Kỹ thuật trồng & chăm sóc hoa Lan phi điệp trong chậu đơn giản cho người mới chơi

Tuy là dễ trồng, nhưng đối với người mới mà nói thì tương đối khó khăn ở bước mua cây giống và giá thể trồng. Hơn nữa, nếu không nắm được các kỹ thuật cơ bản khi trồng lan phi điệp, thì cũng gặp trở ngại trong quá trình chăm sóc.

Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn bạn từng bước thực hiện chi tiết từ mua cây giống, chuẩn bị giá thể, cách trồng và chăm sóc. Bài viết được tham khảo từ kênh Youtube của Lan Rừng Cường Hiền. Bạn chỉ cần đọc hết một lượt là sẽ có một chậu lan mỹ mãn, tránh tiếp nhận quá nhiều thông tin khác sẽ khiến bạn bị rối.

Đặc điểm sinh trưởng của lan phi điệp

Lan phi điệp có tốc độ sinh trưởng ở mức trung bình, là loài cây ưa sáng, phát triển tốt ở nhiệt độ từ 23 đến 28 độ.

Hoa thường nở rộ vào cuối xuân hoặc đầu hè (tháng 4 đến tháng 6).

cách trồng lan phi điệp

Trước khi ra hoa, thân cây già thường khô lại, dần chuyển sang màu vàng rơm hoặc màu tím, khi đó lá bắt đầu rụng dần.

Tuổi thọ của lan phi điệp khá cao, cây có tuổi thọ 15 năm vẫn có thể ra hoa.

Thời vụ trồng hoa lan phi điệp

Thời điểm tốt nhất để trồng lan phi điệp là vào mùa ngủ của giả hành, nghĩa là từ khi giả hành tơ trụi hết lá cho tới khi sắp nảy mầm ở gốc.

Ví dụ, nếu hoa nở mùa xuân thì nên trồng vào tháng 11 âm lịch tới tháng 2 âm lịch năm sau; nếu hoa nở mùa hè thì nên trồng hoặc ghép vào cuối xuân đầu hè và để hoa ra đẹp thì vẫn phụ thuộc vào cách trồng lan phi điệp của từng người.

Phi điệp 5 cánh trắng vô thường

Thường thì đa số mọi người trồng lan phi điệp vào dịp cuối năm và trồng lan phi điệp trong chậu được mọi người ưa chuộng rất vì nó sẽ tôn lên vẻ đẹp của cây lan.

Tuy nhiên, bất cứ mùa nào chúng ta cũng có thể trồng được, nhưng nếu trồng trái mùa thì cây sẽ kém phát triển hoặc bị trột.

Ví dụ, nếu bộ rễ của mầm giả hành non đang phát triển rất khỏe, bạn bóc về trồng lại hoặc nhổ ra trồng lại sẽ làm hư hại bộ rễ dẫn đến cây lan sẽ mất sức hoặc thậm chí không mọc dài ra nữa.

Trồng lan phi điệp cần chuẩn bị gì?

Chuẩn bị là bước quan trọng nhất quyết định sự trồng thành công, nhiều người mơ hồ nhất ở bước này vì có quá nhiều luồng thông tin hướng dẫn khiến bạn bị rối.

Theo kinh nghiệm của mình thì do chi phí bắt đầu không cao, nên bạn cứ làm theo một hướng dẫn nào đó trên mạng. Không cần tìm hiểu quá nhiều thông tin. Sau này, tự bạn sẽ có kinh nghiệm, hoặc trong quá trình chăm sóc hễ gặp khó khăn gì thì lại tìm cách tháo gỡ.

Vậy cần chuẩn bị gì khi trồng lan phi điệp?

1. Cây giống

Cây giống lan phi điệp thường có 4 loại chính:

  • Khóm lan khai thác được trên rừng đã cắt rễ đòi hỏi kỹ thuật trồng cao.
  • Chậu lan ngoài cửa hàng đã lớn chỉ việc mua về chăm sóc.
  • Một khúc thân xin được, cắt từ cây mẹ, về phải tự xử lý, kích rễ và mầm.
  • Kie lan đã mọc mầm và rễ đầy đủ, sau khi mua về chỉ việc trồng ra chậu.

Ở đây mình sẽ hướng dẫn trồng loại 4, vì dạng này phổ biến nhất, cũng dễ tìm mua nhất, đồng thời chọn cây lớn hơn chút để dễ hướng dẫn bạn trồng hơn. Bạn có thể mua kie tại các vườn lan, cửa hàng cây cảnh hoặc mua online trên mạng.

Cây giống lan phi điệp

2. Chậu trồng

Do trồng một lần và không thay chậu nữa, nên tốt nhất là chọn chậu gỗ, vì vừa bền lại đảm bảo thẩm mỹ. Đương nhiên nếu điều kiện không cho phép, bạn cũng có thể dùng chậu nhựa.

Chậu trồng lan phi điệp

3. Giá thể

Vỏ thông các loại kích thước, rêu và xốp. Tất cả phải đã được xử lý cẩn thận.

Giá thể trồng lan phi điệp

4. Phân bón

Chuẩn bị phân tan chậm (phân trắng Đài Loan) và phân bón thông minh như ảnh bên dưới.

Phân bón trồng lan phi điệp

Cách trồng hoa lan phi điệp trong chậu

Bước 1: Đối với chậu gỗ, cần bọc mặt trong bằng một lớp lưới để tránh bị lọt giá thể ra ngoài. Sau đó lót dưới đáy một lớp xốp.

Chậu gỗ trồng lan phi điệp

Mục đích lót xốp là để giảm bớt lượng vỏ thông trong chậu, tạo sự thông thoáng và không bị đọng nước.

Bước 2: Cho một lớp vỏ thông vào chậu.

Cách trồng lan phi điệp 5

Bước 3: Cho 20-30 hạt phân bón tan chậm, một ít rêu và vài hạt phân bón thông minh như trong ảnh.

Cách trồng lan phi điệp 4

Rêu là để giữ ẩm cho giá thể, nếu giá thể khô lan sẽ kém phát triển. Còn lý do bón phân là để sau này rễ lan sẽ ăn xuống dưới, nếu không có phân nó sẽ ăn nổi trên bề mặt.

Bước 4: Cho một lớp vỏ thông to trên bề mặt.

Cách trồng lan phi điệp 3

Bước 5: Bây giờ, dùng 2 thanh kẽm (nhôm, móc quần áo), hoặc thanh kim loại bọc nhựa bán ngoài cửa hàng để buộc vào mặt chậu. Một thanh dạng chữ L, một thanh dạng ngang, 2 thanh giao nhau ở tâm chậu như hình bên dưới.

Cách trồng lan phi điệp 2

Bước 6: Tiến hành trồng lan phi điệp nổi trên bề mặt chậu.

Kỹ thuật trồng lan phi điệp 5

Dùng dây cố định thân lan với thanh kim loại.

Kỹ thuật trồng lan phi điệp 4

Chú ý: Tránh buộc dây vào mắt ngủ ở gốc, vì có thể khiến chúng không thể mọc lên.

Bước 7: Cho một ít vỏ thông nhỏ phủ lên rễ của lan, để chống khô rễ.

Kỹ thuật trồng lan phi điệp 2

Lưu ý: Phải để hở phần kie lan, nếu che lấp sẽ khiến nó bị thối.

Bước 8: Cuối cùng thêm một lượt rêu lên trên, để khi tưới nó ngấm nước, giữ ẩm và thấm dần xuống. Bởi vì trồng bằng chậu rất thoáng nên rất nhanh khô.

Kỹ thuật trồng lan phi điệp 3

Lưu ý: Rêu phải ngâm và luộc (xử lý) trước khi dùng, trong rêu này có thể chứa khá nhiều ốc sên, nếu chúng tồn tại sẽ tấn công chồi non của lan.

Sau khi trồng 3-5 ngày là có thể tưới nước, tuy nhiên thời gian tưới sớm hơn hay muộn hơn thì bạn cần quan sát xem tình trạng giá thể khô hay ẩm.

Cách chăm sóc lan phi điệp trồng trong chậu

Cách chăm sóc lan phi điệp khá đơn giản, sau khi ghép lan bạn có thể treo chúng lên và cho ăn nắng nhẹ khoảng 40 đến 50%.

Bạn cũng không cần thiết tưới luôn, vì để tránh những vết thương cơ giới trong quá trình ghép lan. Ta cần đặc biệt lưu ý thời tiết, nên tránh mưa khi ghép lan, tuyệt đối là mưa dầm.

1. Cách tưới nước

Vào tiết trời mùa hè, lan phát triển mạnh cho nên chăm sóc lan phi điệp trong giai đoạn này khá đơn giản, bạn cần tưới nước 2 đến 4 lần/tuần.

Cách chăm lan phi điệp

Vào mùa thu, quan sát thấy cây tăng trưởng chậm thì tưới nước ít lại, giảm mức độ tưới xuống 1 đến 2 lần/tuần để cây không bị thiếu nước và teo lại.

Thời gian lan phi điệp chuẩn bị để ra hoa là vào mùa đông, bạn hãy ngưng hẳn việc tưới nước trong giai đoạn này. Nếu độ ẩm quá thấp nên phun sương mỗi tháng 1 đến 2 lần.

2. Ánh sáng

Tuy rằng Lan phi điệp cần nhiều ánh sáng và gần như có thể để ở ngoài trời, nhưng để tránh việc lá non bị cháy nắng, bạn cũng nên chuẩn bị lưới che.

Thiếu nắng sẽ khiến chậu lan rất khó ra hoa. Khi thấy cây quặt quẹo, đó là dấu hiệu chậu lan của bạn thiếu nắng, lập tức đưa cây ra nơi có ánh sáng để lan tiếp tục phát triển.

3. Nhiệt độ

Lan phi điệp cần nuôi trong nhiệt độ từ 40 đến 80°F hay 8 đến 25°C. Thế nhưng, chúng có thể chịu nóng tới 100°F hay 38°C và lạnh tới 38°F hay 3.3°C.

Bên cạnh đó, lan phi điệp cũng khó lòng ra nụ nếu mùa đông không lạnh dưới 50°F hay 15.6°C trong vòng 4 đến 6 tuần liên tục.

4. Độ ẩm

Lan phi điệp mọc mạnh nếu độ ẩm đạt từ 60 đến 70%, độ ẩm quá thấp cây non sẽ không lớn được và bị teo đi.

5. Độ thoáng gió

Cây cũng không mọc mạnh nếu không thoáng gió và trong thời kỳ lan ra nụ nếu không thoáng gió nụ sẽ ít đi vì vậy chúng ta cần lưu ý về cách trồng lan phi điệp sao cho cây phát triển một cách tốt nhất.

Lưu ý: Có ba nguyên tắc cần tuân thủ: gió mà không gió; nắng mà không nắng; nước mà không nước? Chung quy lại là bạn cần giữ sao cho kiểu khí hậu của vườn ở mức cân bằng và gần giống với khí hậu vùng xuất xứ của lan.

6. Bón phân

Cách bón phân cho lan phi điệp cũng khá đơn giản, dùng phân vô cơ hoặc hữu cơ đều được. Tuy nhiên, chúng không ưa phân bón có nhiễu chất Nitrogen.

Bón phân cho lan phi điệp

Bạn nên bón với phân 15-15-15 cho đến tháng 9, từ tháng 9 đến tháng 11 bón 10-30-10. Từ tháng 12 cho đến hết tháng giêng năm sau ngưng hẳn việc bón phân.

Nếu bạn tiếp tục bón hoặc phân bón có nhiều chất Nitrogen quá, cây sẽ ra cây con (keiki) thay vì ra nụ.

7. Phòng bệnh

Cách phòng bệnh cho lan phi điệp là phun phòng bằng nước vôi trong. Một cục to bằng ngón tay cái cho vào 1,5 lít nước xong chờ lấy phần nước trong phun vào giá thể.

Phun 2 lần/tháng, có thể phun phòng bệnh bằng Starner (chuyên cho thân thòng), rẻ hơn thì Ridomil gold (50k/bịch).

Phòng bệnh cho lan phi điệp

Phun nước vôi trong làm cho cây cứng cáp và không bị thối vì vôi có nhiều canxi (Ca). Đồng thời, khả năng diệt khuẩn của vôi là rất tốt, Ridolmild gold thì phòng nấm chống thối nhũn, Starner thì chuyên diệt khuẩn nhưng không hại cho thân thòng.

Để việc chăm sóc lan phi điệp đạt hiệu quả tốt, ta cũng cần thường xuyên phun thuốc bảo vệ thực vật để tránh các mầm bệnh sinh sôi, phát triển gây hại cho lan. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể hòa tan vôi tôi trong nước, phun vào giá thể của lan phi điệp.

Tuy nhiên, sau 2 tiếng cần phun 2 lần bằng nước sạch để cây không bị nóng, cháy lá và định kỳ thực hiện 2 tháng/lần.

Lưu ý: Sau 2 tiếng thì xịt lại bằng nước trắng nhé các bạn.

Trên đây là những công đoạn để cho ra một chậu lan phi điệp có hoa thật đẹp. Chúng ta có thể thấy cách trồng và chăm sóc lan phi điệp cũng không khó như nhiều người vẫn nghĩ.

Qua bài viết này, mình hi vọng bạn sẽ biết được những quy trình và công đoạn để trồng cho mình một chậu lan phi điệp thật ưng ý nhé. Chúc bạn thành công!

Nguồn: Bài viết được tham khảo từ kênh Youtube của Lan Rừng Cường Hiền, bạn đọc có thể ghé thăm kênh để xem những video hướng dẫn về lan.