Hoa kim châm Đà Lạt: Làm cảnh, món ngon, thuốc quý

Hoa kim châm vừa làm cảnh, vừa làm thức ăn lại có công dụng trị bệnh

Hoa kim châm còn có tên gọi khác là hoa hiên, được trồng chủ yếu ở Đà Lạt bởi nơi đây có khí hậu ôn hòa, quanh năm ẩm mát và thổ nhưỡng phù hợp. Làng Cù Lần là nơi ngắm được nhiều hoa kim châm nhất, đó cũng chính là lý do khiến loài hoa này trở thành nét đặc trưng của ngôi làng nhỏ.

Nằm ngủ một giấc thật sâu trong ngôi nhà nhỏ, buổi sáng chỉ cần vươn vai, mở mắt là thấy một cánh đồng hoa rực rỡ, nổi bật là hoa kim châm. Nếu thức dậy khi còn mờ sương, nơi đây chẳng khác gì chốn bồng lai tiên cảnh! (Ảnh: Vân Ngọc/H+)

Có người đến Đà Lạt là bị mê ngay cái vẻ đẹp rực rỡ của hoa kim châm, nhưng cũng có người phải qua thời gian tìm hiểu về công dụng chữa bệnh, nếm thử các món ăn từ hoa kim châm mới thực sự yêu thích loài hoa này.

Cây kim châm có ba công dụng chính, đó là làm cảnh, làm thực phẩm và làm thuốc trị bệnh. Trong y học hiện đại, kim châm là nguồn nguyên liệu tốt để bào chế tân dược. Loại hoa này chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe như protein, chất béo, nitro tự do, đường khử, tinh bột… Nó là nguồn vitamin A, thiamin (vitamin B1) và vitamin C dồi dào.

Bé gái Đà Lạt duyên dáng giữa cánh đồng hoa kim châm. Với vẻ đẹp chân phương rực rỡ, kim châm là một loài hoa đẹp mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất cao nguyên (Ảnh: Vân Ngọc/H+)

Kim châm từ lâu cũng được sử dụng như một vị thuốc dân gian có nhiều công dụng. Lá và hoa làm thuốc chữa chảy máu cam, viêm tuyến sữa, giúp an thai, lợi tiểu, trừ thấp nhiệt, làm yên ngũ tạng, giảm bốc hỏa (ở phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh), giúp ăn ngon ngủ yên, sáng mắt… Rễ cây vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thuỷ, lương huyết, chỉ huyết, được dùng làm thuốc lợi tiểu, giảm đau, chữa sốt, lỵ, nôn ra máu, đại tiện ra máu; Sỏi tiết niệu. Rễ cây cũng có tác dụng chữa ho ra máu, viêm gan, vàng da, viêm tuyến mang tai, viêm tai giữa, đau răng. Lá và rễ giã đắp có thể trị sưng vú.

Một trong những lợi ích sức khỏe được nhắc tới nhiều nhất của kim châm là làm tăng tiểu cầu, hồng cầu nhưng không ảnh hưởng đến số lượng và công thức bạch cầu nên có tác dụng bổ máu. Cách dùng rất đơn giản: Hoa kim châm khô 30gr, sắc với 300ml nước uống trong ngày, uống liên tục trong 1 tháng. Lưu ý là không nên dùng quá 30gr (kim châm khô) một ngày bởi có thể gây ngộ độc, biểu hiện là: Không kiềm được tiểu tiện, giãn đồng tử, ức chế hô hấp…

Hoa kim châm thật tài tình, dù rực rỡ nhưng lại không làm lu mờ vẻ đẹp của con người (Ảnh: Vân Ngọc/H+)

Hoa kim châm còn được dùng để chế biến các món ăn ngon dành cho người “sành”. Có nhiều cách chế biến hoa kim châm, nhưng ngon nhất là canh kim châm nấu với tôm, thịt. Ngoài ra, hoa kim châm cũng có thể xào thập cẩm, băm lẫn với thịt nạc hay hấp cách thuỷ cùng tim, cật lợn. Dù làm cách nào, kim châm vẫn giữ được vị ngon, ngọt không lẫn được với bất kỳ loại rau nào khác.

Hoa kim châm đẹp mà không “độc”, ngày đêm vươn mình để cống hiến cho đời, bảo vệ sức khỏe con người (Ảnh: Vân Ngọc/H+)

Hoa kim châm sớm nở tối tàn, mỗi bông chỉ có tuổi thọ trung bình một ngày. Vì thế, để không phí phạm công dụng tuyệt vời của hoa kim châm, người ta thường thu hái rồi phơi khô để sử dụng lâu dài.

Tới đây, có thể bạn sẽ muốn vào bếp nấu ngay món canh hoa kim châm với tôm, thịt cho cả nhà cùng thưởng thức. Nguyên liệu cho món này rất đơn giản, chỉ cần khoảng 1 lạng hoa kim châm, 10 con tôm thẻ, 1 lạng thịt lợn xay và vài cọng hành lá, rau mùi.

Cách nấu canh kim châm tôm, thịt:

– Tôm làm sạch, lột bỏ vỏ và đầu, chừa phần đuôi lại, sau đó chẻ lưng, móc chỉ đen ra.

– Hành tím băm nhuyễn.

– Bắc chảo lên bếp, cho dầu vào, đợi dầu nóng thì cho hành tím vào phi thơm, sau đó cho thịt xay vào xào săn và thêm ít nước mắm rồi tắt bếp. Cho vào nồi 3,5 lít nước, đổ tôm vào. Nêm nếm cho hợp khẩu vị.

– Bông kim châm rửa sạch và bỏ phần nhụy. Khi nước sôi, thả kim châm vào, đợi sôi lại thì tắt bếp, thêm chút mắm.

– Múc canh ra bát to và trang trí với hành và tiêu.

Chúc bạn ngon miệng và khỏe mạnh với món canh kim châm thanh mát!