Các loại nhạc cụ phổ biến của dân tộc Việt Nam – Piano Đức Trí

Các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam không những thể hiện nét đẹp văn hóa Việt mà còn tạo nên những âm thanh độc đáo khác nhau. Các âm thanh muôn màu mang đến những cảm xúc khác nhau cho người nghe. Vậy tên các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam là gì? Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây để biết thêm những thông tin thú vị về chủ đề này.

Đàn Tranh Việt Nam

Đàn Tranh Việt Nam xuất hiện phổ biến trong các buổi diễn tấu, hòa nhạc, lễ hội, đệm đàn ngâm thơ kết hợp với nhiều nhạc cụ khác nhau. Đặc biệt, ngày nay, đàn Tranh xuất hiện trong các buổi biểu diễn nhạc trẻ như nhạc Pop, EDM sôi động tạo điểm thu hút đặc biệt.

đàn tranh
Đàn Tranh là loại nhạc cụ truyền thống Việt

Đàn Tranh thiết kế hình hộp chữ nhật, có chiều dài từ 110 – 130 cm. Đầu lớn có độ rộng khoảng 25 – 30 cm, được gắn nhạn (ngựa) đàn để gác dây. Đầy nhỏ có kích thước khoảng 15 – 20 cm, có trục để gắn cố định dây đàn.

Mặt đàn có hình vòm cong. Đàn được gắn số lượng dây khác nhau. Loại gỗ làm đàn tranh có tình truyền âm tốt nhất là gỗ ngô đồng.

Sáo trúc

Sáo trúc là hình ảnh xuất hiện phổ biến trong văn thơ cổ của người Việt. Sáo được làm từ ống trúc, nứa, lồ ô, gỗ, kim loại… Thân sáo gồm 6 lỗ bấm cách đều nhau theo hệ thống cung (Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si).

Ngoài ra, đàn có thể có 1 lỗ âm ở cuối cùng của cây sáo tạo âm trầm. Lỗ âm có thể có hoặc không. Thông thường, sáo trúc Việt Nam có âm vực rộng 2 quãng tám. Âm thanh từ sáo có màu sắc trong sáng, vui tươi hoặc buồn man mác gợi nhớ hình ảnh đồng quê.

Nghệ nhân có thể dùng các kỹ thuật khác nhau như rung, đánh lưỡi (đơn, kép, tam) hoặc phi (rung lưỡi cổ truyền) để thể hiện bản nhạc. Các nhấn hơi, luyến hơi, vuốt hơi, âm bội, ngón võ cũng là những kỳ thuật được sử dụng phổ biến.

Đàn Bầu

Đàn Bầu còn có tên gọi khác là độc huyền cầm. Như tên gọi của nó, đây là loại đàn truyền thống của người Việt xưa và chỉ có 1 dây. Nghệ nhân sử dụng que hoặc miếng gảy đàn vào dây để tạo ra âm thanh. Đàn được chia làm 2 loại, đàn Bầu thân tre và đàn Bầu hộp gỗ.

Đàn Bầu gồm các bộ phận như hộp đàn, trục lên dây, cầu âm, dây đàn, cầu đàn (vòi đàn), bầu đàn. Mặt đàn hơi cong, đáy đàn phẳng có lỗ nhỏ để treo đàn.

Vòi đàn có kích thước khoảng 10 cm hoặc 4 – 5 cm. Bộ phận được làm bằng tre, giang, gỗ mềm, thân dừa…

Đàn Tỳ Bà

Đàn Tỳ Bà thường xuất hiện trong các buổi ca thính phòng Huế. Đàn Tỳ Bà được làm từ gỗ ngô đồng. Cần đàn và hộp đàn có hình dáng như 1/2 quả lê. Cuối thân đàn gắn ngựa đàn để mắc các dây đàn. Thân đàn có chiều dài từ 94 – 100 cm.

Đàn Tỳ Bà
Đàn Tỳ Bà thể hiện trong buổi hoà nhạc Huế

Đầu đàn được chạm khắc các hoạ tiết mang đậm văn hoá Việt như chữ Thọ, con dơi… Cần đàn gắn 4 miếng ngà voi được gọi là Tứ Thiên Vương. Dây đàn Tỳ Bà cổ được se từ tơ tằm vuốt sáp ong hoặc dùng gân bò. Tuy nhiên, ngày nay,dây đàn được làm bằng nilon hoặc thép.

Đàn Đáy

Đàn Đáy còn có tên gọi khác là Đới Câm hoặc Vô Đề Cầm. Đàn có tên gọi Vô Đề Cầm vì đàn không có đáy. Đàn Đáy có 4 bộ phận chính là bầu đàn, cần đàn, đầu đàn, dây đàn.

Bầu đàn được làm bằng gỗ, hình thang cân. Đáy đàn lớn hơn đầu đàn. Kích thước đáy lớn thông thường là 23 – 30 cm, đáy nhỏ là 18 – 20 cm. Thành đàn có chiều dày từ 8 – 10 cm.

Cần đàn dài từ 1.1 – 1.3 m gắn từ 10 -12 phím đàn bằng tre đối với đàn Đáy hiện đại. Các phím đàn dày và cao. Đầu đàn thiết kế tựa như lá đề, gắn 3 trục điều chỉnh dây đàn.

Đàn Đáy gồm 3 dây gồm dây Hàng, dây Trung và dây Liễu, được làm bằng tơ se. Dây đàn mềm, dài giúp nghệ nhân dễ nhấn. Mỗi dây cách nhau 1 quãng 4. Dây đàn chia làm năm cung, bao gồm cung Nam, cung Bắc, cung Nao, cung Huỳnh và cung Pha.

Đàn Nguyệt

Ở miền Nam, đàn Nguyệt còn có tên gọi khác là Đờn Kìm. Đàn Nguyệt có hộp đàn như hình mặt trang nên có tên gọi như vậy. Đàn Nguyệt thường xuất hiện trong các buổi biểu diễn ca Trù, ca Chầu Văn, ca Huế, Đờn ca Tài Tử, Cải Lương.

Đàn Nguyệt gồm các bộ phận chính như bầu vang, cần đàn, đầu đàn, dây đàn. Xưa kia, đàn Nguyệt có 4 dây nhưng ngày nay, đàn còn 2 dây.

Bầu đàn có hình tràn dẹt, đường kính 30 cm. Thành bầu đàn dày 4 – 6 cm. Cần đàn làm bằng gỗ gắn 8 – 11 phím đàn để chỉnh dây và tạo sắc thái âm thanh khác nhau. Dây đàn gồm 2 dây, 1 dây to và 1 dây nhỏ được làm từ dây nilon.

Đàn Nhị, đàn Cò

Đàn Nhị, đàn Cò có tên gọi khác là đàn líu, đàn Cò Ke tuỳ thuộc vào vùng miền khác nhau. Đàn nhị gồm các bộ phận chính như: ống nhị, phải nhị, trục dây, dây nhị, cử nhị, cung vĩ.

Ống nhị có chiều dài phổ biến là 13.8 cm để khuếch đại âm thanh. Ống nhị được thiết kế gồm một đầu bịt kín bằng da rắn hoặc da kỳ đà. Đầu kia không bịt và xoè rộng. Ống nhị được làm bằng gỗ cứng.

Cần nhị có phần đầu cán được uốn mềm mại, uyển chuyển như cổ cò. Vì vậy, đàn có tên gọi là đàn Cò. Cần nhị có chiều dài khoảng 75.5 cm.

Trục dây được gắn xuyên qua cần nhị. Đàn Cò gồm 2 trục dây giúp dây căng hoặc chùn tạo âm thanh cao, trầm bằng cách căn vặn trục dây.

Dây nhị được làm bằng sợi nilon, kim loại. Mỗi chất liệu thể hiện sắc thái âm thanh khác nhau. Cử nhị là 1 vòng làm bằng đồng hoặc tơ để thay đổi độ cao của dây đàn giúp điều chỉnh âm thanh của đàn. Cung vĩ như 1 loại cung, làm bằng tre, gỗ uốn cong giữa 2 dây đàn.

Xem thêm: Đàn Piano Kawai

Đàn Tam Thập Lục

Đàn Tam Thập Lục là loại đàn có nguồn gốc từ Ba Tư và du nhập vào Việt nam ở thập niên 60. Đàn Tam Thập Lục có 36 dây nên đàn có tên gọi như vậy. Tuy nhiên, ngày nay, đàn Tam Thập Lục được gắn nhiều dây hơn mang đến nhiều âm thanh ở các độ cao khác nhau.

Đàn Tam Thập Lục
Đàn Tam Thập Lục có 36 dây

Đàn Tam Thập Lục có hình thang cân gắn 2 hàng ngựa đàn. Mỗi hàng ngựa đàn gắn từ 16 – 18 ngựa đàn được đặt so le nhau.

Các dây đàn được làm bằng kim loại nên khi đánh đàn, người nghe có thể cảm nhận những âm thanh trong trẻo phát ra.

Khi biểu diễn, nghệ nhân thường sử dụng các kỹ năng như ngón rung, ngón vê, ngón bịt, đánh chồng âm, hợp âm… Đàn Tam Thập Lục thường xuất hiện trong các buổi chèo, cải lương kết hợp cùng các nhạc cụ dân tộc khác.

Đàn Sến

Đàn Sến (Đàn Hoa Mai) có hộp đàn tựa như hình hoa mai. Mặt và đáy đàn được làm bằng gỗ nhẹ, xốp. Thành đàn có kích thước khoảng 6 cm, làm bằng gỗ cứng. Cần đàn dài 70 cm gắn 17 phím bấm dựa trên 7 cung chia đều. Đàn có 2 trục để điều chỉnh dây và 1 trục để trang trí.

Người chơi thường sử dụng các kỹ thuật như ngón phi, ngón nhấn, ngón luyến, ngón vuốt, chồng âm để thể hiện những bản nhạc.

Đàn Đá

Đàn Đá là nhạc cụ phổ biến ở khu vực Tây Nguyên, Việt Nam. Đàn được chế tạo từ chất liệu thô sơ, đó chính là đá. Đàn được làm bằng các thanh đá có chiều dài, chiều dày khác nhau. Điều này giúp các thanh đá có những âm vực trầm, cao của các nốt nhạc.

Ở âm vực cao, tiếng đá thánh thót, vang vọng, xa xăm. Ở âm vực thấp, tiếng đá rền vang, trầm lắng. Các âm thanh của đá được người xưa quan niệm như tiếng hát kết nối giữa núi trời, thần linh, hiện tại và quá khứ.

Đàn Gáo

Đàn Gáo hay còn gọi là Đàn Hồ. Đây là loại đàn được phát triển từ Đàn Nhị. Kích thước bầu cộng hưởng của Đàn Gáo lớn hơn tạo âm trầm hơn Đàn Nhị. Đàn Gáo có âm thanh thấp hơn so với Đàn Nhị từ 3 – 8 cung. Đàn Gáo thường được sử dụng để đệm nhạc với giọng nam trung, nữ trung, nam trầm. Vì thế, đàn Gáo mang âm thanh suy tư, trầm mặc, giai điệu buồn.

Đàn Gáo gồm các bộ phận như bầu cộng hưởng, dọc đàn, trục đàn, ngựa đàn, dây đàn, khuyết đàn, cung vĩ. Đàn Gáo có bầu đàn như cái gáo nên được gọi là Đàn Gáo.

Xem thêm: Đàn Piano Yamaha

Đàn T’Rưng

Đàn T’rưng cũng là một trong những nhac cụ truyền thống Việt Nam ở khu vực Tây Nguyên. Đàn được sử dụng trong các buổi diễn tấu hoặc các lễ hội sinh hoạt cộng đồng các dân tộc. Đàn T’rưng được làm từ các ống nứa khô có các chiều dài, độ rộng khác nhau.

Đàn T’rưng gồm 2 bộ phận là ống hơi và thanh cộng hưởng. Các bộ phận này gắn kết với nhau để tạo nên âm thanh. Các ống hơi của đàn T’rưng được gắn trên hai sợ dây. Người chơi cầm dùi gõ trên từng ống đàn để tạo ra bản nhạc.

Đàn T’rưng thiết kế 6 – 7 âm bao gồm các âm Si – Rê#1 – Fa1 – Sol#1 – La1 – Si1 hoặc Đô1 – Rê1 – Fa1 – Sol1 – La1 – Đô2. Ngoài ra, đàn T’rưng ngày nay được chế tác âm vực cao hơn từ 3 – 8 quãng.

Đàn Piano

Đây là một trong những nhạc cụ được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam, là một nhạc cụ sử dụng bộ dây phím tạo ra âm thanh loại này rất phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên toàn thế giới, được các bạn trẻ yêu thích nhất. Với âm thanh phát ra khi đánh đàn tạo ra các âm vang rất đặc sắc. Nên đàn piano luôn được đánh giá rất cao là nhạc cụ thông dụng nhất hiện nay.

Đàn Đoản (đàn Tứ)

Đàn Tứ được thiết kế 4 dây với tên gọi khác là đàn Nhật. Đàn có thiết kế cần đàn ngắn hơn đàn Nguyên, thùng đàn hình tròn to hơn Đàn Nguyệt.

Đàn Tứ
Đàn Tứ gồm 4 dây với thùng đàn tròn

Đàn Tứ gồm các bộ phận như bầu vang, mặt đàn, cần đàn, đầu đàn, dây đàn. Đàn Tứ tạo ra những âm thanh vui tươi nên phù hợp để biểu diễn các bản nhạc sôi động. Các sợi dây đàn được làm từ dây tơ, dây nilon giúp thể hiện các âm thanh trữ tình.

Đàn Tứ có 2 quãng tám. Đàn có 4 dây gồm 2 dây to đồng âm, 2 dây nhỏ đồng âm trên 2 trục hoặc 4 dây với 4 âm khác nhau.

Dây đàn Tứ được chỉnh khá căng nên nghệ nhân thường đánh đàn bằng kỹ thuật ngón vê. Đàn mang âm hưởng Tây phương nên phù hợp biểu diễn các thể loại âm nhạc dân gian mang phong cách hiện đại.

Khèn

Khèn hay còn gọi là Kênh là loại nhạc cụ thổi hơi truyền thống của người dân tộc H’Mông. Khèn có 6 ống trúc rỗng có chiều dài khác nhau. Các ống trúc được xuyên qua 1 bầu gỗ. Trên bầu gỗ, gắn 1 ống trúc khác tạo ống thổi. Trên mỗi ống trục nằm ngang có gắn lưỡi gà.

Người chơi lấy tay bịt các lỗ bấm của ống và thổi hơi khiến lưỡi gà rung tạo âm thanh. Phụ thuộc vào độ dài của ống trúc khác nhau, âm thanh phát ra khác nhau. Các nghệ nhân thường dùng kỹ thuật như vỗ, vê, ngắt, láy hợp âm… để biểu diễn.

Cồng chiêng

Cồng chiêng cũng là một trong những nhạc cụ dân tộc ở khu vực Tây Nguyên. Cồng chiêng thiết kế hình tròn tựa như nón quai thao. Cồng chiêng được làm từ đồng thau nguyên chất, có đường kính từ 20 – 60 cm.

Nghệ nhân dùng dùi gỗ quấn vải hoặc dùng tay đánh vào mặt cồng chiêng. Cồng chiêng có đường kính càng lớn thì âm thanh càng trầm, nhỏ. Cồng chiêng càng nhỏ thì âm thanh càng cao.

Cồng chiêng là nhạc cụ được thể hiện chủ yếu, nổi bật trong buổi Lễ hội Cồng Chiêng. Lễ hội được tổ chức thường niên tại các tỉnh có văn hóa Cồng Chiêng.

Trống

Trống là nhạc cụ quyết định nhịp độ của bản nhạc. Trống gồm các bộ phận như mặt trống, thân trống, đế trống. Trống thường được biểu diễn trong các dàn nhạc truyền thống Việt Nam trong các buổi hát Bội, hát Cải Lương, Chèo…

Bộ trống gồm trống cái, trống đại, đại cổ trong âm nhạc truyền thống Việt Nam. Trống cái là loại trống to nhất, có đường kính 50 cm. Trống được làm bằng gỗ, có hình dáng như thùng rượu. Khi đánh, trống phát ra âm thanh trầm, mạnh.

Song Loan

Song Loan hay Song Lang là nhạc cụ cổ truyền của người Việt. Song Loan có kích thước nhỏ bé. Nghệ nhân có thể cầm trên tay để biểu diễn.

Song Loan được làm bằng mảnh gỗ dày từ 2 – 4 cm, đường kính 7cm. Miệng gỗ được xẻ sâu vào 1/3 thân để âm thanh thoát ra. Cần gõ gắn lưỡi thép có độ đàn hồi cao và 1 miếng gỗ.

Song Loan là nhạc cụ quan trọng trong các buổi diễn Đờn ca tài tử hoặc Cải lương. Nhạc trưởng thường sử dụng Song Loan để điều chỉnh nhịp điệu của bản nhạc.

song loan
Song Loan biểu diễn nhạc truyền thống

Sênh tiền

Sênh Tiền là nhạc cụ xuất hiện hàng trăm năm trước đây ở Việt Nam. Sênh Tiền còn có tên gọi khác là Sinh Tiền vì nhạc cụ có gắn các đồng tiền.

Sênh Tiền gồm 3 thanh gỗ được làm bằng gỗ trắc hoặc gỗ cẩm lai. Hai thanh gỗ đầu được gắn kết với nhau bằng dây da ngắn. Thanh thứ nhất có gắn 2 cây đinh cố định 2 đồng tiền. Thanh thứ hai gắn 1 cây đinh cố định 1 đồng. Thanh thứ nhất và thanh thứ 2 có 10 răng cưa ở phần đầu, phần cuối không có răng cưa để cầm.

Nghệ nhân chơi Sênh Tiền phải có bàn tay uyển chuyển như múa. Sênh Tiền thường xuất hiện trong các buổi biểu diễn Dàn nhạc Cung Đình Huế, Chầu Văn, ca Huế, Bát Âm, Hát Sắc Bùa, Hát Ả Đào… làm nhạc cụ tấu, giữ nhịp…

Trên đây là các thông tin về các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam mà chúng tôi muốn giới thiệu đến các bạn. Hy vọng qua bài viết, bạn đã phần nào hiểu thêm nền văn hoá âm nhạc Việt.

Ngoài các loại nhạc cụ trên, Việt Nam còn có các loại nhạc cụ truyền thống của các dân tộc thể hiện đậm đà bản sắc để bạn có thể tham khảo. Nếu bạn là người có đam mê với âm nhạc thì hãy trải nghiệm các loại nhạc cụ này để hiểu thêm nhé. Chúc các bạn khám phá thêm những kiến thức mới về âm nhạc Việt!.