Uống trà đường có tăng huyết áp không

Mặc dù trà đường là đồ uống kiêng kỵ đối với bệnh nhân cao huyết áp nhưng trà không thêm đường lại rất phù hợp với nhóm người bệnh này. Việc sử dụng các loại trà hằng ngày một cách hợp lý, kết hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học và luyện tập phù hợp có thể góp phần hạ huyết áp.

2.1 Lợi ích của trà đối với bệnh nhân cao huyết áp

Nhiều nghiên cứu cho thấy, các loại trà như trà xanh, trà đen, trà ô long,… có tác dụng giảm huyết áp. Lợi ích này đến từ các hợp chất trong nhóm catechin có trong trà. Tuy nhiên, hàm lượng catechin trong trà xanh cao hơn so với trà đen và trà ô long (do trà đen và trà ô long được lên men nhiều hơn – làm giảm hàm lượng catechin).

Khi uống trà, catechin và các chất chống oxy hóa khác trong trà sẽ làm giãn mạch máu, hỗ trợ hạ huyết áp. Các chất chống oxy hóa này kích thích 1 loại protein có trong cơ trơn cấu thành mạch máu. Khi protein bị kích hoạt, mạch máu sẽ giãn ra, máu lưu thông tốt hơn, làm giảm huyết áp.

Đồng thời, trà còn chứa L-theanine – 1 loại axit amin có tác dụng làm giảm huyết áp ở người bị căng thẳng. Nó giúp giảm bớt lo âu, stress, hỗ trợ giảm huyết áp hiệu quả.

2.2 Cách sử dụng các loại trà giảm huyết áp

Trà xanh

Trong trà xanh có tới hơn 4.000 chất hóa học, đặc biệt là flavonoid có thể giúp cơ thể chống lại bệnh tim và đột quỵ – 2 biến chứng nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp.

Tuy nhiên, trà xanh không phải là loại thức uống phù hợp với mọi đối tượng. Cụ thể, phụ nữ mang thai và cho con bú nên tránh hoặc sử dụng trà xanh một cách cẩn thận. Nếu muốn uống, không uống quá 6 cốc (tương đương 200mg caffeine) mỗi ngày. Đồng thời, người bệnh tăng huyết áp cũng không nên uống trà xanh thay thế cho nước lọc hằng ngày. Bệnh nhân chỉ nên uống 1 – 2 cốc/ngày. Việc quá lạm dụng trà xanh có thể dẫn đến táo bón; nam giới dễ bị mệt mỏi hoặc liệt dương.

Ngoài ra, khi dùng trà xanh để ổn định huyết áp, nên chọn búp chè non, còn tươi; không nên sử dụng lá trà hoặc đã phơi khô. Nên pha trà vừa đủ lượng, không quá đặc để tránh gây mất ngủ hoặc ảnh hưởng tới tim mạch. Thời điểm lý tưởng để uống trà xanh là sau khi ăn khoảng 1 giờ, trước khi đi ngủ khoảng 4 – 5 giờ.

Trà đen

Trà đen được sản xuất từ lá cây Camellia sinensis. Loại trà này có chứa caffeine, các chất kích thích và nhiều chất chống oxy hóa. Các chất chống oxy hóa trong trà đen có tác dụng làm giảm cholesterol xấu, cải thiện sức khỏe tim mạch và làm giảm lượng đường trong máu. Đồng thời, L-theanine trong trà đen cũng giúp cải thiện sự tập trung, nâng cao sức khỏe tinh thần của người bị tăng huyết áp.

1 nghiên cứu của Thụy Điển trên 74.961 người trong hơn 10,2 năm cho thấy: Việc tiêu thụ 4 tách trà đen trở lên mỗi ngày giúp giảm nguy cơ đột quỵ.

Tuy nhiên, trà đen cũng chứa caffeine. Do vậy, người dùng không nên uống quá nhiều, không uống quá 8 tách trà/ngày để duy trì lượng caffeine an toàn nạp vào cơ thể. Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú nên sử dụng trà đen ít hơn, theo khuyến nghị của bác sĩ.

Trà ô long

Trà ô long là 1 loại trà truyền thống của Trung Quốc. Loại trà này được sản xuất từ lá cây trà – loại cây dùng làm trà xanh và trà đen. Trà ô long có chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe. Uống trà ô long thường xuyên có tác dụng hỗ trợ giảm huyết áp và nồng độ cholesterol trong máu, góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch đến 61%.

Catechin có trong trà ô long còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể, đốt cháy lượng calo, giảm mỡ thừa và giảm nguy cơ béo phì. Ngoài ra, L-Theanine, EGCG và caffeine trong trà ô long cũng có tác dụng giúp người sử dụng thư giãn đầu óc, tinh thần hưng phấn, minh mẫn và tập trung hơn.

Khi uống trà ô long, người dùng nên uống sau khi ăn khoảng 1 giờ. Không nên uống trà trong khi ăn, không uống trước khi ăn sáng (bụng đói) vì các chất trong trà có thể gây kích thích ruột non.

Như vậy, đáp án cho câu hỏi cao huyết áp uống trà đường được không chính là: Không. Tuy nhiên, người bệnh cao huyết áp có thể uống trà không pha đường. Đây là thói quen lành mạnh giúp giảm huyết áp (khi kết hợp với việc thay đổi lối sống, tập thể dục và dùng thuốc). Người bệnh chỉ cần chú ý thưởng thức loại đồ uống này với lượng phù hợp để tránh tiêu thụ quá nhiều caffeine.