Tìm hiểu về toàn bộ các huyệt trên cơ thể | Vinmec

Trên cơ thể người có rất nhiều huyệt đạo, trong đó có những huyệt đạo thường hay được sử dụng trong điều trị bệnh.

2.1. 20 huyệt ở đầu mặt cổ thường dùng

  • Dương bạch (Kinh Đởm): Vị trí nằm ở trên cơ trán tính từ điểm giữa cung lông màu đi lên. Huyệt có tác dụng điều trị nhức đầu, liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, viêm màng tiếp hợp, viêm tuyến lệ, lẹo, chắp.
  • Ấn đường (Ngoài kinh): Vị trí nằm ở giữa đầu của 2 cung lông mày. Có tác dụng chữa sốt cao, nhức đầu, chảy máu cam, xoang trán.
  • Tình minh (Bàng quang kinh): Vị trí nằm ở chỗ lõm cạnh góc trong mi mắt trên 2mm. Được sử dụng trong chữa chắp, viêm tuyến lệ, liệt VII ngoại biên, viêm màng tiếp hợp.
  • Toán trúc (Bàng quang kinh): Vị trí nằm ở chỗ lõm đầu trong cung lông mày. Được dùng trong chữa các bệnh về mắt, đau nhức đầu, liệt VII ngoại biên.
  • Ty trúc không (Tam tiêu kinh): Vị trí nằm ở chỗ lõm đầu ngoài cung lông mày. Được dùng trong chữa bệnh về mắt, đầu, liệt VII ngoại biên.
  • Ngư yêu (Ngoài kinh): Vị trí nằm ở điểm giữa cung lông mày. Thường dùng trong điều trị liệt VII ngoại biên, các bệnh về mắt.
  • Thái dương (Ngoài kinh): Vị trí nằm ở cuối lông mày hay đuôi mắt đo ra sau một thốn, huyệt ở chỗ lõm trên xương thái dương. Thường sử dụng trong chữa nhức đầu, đau răng, viêm màng tiếp hợp.
  • Nghinh hương (Đại trường kinh): Cách xác định huyệt là từ chân cách mũi đo ra ngoài 4mm (hoặc kẻ một đường thẳng ngang qua chân cánh mũi, gặp rãnh mũi má là huyệt). Thường dùng trong điều trị viêm mũi dị ứng, ngạt mũi, chảy máu cam, liệt VII ngoại biên.
  • Nhân trung (Mạch Đốc): Nằm ở giao điểm 1/3 trên và 2/3 dưới của rãnh nhân trung. Thường dùng trong chữa ngất, choáng, sốt cao co giật liệt dây VII.
  • Địa thương (Kinh Vị): Nằm ở phía ngoài khéo miệng 4/10 thốn. Thường sử dụng trong chữa liệt dây VII, đau răng.
  • Hạ quan (Kinh Vị): Vị trí nằm ở phần lõm, điểm chính giữa của khớp thái dương hàm, ngang phần nắp tai. Ứng dụng trong chữa điếc tai, ù tai, liệt dây VII ngoại biên, viêm khớp thái dương hàm.
  • Giáp xa (Kinh Vị): Cách xác định là từ góc xương hàm dưới đo vào 1 thốn, từ huyệt Địa thương đo ra sau 2 thốn về phía góc hàm, huyệt nằm ở chỗ lồi cao cơ cắn. Huyệt được ứng dụng trong chữa đau răng, liệt dây VII, cấm khẩu, đau dây thần kinh V.
  • Thừa khấp (Kinh Vị): Vị trí nằm ở hõm dưới ổ mắt (từ giữa mi mắt dưới đo xuống khoảng 7/10 thốn). Huyệt được dùng trong chữa viêm màng tiếp hợp, chắp, lẹo, liệt dây VII ngoại biên.
  • Liêm tuyền (Mạch Nhâm): Vị trí nằm ở chỗ lõm bờ trên sụn giáp. Huyệt được dùng trong chữa nói khó, nói ngọng, nuốt khó, câm, mất tiếng.
  • Ế phong (Tam tiêu kinh): Nằm ở chỗ lõm giữa xương hàm dưới và xương chũm, (ấn dái tai xuống tới đâu là huyệt tại đó). Huyệt được dùng trong chữa liệt dây VII, ù tai, điếc tai, viêm tuyến mang tai, rối loạn tiền đình.
  • Bách hội (Đốc mạch): Huyệt nằm ở giữa đỉnh đầu, nơi gặp nhau của đường kéo từ đỉnh 2 loa tai với mạch đốc. Huyệt được sử dụng trong chữa sa trực tràng, nhức đầu, cảm cúm, trĩ, sa sinh dục.
  • Tứ thần thông (Ngoài kinh): Gồm có 4 huyệt cách huyệt Bách hội 1 thốn theo chiều trước sau và hai bên. Các huyệt này được sử dụng trong chữa đau đầu vùng đỉnh, cảm cúm, các chứng sa.
  • Đầu duy (Kinh Vị): Nằm ở góc trán trên, giữa khe khớp xương trán và xương đỉnh. Huyệt được dùng trong điều trị đau dây V, ù tai, điếc tai, liệt dây VII, đau răng.
  • Quyền liêu (Tiểu trường kinh): Vị trí huyệt là thẳng dưới khoé mắt ngoài, chỗ lõm bờ dưới xương gò má. Huyệt được dùng trong chữa đau dây V, đau răng, liệt dây VII.
  • Phong trì (Kinh Đởm): Cách xác định huyệt là từ giữa xương chẩm và đốt sống cổ I đo ngang ra 2 thốn, huyệt ở chỗ lõm phía ngoài cơ thang, phía sau cơ ức đòn chũm. Huyệt phong trì thường sử dụng trong chữa đau vai gáy, tăng huyết áp, bệnh về mắt, cảm mạo, nhức đầu.