Tung chài bắt cá trên sông Bàn Thạch

Rời nhà ra bờ sông, ông Phương, 68 tuổi, trú xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, cùng con trai Phạm Ty lên chiếc ghe dài chừng 5 m. Đứng cuối mũi, ông dùng sào đẩy ghe lướt trên mặt nước.

Khoảng 20 phút sau, ghe đến đoạn sông quen thuộc, nơi có nhiều đá ong phía dưới. “Sông chảy qua địa phương hơn 3 km song đoạn này có nhiều đá ong, cá thường trú ẩn”, người đàn ông hơn 50 năm quăng chài bắt cá chia sẻ.

Hai bố con ông Phạm Phương đang tung chài bắt cá. Ảnh: Đắc Thành

Chọn vị trí thích hợp, ông Phương cắm cây sào xuống đáy sông giữ ghe cố định. Phía đầu ghe, anh Ty, 37 tuổi, dùng lực hai cánh tay, xoay người 180 độ buông chiếc chài làm bằng dây cước gắn chì phía dưới, nặng hơn 10 kg. Chài dài 6 m tạo vòng tròn từ trên không rơi xuống mặt nước phát ra tiếng rầm. Trong tích tắc, chài lặn xuống đáy sông, ông Phương đẩy chiếc ghe di chuyển theo.

Sau vài phút, anh Ty thu chài. Công việc này đòi hỏi phải chậm rãi để chì nằm sát đáy ngăn cá thoát ra ngoài. Phần nữa kéo chậm tránh gốc cây, bãi đá phía dưới làm rách lưới. Thấy lưới bị giật mạnh, anh Ty dừng kéo, để chài cho bố giữ rồi lặn xuống. “Cá to thường ủi chì thoát ra nên phải bắt trước, còn cá nhỏ để lại khi gom lưới mới gỡ”, anh lý giải.

Sau hơn 10 phút, tấm lưới nằm dưới sông rộng gần 10 m2 được thu hẹp, bên trong là nhiều loài cá giãy đành đạch. Cho chài lên ghe, anh Ty gỡ bắt cá cho vào khoang và đổ ít nước để chúng sống. Hết mẻ lưới này, anh Ty qua đoạn sông khác tiếp tục công việc cho đến 9h nước lên thì nghỉ.

Anh Phạm Ty gỡ cá ra khỏi chài và cho vào khoang. Ảnh: Đắc Thành

Cũng đánh bắt cá trên sông Bàn Thạch, ông Phạm Cần, 62 tuổi, trú xã Tam Thăng, cho biết vùng sông này nước ngọt và ảnh hưởng của thủy triều lên xuống mỗi ngày. Lúc nước cạn, cá gom lại thì ông cùng vợ chèo ghe quăng chài.

Hơn 45 năm gắn bó với công việc này, ông Cần quen thuộc từng đoạn sông có nhiều cá trú ngụ. “Việc quăng chài bắt cá ai cũng biết nhưng để nó bung tròn đều thì không phải ai cũng làm được. Quá trình thao tác đòi hỏi người quăng phải có kỹ thuật thuần thục mới thực hiện được”, ông nói.

Theo ông Cần, để quăng chài tròn, tung được xa, người cầm phải biết chọn chỗ thuận tiện, giữ thăng bằng. Khi quăng phải rải chài ra đều hai tay, nâng lên ngực rồi xoay người lấy đà tung thật mạnh về phía trước. Chiếc chài sẽ bung tròn hết cỡ, chụp xuống nước thành khoảng rộng để bắt cá.

Mặc dù ông Cần đã quen thuộc các khúc sông, nhiều mẻ chài vẫn bị dính đá, gốc cây, phải lặn xuống gỡ.

Cá bắt được cho vào khoang có nước để duy trì sự sống. Ảnh: Đắc Thành

Mỗi mẻ lưới diễn ra từ 5 đến 10 phút, sau đó ngư dân đưa lưới lên ghe và di chuyển đến khu vực khác. Người theo nghề chài phải đầu tư tấm lưới 10 triệu đồng, sử dụng được 3 năm. “Nghề này không đòi hỏi kỹ thuật gì nhiều, song phải biết lặn giỏi, có sức khỏe. Dưới đáy sông có nhiều đá, gốc cây… mắc lưới buộc lặn xuống gỡ”, ông Cần nói.

Cá bắt được chủ yếu chép, bán giá 50.000 đồng/kg; cá leo 150.000 đồng/kg; rô phi 20.000 đồng/kg…, thỉnh thoảng được tôm càng xanh bán 500.000 đồng/kg. Ngày may mắn, một ghe có thể kiếm được hơn một triệu đồng, song có hôm chỉ bắt được vài con đủ bữa ăn cho gia đình.

Đắc Thành