Thai 35 tuần: Sự phát triển và lưu ý quan trọng cho mẹ – MarryBaby

Sự phát triển của thai 35 tuần tuổi

1. Thai 35 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn?

Cân nặng: Ở tuần thứ 35 của thai kỳ, bé đang tăng cân đều đặn khoảng gần 30g mỗi ngày. Theo Hiệp hội Sản phụ Hoa Kỳ (American Pregnancy Association – APA), giờ đây, bé đã nặng khoảng 2,4 kg và dài hơn 46,2cm, như một quả bí nghệ.

Sau khi biết thai 35 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn, mẹ cũng có thể cần chú ý thêm các chỉ số thai 35 tuần khác như:

  • Đường kính lưỡng đỉnh thai 35 tuần (BPD): 81 – 93 mm, trung bình 87mm.
  • Chiều dài xương đùi (FL): 62 – 74mm, trung bình 67mm.
  • Chu vi vòng bụng (AC): 279 – 350mm, trung bình 315mm.
  • Chu vi vòng đầu (HC): 304 – 341mm, trung bình 322mm.
  • Cân nặng ước tính (EFW): 2154 – 3086g, trung bình 2595g.

Vậy mẹ đã biết thai 35 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn rồi! Mẹ đọc tiếp một số thông tin để được giải đáp câu hỏi thai nhi 35 tuần phát triển như thế nào nhé!

2. Thai 35 tuần phát triển như thế nào?

Mẹ đọc nội dung liên quan đến thai 35 tuần phát triển như thế nào sau đây:

  • Phân su: Bé đang “rụng” dần phần lớp lông tơ bao phủ cơ thể và lớp sáp bao phủ làn da của bé trong suốt chín tháng nằm trong túi nước ối. Bé nuốt vào các chất này cùng các chất bài tiết khác; và cho kết quả là một hỗn hợp màu đen, gọi là phân su; “thành phẩm” của lần bài tiết đầu tiên của bé sau khi chào đời.
  • Chất béo: Ở thời điểm này, “không gian” trong tử cung chật chội hơn nên bé sẽ chuyển từ đấm đá qua lăn và ngọ nguậy. Sự phát triển của bé bây giờ tập trung vào chất béo, để bé có da có thịt hơn khi chào đời.
  • Nước ối: Khi thai 35 tuần, lượng nước ối sẽ giảm bớt cho đến khi mẹ sinh con.
  • Thận: Thận của bé đã phát triển đầy đủ và gan có thể xử lý một số chất thải. Hầu hết sự phát triển cơ bản về thể chất của thai nhi đã hoàn thiện. Bé sẽ dành vài tuần tới để tăng cân.
  • Trí não: Vào lúc thai 35 tuần, một thứ khác đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc là trí não của bé. May mắn thay, phần bao quanh bộ não tuyệt vời đó – hộp sọ – vẫn còn mềm. Lý do là hộp sọ mềm sẽ cho phép bé chui qua ống sinh dễ dàng hơn.
  • Tư thế của bé: Thường bé sẽ nằm ở tư thế đầu chúc xuống. Nhưng nếu thai 35 tuần chưa quay đầu thì sao? Nếu sau 35 tuần thai nhi vẫn chưa quay đầu thì sẽ khó cho việc xoay đúng ngôi thuận bởi vì giai đoạn này kích thước thai nhi lớn lên từng ngày khiến tử cung mẹ ngày càng chật chội hơn. Bác sĩ có thể đề nghị thực hiện “ngoại xoay thai” để dỗ bé vào vị trí quay đầu xuống bằng cách thao tác từ bên ngoài bụng của mẹ. Tuy nhiên, vẫn có 1 số trường hợp thai nhi tuần 36 đến 37 xoay đầu như bình thường. Mẹ đừng quá căng thằng và hãy chờ đợi thêm nhé.

Vào cuối tuần này, bé sẽ được coi là đủ ngày đủ tháng. Các bé sinh trước 37 tuần được coi là sinh non và những bé sinh ra sau 42 tuần được coi là sinh muộn.

3. Thai 35 tuần là mấy tháng?

Nếu mẹ mang thai được 35 tuần thì mẹ đang ở tháng thứ 8 của thai kỳ. Chỉ còn 1 tháng nữa thôi là bé yêu sẽ chào đời. Sau khi biết được thai 35 tuần là mấy tháng; mẹ đọc tiếp để hiểu sự thay đổi trong cơ thể của mình nha.

Sự thay đổi của cơ thể mẹ khi thai 35 tuần

1. Các cơn co thắt, chuyển dạ giả khi mẹ mang thai 35 tuần

Mẹ cũng có thể nhận thấy những cơn co thắt xảy ra thường xuyên hơn. Cần báo với bác sĩ về những dấu hiệu chuyển dạ của mình. Như một quy luật chung, nếu mẹ mang thai đủ tháng, thai không có biến chứng và ối vẫn chưa vỡ; bác sĩ có thể sẽ bảo mẹ chờ cho tới khi xuất hiện những cơn co cứng bụng với tần suất khoảng 10 phút 1 đến 2 cơn.

Braxton Hicks, các cơn co chuyển dạ giả, có thể đến thường xuyên hơn, kéo dài và khó chịu hơn. Đôi khi, các cơn co Braxton Hicks có cường độ và nhịp độ khó phân biệt với các dấu hiệu của chuyển dạ sớm.

Theo các bác sĩ, mẹ mang thai 35 tuần gò nhiều cần đến khám để chạy máy đo cơn co; kiểm tra xem cơn gò kéo dài trong bao nhiêu giây và bao lâu sau thì cơn gò này dừng lại.

Việc kiểm tra này nhằm phân biệt giữa những biểu hiện của dọa sinh non với dấu hiệu sinh non thực sự. Mẹ có thể phân biệt cụ thể như sau:

Nếu cơn gò là trường hợp dọa sinh non:

  • Mẹ sẽ thấy đau bụng có tính chất từng cơn; tức nặng bụng dưới, đau lưng; ra dịch âm đạo màu hồng hoặc dịch nhầy.
  • Cơn co tử cung với tần suất 2 cơn/10 phút, thời gian co cứng dưới 30 giây; cổ tử cung đóng hoặc mở dưới 2cm.

Nếu cơn gò là dấu hiệu sinh non:

  • Mẹ sẽ thấy đau bụng từng cơn, tính chất đều đặn và tăng dần; ra dịch âm đạo, dịch nhầy, máu và nước ối.
  • Cơn co tử cung có tính chất dày hơn từ 2 – 3 lần/10 phút, và tăng dần theo thời gian; cổ tử cung mở trên 2cm; thành lập đầu ối và vỡ ối.

Lưu ý gọi bác sĩ ngay nếu nhận thấy thai máy ít hay có dấu hiệu bị rỉ nước ối; hoặc nếu mẹ thấy có chảy máu âm đạo, bị sốt, nhức đầu nặng hoặc kéo dài, đau bụng liên tục hoặc thị lực thay đổi.

>> Mẹ xem thêm Thai 35 tuần gò nhiều, bình thường hay bất ổn?

2. Mẹ thỉnh thoảng sẽ bị đau đầu

Nếu đầu mẹ đập thình thịch, đó có thể là do một số lý do; bao gồm cả việc quá nóng hoặc bị kẹt trong một căn phòng ngột ngạt. Mẹ hãy đi ra ngoài để hít thở không khí hoặc mở cửa sổ. Và hỏi bác sĩ loại thuốc giảm đau nào là an toàn khi mang thai.