HƯỚNG DẪN CÁCH LẤY LIỀU INSULIN DẠNG LỌ DÙNG BƠM TIÊM 1ML

Có một thực trạng là nhiều bệnh nhân ĐTĐ đang mắc một số sai sót trong sử dụng bơm 1ml để tiêm insulin dạng lọ. Trong đó có thao tác quan trọng là lấy liều tiêm. Sau đây là các thông tin hướng dẫn cụ thể từ tổ DLS-TTT BV A Thái Nguyên

Hiện nay, do chi phí điều trị rẻ nên Insulin dạng lọ cho điều trị bệnh nhân ĐTĐ vẫn sử dụng nhiều tại Việt Nam, đặc biệt là các bệnh viện tuyến dưới, các vùng có kinh tế còn khó khăn. Loại bơm tiêm 1ml ( bơm U40 và Bơm U100) thường dùng phù hợp với dạng lọ insulin (Lọ U40 và lọ U100) để bệnh nhân dể dàng lấy liều tiêm nhất. Nhưng qua một số nghiên cứu trong nước và quốc tế mới nhất cho thấy một số sai sót còn diễn ra trong sử dụng insulin dạng lọ đã và đang ảnh hưởng lớn đến chất lượng điều trị ĐTĐ, trong đó có thao tác lấy liều tiêm. Vì vậy, thông qua bài viết này chúng tôi sẽ đưa ra các hướng dẫn chi tiết, củ thể hơn để bệnh nhân có thể lấy liều tiêm chính xác.

Tổng quan về các loại insulin dạng lọ và các loại bơm tiêm sử dụng

1. Lọ insulin

Hiện nay có 2 loại lọ insulin với các nồng độ 40 IU/mlvà 100 IU/ml [1].

Bảng 1: Các dạng lọ Insulin

STT

Lọ

Nồng độ

1

U40

40 IU/ml

2

U100

100 IU/ml

– Cấu tạo insulin lọ: Lọ thủy tinh, chứa dung dịch hoặc hỗn dịch insulin, chân không. Lọ được đậy bằng nắp cao su dẻo, kín, trên cùng có nắp cứng.

2. Bơm tiêm 1ml

– Các loại bơm tiêm:

Có 3 loại bơm tiêm 1 ml hiện đang được sử dụng cho insulin dạng lọ.

Hình 1: Các loại bơm tiêm

Các loại bơm tiêm hiện tại đang được sử dụng:

+ Bơm tiêm 40 IU/ml, nắp đỏ: khuyến cáo Sử dụng cho lọ U40 (40 IU/ml) (12 – 12,7 mm, 30 G).

+ Bơm tiêm 100 IU/ml, nắp cam: khuyến cáo sử dụng cho lọ U100 (100 IU/ml) (12 – 12,7 mm, 30 G).

+ Bơm không chuyên dụng 1 ml: không được khuyến cáo sử dụng (12 – 12,7 mm, 26 G).

– Cấu tạo chung của bơm tiêm 1ml:

Hình 2: Cấu tạo bơm tiêm

Bơm tiêm 1 ml cấu tạo gồm ba phần chính: Thân bơm tiêm, kim tiêm, piston

+ Thân bơm tiêm: Là một ống dài hình trụ, có vạch chia, thể tích 1 ml. Với bơm tiêm 40 IU/ml thì có 40 vạch chia 0 đến 40 IU, khoảng cách giữa 2 vạch là 1 IU. Với bơm tiêm 100 IU/ml thì có 50 vạch chia từ 0 đến 100 IU, khoảng cách giữa 2 vạch là 2 IU [3]. Bơm 1 ml không chuyên dụng có 2 thang đo, thang đó thứ nhất có có 50 vạch từ 0 đến 1 ml, khoảng cách giữa 2 vạch là 0,02 ml. Thang đo thứ 2 có 40 vạch, ký hiệu 10-20-30-40-50-60-70-80 với 40 vạch và không có đơn vị đo, khoảng cách giữa 2 vạch có thể hiểu là 0,025ml.

+ Kim tiêm: Kim được bao ngoài bằng một nắp chụp để bảo vệ đầu kim, kim được gắn liền với bơm tiêm hoặc không tùy vào loại bơm tiêm.

+ Piston có nút đẩy sau cùng, gloăng cao su ở đầu nhằm duy trì độ kín cho bơm và chọn liều theo vạch đầu gloăng.

– Đặc điểm chung của kim tiêm

Đối với kim tiêm insulin, có 2 thông số cần quan tâm là cỡ kim (đơn vị là gauge, ký hiệu G) và độ dài kim (đơn vị tính là inch hoặc mm). Cỡ kim (gauge) là thông số biểu thị cho độ lớn đường kính ngoài của mũi kim. Khuyến cáo sử dụng cỡ kim từ 29 G đến 32 G khi tiêm insulin, không nên sử dụng cỡ kim bé hơn 29 G bởi sẽ gây đau nhiều hơn [3]. Về độ dài mũi kim, hiện có sẵn trên thị trường các sản phẩm với độ dài mũi kim từ 4 – 12,7 mm. Tuy nhiên, do insulin được tiêm dưới da, độ dài mũi kim được khuyến cáo sử dụng là từ 4 – 6 mm [2]. 3. Cách lấy liều tiêm

Trước khi sử dụng insulin dạng lọ, bước đầu tiên cần phải luôn luôn phải kiểm tra tính tương thích của bơm tiêm và lọ thuốc [3].

Bảng 2: Lựa chọn bơm tiêm

Theo các khuyến cáo hiện nay, thì bơm 40UI dùng cho lọ 40U, bơm 100UI dùng chọ lọ 100U. Tuy nhiên do tính sẵn có, chi phí điều trị cao khi dùng các loại bơm này và bảo hiểm không chấp nhận thanh toán bơm tiêm 1ml kèm theo nên bệnh nhân hầu hết phải tiết kiệm chi phí bằng cách tăng số lần tái sử dụng bơm tiêm, dùng bơm tiêm không phù hợp hoặc dùng bơm tiêm không chuyên dụng 1ml. Sau đây là các hướng dẫn lấy liều cho tất cả các trường hợp, phù hợp với tình hình thực tế.

4. Cách lấy liều tương ứng với các trường hợp

Bảng 03: Cách lấy liều tương ứng với các trường hợp

STT

Lọ Insulin

Loại bơm tiêm sử dụng

Đặc điểm bơm tiêm tương ứng với dạng lọ insulin

Cách lấy liều

1

Lọ U40

Bơm 40UI

40 vạch (1 vạch = 1UI)

Bệnh nhân lấy số liều tương ứng với số vạch (ví dụ: liều là 20UI/lần thì bệnh nhân lấy đứng đến vạch thứ 20 trên bơm tiêm trùng với vạch ký hiệu 20)

2

Lọ U100

Bơm 100UI

50 vạch (1 vạch = 2UI)

Bệnh nhân lấy số liều tương ứng với số vạch là bội số 2 (ví dụ: bệnh nhân lấy liều 30UI/lần, thì số vạch tương ứng là 30/2=15 vạch trên bơm tiêm, tương ứng lấy đến vạch thứ 15, trùng với vạch ký hiệu 30)

3

Lọ U40

Bơm 100UI

50 vạch (1 vạch = 0.8 UI)

Bệnh nhân lấy số liều bằng bội số của 0.8 (ví dụ:bệnh nhân lấy liều 10UI/lần. thì số vạch tương ứng 10/0.8=12.5 vạch, tương ứng lấy đúng đến giữa 2 vạch 12 và 13)

4

Lọ U100

Dùng bơm 40UI

40 vạch (1 vạch = 2.5 UI)

Bệnh nhân lấy số liều bằng bội số của 2.5 (ví dụ:bệnh nhân lấy liều 15UI/lần. thì số vạch tương ứng 12/2.5=6 vạch, tương ứng lấy liều đến vạch thứ 6 trên bơm tiêm)

5

Lọ U40

Bơm 1ml không chuyên dụng

Nên dùng thang đo thứ 2 với 40 vạch tương ứng 1ml, ký hiệu vạch là 10-20-30-40-50-60-70-80 (1 vạch = 0.025ml, khi dùng lọ 40UI thì quy đổi 1 vạch = 1 UI)

Dùng thang đo thứ 2: Bệnh nhân lấy số liều bằng số vạch tương ứng (ví dụ: bệnh nhân lấy 20UI/lần thì bệnh nhân lấy đúng đến vạch thứ 20 trên thang đo thứ 2, tương ứng với ký hiệu vạch là 40 trên thang đo thứ 2)

6

Lọ U100

Bơm 1ml không chuyên dụng

Nên dùng thang đo thứ nhất với 50 vạch tương ứng 1ml, ký hiệu vạch 0.1-0.2-0.3….1,l (1 vạch tương ứng = 0.02ml, khi dùng lọ 100U thì quy đổi vạch = 2UI)

Dùng thang đo thứ nhất: Bệnh nhân lấy số liều bằng bội số của 2 (ví dụ: bệnh nhân dùng 40UI/lần, thì vạch tương ứng là 40/2=20 vạch, tức là lấy đến vạch thứ 20 trên thang đo thứ nhất, tương ứng ký hiệu là 0.4 trên thang đo thứ nhất)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y Tế (2017), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 (Ban hành kèm theo Quyết định số 3319/QĐ-BYT ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

2. Kalra Sanjay, Balhara Yatan Pal Singh, Baruah Manash P, Chadha Manoj, Chandalia Hemraj B, Chowdhury Subhankar, Kumar KM Prasanna, Modi Sonal, Pitale Shailesh, Shukla Rishi (2012), “Forum for injection techniques, India: The first Indian recommendations for best practice in insulin injection technique”, Indian journal of endocrinology and metabolism, 16(6), pp. 876-885.

DLS-TTT KHOA DƯỢC&