thể tránh nhờ những phương pháp để kéo dài thọ mạng. Tuy nhiên, khi nguyên nhân cái chết là thọ mạng tận, thì bạn như một cây đèn đã hết dầu. Không thể nào tránh cái chết bằng cách lừa bịp nó, bạn phải sẵn sàng ra đi.”

Trong nội dung hạn hẹp một bài viết này, tôi chỉ đề cập đến khía cạnh cường liệt của bất đắc kỳ tử, nghĩa là cái chết đến đột ngột, bất thường, để lý giải một vấn đề mà nhiều người quan tâm nhất: Chết bất đắc kỳ tử tái sinh về đâu?

  • Tám mối khổ lớn của kiếp nhân sinh.
  • Khẩu nghiệp là gì.
  • Trầm cảm và Tâm linh
  • Bệnh tật và chướng nghiệp.
  • Linh hồn người chết là gì.
  • Thần chú trị chứng Trẻ khóc đêm.
  • Thân trung ấm, cảnh giới sau khi chết và tái sinh.
Chết bất đắc kỳ tử là như thế nào
Chết bất đắc kỳ tử là như thế nào

Chết bất đắc kỳ tử tái sinh về đâu

Trừ bậc tu hành đắc đạo và những người niệm Phật vãng sanh được ra khỏi sanh tử luân hồi. Còn thông thường, khi chết đi, tùy theo nghiệp thiện ác mà ta đã gieo, ta sẽ trải qua trạng thái trung gian của Thân Trung Ấm rồi tái sinh về một trong sáu nẻo luân hồi: Trời, người, A Tu La, Súc sanh, Ngạ quỷ và Địa ngục. Chỉ có hai loại người, do tính cách cường liệt của nghiệp thức, không phải trải qua trạng thái trung gian:

  1. Loại cực Thiện hóa sanh ngay lập tức làm Thiên Nhân trên các cõi trời.
  2. Loại cực Ác đọa ngay lập tức vào Địa ngục.

Người chết bất đắc kỳ tử, do tâm thức bị trói chặt trong cận tử nghiệp nên phần lớn đọa vào loài Ngạ quỷ. Tùy theo cái chết của mình mà họ bị nỗi khổ đau dày vò tương xứng: Như vong linh người chết đuối, thường luôn thấy mình bị ngạt nước, không thể nói chuyện được; vong linh người chết tai nạn luôn thấy thân mình không nguyên vẹn nên bị cảm giác đau đớn trói chặt…Nhiều vong linh thậm chí còn chẳng biết mình đã chết. Họ đau đớn, khổ sở vì tâm thức bị trói chặt mà không biết rằng: Mình có còn thân đâu mà đau với khổ!

*

Như một vụ tai nạn thảm thương ở Hà Nội nhiều năm về trước. Một gia đình trẻ bị ba người bị tai nạn, không ai sống sót, thêm một thai nhi trong bụng mẹ nữa thành ra là bốn. Lo cho người đã khuất xong xuôi, người nhà ngược xuôi tìm các Thầy pháp triệu hồn về để thờ cúng mà không cách chi triệu được.

Về sau duyên may nhà ấy gặp Thầy tôi. Lúc đầu, thầy triệu thỉnh theo cách “thông thường” nhưng cũng không có tác dụng… Cuối cùng, Thầy phải cầu thỉnh đức Phật A Di Đà phóng quang gia hộ, giúp cho cả nhà bốn người họ về được nơi bàn thờ gia tiên. Đến đây lại phát sanh thêm chướng ngại: Họ bị đau đớn nên chỉ than khóc, không thể nói được thành lời. Thầy lại phải cầu Phật phóng quang giúp họ khai mở bức màn vô minh của tâm thức. Nhờ đó, họ tự thấy thân hình của mình được nguyên vẹn và có thể trò chuyện được…

Chết bất đắc kỳ tử là như thế nào: Thần thức người chết ra sao?

Theo Tử Thư Tây Tạng: “Những người chết quá trẻ, nhất là những người chết bất đắc kỳ tử, thường đau khổ rất nhiều. Sở dĩ họ khổ vì chưa già, chưa bệnh tật, nên các dục vọng vẫn còn mạnh, tạo áp lực khiến họ không thể siêu thoát. Nói một cách khác, họ chưa hề chuẩn bị để giải thoát ra khỏi các áp lực vật chất nên cứ quanh quẩn ở cõi trần, sống trong trạng thái u mê đau khổ.

Bị ám ảnh bởi cái chết và tâm trạng lúc từ trần nên thần trí họ không thể sáng suốt để vượt ra khỏi các áp lực này. Sự thèm khát mà không được thỏa mãn, đói mà không thể ăn, khát mà không thể uống, bị dục vọng hành hạ khổ sở có khác gì một cảnh âm ti địa ngục đâu! Chỉ khi nào các áp lực vật chất này tiêu tan hết thì vong linh mới có thể siêu thoát được.

Tóm lại hạnh phúc của con người ở thế giới bên kia cửa tử tùy thuộc rất nhiều về sự giải thoát ra khỏi các áp lực vật chất này. Cuốn Revelations của nhóm Les Amis de Chamfleury đã ghi nhận rất nhiều trường hợp về những áp lực vật chất mà danh từ Phật giáo gọi là “Cận tử nghiệp”, chúng tôi xin trích dịch một trường hợp tiêu biểu như sau:

*

Bác sĩ Otto Kunz làm việc tại bệnh viện thành phố Annecy, Thụy Sĩ. Ông bà Kunz có một người con trai duy nhất tên là Jo đang theo học đại học Geneve năm thứ hai.

Vào tháng 4 năm 1952, cô thư ký của bác sĩ Kunz Nhận được thư của một người tên là Bernard Piquet viết cho bác sĩ nhưng vì bất cẩn cô xếp lầm bức thư này vào một chồng hồ sơ bệnh lý dày cộm trên bàn thư bị thất lạc.

Hai tuần sau đó, cậu con trai của bác sĩ đi bơi và chết đuối trong hồ Geneve. Đến cuối tháng sau khi dở hồ sơ bệnh lý, bác sĩ Kunz Tìm thấy bức thư thất lạc, nội dung báo trước cái chết của cậu con trai Jo và yêu cầu bác sĩ tiếp xúc với người viết thư. Đại khái bức thư như sau:

*

“Thưa bác sĩ, tôi được giao phó một công việc rất khó khăn mà tôi không biết phải xử trí ra sao. Việc này đã gây cho tôi nhiều bối rối nên tôi mạo muội viết thư này cho bác sĩ mặc dù chúng ta chưa hề quen biết. Tôi thấy trước tại nghĩa địa thành phố Annecy một ngôi mộ mới của một cậu con trai tên là Jo Kunz, con của bác sĩ. Cậu vừa thi xong kỳ thi năm thứ hai đại học rồi đi tắm và bị chết đuối. Đây không phải là lần thứ nhất tôi biết trước được những việc sẽ xảy ra nhưng tôi không bao giờ can thiệp vào những việc này.

Tuy nhiên lần này tôi nhận được lời yêu cầu phải thông báo tin này cho bác sĩ trước khi sự việc xảy ra nên tôi rất ngần ngại vì sợ bác sĩ cho rằng tôi đang toan tính việc gì chăng! Tôi suy nghĩ rất kỹ và sau cùng quyết định viết thư này để xin bác sĩ liên lạc vói tôi qua địa chỉ và số điện thoại sau….”

Là người hoàn toàn tin tưởng vào khoa học, bác sĩ Kunz Rất ngạc nhiên vì lá thư đến trước khi chuyện xảy ra nên ông vội điện thoại cho ông Bernard Piquet. Trong cuộc tiếp xúc, bác sĩ Kunz được biết ông Piquet không những là một người có địa vị trong xã hội mà còn là một nhà thần linh học chuyên nghiên cứu về cõi giới bên kia cửa tử.

*

Ông Piquet cho biết có rất nhiều vong linh sống vất vưởng, không nơi nương tựa, không người giúp đỡ, vì còn quá nhiều quyến luyến với cõi trần nên không thể siêu thoát. Nhiệm vụ của ông là liên lạc, giúp đỡ và hướng dẫn những vong linh này để họ có thể thích hợp với đời sống ở cõi bên kia. Bác sĩ Kunz không tin tưởng ở những điều mơ hồ viển vông mà ông Piquet nói nhưng nể ông này là người có địa vị trong xã hội nên chỉ nói vỏn vẹn:

– Thưa ông Piquet, những điều ông nói hay lắm, nhưng ông có thể giúp đỡ tôi điều gì? Ông muốn xin chúng tôi điều gì chăng?

– Bác sĩ đừng hiểu lầm. Tôi không muốn xin xỏ một điều gì cả, nhưng cậu Jo, con của bác sĩ, đang cần sự giúp đỡ của bác sĩ vì cậu đang vô cùng đau khổ.

Nghĩ ông Piquet có ý xấu, bác sĩ nổi giận: – Ông muốn gì thì cứ nói thẳng ra, con tôi đã chết rồi, xin đừng gợi lại những điều đau đớn đó nữa. Làm sao tôi có thể giúp đỡ con tôi được?

Ông Piquet bình tĩnh trả lời: – Thưa bác sĩ, tuy đã chết nhưng cậu Jo không siêu thoát vì đang bị ám ảnh bởi tâm trạng khủng hoảng lúc chết, do đó cậu rất đau khổ. Tôi cố sức đỡ giúp cậu nhưng vô hiệu. Có lẽ chỉ bác sĩ mới có thể giúp đỡ được cậu Jo mà thôi vì ngày thường cậu rất phục bác sĩ.

*

– Tại sao ông biết điều đó?

– Đó là việc của tôi. Tôi vẫn thường liên lạc vớ thế giới bên kia cửa tử…

– Ông liên lạc bằng cách nào?

– Chúng tôi có nhiều phương tiện không thể kể hết được, nhưng cách giản dị nhất là qua trung gian của một đồng tử (medium).

Bác sĩ Kunz rất khó chịu vì ông không tin những trò cầu hồn, cầu cơ, hay tiếp xúc qua đồng tử. Cho nên ông lạnh lùng nói thêm vài câu rồi chấm dứt buổi nói chuyện. Chiều hôm đó ông kể cho vợ nghe. Bà Kunz vô cùng xúc động nên thúc dục ông phải tiếp xúc lại với ông Piquet:

– Chuyện này lạ lắm. Làm sao một người như ông Piquet lại biết trước cái chết của Jo được? Nếu cô thư ký Gina không xếp lầm bức thư vào hồ sơ bệnh lý; và nếu anh không mở hồ sơ ra coi lại thì chuyện này sẽ ra sao? Biết đâu ông Piquet chẳng nói thật? Mình cứ tiếp xúc xem ông ta muốn gì. Nếu ông ta bày trò bịp bợm thì ta cứ việc gọi cảnh sát.

Lúc đầu bác sĩ Kunz không nghe, nhưng vì bà vợ thúc giục mãi nên ông đành nhờ ông Piquet tìm cách cho ông liên lạc với Jo. Ông Piquet đề nghị một buổi cầu hồn qua trung gian của một đồng tử.

*

Bác sĩ Kunz chấp thuận với điều kiện: Buổi tiếp xúc phải được tổ chức tại trường đại học y khoa Geneve; dưới sự chứng kiến của một nhóm bác sĩ bạn thân của ông. Không những thế, buổi tiếp xúc còn được thu vào băng để làm tài liệu kiểm chứng. Ông Piquet nhận lời và buổi cầu hồn được tổ chức vào cuối tuần lễ đó. Một người đồng tử (Medium) được đưa đến và ông Piquet hướng dẫn buổi tiếp xúc dưới sự kiểm soát gắt gao của một hội đồng bác sĩ y khoa.

Lần thứ nhất cậu Jo nhập vào đồng tử. Cô này ú ớ không sao nói được, cứ khua tay khua chân lia lịa một lúc rồi thôi. Ông Piquet cho biết: Cậu Jo không tỉnh táo và đang xúc động mạnh nên không nói được gì. Ông đề nghị mọi người hãy cầu nguyện để sự rung động này có thể ảnh hưởng đến thần trí cậu Jo, khiến cậu tỉnh táo hơn.

Sau khi chờ cho mọi người cầu nguyện xong, ông Piquet yêu cầu cậu Jo trở lại. Lần này cô đồng ú ớ một lúc như người bị sặc nước, cứ lấy tay chỉ vào cổ họng như muốn nói mà không sao nói được. Tay chân cứ giẫy giụa như người đang bị chết đuối một lúc rồi thôi. Bác sĩ Kunz bán tin bán nghi không biết có nên tin hay không. Xem cử chỉ của cô đồng, ông thấy có cái gì quen thuộc mà không sao tả được. Ông Piquet giải tán buổi cầu hồn và hẹn sẽ tiếp tục ở một hôm khác.

*

Trong khi chờ đợi, ông yêu cầu ông Kunz tổ chức một buổi lễ cầu nguyện cho cậu Jo tại thánh đường địa phương. Buổi cầu nguyện diễn ra rất long trọng và trang nghiêm dưới sự chủ lễ của vị giám mục và có rất đông bạn bè của Jo. Vài hôm sau, một buổi cầu hồn được tổ chức tại đại học Geneve. Lần này cậu Jo nhập vào đồng tử; nhưng cũng như lần trước, cô này ú ớ không nói được mà cứ chỉ tay vào cổ họng. Ông Piquet bèn chắp tay nói lớn:

– Xin Thượng Đế toàn năng hãy giúp chúng con nghe được tiếng nói của Jo. Đó là điều an ủi lớn đối với chúng con. Chúng con yếu đuối thấp hèn, không thể làm gì hơn được mà chỉ biết quỳ mọp dưới chân Ngài để cầu xin. Gia đình bác sĩ đã mất cậu Jo yêu quý; xin Ngài cho phép họ tiếp xúc được với Jo trong chốc lát. Cầu xin Ngài làm thế nào cho nỗi đau khổ của chúng con đưa chúng con đến gần Ngài.

Chúng con không phiền muộn hay trách móc vì biết đó là ý Ngài. Chúng con chỉ xin Ngài hãy chăm lo cho linh hồn của Jo. Chúng con hy vọng và tin tưởng ở lòng thương yêu cao cả của Ngài. Xin Ngài hãy dìu dắt và hướng dẫn chúng con… Ông quay ra phía những người quan sát gần đó:

*

– Này các bạn, các bạn phải cầu nguyện một cách chân thành. Cậu Jo cần nhận được những rung động thanh cao, dồi dào của tình thương phát xuất từ trái tim của quý vị. Chỉ có tình thương mới có thể đưa linh hồn cậu thoát khỏi các áp lực vật chất mà thôi.

Những người ngồi quan sát bàn tán. Họ không biết có nên tin những lời ông Piquet hay không. Chỉ riêng bà Kunz nước mắt đầm đìa khóc lớn:

– Này Jo, nếu quả thật là con thì hãy cho mẹ biết mẹ sẽ giúp con.

Tự nhiên cô đồng ngồi yên một lúc rồi thốt lên một câu ngắn:

– Khổ quá, khổ quá…

Cả hai ông bà Kunz đều giật mình vì giọng cô đồng nói y hệt như giọng cậu Jo. Bà Kunz xúc động khóc ầm lên nhưng ông Piquet cản lại:

– Xin quý vị hãy bình tĩnh, đừng làm cậu Jo thêm đau khổ. Quý vị hãy cầu nguyện chân thành. Vì chỉ có sự chân thành mới có thể giúp được Jo trong lúc này mà thôi. Xin quý hãy tự xét lòng mình xem có thanh khiết hay không; vì chỉ có sự thanh khiết mới có thể rung động và ảnh hưởng đến thần trí đang đau khổ của Jo. Chúng ta nên yên lặng và nghĩ đến Thượng Đế. Vì chỉ có Ngài mới có thể giúp được chúng ta trong lúc này. Tuy một vài người trong quý vị có lòng thương Jo, nhưng vẫn chưa đủ mà cần có sự hòa hợp của nhiều người, để tạo ra được một mãnh lực vươn lên cõi trên cảnh tỉnh Jo.

*

Quý vị đừng nghĩ rằng Jo đã chết. Cậu không hề chết như quý vị nghĩ đâu mà chỉ đi qua một cõi giới khác mà thôi. Quý vị có thể chuyển đến cho Jo những tư tưởng thân ái, những tình cảm chân thành; vì chỉ những thứ này mới làm cho Jo thoát được tình trạng u mê hiện nay. Càng than khóc quý vị càng làm Jo thêm đau khổ; và càng đau khổ, thần trí Jo càng u mê, quyến luyến, hoảng hốt. Không ích lợi gì cả.

Mọi người cố gắng cầu nguyện nhưng cô đồng ngồi im mà không trả lời. Sau cùng ông Piquet giải tán buổi cầu hồn. Ngay sau đó hội đồng bác sĩ họp nhau bàn tán. Đa số cho rằng ông Piquet đã lừa gạt. Vì họ chưa thấy có một bằng chứng nào là cậu Jo đã trở lại.

Bác sĩ Kunz Tỏ ra xiêu lòng trước lập luận của bạn bè, nhưng bà Kunz quả quyết rằng giọng của cô đồng đúng là giọng nói của Jo; và bà muốn tiếp tục thêm một lần nữa. Bác sĩ Kunz cho ông Piquet biết ý định. Ông này trả lời:

– Tôi không thể giúp thêm gì. Vì người duy nhất có thể làm việc này chính là bác sĩ. Tôi đề nghị bác sĩ hãy chủ tọa buổi hướng dẫn kỳ tới.

Hai tuần lễ sau, buổi cầu hồn lại được tổ chức. Lần này chính bác sĩ Kunz hướng dẫn và cậu Jo trở về nhập xác đồng tử. Cô đồng cứ nấc lên như người bị sặc nước.

*

Bác sĩ Kunz Lên tiếng:

– Hãy cố gắng lên Jo. Ba biết con bị sặc nước. Nhưng hiện nay con xác thân của con không còn nữa. Cái xác hiện con đang sử dụng chỉ là xác của một người khác cho con mượn. Cái xác này không hề hề hấn gì và con có thể nói năng dễ dàng. Quanh đây đều là những người thân yêu. Ai cũng thương con và ai cũng muốn nghe con nói lên vài lời…

Tự nhiên đồng tử ngưng lại, cố gắng thốt lên một câu:

– Nhưng con không nói được.

Ông Kunz vội lên tiếng: – Con hãy can đảm lên, nói cho ba biết có vật gì đang ở trong cổ họng của con?

Cậu Jo cố gắng cử động cái lưỡi. Từ trước đến giờ cậu cứ ú ớ như không nói được; nhưng bây giờ thì cậu cố gắng cử động lưỡi liên tiếp như muốn nhả một vật gì ra.

Ông Kunz tiếp tục: – Con thân yêu, hiện nay con không bị ngộp nước nữa đâu. Cái thể xác trước kia của con đã bị hư hại và được đem đi chôn cất rồi. Con hãy quan sát kỹ xem, bây giờ con không ở thể xác cũ nữa mà ở một thể mới, tốt đẹp và hoàn hảo hơn. Con hãy thoát ra sự chi phối của thể xác cũ. Con hãy cầu nguyện, hãy quên đi tai nạn thương tâm vừa qua, cha mẹ và người quanh đây sẽ giúp con. Con hãy thở đều cho thoải mái. Con đã ra khỏi hồ nước, con thấy không? Chung quanh con toàn là ánh sáng đẹp đẽ. Con thấy thân thể nhẹ nhàng không? Con hãy can đảm lên…

*

Cậu Jo vẫn khua tay múa chân như người đang bơi. Ông Kunz nói tiếp:

– Con không còn ở dưới nước nữa mà đang ở trong trường đại học. Con hãy thở một hơi thật dài. Tất cả những thứ trong cổ họng con đã thoát ra ngoài cả rồi. Cứ bình tĩnh thở đều, không có gì ngăn cản con hết…

Cậu Jo đưa tay sờ ngực và cố gắng nói nhưng vẫn chưa nói được. Sau cùng cậu bất lực khóc tấm tức. Ông Kunz tiếp tục:

– Con cứ khóc đi, không sao hết. Khóc cho trút hết nỗi đau khổ rồi con sẽ thấy thoải mái hơn.

Cậu Jo khóc một lúc rồi đưa tay ôm cổ. Ông Kunz vội hướng dẫn:

– Này Jo, hiện nay con không còn ở dưới nước nữa. Con đang ngồi gần cha mẹ và con hãy bình tĩnh. Con đã được vớt lên khỏi hồ nước rồi…

Cậu Jo bật lên một câu: – Cha mẹ ơi rong rêu bám đầy vào miệng con ghê gớm quá!

– Con cứ bình tĩnh, mọi việc đã qua rồi. Hiện nay con đang ở bên cha mẹ, không có gì có thể làm hại con nữa đâu. Này Jo, ngày trước con hát hay lắm. Con hãy hát một bài cho cha mẹ nghe đi.

Cậu Jo bật cười thành tiếng, hát một bản nhạc thịnh hành rồi thăng. Lúc đó ông Piquet mới lên tiếng giải thích:

*

– Cháu Jo từ trần quá sớm nên còn quyến luyến cha mẹ. Nó vẫn tiếc cuộc đời còn đẹp nên không muốn từ bỏ cõi trần. Do đó cháu cứ bám víu vào thể xác khiến thần trí bị u mê. Cái áp lực vật chất này rất kinh khủng cho những ai muốn bám víu vào cõi trần, nên người chết cứ bị ám ảnh bởi hoàn cảnh khi chết.

Dĩ nhiên họ rất đau khổ. Vấn đề là phải biết hướng dẫn cho cháu biết chấp nhận sự chết để được siêu thoát. Muốn như thế, cháu cần phải hiểu biết về đời sống ở cõi bên kia; cần phải loại bỏ những quyến luyến thì mới có thể tiêu diêu tự tại được. Các ông bà nên biết: Có rất nhiều người chết vẫn ở trong trạng thái lúc chết từ năm này qua năm nọ mà không siêu thoát. Họ không sống ở cõi trần, không sống ở cõi chết mà cứ ở giữa hai cõi. Chính cái hoàn cảnh không sống mà cũng không chết này làm họ u mê đau khổ.

Muốn giúp họ chỉ có một cách duy nhất là cầu nguyện thật chân thành, để sự thương yêu của quý vị tạo ra một mãnh lực soi sáng tâm tư đang hồ đồ của người vừa mới chết. Các sự than khóc, kêu gọi ồn ào chỉ làm tâm tư người chết đã bối rối lại còn hoang mang thêm, không ích lợi gì hết. Do đó một đám tang phải được cử hành trong sự chân thành cùng cầu nguyện.

*

Quý vị nên biết cõi giới bên kia cửa tử không phải là một cảnh thiên đàng; cũng không phải địa ngục như người ta thường diễn tả. Đó là một cảnh giới rất sáng, một thứ ánh sáng tràn đầy yêu thương của đấng sáng tạo. Tại đây người ta có dịp hồi quang phản chiếu, ý thức thực của mình để quyết định cho đời sống ở kiếp sau. Đời sống bên này rất yên lành, thoải mái vì chỉ có các tư tưởng rung động thanh cao, không hề bị ô nhiễm bởi các dục vọng vật chất. Muốn thích hợp với đời sống, con người cần biết loại bỏ các ràng buộc vật chất như lòng tham lam, ích kỷ.

Cháu Jo hiện nay vẫn còn bị ám ảnh nhiều bởi tâm trạng lúc chết. Nhưng tôi tin cháu sẽ hiểu biết và siêu thoát. Sau buổi tiếp xúc, các bác sĩ trong hội đồng Y khoa đã họp nhau bàn thảo về trường hợp này. Đa số tỏ ra nghi ngờ vì họ chưa thấy một bằng chứng rõ rệt nào rằng người nhập xác đồng chính là cậu Jo. Bác sĩ Kunz cũng bối rối không biết có nên tiếp tục nữa không nhưng bà Kunz thì hoàn toàn tin tưởng, bà nói:

– Nghe tiếng nói tôi biết đó chính là Jo, không ai có lối nói như vậy ngoài Jo. Hơn nữa, bài hát đó vẫn là bài Jo thường hát. Người ngoài không thể biết được. Các ông nghi ngờ ông Piquet đã đánh lừa chúng ta. Nhưng ông ta làm thế để làm gì? Cho đến nay, ông Piquet chưa hề đòi hỏi hay lợi dụng chúng ta một điều gì.

*

Sau một hồi bàn tán sôi động nhưng không hề đi đến một kết luận nào, hội đồng bác sĩ quyết định cho tiếp tục buổi cầu hồn để thu thập thêm dữ kiện. Bác sĩ bèn thông báo cho ông Piquet. Ông này yêu cầu mọi người hãy chân thành cầu nguyện cho Jo trong hai tuần lễ trước khi tiếp tục.

Hai tuần sau, buổi cầu hồn được tổ chức tại đại học Geneve. Cũng như lần trước, bác sĩ Kunz hướng dẫn và Jo trở lại. Cậu vẫn ú ớ không nói được và khua tay múa chân liên hồi. Ông Kunz lên tiếng:

– Này Jo! Con hãy ngồi yên đừng lắc lư nữa. Làm thế chỉ mệt thêm mà thôi. Con đã ra khỏi cái xác thân cũ, cái xác đó hư rồi không dùng được nữa, hiện nay con đã có một xác thân khác. Con hãy tĩnh táo và nghe lời cha mẹ nói đây. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện. Con còn nhớ những câu mà chúng ta thường cầu nguyện trước bữa ăn gia đình không?

Cậu Jo gật đầu và lên tiếng cầu nguyện cùng với mọi người; nhưng sau đó cậu lại chỉ tay vào cổ như bị sặc nước. Ông Piquet bèn chắp tay nói lớn:

– Hỡi Thượng Đế kính yêu! Hỡi đấng Đại Từ Phụ toàn năng! Chúng con xin quỳ mọp dưới chân Ngài để xin Ngài giúp cho cháu Jo thoát khỏi các áp lực vật chất. Chúng con xin thành tâm phụng sự Ngài; xin Ngài tha thứ cho chúng con những tội lỗi mà chúng con đã phạm; xin Ngài chỉ bảo cho chúng con một con đường sáng.

*

Này Jo, cậu hãy đọc cùng tôi lời cầu nguyện sau: Xin đức Cha tha thứ cho tội lỗi của chúng con; xin đức Cha chỉ bảo cho con một con đường sáng; xin đức Cha giúp con tiến đến gần Ngài. Con nguyện cương quyết rời bỏ thể xác vật chất này để tiến lên cõi sáng của đức Cha. Con nguyện sẽ phụng sự Ngài và tiến lên đời sống tâm linh tốt đẹp; con quyết tiến lên cõi sáng…

Khi ông Piquet thốt lên lời cầu nguyện thì cậu Jo lắng tai nghe một cách chăm chú, không còn ú ớ như trước. Rồi bỗng nhiên cậu cất tiếng đọc theo một cách chân thành. Khi vừa đọc đến câu cuối: “Con quyết tiến lên cõi sáng…” thì cậu bất ngờ reo lên:

– Ô nhìn kìa! Ánh sáng! Ánh sáng đẹp quá… Cha mẹ ơi, ánh sáng đẹp quá… Con đã ra khỏi đường hầm tối tăm rồi. Trước mặt con toàn là ánh sáng…

Mọi người nín thở theo dõi. Bà Kunz cảm động khóc thút thít. Cậu Jo reo lớn mừng rỡ:

– Cha mẹ ơi, ánh sáng ở đây đẹp tuyệt vời! Con thấy nhẹ nhõm làm sao… Con có thể bay bổng lên được. Thích quá! Thích quá! Phải rồi, con không còn ở dưới nữa mà đã bước vào cõi sáng… Ở đây ánh sáng đẹp tuyệt vời. Cha mẹ ơi, con sung sướng quá, con đã được giải thoát rồi.

*

Ông Kunz mừng rỡ kêu lớn:

– Phải đấy Jo con ơi, con đã bước vào cõi sáng rồi. Suốt mấy tháng nay con không thể nói được. Nhưng bây giờ con đã nói được rõ ràng rồi.

Ông Piquet ra hiệu cho mọi người cùng quỳ xuống chấp tay cầu nguyện:

– Hỡi đấng Đại Từ Phụ, chúng con cám ơn Ngài đã giúp cho cháu Jo. Chúng con yếu đuối không thể làm gì hơn là xin quỳ mọp dưới chân Ngài. Cầu xin Ngài chăm nom cho phần hồn của cháu Jo. Chúng con tin tưởng nơi lòng bác ái cao cả của Ngài…

Cậu Jo nói lớn: – Cha mẹ ơi, con đã bước vào cõi sáng rồi. Tại đây con rất thoải mái an lành, xin cha mẹ đừng lo lắng gì nhiều về con.

Nói xong, Jo cười một cách sung sướng rồi thăng…

Chết bất đắc kỳ tử: Những người nghiện ngập rất dễ bị gá nhập

Những người say rượu hay sử dụng ma túy thường dễ bị các vong linh nhập vào. Sự nhập xác này tuy chỉ có tính cách tạm thời trong chốc lát. Tuy nhiên việc này cũng gây nhiều hậu quả tai hại cho người bị nhập. Càng bị nhập xác, những người này càng dễ bị mất tự chủ, và càng mất tự chủ họ càng dễ bị xui khiến làm điều xằng bậy.

Theo sự hiểu biết của tôi, khi sự sống thình lình chấm dứt như trường hợp chết bất đắc kỳ tử thì người chết khó có thể siêu thoát được vì dục vọng và sinh lực còn quá mạnh mẽ. Một cái chết bất ngờ luôn luôn tạo ra những chấn động, tán loạn tâm thần khiến cho người chết hết sức hoang mang và đau khổ. Đôi khi họ trở nên thù hằn, oán hận và chính tâm trạng lúc chết này sẽ khiến nên họ trở nên một động lực hết sức nguy hiểm, có thể xúi giục người sống làm những việc hết sức ghê gớm như giết người, hành hạ, hiếp đáp người khác,v.v..

*

Đa số những vụ sát nhân thường xảy ra khi hung thủ mất tự chủ vì rượu, ma túy hoặc vi quá giận dữ. Những kẻ nghiện rượu, ma túy, tính khí nóng giận bất thường… dễ trở thành nạn nhân của những động lực bất hảo này. Đôi khi các vong linh cũng tìm cách xâm chiếm thể xác của những kẻ yếu bóng vía, những người nhạy cảm, hay những trẻ em yếu ớt. Tuy nhiên những trường hợp này chỉ có tính cách nhất thời; vì bản ngã con người thường rất mạnh, không dễ gì có thể đuổi nó đi để cướp lấy thể xác được.

Thường thì các vong linh lúc quá thèm muốn, bị dục vọng nung nấu, tìm cách chiếm cứ xác thân của một con thú nào đó; vì bản năng con thú thường yếu hơn sự đòi hỏi điên cuồng của một vong linh. Các loài thú kém tiến hóa như heo, cừu, dê, trâu, bò… dễ trở thành nạn nhân hơn là các loài thú khôn ngoan hơn như chó, mèo, khỉ, ngựa… vốn có ý chí kháng cự mạnh mẽ.

*

Sự xâm nhập xác thú này có thể trọn vẹn, hoặc có khi chỉ trong giây lát, nhưng nhờ cơ thể con thú làm trung gian mà vong linh gần gũi được với cõi trần. Họ cảm nhận được mọi sự qua giác quan của con thú và thỏa mãn được một ít dục vọng như ăn uống, đòi hỏi xác thịt….Vong linh cũng cảm thấy đau đớn, khổ sở và khi con thú bị mổ thịt. Khi ấy vong linh sẽ hoảng hốt, đau đớn, tuyệt vọng; và trạng thái này sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến đời sống sau này của vong linh.

Ngoài ra thì nhập xác thú sẽ tiêm nhiễm vào thể vía của vong linh. Cho nên sau này dù có đầu thai lại thành người, nó cũng có khuôn mặt, hình dáng của con thú đó; hoặc tính tình hung bạo, tàn ác hay ngu si đần độn như con thú kia. Trong trường hợp tuyệt đối hơn, vong linh liên kết chặt chẽ với cái vía của con thú đó đã nhập: Hễ con thú đi đâu thì vong linh đi theo đó, giống như một tù nhân của xác thú. Điều này có thể giải thích được trường hợp của những kẻ hung dữ, nhiều dục vọng sẽ đầu thai trở lại thành vật…”

( Chết bất đắc kỳ tử là như thế nào )

Tuệ Tâm 2022.