Các biện pháp giúp giảm tình trạng sưng khớp gối | BvNTP

Các nguyên nhân nào gây sưng đầu gối?

Nhiều tình trạng có thể gây ra sưng ở đầu gối bao gồm:

Chấn thương

Các tình trạng chấn thương sau đây có thể làm cho đầu gối bị sưng:

Bong gân: Có thể xảy ra do tác động mạnh hoặc vặn đầu gối.

Căng khớp gối: Đây là tình trạng cơ hoặc gân bị kéo căng hoặc bị rách. Căng khớp gối có thể xảy ra sau khi chuyển động đột ngột hoặc vặn xoắn đầu gối.

Rách sụn: Các sụn chêm giúp giảm ma sát giữa các đầu xương trong đầu gối. Các hoạt động gây xoắn đầu gối đột ngột có thể dẫn đến rách sụn chêm.

Viêm gân: Viêm gân đầu gối có thể do hoạt động quá mức của khớp gối.

Viêm bao hoạt dịch trước

Đây là những túi chứa dịch giúp giảm ma sát trong khớp. Bao hoạt dịch có thể bị viêm, tạo ra quá nhiều dịch dẫn đến sưng khớp. Nguyên nhân có thể do:

  • Áp lực liên tục lên mặt trước của đầu gối;
  • Chấn thương mặt trước của đầu gối;
  • Nhiễm trùng bao hoạt dịch.

Một số triệu chứng bao gồm:

  • Sưng mặt trước của đầu gối;
  • Đỏ hoặc nóng xung quanh đầu gối;
  • Cơn đau thường xảy ra trong hoặc sau hoạt động.

Viêm khớp

Viêm khớp gây viêm một hoặc nhiều khớp. Có hơn 100 loại viêm khớp trong đó 2 bệnh thường ảnh hưởng đến đầu gối là viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp.

Viêm xương khớp

Thoái hóa khớp làm cho sụn khớp bị mòn dần. Ở đầu gối, sụn đệm đầu xương tạo nên khớp gối bị thoái hóa, theo thời gian khiến đầu xương cọ xát với nhau gây ra đau. Ngoài ra, có thể có các triệu chứng khác như:

  • Đau khớp và cứng khớp;
  • Hạn chế của chuyển động trong khớp;
  • Tiếng lách cách khi gập, duỗi khớp;
  • Sưng quanh khớp;
  • Yếu các cơ xung quanh khớp;
  • Khớp gối lỏng lẻo, mất ổn định;
  • Tăng trưởng xương, hình thành các gai xương.

Viêm xương khớp phổ biến hơn ở những người trên 50 tuổi và có xu hướng xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn mãn tính, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các mô sụn và xương khỏe mạnh.

Ở đầu gối, viêm khớp dạng thấp có thể làm cho màng hoạt dịch lót bên trong khớp sưng lên dẫn đến đau nhức và giảm phạm vi chuyển động.

Viêm khớp do nhiễm trùng

Nhiễm trùng có thể xảy ra trong dịch hoặc mô của khớp. Nhiễm trùng có thể do vi rút, nấm hoặc vi khuẩn. Đa phần các trường hợp nhiễm trùng khớp do vi khuẩn Staphylococcus aureus.

biện pháp giúp giảm tình trạng viêm khớp

Các tác nhân này có thể xâm nhập vào khớp gối qua vết thương hoặc lây lan từ bộ phận khác của cơ thể. Ngoài ra, các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp nhiễm trùng:

  • Lớn tuổi;
  • Viêm xương khớp;
  • Viêm khớp dạng thấp;
  • Đái tháo đường;
  • Rối loạn chức năng phổi hoặc gan;
  • HIV;
  • Rối loạn sử dụng rượu;
  • Sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch;
  • Hệ thống miễn dịch bị ức chế;
  • Nhiễm trùng máu.

Ngoài ra, một người có tiền sử bị viêm khớp nhiễm trùng có nguy cơ tái phát bệnh cao hơn.

Các biện pháp giảm sưng đầu gối

Dưới đây là một số biện pháp để giảm sưng tại nhà:

Nghỉ ngơi

Tránh bất kỳ hoạt động nào có thể khiến đầu gối bị sưng giúp khớp có thời gian để chữa lành. Cần lưu ý tránh các bài tập hay hoạt động cần mang vác khối lượng nặng, điều này có thể làm trầm trọng thêm chấn thương đầu gối.

Thỉnh thoảng co nhẹ và duỗi thẳng đầu gối sẽ giữ cho đầu gối linh hoạt khi lành.

Chườm đá

Chườm đá lên đầu gối, mỗi lần từ 15-20 phút khiến cho các mạch máu gần khớp co lại có thể giúp giảm sưng.

Không chườm đá trực tiếp lên da vì có thể gây bỏng lạnh. Thay vào đó, hãy đặt nó vào một túi nhựa có thể buộc kín, sau đó bọc túi kín trong một chiếc khăn hoặc vải sạch trước khi chườm lên da.

Băng ép

Sử dụng băng ép để ngăn dịch tích tụ trong và xung quanh khớp có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm sưng.

Nên chọn loại băng rộng hơn giúp tạo áp lực vừa đủ mà không cản trở quá trình lưu thông máu. Băng quấn phải chắc nhưng không quá chặt.

Kê cao đầu gối

Khi trong trạng thái nghỉ ngơi, đầu gối bị sưng cần được kê cao hơn tim. Điều này giúp thoát dịch khỏi khớp và giảm lưu lượng máu đến khớp giúp giảm sưng khớp.

Dùng thuốc chống viêm

Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) sẽ giúp giảm sưng và viêm khớp gối và giảm đau.

Đối với trường hợp các cơn đau trầm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc mạnh hơn để điều trị sưng và giảm đau.

Tập các bài tập nhẹ nhàng

Các bài tập đẳng áp làm co một cơ hoặc một nhóm cơ cụ thể mà không khiến khớp cử động.

Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia về vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, các bài tập này để giúp tăng cường và hỗ trợ các cơ xung quanh đầu gối đồng thời giảm tích tụ dịch trong khớp.

Xoa bóp đầu gối

Xoa bóp có thể giúp thoát dịch ra khỏi đầu gối, có thể tự massage tại nhà hoặc đến các trung tâm vật lý trị liệu để được hỗ trợ.

Khi nào gặp bác sĩ

Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nếu tình trạng sưng khớp gối không cải thiện sau vài ngày nghỉ ngơi và chăm sóc tại nhà.

Các triệu chứng khác cho thấy cần được điều trị y tế bao gồm:

  • Đỏ hoặc nóng xung quanh đầu gối;
  • Đổi màu da dưới đầu gối;
  • Cứng khớp gối;
  • Đau, tê hoặc ngứa ran vùng da dưới đầu gối;
  • Đau đầu gối nghiêm trọng hoặc dai dẳng;
  • Không có khả năng duỗi thẳng khớp gối;
  • Đau khớp gối đi kèm với sốt.

Tóm lược

Sưng đầu gối có thể do hoạt động quá sức, chấn thương hoặc viêm khớp.

Việc áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà như chườm đá và kê cao khu vực này có thể làm giảm sưng và hỗ trợ điều trị. Nên đi khám bác sĩ nếu đầu gối sưng nặng dai dẳng hoặc nếu sưng kèm theo bất kỳ triệu chứng liên quan nào khác.

Chủ đề liên quan: cứng khớp gối

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh