Lạm dụng và sử dụng sai tiếng nước ngoài – VnExpress

Người gửi: Nguyễn Thu Quỳnh, Gửi tới: Ban Văn hoáTiêu đề: Lạm dụng và sử dụng sai tiếng nước ngoài

Gần đây, tôi thấy có 2 cách sử dụng từ (để tạo phong cách) rất bất hợp lý. Xin kể ra, đó là “thế hệ 8X” và U17, U20, U60… Ở đây tôi xin bàn ý nghĩa thật và thông dụng của những cách sử dụng từ này trên thế giới.Đầu tiên là với 8X. Tôi không rõ người viết nào là người có “vinh hạnh” trở thành người đầu tiên sử dụng cụm từ “thế hệ 8X.” Có lẽ đây là cách nói duy nhất theo kiểu Phương Tây nhưng không may lại chẳng “giống Tây” gì cả. Ý tôi muốn nói là, một cách nói “Ta không ra ta, mà Tây cũng chẳng ra Tây”.

Các tác giả sử dụng cụm từ này muốn đề cập đến thế hệ những người sinh ra trong những năm từ 1980 trở lại 1989. Thế hệ những người sinh ra trong thập kỷ 80 đã bắt đầu tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hoá, và chính trị, với tư cách là những người trưởng thành và những người có nét riêng biệt về quan niệm về cuộc sống, tình yêu, cũng như… công nghệ khoa học.

Ở đây, tôi không muốn bàn đến ý tưởng của các tác giả sử dụng cụm từ “thế hệ 8X,” tôi chỉ muốn nói rằng sự sáng tạo của họ là đáng quý, nhưng không đi kèm hiểu biết về ngôn ngữ. Trên thế giới hầu như khi chữ X đi cùng với một con số, nó biểu hiện dấu số nhân. VD: Ổ đĩa CD-ROM 48X, nghĩa là tốc độ nhanh hơn 48 lần. Khi viết 8X, có lẽ chỉ có tác giả và những người tạo ra cụm từ này mới hiểu được ý nghĩa của cụm từ. Bản thân tôi, tôi tự hỏi, “Thế hệ 8 lần nghĩa là gì?” Tôi có thể khẳng định rất nhiều người sẽ hiểu đây là một thế hệ máy móc nào đó chứ không phải là thế hệ con người.

Có lẽ những người tạo ra cụm từ cho rằng X thường được sử dụng ám chỉ một ẩn số, nên viết 8X là đủ. Thông thường nếu không sử dụng X, người ta có thể viết năm 80, năm 81,… Nhưng khi muốn sử dụng X, thì phải viết đầy đủ 198X. Giả sử bây giờ bạn viết 0X để chỉ những năm đầu của thế kỉ 21, đố ai hiểu được ý bạn muốn viết gì. Bạn nên viết là 200X. Tôi cũng đoán mò rằng những tác giả của cụm từ “thế hệ 8X” có được ý tưởng từ cụm từ “Generation X.” Rất không may, thế hệ X thực ra là những người sinh ra từ 1965 đến 1981. Thế hệ sau 1981 thường được gọi là thế hệ Y (Generation Y). Nói 8X để chỉ những người sinh ra trong những năm 1980, thì 9X, 7X, 6X là để chỉ những người sinh ra vào các thập kỷ 90, 70, 60. Cứ nhìn vào cách viết này, đảm bảo nhiều người sẽ thấy khó chịu và thực ra chưa ai viết lách như vậy bao giờ. Về phương diện sáng tạo, việc viết “thế hệ 8X” để nói về những người sinh ra vào thập kỷ 1980 là một cách “sáng tạo” tự phát thiếu sức biểu cảm và rõ ràng là không thể sử dụng một cách rộng rãi vì sẽ gây nhầm lẫn.Cụm từ thứ hai tôi muốn nói đến là U17, U20,… thường được dùng trong thể thao để nói đến giới hạn tuổi. Chữ U là viết tắt của chữ “under” trong tiếng Anh. Chữ này nghĩa là “phía dưới”, điều này thì ai cũng biết. U17, U20 la under 17, under 20, nghĩa là, dưới 17, dưới 20. Nghĩa là các cầu thủ, vận động viên không được quá 17, quá 20.

Đơn giản là vậy, nhưng gần đây rất nhiều tác giả, đặc biệt là các phóng viên, rất thích sử dụng U17, U20, U60… để ám chỉ những người bằng hoặc hơn giới hạn tuổi. Ví dụ, nhiều tác giả viết U40, U50 để ám chỉ những người 40, 50 tuổi, hoặc hơn nữa. Như vậy là sai. U40, U50 chỉ nghĩa là dưới 40, dưới 50. Ví dụ cụ thể hơn nữa là bài báo về một thày giáo THCS ở Quảng Nam đi thi đại học ở Huế khi ông 60 tuổi. Tác giả “hí hửng” gọi ông là thí sinh U60. Khổ nỗi, ngay cả nếu lúc đó ông giáo 59 tuổi, thì ông không phải là thí sinh U60 duy nhất, mà toàn bộ các thí sinh đại học năm đó là U60. Chỉ qua cách sử dụng như vậy cũng cho thấy trình độ của nhiều tác giả vẫn còn rất giới hạn.Viết vài dòng này, tôi biết sẽ làm phật lòng một số người. Tuy nhiên, tôi muốn chỉ ra đây một ví dụ, để thấy rằng trình độ dân trí của ta vẫn còn rất thấp, tỷ lệ mù chữ cũng rất thấp, để thấy rằng ta cần phải chỉnh đốn giáo dục, khuyến khích giới trẻ đọc nhiều không chỉ tài liệu trong nước, mà cả sách báo nước ngoài, khuyến khích học ngoại ngữ…

Ví dụ tôi muốn nói tới như sau. Gần đây, tôi có liên lạc với anh bạn người châu Âu hiện làm giám đốc điều hành một số nhà máy ở Bình Dương. Tôi hỏi anh: “Tình hình kinh tế Việt Nam anh biết nhiều hơn tôi, hãy cho tôi biết cơ hội làm ăn cũng như việc làm ở Việt Nam như thế nào”. Anh bạn tôi không muốn làm tôi thất vọng, nên nói: “Tình hình kinh tế tiến triển tốt, cơ hội kinh doanh rất nhiều, nhưng lao động thì kém vô cùng”. Cơ quan anh tuyển kỹ sư, mà phần lớn những người được phỏng vấn không biết 1 mét khối bằng bao nhiêu lít. Một kiến thức mà theo như anh bạn tôi là kiến thức “mà trẻ con tầm 12 tuổi ở những nước khác đều biết.” Tôi chẳng biết anh bạn tôi có quá lời hay không. Nhưng điều anh nói cũng làm tôi suy nghĩ về mặt bằng trình độ dân trí của ta.

Ý kiến của bạn