Mối liên quan giữa caffein và huyết áp | Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Chào bạn,

Cà phê với hoạt chất caffeine giúp đầu óc tỉnh táo, tăng cảm giác hưng phấn, thúc đẩy năng lực sáng tạo, làm việc. Một số người có thể bị hoa mắt, chóng mặt, bồn chồn, mất ngủ hay run tay vì tác dụng kích thích này.

Về mặt tim mạch, đúng là uống cà phê có làm tăng huyết áp. Tuy nhiên, mức độ tăng huyết áp không nhiều chỉ khoảng 10 mm Hg đối với người không quen uống và khoảng 5 mm Hg ở người nghiện cà phê. Tác dụng tăng huyết áp cũng không kéo dài. Do đó, khi đi kiểm tra huyết áp, chúng ta không được uống cà phê 30 phút trước khi đo.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra uống cà phê không làm tăng nguy cơ bệnh tim hay đột quỵ, mà còn cho thấy uống cà phê nguyên chất tốt cho gan. Một vài nghiên cứu thậm chí còn cho thấy uống cà phê làm giảm huyết áp. Khi uống cà phê, nhịp tim nhanh hơn, tim đập dồn dập hơn, nhưng không thể dễ dàng gây nên các rối loạn nhịp tim nguy hiểm hay lên cơn đau tim.

Nhưng lưu ý, cà phê có tác dụng làm tăng sự hưng phấn tinh thần. Nó tăng sự tập trung trí óc và hiệu quả làm việc. Tuy nhiên, caffeine cũng có thể gây tác hại đến sức khỏe nếu lạm dụng. Các nghiên cứu trên chuột (caffeine có tác động trên động vật giống như ở người) với liều cao kéo dài liên tục cho thấy, caffeine có thể gây mệt mỏi, suy nhược, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, các bệnh tim mạch, tá tràng…

Một số người có thói quen uống cà phê nhiều lần trong ngày. Điều này có thể chấp nhận được nếu cà phê pha loãng, không đường và không quá 4-6 ly mỗi ngày( cà phê pha loãng), tức là vào khoảng 600ml. Điều cần chú ý là độ loãng của cà phê. Các loại cà phê pha bằng máy tự động thường loãng hơn nhiều so với cà phê pha bằng phin có khi đến 5-6 lần. Điều này có nghĩa là 6 ly cà phê loãng này chỉ bằng một tách cà phê phin. Nếu nghiện cà phê đậm đặc, cũng không nên vượt quá 2 ly (đậm đặc) mỗi ngày để hạn chế mắc các bệnh như như trên… Hơn nữa nhiều người có thói quen uống cà phê pha với sữa hoặc đường ngọt mỗi ngày vô tình làm tăng đường huyết đối với người bị tiểu đường.

Cà phê thường được lạm dụng trong những trường hợp cần thức để làm việc. Nhưng ít ai chú ý đến việc sau thời gian tỉnh táo dưới tác dụng của cà phê, các giấc ngủ thường kéo dài hơn. Quy luật sinh lý của cơ thể cần được tôn trọng, các tế bào thần kinh cần có thời gian nghỉ ngơi sau khi hoạt động gắng sức. Nếu uống cà phê liên tục để kích thích trí não, có thể dẫn đến tình trạng suy nhược thần kinh, gia tăng nhạy cảm với stress hoặc gây nghiện.

Như vậy, tác dụng của cà phê tùy vào cơ địa mỗi người (có người hợp người không), tùy vào độ đậm đặc cà phê và số lần uống cà phê mỗi ngày, thì uống hay không tùy vào quyết định của bạn. Nếu uống vào em thấy vui vẻ, hăng hái thì hãy tiếp tục uống, nhưng khi uống hãy lưu ý những nêu trên… Còn ngược lại thấy bứt rứt, mất ngủ, bồn chồn thì nên ngưng. Và nếu quyết định ngưng thì giảm từ từ đừng ngưng ngay vì nó sẽ làm bạn mệt mỏi, uể oải, lừ đừ, thiếu năng lượng, không tích cực làm việc…

Trẻ em, phụ nữ có thai hay đang cho con bú không nên dùng cà phê. Ngoài ra, bệnh nhân mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường, loét dạ dày tá tràng, suy nhược thần kinh… cũng cần hạn chế cà phê. Cuối cùng, xin nhắc lại để phòng tránh bệnh tim mạch nói chung và bệnh tăng huyết áp nói riêng, chúng ta nên có một lối sống lành mạnh: ăn nhạt, giảm mỡ, giảm đường, cai thuốc lá, hạn chế rượu bia, tập thể dục, giảm cân, tránh stress… là quan trọng.

Chúc bạn thật nhiều sức khỏe, sống vui và hạnh phúc, trân trọng!