Chè Thái Nguyên – Những giá trị văn hóa và du lịch | Tạp chí du lịch

Chè Thái Nguyên và những giá trị về văn hóa

Trà Thái Nguyên không những là thức uống bổ dưỡng cho sức khỏe mà còn mang đậm nét văn hóa giao tiếp của người Việt. Trà Thái Nguyên cũng có mặt trong mọi sự kiện quan trọng của gia đình, làng xóm, công sở: từ việc ma chay, cưới xin, giỗ chạp cho đến ngày hội làng, hội đình… Bên cạnh đó, trong ngày giỗ tết, sau khi dâng cúng ông bà tổ tiên mâm cỗ, người ta dâng lên ấm trà nhỏ vừa pha nóng hổi. Uống trà là một thú vui tao nhã, pha trà là cả một nghệ thuật, còn mời trà cũng là một nét văn hóa thể hiện sự lễ độ, trân trọng của người mời với khách. Cũng chính những điều đó đã tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc của trà Thái Nguyên nói riêng và trà Việt Nam nói chung.

Những giá trị về du lịch của chè Thái Nguyên

Thái Nguyên có nhiều vùng chè đặc sản có tiềm năng phát triển du lịch, tiêu biểu như: Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ), Điềm Mặc (Định Hóa), Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô (Phú Lương). Từ sau Festival Trà Quốc tế năm 2011, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm tới việc phát triển du lịch làng nghề chè như: chỉ đạo các địa phương chỉnh trang, chăm sóc vườn chè theo tiêu chuẩn sản xuất chè an toàn; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường dẫn vào vùng chè; tổ chức tập huấn du lịch cộng đồng; đẩy mạnh việc tuyên truyền ý nghĩa nguồn lợi do du lịch làng nghề đem lại. Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo xây dựng Dự án làng du lịch cộng đồng tại vùng chè đặc sản Tân Cương. Mô hình được triển khai từ cuối năm 2012 tại 4 xã thuộc vùng chè đặc sản Tân Cương, trọng tâm là các xóm: Hồng Thái 2, xã Tân Cương; Khuôn 1 và Khuôn 2, xã Phúc Trìu và xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng. Tham gia vào dự án, các hộ dân được tập huấn về kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng marketing du lịch, kỹ năng áp dụng dịch vụ lưu trú tại gia đình như: Cách đón tiếp khách, cách sắp xếp chỗ ở, lên thực đơn, sơ chế bữa ăn…

Nhằm lưu giữ và tôn vinh những giá trị văn hóa chè, năm 2011, Không gian văn hóa chè đã được khánh thành và đưa vào sử dụng tại xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên. Tại đây, trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật giới thiệu về lịch sử và sự phát triển của cây chè, những giá trị văn hóa của chè Thái Nguyên, các tài liệu hiện vật về trồng, chăm sóc, chế biến chè, các hiện vật ấm trà cổ… Đặc biệt nơi đây có bộ ấm trà dán gốm sứ đã được công nhận là kỷ lục Việt Nam. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mỗi năm Không gian văn hóa chè đón hàng ngàn lượt khách, năm 2014, Không gian văn hóa chè đón trên 15.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu về chè và văn hóa chè.

Trong giai đoạn tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức quảng bá, giới thiệu tiềm năng vùng chè Thái Nguyên tới đông đảo nhân dân trong và ngoài nước thông qua các hình thức như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày, giới thiệu tiềm năng du lịch, văn hóa chè Thái Nguyên; tổ chức tập huấn các lớp nghiệp vụ du lịch cộng đồng cho người trồng chè, các làng nghề chè để hình thành đội ngũ du lịch tại chỗ và huy động cộng đồng dân cư tại các làng nghề chè tham gia vào hoạt động du lịch. Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên, trong đó tập trung vào việc bảo tồn và phát triển các vùng chè truyền thống gắn với phương thức cổ truyền; hình thành các tour, tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh đến với Festival Trà, các tour, tuyến, điểm du lịch gắn với làng nghề chè./.

MT