Mục đích tự thân – Báo Nghệ An

(Baonghean) – Tự mình đặt ra một mục đích hay tự nhận thức ra một việc gì đó là đúng đắn, cần làm theo rồi tự mình chủ động, tích cực thực hiện mà không chờ ai bảo ban, nhắc nhở. Như thế gọi là mục đích tự thân. Nghĩa là, làm cho chính bản thân mình. So với mục đích do bên ngoài đưa đến thì mục đích tự thân có tính tự giác cao hơn. Vì thế, kết quả đạt được thường cao hơn mục đích không tự thân.

Sở dĩ bàn đến mục đích tự thân là vì có một việc đã nói mãi rồi, đó là tiết kiệm. Nhất là tiết kiệm chi tiêu công. Thế nhưng, cả xã hội vẫn thường xuyên lo ngại, kêu ca, phàn nàn về cách sử dụng ngân sách nhà nước theo những cách rất lãng phí. Cho dù, ở tầm vĩ mô, Đảng, Nhà nước đã xác định cho toàn dân rằng: tiết kiệm là quốc sách. Ở tầm vi mô, chúng ta đã có khá nhiều phong trào, giải pháp thực hành tiết kiệm. Mấy năm gần đây, cả nước tiến hành học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong đó, vấn đề tiết kiệm của công được đặt lên hàng đầu và được các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị rầm rộ hưởng ứng.

Và thế là, sau mỗi đợt sơ kết, tổng kết việc học tập, làm theo cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng có mục thống kê là đã tiến hành các biện pháp tiết kiệm như thế nào. Từ việc nhỏ như ra khỏi phòng làm việc là tắt đèn, tắt quạt, đọc tài liệu chuyển công văn qua mạng để tiết kiệm giấy và mực in. Rồi không “nấu cháo, hầm thuốc bắc” trên điện thoại cơ quan…Cho đến những việc lớn như không mua ô tô đắt tiền, không xây dựng các công trình chưa cần thiết…Việc gì đáng chi thì chi việc gì không đáng thì kiên quyết không chi tiền ngân sách. Nghe rất cụ thể và cũng rất kiên quyết. Số tiền tiết kiệm được từ các hành vi đó cũng được kê ra rất chi tiết.

Có điều, chưa thấy ai kiểm chứng những con số đó chính xác đến đâu. Mà chỉ thấy, việc chi tiêu của công vẫn lãng phí, núp dưới đủ mọi hình thức khác nhau. Bằng chứng là tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, diễn ra ngày 29-12 vừa rồi, đích thân Thủ tướng Chính phủ đã phải than phiền rằng “chúng ta cứ nói tiết kiệm chi, không dám mua ôtô cỡ 700 – 800 triệu đồng, nhưng chỉ một đoàn đi nước ngoài khoảng 10 thành viên thanh toán vé máy bay, tiền khách sạn hết khoảng 50.000 USD, đã hơn tiền chiếc ôtô…Hiện nay còn lãng phí lớn lắm.

Ta còn nghèo, đầu tư đang giảm như thế, nhưng đầu tư kém hiệu quả, lãng phí ở đâu cũng có”. Ngày xưa, ông cha ta đã dạy “buôn tàu, bán bè không bằng ăn dè, hà tiện” là ý muốn nói chi tiêu tiết kiệm, có kế hoạch cũng quan trọng chẳng kém gì so với việc làm ra. Thế mà, ở ta, thời gian qua, việc “buôn tàu, bán bè” chưa giỏi hơn ai mà tiêu xài thì trong không ít việc, ở không ít nơi cứ gọi là “vung tay quá trán”, “bóc ngắn, cắn dài”. Cho dù, đã kêu gọi thực hành tiết kiệm ở mọi nơi, mọi lúc và trong mọi việc; đã thanh tra, kiểm tra việc chi tiêu công, kết quả thì vẫn như Thủ tướng đã nói ở trên. Và nguyên nhân dẫn đến tình trạng chi tiêu của công lãng phí chính là do ý thức tiết kiệm của công trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương đến địa phương chưa cao. Vẫn coi của công là của chung.

Của chung thì không ai xót, không ai tiếc. Chưa kể, số người muốn biến của chung thành của riêng càng nhiều, càng tốt không phải là ít. Nên tiết kiệm của công chưa trở thành mục đích tự thân của số đông người. Vì thế mà việc thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thiếu tính tự giác và chủ động. Thậm chí, có khi còn cố tình gây lãng phí để trục lợi cá nhân. Chính vì thế mà Chính phủ đã có dự thảo nghị quyết về 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2015. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong điều hành tài chính – ngân sách. Trong đó, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công.

Cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài. Đó là việc rất đáng làm và cần làm ngay. Làm triệt để. Mong muốn là vậy, nhưng kết quả thì chưa chắc đã được như mong muốn. Vì rằng, các chủ trương, biện pháp tương tự về tiết kiệm của công đã có nhiều rồi, nhưng thực trạng thì vẫn như đã nói ở trên. Lý do là khâu thực hiện chưa tốt. Chưa tốt là vì tiết kiệm chi tiêu công chưa phải là mục đích tự thân của cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy công quyền…

Vì thế, đi cùng với các giải pháp nêu trên thì cần có thêm các biện pháp, chế tài đủ mạnh để đưa việc tiết kiệm của công, ban đầu là bắt buộc và lâu dần thì trở thành ý thức tự thân của mỗi người. Chưa làm được điều đó thì phương châm tiết kiệm là quốc sách tiếp tục sa vào vòng luẩn quẩn là nói nhiều mà kết quả thì chẳng được bao nhiêu?!

Bụt Sơn