4 cách sử dụng máy ép chậm đúng cách tại nhà để kéo dài tuổi thọ | websosanh.vn

Máy ép chậm đã trở thành vật dụng quen thuộc trong gian nhà bếp, giúp đem lại cho cả gia đình những cốc nước ép tươi ngon, dinh dưỡng. Tuy nhiên, để duy trì hiệu năng, kéo dài tuổi thọ cũng như đảm bảo chất lượng máy, bạn cần ghi nhớ 4 hướng dẫn sử dụng máy ép chậm đúng cách sau đây.

1. Nên ép gì và không nên ép gì khi sử dụng máy ép chậm

So với máy ép thông thường, máy ép chậm có thể ép được vô vàn loại rau củ trái cây, thậm chí có thể ép cả thảo mộc, gia vị. Thực tế, vỏ của những loại quả như táo, lê, cà rốt, dưa chuột, bầu,… chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nên bạn không cần gọt vỏ khi ép, chỉ cần lưu tâm đến độ sạch của nguyên liệu.

Không nên ép mía và các loại củ quả còn nguyên vỏ và hạt cứng
Không nên ép mía và các loại củ quả còn nguyên vỏ và hạt cứng

Tuy vậy, bạn tuyệt đối đừng “thử thách” chúng bằng cách ép mía, các loại hạt cứng hay những loại hoa quả còn nguyên hạt để hạn chế áp lực lên trục máy. Một số loại hạt và củ quả cần lưu ý như: quả óc chó, hạt hạnh nhân chưa bỏ vỏ, ổi nguyên hạt, dưa lưới hay chanh leo chưa gọt vỏ,…

Với các loại trái cây có hạt to và cứng như xoài, cóc,… đừng quên loại bỏ hạt trước khi cho vào máy ép. Các loại quả có hạt nhỏ và mềm hơn như nho, thanh long, dưa hấu, bí đỏ, lựu, chanh dây… có thể ép trực tiếp không cần tách hạt. Tuy nhiên, không nên ép liên tục các nguyên liệu này mà nên ép xen kẽ với các loại củ quả cứng và nhiều xơ như cà rốt, táo,… để các hạt nhỏ cuốn theo bã, hạn chế tắc và xước máy.

2. Mẹo ép hoa quả đúng cách với máy ép chậm

Để máy ép chậm hoạt động trơn tru và hiệu quả, bạn phải nằm lòng 02 mẹo sau:

Mẹo 1: Mềm trước, cứng sau. Nhiều xơ trước, ít xơ sau

Trước khi ép, bạn có kiến thức để đánh giá các nguyên liệu theo độ cứng và lượng xơ để ép luân phiên theo trình tự như trên. Bơ, chuối, xoài là những quả thuộc nhóm mềm. Cà rốt, táo, ổi thuộc nhóm cứng. Cần tây, rau cải thuộc nhóm nhiều xơ,….

Khi ép quá nhiều loại quả mềm cùng lúc, phần thịt quả bị nghiền nát dễ bị ứ đầy phía trên của trục thay vì cuộn xuống phía dưới, gây nên tình trạng tắc máy. Các loại củ quả nhiều xơ ép liên tục cũng dễ bị mắc vào máy. Vì vậy, bạn nên kết hợp ép các củ quả mềm trước cứng sau hay các loại củ quả nhiều xơ trước ít xơ sau để giúp máy có thể chạy một cách êm ái, tăng tuổi thọ.

Nên ép xen kẽ các loại nguyên liệu để hạn chế nghẽn máy ép chậm
Nên ép xen kẽ các loại nguyên liệu để hạn chế nghẽn máy ép chậm

Mẹo 2: Không thúc nguyên liệu quá nhiều, quá nhanh

Bạn chỉ cần thong thả cho nguyên liệu vào và để máy thực hiện công việc của mình. Khi hoạt động, máy ép chậm lần lượt cuốn và nghiền từng miếng nguyên liệu một để chắt lọc tối đa dưỡng chất từ rau củ quả. Việc nhồi nhét, thúc hay ấn mạnh các nguyên liệu có thể khiến máy xử lý kém hiệu quả, bị nghẽn và nước ép bị lẫn nhiều bã hơn.

3. Sử dụng lưới lọc của máy ép chậm đúng cách

Các dòng máy ép chậm thường cung cấp hai loại lưới lọc là lưới lọc tinh và lưới lọc thô. Nếu bạn muốn có cốc nước ép tinh khiết từ trái cây hay các loại hạt, lưới lọc tinh với kích thước lỗ cực bé sẽ giúp bạn gạn lọc bã xơ tối đa. Đặc biệt, khi kết hợp với rây lọc đặt trên bình hứng, nước ép sẽ trong hơn rất nhiều.

Nếu có nhu cầu làm sinh tố hoa quả, bạn có thể dùng lưới lọc thô để nước ép đậm đặc và nhiều thịt quả hơn. Tuy nhiên, lưới lọc thô chỉ phù hợp khi ép các loại trái cây mềm như kiwi, dâu tây, nho,… chứ không được khuyên dùng cho các nguyên liệu cứng như cà rốt, củ dền,…

Lựa chọn lưới lọc phù hợp giúp bạn tạo ra thức uống ngon đúng chuẩn
Lựa chọn lưới lọc phù hợp giúp bạn tạo ra thức uống ngon đúng chuẩn

4. Chuẩn bị nguyên liệu đúng cách trước khi dùng máy ép chậm

Chuẩn bị nguyên liệu đúng cách là một trong những lưu ý để máy hoạt động 10 năm chằng cần bảo hành.

Với các loại quả có kích thước lớn như cà rốt, táo, ổi, bạn hoàn toàn có thể xay nguyên trái. Tuy nhiên, nếu cắt nhỏ hoa quả, máy máy dễ dàng nuốt, nghiền nhỏ và ép nguyên liệu hơn. Điều này giúp bạn sẽ có lượng nước ép nhiều hơn, bã khô hơn và máy hoạt động êm ái, giúp kéo dài tuổi thọ máy.

Còn với các loại rau lá nhiều xơ thớ dọc như cần tây, cải kale, cải bó xôi, bạc hà,…, bạn nên cắt ngắn từ 1-3cm để tránh xơ dài vướng vào trục gây nghẽn máy.

Bên cạnh đó, hoa quả giữ lạnh được cho là dễ ép và cho ra lượng nước nhiều hơn. Sản phẩm cũng cực thích hợp cho mùa hè. Để có cốc nước ép lạnh thanh mát, bạn chỉ cần cho nguyên liệu vào túi hoặc hộp kín khi làm mát. Nhưng đối với các loại củ quả như cà rốt, bí đỏ, khoai lang, củ đậu,… sau khi cắt cần ngâm cùng nước lọc để tránh bị khô trong tủ lạnh.

Hi vọng rằng những kinh nghiệm này sẽ giúp bạn có những chiếc máy ép chậm bền bỉ, mạnh mẽ mà chẳng cần bảo hành.