Chắc hẳn dạo gần đây các bạn cũng đã dần cảm nhận được hơi lạnh của những ngày cuối năm rồi nhỉ. Mùa đông lạnh nhưng rất lãng mạn, nắng của mùa đông yếu nhưng cũng đủ làm ấm trái tim của mỗi người. Và để hòa mình vào cái tiết trời đặc biệt này thì các bạn hãy cùng Zest vẽ một bức tranh phong cảnh mùa đông để tặng người thân, bạn bè nhé.
Phần 1: Chuẩn bị họa cụ
Với chủ đề lần này chúng ta sẽ cần phải chuẩn bị một số họa cụ như sau:
- Màu nước (leningrad, whitenight, sonet,v.v…)
- Giấy (happy, canson hoặc bất cứ loại giấy nào dùng để vẽ màu nước và từ 250 – 300gsm)
- Bút chì
- Gôm
- Cọ
Đặt mua họa cụ tại: Zest Corner
Phần 2: Phân tích hình và vẽ phác thảo
Bước 1: Phân tích hình
Trước khi vẽ bất cứ bức tranh nào, dù cho là đơn giản hay phức tạp thì các bạn cũng nên dành vài phút ra để ngắm nhìn và phân tích bức tranh nhé. Những nội dung mà chúng ta cần phân tích bao gồm: bố cục (chính – phụ), các tỉ lệ cơ bản trong tranh, gam màu.
Sau khi quan sát thì chúng ta sẽ quy những chi tiết có trong hình mẫu thành những hình khối quen thuộc: hình chữ nhật, tam giác, tròn, elip, v.v…
Bước 2: Dựng hình
Dựa theo phần phân tích mà chúng ta đã làm ở bước 1 thì việc dựng sơ lược tổng thể bức tranh sẽ đơn giản hơn nhiều, các bạn chỉ cần dựng khung, sau đó thêm một vài chi tiết đặc trưng (cửa sổ, cửa chính, các nét cong của cây cối…)
Xem thêm: Hướng dẫn vẽ Lông Vũ bằng màu nước chỉ với 7 bước
Phần 3: Tô màu
Bước 3: Lót màu trời
Đối với màu nước, khi vẽ bầu trời các bạn có thể sử dụng kỹ thuật wet on wet (ướt trên ướt) để dễ dàng hơn trong việc diễn tả các tầng mây trôi nhẹ nhàng. (Kỹ thuật này cũng giúp cho việc các bạn phối nhiều màu với nhau nhưng vẫn đảm bảo màu sắc sẽ hòa vào nhau mà không bị tách biệt)
Bước 4: Lót màu cho phần cây
Vì cây thông thuộc họ cây lá kim nên khi vẽ loại cây này các bạn có thể vẽ những đường màu bắt đầu từ thân cây ra. Những nét vẽ sẽ hơi thưa vì chúng ta đang diễn tả một khung cảnh có tuyết rơi, việc chừa những khoảng trống sẽ có tác dụng thể hiện được phần tuyết đọng trên lá cây
Bước 5: Lót màu cho nền đất
Lúc lót màu nền cho phần đất các bạn có thể lót theo những đường cong và lưu ý là chúng ta sẽ chừa trắng ở những vị trí tuyết cao nhất để tạo cảm giác những lớp tuyết xếp chồng lên nhau gập ghềnh, không bằng phẳng.
Bước 6: Lót màu cho chủ thể: Ngôi nhà
Để tạo sự cộng hưởng màu thì ngoài việc lót một lớp màu nâu của gỗ ra thì các bạn hãy hòa thêm một xíu màu xanh tím của phần nền tuyết và cây nữa nhé. Ngoài ra chúng ta cũng sẽ hòa thêm màu vàng ra nền tuyết và cây xung quanh để tạo thêm điểm nhấn cho bức tranh.
Bước 7: Thể hiện rõ về khối của các chi tiết
Ở bước này chúng ta sẽ tả kĩ hơn về khối, chi tiết của ngôi nhà và cây cối xung quanh. Cụ thể bao gồm: bóng đổ, trung gian và điểm sáng. Các bạn có thể dùng màu đặc hơn một xíu hoặc pha một tí màu đen vào để tả những mảng tối nhé
Bước 8: Vẽ thêm chi tiết và hoàn thiện bài
Để tạo thêm sự sinh động cũng như mối liên kết giữa những thành phần trong tranh (cụ thể trong bức tranh này là ngôi nhà và nền cây xung quanh) thì các bạn có thể dùng màu nâu gỗ để vẽ thêm những cây đã rụng hết lá làm nền phía sau.
Xem thêm: Hướng dẫn vẽ “cây” bằng bút kim và đệm màu nước trong ký họa phong cảnh
Một trong những phần không thể không nhắc đến khi nghĩ tới mùa đông đó chính là tuyết. Vậy thì để diễn tả rõ hơn, các bạn có thể dùng thêm màu poster trắng và vẽ lên thêm ở trên những tán cây, mái nhà, nền đất. Và Zest có một tips nho nhỏ khi tả tuyết rơi, các bạn có thể áp dụng một trong hai cách sau:
1. Dùng cọ
- Pha một lượng nước lớn tương đối nhiều với màu poster trắng, dùng một cây cọ đầu nhọn vừa (size số 8) lấy màu đã pha sao cho cọ thấm đều màu, để cây cọ song song với mặt giấy, khoảng cách tầm 20cm, sau đó dùng một cây cọ sạch hoặc bút chì gõ đều tay lên cây cọ có thấm màu. Những hạt nước có màu sẽ rơi lên giấy trông cực kì tự nhiên
Lưu ý: Nếu bạn dùng cọ to, hạt nước sẽ to, cọ nhỏ thì hạt nước sẽ nhỏ nên tùy thuộc vào kích thước của bức tranh bạn vẽ và sở thích của bản thân, bạn có thể chọn dùng cọ to hoặc nhỏ để tả.
2. Dùng cọ kết hợp với tay (hoặc dùng bàn chải đánh răng)
- Cách này cũng sẽ tương tự như trên nhưng chỉ khác ở chỗ là chúng ta sẽ đổi từ cọ đầu nhọn sang cọ dẹt (hoặc bàn chải đánh răng). Sau đó dùng ngón trỏ hoặc ngón cái vuông góc với đầu cọ và kéo theo chiều ngang của bản cọ (hoặc dọc theo bàn chải đánh răng). Cách làm này – còn có tên gọi khác là búng cọ – sẽ tạo lớp màu nhỏ hơn, nhuyễn hơn, mịn hơn nhưng có một nhược điểm là làm cho tay chúng ta sẽ dính màu do tay tiếp xúc trực tiếp với đầu cọ, và nếu tay không sạch (do dính một vài màu khác) thì khi búng cọ sẽ bị ảnh hưởng màu ít nhiều.
Trên đây là những bước đơn giản để các bạn có thể vẽ nên một bức tranh mùa đông. Mùa đông đến rồi, hi vọng là các bạn sẽ tìm thấy được niềm vui và hơi ấm khi họa trời đông cùng Zest nhé
Xem thêm video “Hướng dẫn vẽ tranh phong cảnh mùa đông” do giảng viên Nguyên Thảo chia sẻ: TẠI ĐÂY
Học vẽ tại nhà với các tips vẽ do Zest chia sẻ: Tự học vẽ cùng Zest
Tác giả: GV Tường Vy – Team Zest Mỹ thuật người lớn.
Lưu ý: Bài viết thuộc sở hữu trí tuệ của Zest Art, nghiêm cấm sao chép nội dung và hình ảnh dưới mọi hình thức.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!