* Ông Nguyễn Quang Hợp, GĐ Cty TNHH Hưng Thịnh: Chất bột trắng này do người Trung Quốc đưa sang và lén lút bán cho các thương lái, chủ vườn cao su
Ở các tỉnh Đông Nam bộ, gần đây xuất hiện tình trạng nhiều thương lái, hộ trồng cao su dùng một thứ bột trắng lạ pha vào mủ cao su nước nhằm gian lận thương mại. Việc gian lận này đang gây khốn khổ cho các NM và gây tác hại khôn lường tới cao su tiểu điền.
Thu mua mủ cao su tiểu điền ở ấp 2, xã Thới Hòa, Bến Cát, Bình Dương
Thương lái bó tay
Sáng 17/8, tại một khu vườn cao su thoáng mát ở ấp 2, xã Thới Hòa, huyện Bến Cát, Bình Dương, anh Lê Văn Danh, một thương lái đang tất bật thu mua mủ nước cao su vừa mới cạo xong do các hộ dân quanh đó liên tục chở đến. Giúp việc cho anh Danh là một người thợ trẻ có nhiệm vụ đưa từng chiếc can nhựa, từng bao, từng xô mủ nước đặt lên bàn cân rồi trút chung vào một cái thùng phuy to, đồng thời lấy mẫu ở từng can, từng bao để anh Danh thử hàm lượng.
Cách thử hàm lượng của anh Danh khá đơn giản. Anh dùng cái chảo nhôm nhỏ, đổ một ít mủ cao su nước vào, rồi đặt chảo lên một cái bếp gas mini. Cao su trong chảo nhanh chóng sôi lên rồi dần bay đi hơi nước, chỉ còn lại một lớp bột trăng trắng. Anh dùng một miếng nhựa dàn đều lớp bột đó trên mặt chảo rồi úp chảo xuống để hơ trực tiếp lớp bột trắng đó trên ngọn lửa. Đến khi lớp bột trắng đã se lại, ngả sang màu vàng sậm, anh Danh thả cái chảo vào một xô nước, sau đó dùng tay gỡ màng bột vàng sậm đó ra, vê lại thành một cục bỏ lên một cái cân nhỏ để biết xem bao nhiêu độ. Với những mẫu cao su không có dấu hiệu gì đặc biệt, việc kiểm tra như vậy là xong.
Nhưng với những mẫu có dấu hiệu lạ, anh Danh lại phải đem cục mủ cao su ra đốt thử. Chỉ vào mấy nhúm tro đen thui như muội đèn ở dưới đất, anh Danh bảo đó là những cục mủ cao su bị đốt có tạp chất như đường, muối, đất trắng … Mấy chủ vườn đã lén bỏ những chất này vào nhằm làm tăng độ cao su hoặc tăng khối lượng mủ. Nhưng đây chỉ là những tạp chất “truyền thống”, thương lái có kinh nghiệm có thể phát hiện dễ dàng bằng mắt thường hoặc bằng cách đốt thử cục mủ cao su.
Còn chất bột trắng lạ mà một số thương lái, chủ vườn mới dùng gần đây để pha vào mủ nước, thì người đã lâu năm trong nghề như anh Danh cũng phải bó tay. Anh kể “Cách đây chừng 7 ngày, tôi mang mủ đến giao cho nhà máy. Nhà máy lấy mẫu mang vào phòng thí nghiệm rồi thông báo trong mủ của tôi có chất bột lạ, phải loại bỏ tới vài chục ký mủ. Lúc đó mình mới tá hỏa vì đã kiểm tra bằng mắt thường, bằng cách đốt cục mủ mà sao vẫn không phát hiện ra được mẫu cao su nào bị pha trộn chất bột đó”.
Rời khỏi xã Thái Hòa, tôi theo QL13, đi tới xã Trừ Văn Thố cách đó vài chục cây số. Những vườn cao su tiểu điền ở đây cũng đang vào mùa thu hoạch rộ. Anh Trần Quốc Việt, một thương lái hành nghề đã hơn chục năm, cũng đang tất bật thu mua mủ cao su. Khi tôi hỏi về chất bột trắng lạ, anh Việt cho biết, do lâu nay anh hầu như chỉ mua mủ của những vườn quen biết, nên vẫn chưa dính phải lô mủ nào có chứa chất này.
Tuy nhiên, ở Trừ Văn Thố và một số xã lân cận, đã có những thương lái mua cao su nước bị dính phải chất này, khi mang đến nhà máy mới biết. Chất bột khiến cho cục mủ cao su trở nên khá nặng, không kém gì việc pha cao lanh vào trong mủ. Nhưng khi đem cục mủ đốt lên, cao lanh bị lộ tẩy ngay, còn chất bột vẫn “tàng hình” một cách kỳ lạ. Anh Việt thông tin thêm, những thương lái bị dính phải lô mủ nước bị pha chất bột này, thường do mua lại mủ của những người đi bán dạo hoặc mua của một số chủ vườn chưa quen biết.
Đốt cục mủ không thể phát hiện ra chất bột lạ
Nhà máy kêu trời
Theo ông Nguyễn Quang Hợp, GĐ Cty TNHH Hưng Thịnh, chất bột trắng lạ đó xuất hiện ở Đông Nam bộ khoảng 1 năm nay. Một số thương lái thu gom mủ nước ở các vườn cao su tiểu điền đã cho loại bột trắng vào nhằm chống đông mủ thay cho Ammoniac (vì giá Ammoniac cao hơn nhiều), và nhất là để làm tăng hàm lượng cao su. Nếu như các loại tạp chất khác như thạch cao, bột trét tường, đất sét trắng, đường, muối …, chỉ làm tăng khối lượng hoặc hàm lượng cao su, thì loại bột trắng này rất nguy hiểm ở chỗ làm cho mủ cao su bị sống ở bên trong và làm cho màu mủ cao su bị biến dạng (màu đen, màu xám …), khiến chất lượng cao su nguyên liệu suy giảm nghiêm trọng.
Những lô cao su nguyên liệu bị dính chất bột hầu như đều bị khách hàng trả lại. Ông Hợp khẳng định sự nguy hại của việc cho chất bột trắng vào mủ cao su, cũng chẳng khác gì trộn bùn đất, phân lân vào chè ở Tuyên Quang vậy.
Nguy hại là thế nhưng chất bột trắng này hầu như không thể bị phát hiện bởi các biện pháp thông thường và cũng khó bị loại bỏ khi dùng các biện pháp lọc rửa. Vì thế, không chỉ thương lái mà nhiều nhà máy cũng đã trở thành nạn nhân. Bởi đang vào mùa thu hoạch mủ cao su, lượng mủ hàng ngày đưa tới các nhà máy là không nhỏ. Để việc mua bán, tiếp nhận mủ được nhanh chóng, các nhà máy thường chỉ áp dụng những cách kiểm tra thông thường.
Trong khi đó, để phát hiện ra chất bột này, phải đưa mẫu mủ vào trong phòng lab và cần nhiều thời gian hơn. Chính vì thế, theo ông Nguyễn Quang Hợp, trong thời gian qua, hầu như nhà máy nào cũng đã từng dính phải những lô mủ cao su tiểu điền bị pha chất bột trắng đó, bị thiệt hại không nhỏ về kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của DN.
Để tự bảo vệ mình, nhiều nhà máy đang bắt đầu tẩy chay mủ cao su tiểu điền hoặc chỉ mua một cách cầm chừng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đang làm cho giá thu mua mủ cao su tiểu điền giảm xuống. Anh Lê Văn Danh cho biết hồi đầu vụ, giá mủ nước khoảng trên 900 đ/độ, đến nay đã giảm xuống còn 855 đ/độ. Nhưng điều đáng lo ngại nhất là việc tẩy chay mủ cao su tiểu điền sẽ ảnh hưởng lớn tới việc xuất khẩu cao su, tới cao su tiểu điền cũng như toàn ngành cao su, vì hiện nay, cao su đại điền chỉ chiếm 1/3 sản lượng mủ cao su cả nước, 2/3 còn lại là cao su tiểu điền.
Ông Nguyễn Quang Hợp, GĐ Cty TNHH Hưng Thịnh cho biết, thông tin từ một số thương lái cho hay chất bột trắng này do người Trung Quốc đưa sang và lén lút bán cho các thương lái, chủ vườn cao su có nhu cầu. Bản thân ông Hợp đã từng bỏ ra rất nhiều công sức để đi tìm kiếm chất này nhằm phân tích xem nó là chất gì, nhưng không thể tìm ra. Cuối cùng ông phải nhờ thương lái mua cho một ít chất đó để gửi về Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), nhờ Hiệp hội tìm cơ quan khoa học nào đó giải mã.
Về việc này, bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng Thư ký VRA, cho biết, Hiệp hội đã gửi Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam nhờ phân tích. Kết quả phân tích ban đầu cho thấy về các chỉ tiêu cơ lý, chất bột trắng không bị đốt cháy ngay khi ở nhiệt độ cao đến 550oC, bột này rất mịn, khó lọc qua rây quy định. Khi cán rửa trong quá trình sơ chế, nó có thể bị rửa trôi bớt, nhưng hàm lượng tro, chất bẩn còn lại vẫn quá cao so với tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép, làm giảm khả năng chống chịu với sự oxy hóa, do đó làm giảm chất lượng cao su sau khi sơ chế.
Vì thế, VRA khuyến cáo các Hội viên và nhà máy cần kiểm tra chặt chẽ các nguồn nguyên liệu mủ cao su mua từ các thương lái để phát hiện ngay khi tiếp nhận và cần phải dứt khoát từ chối mua những lô mủ có pha trộn tạp chất.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!