Kỹ thuật trồng Sâm bố chính

Cây Sâm bố chính (Abelmoschus sagittifolius Kurz) là dược liệu quý có nhiều lợi ích cho sức khỏe như bồi bổ cơ thể, hạ sốt, trị ho,… Hiện nay Sâm bố chính được quy hoạch và được trồng ở nhiều nơi như vùng núi thấp, vùng đồi núi trung du Thanh Hoá, ở xã Cẩm Bình huyện Cẩm Thủy, trên núi Báo xã Vĩnh Hùng huyện Vĩnh Lộc hay ở vườn quốc gia Bến En huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Dưới đây là quy trình trồng Sâm bố chính bạn có thể tham khảo thêm nhé!

Kỹ thuật trồng Sâm bố chính 1

Đặc điểm chung

Đặc điểm thực vật

  • Sâm bố chính là cây thân thảo, sống lâu năm, cao từ 30 – 50 cm có khi hơn, rễ củ hình trụ có màu trắng nhạt. Thân cành có thể mọc đứng cũng có khi bò lan toả ra mặt đất, cành hình trụ, không có lông.
  • Cây có lá hầu hết hình mũi tên, gốc rộng, lá phía trên rất hẹp. Lá mọc so le, cuống lá dài khoảng 2 – 3 cm.
  • Hoa có hai dạng màu đỏ hoặc màu vàng mọc đơn độc ở kẽ lá, cuống hoa dài từ 5 – 8 cm.
  • Quả hình trứng nhọn, có khía dọc khi chín nứt ra theo khía dọc thành 5 mảnh; hạt hình thận, màu nâu đen, cây thường mọc vào mùa xuân, tàn lụi vào mùa đông, mùa hoa quả tập trung từ tháng 6 – 8.

Giá trị làm thuốc

Bộ phận sử dụng: Toàn bộ phần rễ củ sâm báo được phơi hoặc sấy khô.

Công dụng:

  • Sâm bố chính có vị ngọt nhạt, có chất nhầy, tính bình, có tác dụng bổ mát, nhuận phế, dưỡng tâm, sinh tân dịch, sao với gạo thì tính ấm bổ tỳ vị, giúp tiêu hoá, tăng thêm sức dẻo dai.
  • Sâm bố chính phối hợp với các vị thuốc khác để chữa các chứng ho, sốt nóng, trong người khô, táo, khát nước, gầy còm, giúp tăng cường thể lực, hạ đường huyết và bảo vệ dạ dày.

Kỹ thuật trồng trọt

Chọn vùng trồng

Sâm bố chính thích hợp với đất nhiều mùn, tơi xốp, có lớp đất mặt sâu, thoát nước, nhiều ánh sáng ở vùng trung du và đồng bằng.

Giống và kỹ thuật làm giống

Hạt giống thu từ ruộng sản xuất hạt giống từ tháng 11 – 12 năm trước liền kề với năm sản xuất dược liệu, hạt giống chắc đều, có tỷ lệ nảy mầm đạt 90% trở lên.

Số lượng hạt để sản xuất 1 ha dược liệu sâm bố chính 8 – 10 kg.

Xử lý hạt giống trước khi gieo:

  • Phơi trong nắng nhẹ 1 – 2 giờ, ngâm trong nước ấm có nhiệt độ 45 – 50oC từ 1 – 2 giờ, vớt ra rửa lại, để ráo nước và đưa vào ủ nóng, khoảng 2 – 3 ngày.
  • Khi hạt có hiện tượng nứt nanh trắng ngà, gieo thẳng ra ruộng sản xuất dược liệu (chú ý khi ủ nóng, hàng ngày rửa lại bằng nước sạch, để ráo nước cho vào ủ).

Thời vụ trồng

Thời vụ sản xuất dược liệu: Trồng vào giữa tháng 2 (từ 15 – 20/2).

Kỹ thuật làm đất

  • Chọn đất đồi núi, có độ dốc từ 5 – 10o, tầng canh tác sâu 30 – 40 cm, giàu mùn, dễ thoát nước, không bị ngập úng.
  • Đất trồng sâm báo cần được luân chuyển hàng năm, sau 2 – 3 năm mới có thể trồng lại. Đất cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ, xử lý đất bằng vôi bột 600 kg/ha rải đều khắp ruộng.
  • Bố trí luống phải theo đường đồng mức, đảm bảo thoát nước tốt trong mùa mưa. Lên luống cao 25 – 30 cm, mặt luống rộng 80 – 100 cm, rãnh rộng 30 cm.

Mật độ và khoảng cách trồng

  • Mật độ trồng: 333.000 (cây/ha).
  • Khoảng cách trồng: 20 x 15 cm.

Mật độ và khoảng cách trồng 1

Phân bón và kỹ thuật bón phân

Phân bón và kỹ thuật bón phân 1

Thời kỳ bón

Bón lót: Toàn bộ phân chuồng và 40% NPK tổng hợp.

Bón thúc: Chia làm 4 lần bón:

  • Lần 1: Khi cây đã ra lá thật.
  • Lần 2: Khi ổn định cây.
  • Lần 3: Khi cây bắt đầu giao tán làm củ vào tháng 5.
  • Lần 4: Vào tháng 8 – 9. Bón lần cuối trước khi thu hoạch ít nhất 25 – 30 ngày.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Kỹ thuật trồng:

Rạch luống gieo hạt, phủ đất lên hạt, kết hợp phủ rơm. Hàng ngày tưới nước giữ ẩm. Sau 7 – 10 ngày hạt mọc đều, dỡ rơm và chăm sóc.

Chăm sóc:

  • Thường xuyên làm cỏ, xới xáo. Chú ý không làm ảnh hưởng tới bộ rễ của cây. Bón thúc sau những đợt làm cỏ theo chỉ dẫn ở trên. Khi bón đạm cần pha loãng theo nồng độ 2 – 3% để tưới, sau đó tưới lại bằng nước lã.
  • Bón NPK thúc cần rắc xung quanh gốc, kết hợp với tưới đủ ẩm để phân dễ hòa tan.
  • Khi cây bắt đầu ra nụ, ngắt nụ để dinh dưỡng tập trung vào củ. Cây thường ra hoa vào hai đợt tháng 6 và tháng 9.

Tưới tiêu: Thường xuyên đảm bảo đủ độ ẩm cho cây.

Phòng trừ sâu bệnh

Sâm bố chính ít bị bệnh, chủ yếu bị rệp sáp và các loại sâu ăn lá như sâu gai, sâu xanh gây hại.

Đặc điểm gây hại: Rệp sáp gây hại trên nhiều bộ phận của cây như lá non, chồi non, chùm hoa, cuống quả, quả non, gốc cây. Trên thân mình chúng thường có một lớp sáp màu trắng trông giống như những sợi bông không thấm nước. Rệp sáp gây hại bằng cách chích hút nhựa cây làm cho vàng và rụng lá, hỏng hoa, rụng quả, làm cho cây còi cọc dẫn đến chết khô cả cây nếu bị nặng. Rệp sáp sống tập trung thành đàn, gây hại hầu như quanh năm, nhất là các tháng mùa khô.

Biện pháp phòng trừ:

  • Tăng cường vệ sinh vườn cây như cắt tỉa hết các cành sâu bệnh, cành sát mặt đất làm cho vườn cây thông thoáng, dọn sạch cỏ rác, lá cây mục quanh gốc để phá vỡ nơi trú ngụ của kiến, hạn chế môi trường sinh sống, lan truyền của rệp sáp.
  • Có thể dùng các loại thuốc sau đây: dầu khoáng (ví dụ Citrole 96,3EC; Vicol 80 EC); hoạt chất Buprofezin (ví dụ Applaud 10WP, 25SC; Map – Judo 25 WP, 800WP); hoạt chất Acetamiprid (ví dụ Actatoc 150EC, 350EC); hoạt chất Acetamiprid + Thiamethoxam (ví dụ Goldra 250WG). Phun ướt đều trên cây, phun 2 lần cách nhau 7 – 10 ngày để diệt tiếp lứa non mới nở.

Thu hoạch, sơ chế và bảo quản

Thu hoạch: Thời điểm từ tháng 11 – tháng 12 cây bắt đầu vàng lụi, chọn những ngày nắng tiến hành cho thu hoạch lấy dược liệu. Loại bỏ phần thân lá, thu hoạch củ.

Sơ chế:

Thu hoạch, sơ chế và bảo quản 1

  • Dược liệu được rửa sạch, loại tạp, bỏ rễ phụ, cạo nhẹ loại bỏ lớp bần ngoài củ.
  • Để nguyên củ hoặc có thể cắt lát 0,3 – 0,5 cm theo chiều ngang củ (tùy theo thị trường của người sử dụng), sấy hoặc phơi trên bạt đến khi dược liệu khô, có độ ẩm 12%.

Cây sâm bố chính có khả năng cho năng suất dược liệu cao. Năng suất dược liệu sâm báo thu được từ 1,5 – 2 tấn/ha.